Bảo đảm quyền khởi kiện từ phía Tòa án

Một phần của tài liệu Quyền khởi kiện và cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện trong vụ án dân sự (Trang 79)

5. Cấu trúc đề tài

3.5.1. Bảo đảm quyền khởi kiện từ phía Tòa án

3.5.1.1. Thực trạng

Theo kết quả nghiên cứu thực tiễn thì quyền khởi kiện không được bảo đảm thực hiện là do nhiều lý do khác nhau. Như đã phân tích, là do sự hạn chế khiếm khuyết trong chính

các quy định của pháp luật. Về phía đương sự là sự thiếu hiểu biết pháp luật về những kiến thức cơ bản liên quan đến điều kiện khởi kiện vụ án dân sự. Ở góc độ, cơ quan thực thi pháp luật – Tòa án, việc không bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự là do thiếu trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm với nghề và có thể do các nguyên nhân chủ quan khác tác động việc xét xử vô tư, công bằng và khách quan của Tòa án. Một số bất cập trên thực tế mà Tòa án mắc phải khi giải quyết vụ án dân sự như: sai sót, lung túng trong công tác thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện, thụ lý vụ án hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án không đúng pháp luật. Viện dẫn một số trường hợp cụ thể cho những bất cập trên:

Tòa án thụ lý không đúng, xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp dẫn tới yêu cầu khởi kiện chậm được xem xét

Thực tiễn thụ lý giải quyết tranh chấp dân sự cũng cho thấy nhiều trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhận đơn, lẽ ra Tòa án này phải chuyển đơn khởi kiện tới Tòa án, cơ quan có thẩm quyền nhưng do không nắm vững các quy định về điều kiện thẩm quyền nên Tòa án nhận đơn khởi kiện và vẫn thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết. Việc thụ lý không đúng thẩm quyền dẫn tới Tòa án đã thụ lý phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền làm cho yêu cầu khởi kiện chậm được xem xét giải quyết.

Trong thực tiễn xét xử của ngành Tòa án đã xảy ra không ít vụ đương sự khởi kiện tranh chấp đất đai, Tòa án sơ thẩm quyết định thụ lý giải quyết VADS rồi mới phát hiện ra tranh chấp đó chưa qua thủ tục hòa giải bắt buộc tại UBND cấp xã đúng như luật định. Đơn cử như một vụ án ở Gia Lai được đăng trên cổng thông tin điện tử TAND tỉnh Gia Lai như sau:

Năm 2000, vợ chồng ông Trần Văn M ra Tòa án ly hôn, có đặt vấn đề phân chia 2.000 m2 đất trong tổng số 6.000 m2 do anh ông M. đứng tên sử dụng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Tòa án đã không xem xét yêu cầu này. Gần 10 năm sau, ngày 28/01/2010, vợ cũ của ông M yêu cầu chia lại số đất trên. Dù tranh chấp của bà này với anh em người chồng cũ chưa quan hòa giải ở cơ sở nhưng TAND thành phố Pleiku, tỉnh Gia lai vẫn thụ lý, giải quyết. Ngày 15/6/2010, Tòa đưa vụ kiện trên ra xét xử. Sau khi luật sư của một bên đương sự nêu ra việc vi phạm thủ tục tố tụng trên thì HĐXX đã phải nhìn nhận là bỏ xót thủ tục tố tụng và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án49

.

Tòa án trả lại đơn khởi kiện không đúng pháp luật

Tình trạng một số Tòa án không thụ lý và trả lại đơn khởi kiện không đúng đã xâm phạm tới quyền khởi kiện của đương sự. Theo báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 2012 thì một số trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện không có căn cứ theo quy định tại Điều 168 BLTTDS hiện hành. Ngoài ra cũng có những trường hợp việc khởi kiện của đương sự đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật nhưng Tòa án đã không thụ lý vụ việc do nhận thức không đúng về thẩm quyền, về điều kiện khởi kiện. Tình trạng trả lại đơn khởi kiện, “đùn đẩy” trách nhiệm giải quyết tranh chấp giữa Tòa án với các cơ quan vẫn còn tồn tại.

