Thực trạng chung

Một phần của tài liệu Quyền khởi kiện và cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện trong vụ án dân sự (Trang 68)

5. Cấu trúc đề tài

3.2.1. Thực trạng chung

Khi có quyền và lợi ích bị xâm hại hay vi phạm, các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại…khởi kiện đến Tòa án luôn mong muốn thực hiện việc kiện tụng của mình một cách thuận lợi và hoàn hảo. Trên thực tế, nhiều trường hợp đương sự gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện quyền kiện tụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Điển hình trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, sự thiếu hiểu biết pháp luật của đương sự về điều kiện khởi kiện dẫn tới yêu cầu khởi kiện chậm được thụ lý hoặc mất quyền khởi kiện

Trên thực tế, hoạt động thụ lý vụ án dân sự cho thấy nhiều trường hợp do nhận thức, hiểu biết pháp luật của đương sự về các điều kiện khởi kiện còn hạn chế dẫn đến việc đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình không đúng, không đầy đủ. Đơn cử như việc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhưng đơn khởi kiện không có đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật, thiếu những tài liệu, chứng cứ cần thiết chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp hoặc đương sự nộp đơn khởi kiện không đúng Tòa án có thẩm quyền, người thực hiện việc khởi kiện không có tư cách pháp lý để khởi kiện nhưng vẫn thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án. Các trường hợp trên sẽ là căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện, không thụ lý giải quyết vụ kiện.

Ngoài ra, việc nghiên cứu cho thấy không ít các trường hợp, do đương sự không biết được các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện hoặc biết nhưng sự xác định thời hiệu khởi kiện nhằm lẫn. Do vậy, khi đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án thì thời hiệu khởi kiện đã hết, đương sự có thể không thực hiện được việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình vì hết thời hiệu khởi kiện là căn cứ để Tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án. Trước khi BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 có hiệu lực thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện vì lý do hết thời hiệu khởi kiện thì đương sự do thiếu hiểu biết pháp luật lại cho rằng Tòa án gây khó dễ cho họ và khiếu nại nhiều lần. Theo quy định của BLTTDS hiện hành thì khi hết thời hiệu khởi kiện đương sự vẫn thực hiện được quyền khởi kiện. Mặc dù vậy, quy định hết thời hiệu khởi kiện cũng là căn cứ để Tòa án ra quyết định đình chỉ giải

quyết VADS, theo đó đương sự cũng không thể thực hiện việc kiện tụng đòi lại quyền và lợi ích bị xâm hại hay vi phạm.

Thứ hai, quy định pháp luật còn thiếu cơ chế hỗ trợ cho một số đương sự gặp khó khăn khi thực hiện quyền khởi kiện

Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số quy định về thủ tục tố tụng trong BLTTDS và văn bản hướng dẫn hiện nay cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về sự “thuận tiện”, bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự. Chẳng hạn sự thiếu vắng trong các quy định về quyền trực tiếp đến Tòa án để trình bày đơn khởi kiện, đơn kháng cáo trong những trường hợp đương sự có nhược điểm về thể chất và tinh thần hoặc thiếu quy định hỗ trợ, thủ tục tiếp nhận giải quyết đơn khởi kiện đối với đương sự thuộc trường hợp này. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp đương sự là người có nhược điểm về thể chất và tinh thần gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền khởi kiện của mình.

Một ví dụ điển hình là vào ngày 10/10/2012 đương sự là người khuyết tật tên là An Văn Châu (63 tuổi, ngụ đường Tôn Đản, Quận 4, TP.HCM). Hai lần ông Châu đến Tòa để nộp đơn kiện nhưng vẫn không được cán bộ Tòa án tiếp nhận và thụ lý vì không thể đến phòng thụ lý vụ án trên lầu 1 của Tòa án, lần 3 cán bộ Tòa án có xuống tiếp và hướng dẫn ông Châu bổ sung hồ sơ vì Tòa án không thể thụ lý vụ kiện của ông Châu vì hồ sơ khởi kiện chưa đầy đủ , lần thứ tư đến Tòa án, ông không được cán bộ Tòa án xuống tiếp, ông đành phải tự mình bò theo cầu thang từ tầng hầm để xe lên lầu 1 - nơi có phòng thụ lý án để nộp đơn khởi kiện. Tuy nhiên, lần này cán bộ Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho ông Châu với lý do vụ kiện không thuộc thẩm quyền của Tòa án do một người có liên quan trong vụ án là em ông Châu đang định cư tại Canada nên vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP.HCM45.

Như vậy, có thể nhìn nhận một sự thật là pháp luật hiện hành chưa có cơ chế hỗ trợ đương sự là người có nhược điểm về thể chất và tinh thần trong việc thực hiện việc kiện tụng bảo vệ quyền lợi của mình. Đối với họ việc tự mình thực hiện việc kiện tụng là hết sức khó khăn. Thiết nghĩ việc quy định cơ chế hỗ trợ đương sự thực hiện quyền khởi kiện từ giai đoạn làm đơn khởi kiện, gửi đơn khởi kiện và các giai đoạn tố tụng khác hay cơ chế tiếp nhận giải quyết yêu cầu khởi kiện từ phía Tòa án mà đương sự tham gia là hết sức cần thiết.

45 Chi Mai, Bò lên cầu thang nộp đơn cho Tòa, Báo điện tử Tuổi trẻ, 2010, http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa- hoi/20101211/bo-len-cau-thang-nop-don-cho-toa/415306.html, [ngày truy cập: 02/11/2014].

Một phần của tài liệu Quyền khởi kiện và cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện trong vụ án dân sự (Trang 68)