Các yếu tố về kinh tế:
Kể từ khi đổi mới năm 1986 cho đến nay, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng khá cao (gần 7%/năm). Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, tuy có gặp những khó khăn nhất định do tác động từ bên ngoài, nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn có những chuyển biến tích cực, GDP bình quân tăng trên 7,2%/năm, GDP bình quân đầu người tăng từ 416 USD năm 2001 lên khoảng 1.160 USD năm 2010, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20% xuống 12%, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 6,3% xuống còn 4,6% năm 2010. Cùng với sự tăng tưởng về kinh tế, diện mạo của đất nước có nhiều
thay đổi cả thế và lực. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải đối mặt với thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao, môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng, bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh, thâm hụt cán cân vãng lai ở mức báo động, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc,...
Những thách thức trên đẩy lạm phát ở Việt Nam trong những năm gần đây tăng rất cao. Lạm phát giai đoạn 2000 - 2006 giữ ở mức một chữ số; năm 2007, tăng lên đến 12,6%/năm; năm 2008, tiếp tục tăng 19,89%; năm 2009, đạt 6,52%/năm; năm 2010 là 11,75%/năm. Năm 2011, lạm phát tháng 6 đã tăng 20,82% so với cùng kỳ năm trước (Nguồn: Tổng hợp số liệu từ các báo cáo thường niên của Tổng cục Thống kê). Với mức lạm phát này thì Việt Nam đang là một trong những nước có mức lạm phát cao nhất thế giới. Quốc hội và các cơ quan Chính phủ đã và đang coi kiềm chế lạm phát là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Xu hướng toàn cầu hóa kinh tế thế giới đã tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến và mở ra một thị trường rộng lớn nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức. Hiện nay, việc cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông diễn ra gay gay gắt có cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tình hình kinh tế đất nước thay đổi, yêu cầu Công ty phải có những sự điều chỉnh về kế hoạch, chiến lược kinh doanh của mình dẫn đến sự thay đổi trong các chiến lược và chính sách quản trị nguồn nhân lực của Công ty.
Các yếu tố luật pháp - chính trị:
Chính phủ yêu cầu công khai về tình hình tài chính và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng Công ty nhà nước nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin về các "anh cả" của nền kinh tế, trong đó có Tập đoàn BCVT Việt Nam. Về các tập đoàn, tổng công ty này, Chính phủ yêu cầu phải rà soát, đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động.
Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối và thoái vốn đã đầu tư vào các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính.
Chính phủ sẽ có phương án sắp xếp kiện toàn các doanh nghiệp thua lỗ, đổi mới mô hình tổ chức và quản trị tại các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ
100% vốn; đồng thời, hoàn thiện các quy định về quyền đại diện chủ sở hữu và người quản lý trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, về cơ chế quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cơ chế giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý.
Yêu cầu mới đây nhất của Chính phủ nằm trong mục tiêu này, nhằm công khai kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông buộc phải có những chiến lược, giải pháp để phát triển bền vững. Một trong những chiến lược đó thì công tác quản trị nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng và phải có tầm nhìn xa.
Các yếu tố văn hóa – xã hội:
Một tổ chức dù lớn hay nhỏ, hoạt động vì lợi nhuận hay vì mục tiêu công ích đều chịu tác động của yếu tố văn hóa xã hội. Nền văn hóa của mỗi nước có ảnh hưởng nhất định đến tâm tư nguyện vọng và hành động của con người trong đời sống kinh tế xã hội. Do vậy, muốn kinh doanh có hiệu quả, Công ty HPTD cần phải đi sâu nghiên cứu các vấn đề như: lối sống, khuynh hướng tiêu dùng và tiết kiệm, hành vi tiêu dùng, xu hướng thời trang, tiện lợi,… Do khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, người dân Việt Nam có xu hướng thích sử dụng các dịch vụ viễn thông hiện đại, chất lượng, đa dạng,…
Dân số và thị trường lao động:
Theo kết quả điều tra dân số đến tháng 12/2010, Việt Nam có gần 87 triệu người. Điều này phản ánh nguồn nhân lực của Việt Nam đang phát triển dồi dào.
Việt Nam được thế giới đánh giá là có lợi thế về dân số đông, đang trong thời kỳ “dân số vàng” nên lực lượng trong độ tuổi lao động khá dồi dào. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để đất nước ta thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội Đảng XI thông qua ngày 16/2/2011. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn còn thấp và cần phải được cải thiện càng sớm càng tốt. Chúng ta có một lực lượng lao động trẻ và dồi dào song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp. Do đó vấn đề tuyển dụng công nhân kỹ thuật hay đổi mới sản xuất kinh doanh, tiếp thu công nghệ mới còn nhiều khó khăn.
Các nhà quản trị phải nghiên cứu, cập nhật thường xuyên tình hình thị trường lao động. Vì tình hình thị trường lao động ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách nhân sự, đặc biệt là chính sách tiền lương và đào tạo. Có nghiên cứu
thị trường lao động thì chính sách quản trị nguồn nhân lực mới đạt được hiệu quả cao.
Các yếu tố về kỹ thuật công nghệ:
Các thiết bị viễn thông, công cụ làm việc hiện nay của công ty HPTD đều thuộc loại tiên tiến hiện đại của các hãng lớn trên thế giới, Công ty cũng đã và đang tiếp cận những công nghệ hiện đại nhất của thế giới về viễn thông để đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, dịch vụ hoàn hảo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Sự phát triển công nghệ viễn thông ngày càng nhanh làm Công ty phải đầu tư vốn cao và tốn kém chi phí đào tạo nhân lực, bên cạnh đó thì việc bố trí, sắp xếp lao động cũng là bài toán khó đối với Công ty.