Các quy định bảo đảm việc thực hiện quyền khởi kiện

Một phần của tài liệu Quyền khởi kiện và cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện trong vụ án dân sự (Trang 47)

5. Cấu trúc đề tài

2.2.2.1.Các quy định bảo đảm việc thực hiện quyền khởi kiện

Thứ nhất, quy định về quyền nhờ người bảo vệ quyền lợi

Các đương sự tham gia tố tụng với mong muốn quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự luôn được pháp luật tố tụng ghi nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau trên thực tế không phải bao giờ cũng chính đương sự tự thực hiện được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của mình nên kết quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án không tránh khỏi bị hạn chế. Ở nước ta, vấn đề tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án còn hạn chế bởi một phần họ không thể thể hiện được khả năng bảo vệ quyền của chính mình. Từ thực tế trên, trong nhiều trường hợp thì đương sự rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ khi tham gia tố tụng của cá nhân, tổ chức khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án.

Đương sự có thể tự mình hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình27. Đây là một nguyên tắc tố tụng cơ bản được ghi nhận trong BLTTDS nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đảm bảo đương sự thực hiện có hiệu quả quyền khởi kiện của mình. Như vậy, đương sự có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án khi tham gia tố tụng. Không phải cá nhân, tổ chức nào khi tham gia tố tụng đều có thể nắm rõ những quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của mình một cách hiệu qua nhất, đặc biệt trong điều kiện hệ thống các quy định pháp luật của chúng ta tương đối phức tạp và thiếu hoàn chỉnh, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật khổng lồ có khi lại chồng chéo. Cần một cá nhân, tổ chức giúp họ bảo vệ quyền lợi của mình trước Tòa án là điều cần thiết. Quy định này đảm bảo cho việc hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận với công lý, mặc khác còn góp phần làm cho việc giải quyết VADS của Tòa án diễn ra thận trọng, khách quan và tôn trọng pháp luật hơn.

Thứ hai, quy định về quyền được trợ giúp pháp lý

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho một số đối tượng không có khả năng về tài chính để tiếp cận với các dịch vụ pháp lý có thu phí, giúp họ bảo vệ

quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý thường là những đối tượng thuộc diện nghèo hoặc các đối tượng yếu thế khác. Đối với họ, việc ghi nhận quyền được tư vấn và trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện quyền khởi kiện cũng là một bảo đảm quan trọng để họ thực hiện có hiệu quả quyền này. Ở Việt Nam, hệ thống các cơ quan trợ giúp pháp lý được thành lập từ năm 1997 theo Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ. Luật trợ giúp pháp lý đã được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006. Theo đó, người được trợ giúp pháp lý bao gồm người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý nhất là trong những năm gần đây. Chính phủ đã ban hành quyết định số 734/QĐ-TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Quyết định số 112/2007/QĐ-TTG ngày 20 tháng 07 năm 2007 về chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Cùng việc việc thành lập các quỹ hỗ trợ pháp lý là hoạt động của các trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí do Sở tư pháp quản lý, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, hoạt động này đã được mở rộng ra tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp như Hội Luật gia, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân.

Trên thực tế, những đối tượng thuộc diện nghèo, gia đình chính sách và một số đối tượng yếu thế khác thì vấn đề tiếp xúc với pháp lý và hiểu biết pháp luật còn rất hạn chế. Khi có tranh chấp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình họ rất khó khăn trong việc tự mình thực hiện quyền khởi kiện trước Tòa án. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thực thi quyền khởi kiện cho các đương sự là người nghèo, đối tượng chính sách thông qua việc tư vấn miễn phí về điều kiện, thủ tục khởi kiện, chứng cứ, tài liệu cần chuẩn bị để xuất trình khi khởi kiện. Công tác tư vấn này, một mặt hỗ trợ cho người dân có thể thuận lợi, nhanh chóng thực hiện việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi của mình, mặt khác tránh được nhiều trường hợp đương sự không thực hiện được quy định khởi kiện do không biết quy định về điều kiện thời hiệu khởi kiện hoặc không biết cơ quan nào có thẩm quyền nên nộp đơn không đúng dẫn tới khi Tòa án nhận đơn khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện đã hết.

Thứ ba, quy định về đơn kiện và chứng cứ, tài liệu nộp kèm theo đơn kiện

Đơn kiện là văn bản của người khởi kiện chủ động đưa việc tranh chấp ra Tòa án giải quyết. Đơn khởi kiện phải đủ những nội dung cần thiết để Tòa án có thể quyết định thụ lý

hay không thụ lý vụ án. Theo quy định tại Điều 162 BLTTDS thì đơn kiện gồm những nội dung cụ thể sau: Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; tên Tòa án nhận đơn khởi kiện; tên, địa chỉ của người khởi kiện; tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích cần được bảo vệ, nếu có; tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nếu có; họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có. Đơn khởi kiện phải trình bày đầy đủ nội dung tranh chấp, quyền và lợi ích bị xâm phạm, yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan về những vần đề gì, các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án, tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn các tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp28

. Tuy nhiên, như đã phân tích ở Chương 1 thì để đảm bảo quyền khởi kiện thì các chứng cứ, tài liệu bắt buộc kèm theo đơn khởi kiện chỉ dừng lại ở những chứng cứ, tài liệu đủ để xác định điều kiện thụ lý vụ án. Do vậy, quy định tại Điều 164 và Điều 165 BLTTDS năm 2004 về vấn đề này là chưa bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự.

Tuy nhiên, để khắc phục bắt cập này Mục 5 Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của HