2.2.2.1. Tạo ra mẫu người công dân tự do cho một xã hội lý tưởng
Trong tác phẩm “Mấy ý nghĩ về giáo dục”, Lốccơ đã xây dựng “mục đích của giáo dục là đào tạo những con người phong nhã có tài năng, hoạt bát, linh lợi, lịch thiệp, có những đức tính của một thương gia tư sản” [21, tr.3]. Khác với Lốccơ, nhân vật Émile trong tác phẩm “Émile hay là về giáo dục”
của Rousseau được đào luyện với mục tiêu trở thành một công dân tốt, một người cha tốt và một người lao động tốt. Toàn bộ tác phẩm “Émille hay là về giáo dục” thực chất là một bức hoạ chân dung của một mẫu người lý tưởng trong quan niệm của Rousseau. Mẫu người lý tưởng này giữ được bản thân mình trong sạch đúng như bản chất vốn có của thiên nhiên. Khi được lôi kéo ra bên ngoài xã hội, do đã được giáo dục, anh ta có khả năng chống lại các tật xấu để đến khi trưởng thành gia nhập xã hội sống chung với người khác. Rousseau viết: “Sống là nghề tôi muốn dạy anh ta”, “việc học tập đích thực của chúng ta là học tập về thân phận con người” [16, tr.38]. Như vậy, mục
tiêu giáo dục của Rousseau là huấn luyện con người. Giáo dục là nghệ thuật xây dựng con người.
Bên cạnh “sống” với tính cách là mục tiêu giáo dục, việc bảo tồn sự sống là một mục tiêu rất quan trọng “mọi người chỉ nghĩ đến bảo tồn con mình; như thế không đủ cần dạy nó tự bảo tồn khi là người trưởng thành, dạy nó chịu đựng các đòn của số phận, dạy nó không sợ giàu sang và nghèo khổ, dạy nó sống nếu cần, trên băng đá miền Islande hay trên núi đá nóng bỏng vùng Mallte” [16, tr.39]. Tự bảo tồn cũng là một qui luật hết sức tự nhiên “định luật đầu tiên của thiên nhiên là sự lo toan tự bảo tồn”.
Mục tiêu giáo dục con người không phải để đạt một cái địa vị, đẳng cấp hay tài sản. Bởi vì, theo ông, con người ở mọi địa vị là như nhau. Ông viết: “Vì người giàu chẳng có dạ dày to hơn người nghèo và chẳng tiêu hoá tốt hơn người nghèo; vì ông chủ chẳng có cánh tay dài hơn cũng như mạnh hơn người nô lệ;… và cuối cùng do các nhu cầu tự nhiên ở khắp nơi đều giống nhau, nên các phương sách để cung ứng cho các nhu cầu ấy ắt phải như nhau ở khắp nơi. Hãy làm cho sự giáo dục con người phù hợp với con người, chứ không phải với cái gì không hề là anh ta. Các vị không thấy rằng trong khi ra sức đào tạo con người chỉ chuyên cho một địa vị, là các vị đã khiến anh ta vô dụng với bất kỳ địa vị nào khác” [16, tr.256]. Bởi vậy, con người chỉ có một “nghề”
duy nhất được phép học đó là học “làm người”. Tư tưởng này của Rousseau đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhà triết học giáo dục nổi tiếng người Mỹ - John Dewey. John Dewey cũng cho rằng mục đích của giáo dục là làm cho các cá nhân có thể tiếp tục phát triển suốt đời. Trường học phải chuẩn bị đào tạo ra những con người và dạy làm người hơn là mục tiêu kiếm sống. Quan điểm này cũng rất thống nhất với mục tiêu giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa và mục tiêu giáo dục của Việt Nam là luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ của giáo dục là để hoàn thiện nhân cách con người.
Mục tiêu của giáo dục là phải làm cho con người thấy hết ý nghĩa của cuộc sống được tự do và hạnh phúc “con người đã sống nhiều nhất không phải là người đã đếm được nhiều năm nhất mà là người đã cảm nhận cuộc đời được nhiều nhất” [16, tr.39]. Nếu không được giáo dục để thưởng thức cuộc đời, để làm cho cuộc sồng có giá trị, thì theo Rousseau, dù “lúc nhắm mắt xuôi tay có xa buổi lọt lòng đi nữa cũng chẳng có ích gì, cuộc đời vẫn cứ là quá ngắn ngủi khi khoảng cách thời gian ấy không được sử dụng đủ đầy” [16, tr.285]. Rousseau còn nói: “Phải sống hạnh phúc. Đó là mục đích cuối cùng của mỗi người có cảm tính. Đó là dục vọng đầu tiên của thiên nhiên” [trích theo 46, tr.505].
Vậy làm thế nào để trẻ được sống, tự bảo vệ cuộc sống của mình và có được hạnh phúc thực sự? Câu trả lời là trẻ cần được cung cấp những thứ mà khi sinh ra, con người chưa có, nhưng lại rất cần khi con người lớn lên.
