2.2.4.1. Gây hứng thú, tạo ham muốn cho người học
Là người đặc biệt tôn trọng tự do của trẻ, Rousseau đấu tranh chống lối giáo dục áp đặt. Ông đề xuất phương pháp giáo dục phải gây hứng thú để các em không học một cách miễn cưỡng.
Theo Rousseau, việc giáo dục chỉ hiệu quả khi nó xuất phát từ bản chất tích cực của đứa trẻ để tác động lên bản chất này, phải từ bỏ những hành động mang tính cưỡng ép. Phải tôn trọng trật tự tự nhiên những hoạt động, khả năng tâm lý lứa tuổi, nếu làm trái trật tự này là không có kết quả. Ông viết: “Phát triển tất cả sức mạnh thiên nhiên của trẻ , tức là cho nó sự phát triển tối đa” [39, tr.166]. Mà trong quá trình vận động phát triển đó đứa trẻ mới là người thực hiện, những hiểu biết do chính đứa trẻ khám phá mới là hiểu biết hay và lâu bền. Người thầy giáo ở đây đóng vai trò khai thác khuynh hướng
lứa tuổi, là người lựa chọn hoàn cảnh nhằm kích thích sự tập trung chú ý, tò mò và cố gắng của trẻ.
Khi trẻ có thể hỏi ta nhiều điều, song việc trả lời đủ để nuôi dưỡng chứ không để thỏa tính tò mò của trẻ. Phải đặc biệt lưu ý động cơ mà trẻ lên tiếng. Ông viết: “Các vị hãy làm cho học trò của mình chú ý đến các hiện tượng của thiên nhiên, chẳng bao lâu các vị sẽ làm cho nó thành hiếu kỳ; nhưng để nuôi dưỡng lòng hiếu kỳ của nó, các vị đừng bao giờ thỏa mãn lòng hiếu kỳ ấy. Hãy đặt ra những vấn đề vừa sức nó, và hãy để nó tự giải quyết các vấn đề đó. Sao cho nó hiểu biết điều gì cũng không phải do quý vị đã bảo cho nó, mà vì nó đã tự tìm hiểu lấy; sao cho nó đừng học khoa học, mà tìm ra khoa học” [16, tr.217].
2.2.4.2. Phương pháp giáo dục bằng kinh nghiệm
Rousseau đã sống ở một xã hội mà trong suốt một thời kỳ dài người ta chỉ coi nặng việc học khoa học xã hội và nhân văn như triết học, âm nhạc, hội họa... Không đồng ý với quan điểm này, nội dung giáo dục của ông đã đưa nhiều tri thức về khoa học tự nhiên như thiên văn, vật lý, toán học... Phương pháp của Rousseau cũng hoàn toàn khác biệt với lối dạy truyền thống thầy nói, trò ghi còn thi cử thì gắn liền với những điều thầy giảng và sách đã viết. Phương pháp ông đưa ra mang tính trực quan, đặc biệt coi trọng thí nghiệm, thực hành. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Émile hay là về giáo dục”, ông hướng dẫn cậu học trò định luật khúc xạ ánh sáng như sau:
- Để nước vào cống thủy tinh rồi cắm chiếc đũa vào đó.
- Cho trẻ quan sát và nhận xét hiện tượng với chiếc đũa (chiếc đũa bị gãy khúc tại điểm giao nhau giữa không khí và nước).
- Cho trẻ quan sát hiện tượng này ở các tầm khác nhau (cho thêm nước, rút bớt nước, xoay quanh cốc để quan sát...) cuối cùng trò sẽ tự tìm ra quy luật về hiện tượng tự nhiên này.
