Trả lời câu hỏi: “Khai minh (khai sáng) là gì?”, nhà triết học Immanual Kant đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng: “Khai minh là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy” [16, tr.7].
Khai sáng hiểu theo nghĩa chung nhất là việc tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng tiến bộ, nâng cao các chuẩn mực đạo đức và tri thức khoa học, là những phương tiện quan trọng để biến đổi cuộc sống xã hội, con người, làm cho nhân loại tiến bộ nhằm xây dựng lại quan hệ xã hội trên cơ sở bình đẳng, công lý và các nguyên tắc bắt nguồn từ quyền lợi con người.
Theo đúng như tên gọi - phong trào Khai sáng, các triết gia của phong trào này đặc biệt quan tâm đến giáo dục - lĩnh vực được coi có tầm ảnh hưởng quan trọng và trực tiếp đến việc truyền bá tri thức.
Khi bàn về giáo dục, Rousseau nói tới vai trò của giáo dục. “Tất cả cái gì ta không có khi sinh ra đời và ta cần dùng đến khi ta trưởng thành, đều là do giáo dục cấp cho chúng ta cả” [46, tr.460]. Giáo dục là nghệ thuật xây
dựng con người. “Con người sinh ra đã là sản phẩm của tự nhiên, nhưng sau đó còn trở thành sản phẩm của giáo dục” [13, tr.455]. Rousseau đã xuất phát từ quan điểm cho rằng bản chất tự nhiên của con người là tốt song đã bị biến chất bởi xã hội. Xuất phát ấy đã đưa ông đến một kết luận hành động: “Cần phải cải tạo lại và có thể cải tạo lại con người bằng giáo dục”. Đối với con người, phải giáo dục mọi người phát hiện và khai thác cái kho tàng vô cùng quý báu của nội tâm, nơi mà ảnh hưởng tai hại của xã hội không lan tới, nơi dự trữ các đặc tính thiên nhiên của con người [46, tr.433].
Như vậy, Rousseau đã dành cho giáo dục quyền lực là phát huy tối đa sức mạnh của “bản tính tự nhiên” con người, vì bản tính con người là thiện. Giáo dục phải đào tạo con người với tư cách là tác nhân cải tạo xã hội chứ không chỉ là nhân tố tái tạo xã hội.