Con đường mà Rousseau lựa chọn và đặt tên là con đường tự nhiên. “Tự nhiên rèn luyện trẻ em không ngừng; tự nhiên làm tính tình chúng cứng rắn lên bằng đủ loại thử thách”. Chính nhờ các thử thách này mà đứa trẻ mạnh lên - đó là vũ khí chống lại những tai hoạ có thể mang đến cho trẻ tại mọi thời điểm. Rousseau đã đưa ra những luận chứng để chứng tỏ nếu dạy trẻ không đúng cách là ta đang biến trẻ thành một người tai ác và như thế trẻ cũng không thể có khả năng tự bảo tồn mà lệ thuộc vào người khác. Ví như việc khi một đứa trẻ mới sinh ra, nó khóc lóc thì lập tức người ta khi thì rung rinh để dỗ dành, khi lại doạ nạt hay đánh đập. Chiều theo ý thích của trẻ hay ý thích của bản thân ta đều không phải là cách hay. Muốn đứa trẻ “giữ được hình thái bản lai của nó” thì phải “duy trì hình thái ấy ngay từ lúc chào đời”.
Giáo dục là cả một quá trình lâu dài và cần nhất quán. Sự chăm sóc của cha mẹ là đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của trẻ. Bàn về trường hợp cha mẹ không nuôi nấng con, ông viết: “Không còn tình thân mật giữa cha mẹ nữa, khi sự giao tiếp trong gia đình không tạo nên sự êm đềm của
đời sống nữa, thì phải nhờ cậy đến những thói tục xấu xa để bù đắp vào đó” [16, tr.49]. Nếu không dạy dỗ con cái là mắc tội: “mắc nợ giống loài những con người; mắc nợ xã hội những con người có tính hợp quần; mắc nợ quốc gia những công dân” [16, tr.49].
Tại sao con người từ bản tính tự nhiên là tốt là thiện lại sinh ra ác? Rousseau đã lý giải: “cái làm cho con người căn bản thiện tâm, là do có ít nhu cầu, và chẳng mấy khi muốn so sánh với kẻ khác; cái làm cho căn bản là độc ác là do có quá nhiều nhu cầu và chú trọng quá nhiều đến dư luận” [16, tr.285].
Tóm lại, toàn bộ tác phẩm “Émile hay là về giáo dục” đã thể hiện mục đích của giáo dục: không phải là đào tạo những con người có quyền cao chức trọng mà là đào tạo những con người biết sống, biết lẽ sống và có khả năng thích ứng được kể cả với với những điều kiện khắc nghiệt của hoàn cảnh.
2.2.2.2. Sự hài hoà giữa đạo đức, lý trí và thể lực
Theo quan điểm của Rousseau, một công dân tốt của xã hội phải là một công dân có đủ trí tuệ và đạo đức. Bởi vậy, giáo dục để đạt mục tiêu tạo ra mẫu người công dân tự do cho một xã hội lý tưởng thì công dân ấy phải có sự hài hoà giữa đạo đức, lý trí và thể lực. Émile, nhân vật trong tác phẩm đã được giáo dục để có một thể lực khoẻ mạnh, một ý chí vượt qua mọi khó khăn và có đạo đức để thoát khỏi những cám dỗ. “Chàng trai đã được đào tạo nghiêm ngặt đến thế, một người đã không sợ gì những khắc nghiệt của thời tiết các mùa, đã đem thân thể mình lao vào những việc lao động nặng nhọc nhất, đã đem tâm hồn mình phó mặc cho riêng những quy luật, nơi không để có những thành kiến, những đam mê lọt vào được; con người chỉ yêu sự thật, chỉ theo lẽ phải, và chẳng thiết cái gì không phải là mình” [16, tr.616].
Lý trí là lẽ phải. Có lý trí sẽ có tự do, có tự do sẽ có hạnh phúc - mục đích tối cao của nhân loại. Đạo đức sẽ điều khiển lý trí, khiến cho con người biết tuân theo tiếng gọi của lương tâm, hướng đến điều thiện. Lý trí và đạo đức chỉ tỏa sáng rực rỡ khi nó được nâng đỡ trên cơ thể tràn trề nhựa sống:
một thân hình khỏe mạnh, các giác quan nhạy bén, một thần thái sáng suốt... Tóm lại, một công dân lý tưởng phải có đức, có tài và phải được giáo dục từ khi còn nhỏ. Đạo đức nhằm rèn luyện tình cảm cho con người. Tình cảm đối với Rousseau rất quan trọng, bởi vì nó sẽ làm cho con người biết kìm hãm dục vọng của bản thân, biết yêu chuộng công lý và biết nhận thức rằng mình mang nợ đối với non sông, biết hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung.
Nói về mối quan hệ hài hoà giữa đạo đức, ý trí và thể lực, Rousseau viết: “Không hề có hạnh phúc nào là không cần lòng dũng cảm, không có đức hạnh nào không cần sự phấn đấu. Từ đức hạnh là suy ra từ sức mạnh; sức mạnh là nền tảng của mọi đức hạnh. Đức hạnh chỉ thuộc về một sinh thể yếu đuối về bản chất và mạnh mẽ về ý chí; thế là chỉ bằng mỗi điều đó mà làm nên giá trị con người chính trực” [16, tr.635].