Rousseau luôn khẳng định, sự giáo dục con người cần bắt đầu từ khi mới ra đời và kinh nghiệm luôn đến trước các bài học. Bởi vậy, giáo dục bằng kinh nghiệm là hết sức quan trọng. Rousseau là người chống lại phương pháp giáo dục giáo điều sách vở. “Đừng dạy học trò mình bất kỳ loại bài học nào bằng lời lẽ; nó chỉ được nhận bài học từ trải nghiệm” [16, tr.107]. Phương pháp này của ông được bắt đầu dạy trẻ từ khi con rất nhỏ bằng cách dần dần tập cho trẻ quen tiếp xúc với các đồ vật xấu xí, kì cục bằng cách cho trẻ tiếp xúc dần dần từ xa đến khi trẻ quen do người khác sờ mó đối tượng đó rồi chính trẻ sờ mó chúng. Như thế lớn lên, trẻ sẽ không sợ con vật nào. Cũng với phương pháp tiệm tiến này, ông dạy trẻ làm quen với các mặt lạ từ dễ thương đến xấu xí, hay những điều đáng sợ hơn như sấm sét hay những tiếng nổ. Câu chuyện ông giáo dục cậu học trò Émile của mình một bài học địa lý. Thay vì thuyết giáo một bài nói về vị trí địa lý của khu rừng mà chẳng học trò nào muốn nghe, vì nó luôn thắc mắc: “cái đó để làm gì?”, thì người thầy giáo đã dàn dựng một buổi học thực tế đầy hữu ích. Vào một buổi sáng, thầy và trò cùng vào rừng chơi rồi bị lạc, không tìm được đường về mà đã về trưa nắng và đói. Đây là thời điểm thích hợp để bài học địa lý phát huy tác dụng:
“Jean-Jacque: Ta chẳng nói rằng khu rừng ở về... Émile: Phía bắc của Montmorency.
Jean-Jacque: Do đó Montmorency phải ở về... Émile: Phía nam của khu rừng.
Jean-Jacque: Ta có một phương kế để tìm ra hướng bắc vào mười hai giờ trưa không?
Émile: Có ạ, nhờ chiều hướng của bóng. Jean-Jacque: Nhưng còn hướng nam? Émile: Phải làm thế nào ạ?
Émile: Đúng thế; vậy chỉ cần tìm hướng đối lập với hướng bóng. Ồ hướng nam kia rồi! Hướng nam kia rồi! Chắc chắn Montmorency ở về phía đó.
Jean-Jacque: Có thể là em đúng: ta hãy đi theo con đường nhỏ này xuyên qua rừng.
Émile, vừa vỗ tay, vừa reo lên mừng rỡ:
Em nhìn thấy Montmorency rồi! Nó ở ngay trước mặt cúng ta, lộ hẳn ra. Ta đi ăn trưa, ta đi ăn trưa nào, chạy nhanh lên: thiên văn học cũng có ích lợi cho một việc gì chứ” [16, tr.237-238].
Đó chính là giờ dạy và cũng là tiết học hiệu quả nhất đối với cả thầy và trò. Trò sẽ không bao giờ quên được bài học đó - bài học mà cả thày và trò được hành động nhiều hết mức có thể. Học trò phải được trực tiếp làm thì mới dễ tiếp thu và nhớ lâu. Rousseau cũng đã lưu ý, học cần phải đi đôi với hành, bởi nếu chỉ nghiên cứu thuần túy tư biện khi ra đời sẽ không biết cách xử sự.
Phương pháp dạy học bằng kinh nghiệm của Rousseau rất gần với nguyên tắc dạy học trực quan của nhà sư phạm vĩ đại người Séc - A. Cômenxki. Người được coi là ông tổ của nền sư phạm hiện đại này cực lực phản đối phương pháp dạy học giáo điều, chỉ đơn thuần dùng ngôn ngữ với những lời lẽ khoa trương, sáo rỗng. Cômenxki cho rằng, giáo dục không phải là đem một mớ những từ, những câu, những ý kiến của tác giả mà nhồi nhét vào đầu óc người học, mà là dùng sự vật để giúp họ mở đường hiểu biết; cơ sở của mọi tri thức là ở chỗ lấy những vật thể mà giác quan của ta có thể tiếp thu được. Việc dạy học phải bắt đầu bằng sự vật, hiện tượng.
Có thể nói nguyên tắc dạy học trực quan của Cômenxki đã đặt nền móng cho phương pháp dạy học bằng kinh nghiệm của Rousseau. Tuy nhiên, Cômenxki thì đưa ra lý thuyết về phương pháp giảng dạy đó, còn Rousseau đã minh họa bằng các ví dụ cụ thể. Phương pháp dạy học của Rousseau có nhiều yếu tố tích cực nhằm đào tạo những con người thông minh và tự quyết cuộc sống của mình sau này. Dạy học theo phương pháp bằng kinh nghiệm của
Rousseau không chỉ mang tri thức đến cho trẻ mà lớn hơn là dạy trẻ phương pháp tư duy, phương pháp hành động.