Trên thực tế vẫn còn tồn tại trường hợp vì đơn khởi kiện không ghi năm sinh của người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan hay chính người khởi kiện thì Tòa án làm căn cứ trả lại đơn khởi kiện. Theo quy định tại Điều 164 BLTTDS thì đương sự phải đáp ứng đầy đủ các thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều này khi làm đơn khởi kiện; đơn khởi kiện được ban hành kèm theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ- HĐTP của HĐTP TANDTC ban hành ngày 03/12/2012 – Hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS. Theo đó, pháp luật không quy định đơn khởi kiện phải ghi năm sinh của người khởi kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người bị kiện; tuy nhiên trong thực tiễn tố tụng lại có Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do đơn khởi kiện thiếu nội dung này. Có thể thấy trong một số trường hợp sau:

Cuối tháng 12/2008, bà Nguyễn Thị Tuyết gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp kiện bà Nguyễn Thị Thanh Mộng về tranh chấp ranh giới đất. Do không biết năm sinh của bà Mộng nên bà Tuyết không ghi năm sinh vào đơn khởi kiện. Sau khi nhận hồ sơ, TAND yêu cầu bà Tuyết phải bổ sung năm sinh của bà Mộng, Tòa mới tiến hành thụ lý vụ kiện. Bà Tuyết phải làm đơn đến Công an thị trấn Lai Vung xin cung cấp năm sinh của bà Mộng để hoàn tất đơn khởi kiện. Sau khi bà Tuyết bổ sung năm sinh của bà Mộng vào đơn khởi kiện, Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết.

Một vụ án khác, đầu tháng 7/2009, ông Trần Long Bảo làm đơn khởi kiện ông Nguyễn Long Sơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi đốn cây trồng của ông Nguyễn Long Sơn gây ra. Trong nội dung đơn khởi kiện, ông Bảo có đề cập đến hai người con của ông Sơn là Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Phú Tâm đã tự ý qua đất ông đốn hạ cây trồng. Sau khi nhận đơn khởi kiện, TAND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu ông Bảo phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Ông Bảo tất nhiên không thể tự mình tìm năm sinh hai người

con của ông Sơn nên phải làm đơn gửi đến Công an thị trấn Lai Vung xin cung cấp năm sinh của hai người nói trên để hoàn thành đơn khởi kiện.50

Việc Tòa án yêu cầu đơn khởi kiện phải ghi năm sinh của người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định, gây khó khăn cho công dân khi thực hiện quyền khởi kiện đúng pháp luật. Pháp luật tố tụng dân sự quy định người khởi kiện phải biết năm sinh của người bị kiện, đơn khởi kiện phải có năm sinh của người bị kiện. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có trường hợp nếu không có năm sinh của người bị kiện thì người khởi kiện khó có thể thực hiện quyền đi kiện của mình vì Tòa án sẽ trả đơn khởi kiện vì không đủ điều kiện khởi kiện, không thụ lý vụ việc. Có khi Tòa án yêu cầu đơn khởi kiện phải có năm sinh của người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Vấn đề đặt ra là trong trường hợp trên thì Tòa án do sai trình độ, kỹ năng hạn chế hay là sự né tránh trong việc tiếp nhận hồ sơ khởi kiện của đương sự, thụ lý giải quyết đối với một số vụ việc mà Tòa án “ngại” giải quyết. Chưa kể trên thực tế còn có những Tòa án viện vào những lý do, tài liệu, chứng cứ chưa đủ nên không ít đơn khởi kiện bị trả lại.

3.5.1.2. Giải pháp hoàn thiện

Để khắc phục vấn đề này cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về điều kiện, thủ tục khởi kiện trong nhân dân, tăng cường hoạt động của các tổ chức trợ giúp pháp lý trong việc hỗ trợ cho người dân thực hiện quyền khởi kiện. Mặt khác, ngành Tòa án cũng cần thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác thụ lý, giải quyết vụ án dân sự và kịp thời có những hướng dẫn cần thiết để giải quyết những bất cập nảy sinh trong thực tiễn.

Hơn thế nữa, sự độc lập, vô tư khách quan của Tòa án được ghi nhận như những nguyên tắc quan trọng nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền khởi kiện (Điều 11 và Điều 16 BLTTDS). Tuy nhiên, để bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thì việc ghi nhận bằng pháp luật như trên vẫn chưa đủ mà cần thiết có thêm những cơ chế hỗ trợ khác nhau như về cơ chế bổ nhiệm Thẩm phán, chế độ đãi ngộ (khen thưởng, thù lao…).

Từ phân tích này chúng tôi kiến nghị bổ sung quy định về chế độ bổ nhiệm Thẩm phán vối nhiệm kỳ suốt đời và chỉ bị miễn nhiệm, bãi nhiệm nếu vi phạm nghiêm trọng pháp luật hoặc không đủ tư cách để tiếp tục hành nghề. Ngoài ra, các quy định về một chế độ đãi ngộ

đặc biệt đối với người làm nghề Thẩm phán và cơ chế giám sát, kỷ luật cũng được xem là một giải pháp để bảo đảm thực thi quyền khởi kiện từ phía Tòa án.

Một phần của tài liệu Quyền khởi kiện và cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện trong vụ án dân sự (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)