Liên kết dọc

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị dừa trái tươi tỉnh Bến Tre (Trang 60)

Liên kết dọc (giữa các tác nhân trước và sau trong chuỗi giá trị ) khá chặt chẽ, nhưng toàn bộ chuỗi liên kết dọc lại hết sức lỏng lẻo (các tác nhân không ràng buộc nhau ở bất kỳ điều khoản nào, nếu có sự chênh lệch giá, họ sẽ thay đổi đối tác ngay lập tức) nên chuỗi giá trị dừa khó đảm bảo được chất lượng sản phẩm, giá cả và sự ổn định. Cụ thể:

- Liên kết giữa nông dân và thương lái thu gom khá lỏng lẻo: hình thức quan hệ tại thời điểm vẫn phổ biến, khi giá dừa tươi tăng cao làm cho nông dân có vị thế thị trường tốt hơn. Một số nông dân vẫn duy trì quan hệ mạng lưới với hệ thống thương lái thu gom, để ổn định thị trường đầu ra nhưng vẫn có quyền lựa chọn nơi bán để có lợi ích tài chính tốt nhất. Trong giai đoạn cạnh tranh dừa hiện nay, nông dân có vai trò quyết định trong mối liên kết này. Khi dừa tươi giảm giá, thương lái trở nên chiếm lĩnh thị trường, nông dân phải trong chờ vào hộ thu gom dừa, thậm chí việc thu gom còn diễn ra chậm trễ hơn bình thường. Trên 80% số hộ nông dân được khảo sát cho rằng họ tiếp nhận thông tin giá cả chủ yếu từ thương lái, trong khi tỷ lệ tiếp nhận giá cả trên báo đài lại rất thấp vì họ cho rằng thông tin trên đài thường không chính xác. Thông tin không đầy đủ, thường là giá dừa tốt nhất trong khi nông dân thì bán cả các loại, đây là một yếu tố quan trọng giúp cho các thương lái trung gian dễ dàng chiếm giữ lợi nhuận trong chuỗi giá trị.

- Liên kết giữa thương lái thu gom cấp 1 và thương lái thu gom cấp 2 hình thành trên quan hệ kinh doanh nhiều năm. Quan hệ này được củng cố bằng cách chia sẻ lợi ích tài chính hợp lý cho thương lái thu gom cấp 1. Người quyết định giá là thương lái thu gom cấp 2. Liên kết chủ yếu diễn ra dưới hình thức thỏa thuận giá cả và phương thức giao nhận hàng, không hình thành cơ chế hợp đồng chính thức, các bên có thể phá vỡ mối quan hệ khi đứng trước sự so sánh về lợi ích để đưa ra quyết định mua hàng/ bán hàng cho một thương lái khác tốt hơn.

- Liên kết giữa thương lái thu gom cấp 2 và người bán sỉ và lẻ có cả hình thức quan hệ tại thời điểm nhưng chủ yếu vẫn là hình thức mạng lưới. Mặc dù vậy, thỏa thuận giá và phương thức giao nhận là chính, không áp dụng cơ chế hợp đồng chính thức. Trong liên kết này, người bán sỉ quyết định giá cả nhưng phải chia sẻ lợi ích hợp lý cho thương lái thu gom cấp 2. Khi giá dừa tăng và có sự cạnh tranh thu mua, một số thương lái thu gom cấp 2 tự quyết định nơi bán để có lợi ích tài chính tốt nhất cho họ. Phương thức mua bán chủ yếu là thỏa thuận, cam kết miệng, không áp dụng cơ chế hợp đồng.

Nhìn chung, mối liên kết trong chuỗi giá trị dừa Bến Tre lỏng lẻo, có tính kết nối nhưng không chắc chắn, còn đứt đoạn, liên kết dọc đúng nghĩa chưa hình thành. Do đó, chuỗi giá trị dừa khó bảo đảm được về chất lượng sản phẩm và ổn định giá, cũng như sản lượng, điều này tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của dừa tươi Bến Tre nói riêng và ngành dừa nói chung.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị dừa trái tươi tỉnh Bến Tre (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)