2.2.4.3. Phương pháp giáo dục trẻ bằng lợi ích
Nhà giáo dục học Cômenxki đã đưa ra một quan điểm rất hay rằng: “Người hiền minh không phải là người biết nhiều mà là người biết những điều hữu ích” [46, tr.262]. Chính lợi ích sẽ là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy người học. Rouusseau đã nắm được điểm cốt yếu này, nên ông đã đưa ra phương pháp giáo dục bằng lợi ích. Không ưa lối giải thích lý luận dài dòng, Rousseau cho rằng: “Với lối giáo dục lắm lời của chúng ta thì chúng ta chỉ tạo nên những kẻ lắm lời mà thôi”. Một trong những phương pháp hữu ích để Rousseau giáo dục trẻ hiệu quả là giáo dục bằng lợi ích. Ví dụ, muốn giáo dục học trò thức dậy đúng giờ, Rousseau đã đưa ra một trò vui hợp với sở thích để kích thích. “Nếu tôi muốn nó dạy đúng lúc, tôi bảo nó: Ngày mai vào sáu giờ mọi người đi câu, đi dạo ở nơi này; em có muốn tham gia không? nó đồng ý, nó yêu cầu tôi đánh thức nó: tôi hứa, hoặc không hứa, tùy nhu cầu; nếu nó tỉnh dậy quá muộn, nó thấy tôi đi rồi. Sẽ là tai họa nếu chẳng bao lâu nó không học được cách tự mình thức dậy”. Để khuyến khích trẻ học chữ thì ông đưa ra cách khi có giấy mời trẻ đi dự tiệc do không biết đọc nên trẻ đã không biết thời gian nên đã bỏ mất cuộc vui. Đấy chính là động lực khiến trẻ rất hăng hái với việc học chữ.
Phương pháp giáo dục trẻ bằng lợi ích thực chất đã để trẻ tự do quyết định hành động căn cứ trên nhu cầu của bản thân, như vậy trẻ không thấy mình bị gò ép và việc học sẽ rất hiệu quả.
2.2.4.4. Phương pháp giáo dục trẻ bằng hậu quả tự nhiên
Quan điểm của Rousseau về phương pháp hậu quả tự nhiên là phải để trẻ được tận mắt nhìn thấy hoặc phải gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra từ đó tự khắc sẽ biết cần phải hành động thế nào. Bởi ông cho rằng trẻ quên mọi điều chúng đã nói và những điều người ta đã nói với nó, nhưng sẽ không bao giờ nó quên những gì chúng làm và những việc người ta làm với chúng. Chẳng hạn, nếu trẻ hay cáu rồi phá hỏng những thứ nó đụng đến thì
không vội cho trẻ những đồ đạc khác, mà cứ để nó cảm nhận sự thiếu thốn. Nếu trẻ làm vỡ cửa kính thì sẽ phải chịu cái rét và cứ để nó chịu sự bất lợi đó dù nó có thể bị cảm lạnh. Sau đó, không cần mắng mỏ, cho sửa cửa kính. Nếu đứa trẻ vẫn ương bướng mà lại đập vỡ cửa kính. Lần này sẽ nhốt nó vào phòng mà không có cửa sổ. Chỉ không lâu sau, chắc chắn đứa trẻ nhận thấy rõ hậu quả do mình gây ra không dám cố tình đập vỡ cửa kính nữa [16, tr.119] Phương pháp hậu quả tự nhiên này ông còn ứng dụng ngay cả khi học trò bước vào tuổi trưởng thành. Khi muốn giáo dục đứa trẻ trước nguy cơ sa ngã bởi thú vui chơi trác táng, ông đã dẫn ra một câu chuyện một ông bố khi không còn cách gì để dạy dỗ cậu con trai hám sắc, ông đã đưa cậu con trai đến thẳng bệnh viện chữa giang mai để cậu tận mắt chứng kiến cảnh tượng gớm ghiếc - hậu quả của hành vi dâm đãng. Lúc đó, người cha mới nói với con: “Đi, đồ trụy lạc khốn nạn, cứ đi mà theo cái khuynh hướng đê tiện đã lôi kéo mày; chắng mấy chốc mày sẽ sướng lắm đấy khi bị tống cổ vào cái phòng này mà chịu những đau đớn ghê gớm nhất, mày buộc cha mày phải tạ ơn Chúa vì cái chết của mày” [16, tr.313].
Phương pháp giáo dục không cần nhiều lời này của Rousseau tỏ ra rất hiệu quả chỉ cần học lấy cách lựa chọn địa điểm, thời gian thuận tiện, rồi đưa tất cả bài học thành những tấm gương hữu ích với học trò. Chắc chắn tác dụng của nó rất lâu bền.
2.2.4.5. Phương pháp giáo dục khoan dung, xem trọng tâm lý lứa tuổi
Phương pháp giáo dục khoan dung, xem trọng tâm lý lứa tuổi là kết quả của các phương pháp trước cộng lại và đây cũng được coi là một phát hiện quan trọng và thành công nhất của Rousseau.
Công lao lớn nhất của Rousseau là phát hiện được đối tượng của giáo dục là trẻ em - một thứ người đặc biệt không nhầm lẫn với thứ người khác. Trước Rousseau, chưa ai làm được việc ấy và cũng chưa ai xác định đúng tầm quan trọng của đối tượng giáo dục. Theo ông, thường thì người ta nhìn đối
tượng một cách sai lệch, không nhìn nó là nó, mà nhìn nó qua mình. Hơn thế nữa, Rousseau còn nhận ra, ở mỗi giai đoạn lứa tuổi, trẻ em có một đặc điểm tâm lý khác nhau nên nội dung và phương pháp giáo dục cần phải đảm bảo đúng như lứa tuổi và vừa tầm hiểu biết của trẻ. Trẻ em là trẻ em trước khi là người lớn, đó là trật tự hết sức tự nhiên. Nếu làm trái quy luật này thì không thể có một thành quả tốt được ví như quả chín sớm. “tuổi thơ có các cách nhìn, suy nghĩ, cảm nhận riêng thuộc về nó; không có gì kém hợp lý bằng việc muốn đem cách nghĩ của chúng ta thay cho những suy nghĩ ấy” [16, tr.105].
Theo Rousseau, “người ta không muốn làm một đứa trẻ là đứa trẻ, mà thành một nhà uyên bác”. Các ông bố bà mẹ và ông thầy ra sức quở trách, chấn chỉnh, khiển trách, nịnh nọt, dọa dẫm, dạy bảo, nói lý nói lẽ, bắt trẻ tán thành điều nó không thích, đáng chán. Nói chung là trẻ mất tự do. Rousseau kịch liệt phản đối lối giáo dục gò ép, đòn roi. Ông gọi đó là lối giáo dục áp đặt, lối giáo dục này thực sự là một tai họa đối với học trò, nó còn được coi là ngục tù đối với trẻ. Đứng trên tinh thần nhân đạo, ông lý giải việc trẻ em nói dối như sau: “chính luật vâng lời tạo ra sự cần thiết phải nói dối, bởi việc vâng lời thì khó nhọc, người ta ngấm ngầm tự miễn việc đó cho mình nhiều hết mức có thể, và bởi lợi ích hiện tại là tránh được hình phạt hay sự quở trách thắng được lợi ích xa xôi là trình bày sự thật” [16, tr.121]. Đúc rút này của Rousseau thật chí lý. Ông đã quá hiểu tâm lý của trẻ. Rousseau đã khẳng định những lời nói dối của trẻ đều là sản phẩm của người dạy dỗ chúng do cứ mong muốn đưa trẻ vào khuôn phép, gò ép chúng với những bổn phận đáng ghét và bất khả thi khiến trẻ buộc nảy sinh tật xấu. Những lời giáo huấn của người lớn sẽ làm “những năm tháng non trẻ của chúng mòn mỏi trong u buồn” [16, tr.124] . Giải pháp của Rousseau là: “Khi ta không hề vội vã dạy dỗ, thì ta không vội vã đòi hỏi, và ta thung dung lựa cơ hội để chỉ đòi hỏi
đúng lúc. Thế là đứa trẻ tự tu dưỡng, chính ở chỗ nó không hề hư đi” [16, tr.122].
Để tránh tình trạng trẻ phải nói dối, ông cho rằng không bao giờ nên trừng phạt trẻ em với tư cách là hình phạt, mà sự trừng phạt chỉ là cái đến với chúng như một hậu quả tự nhiên của hành vi xấu nơi chúng. Xong hơn thế, tận gốc của vấn đề là trẻ cần được giáo dục tự nhiên và tự do thì chẳng có lý do gì mà trẻ cần phải nói dối.
Tóm lại, trong tác phẩm “Émile hay là về giáo dục”, Rousseau đã trình bày một hệ thống những con đường, cách thức được coi là tối ưu nhất để người học dễ dàng tiếp cận và nắm bắt nội dung tri thức. Song điểm chung nhất của các phương pháp này là đề cao phương pháp tự học. Trẻ em luôn đóng vai trò chủ động, tự giác tìm đến tri thức. Trẻ tự mình phát hiện ra cái mình muốn biết, sáng tạo lại khoa học, chỉ biết cái gì tự mình hiểu, không nhờ ai, không dựa vào ai.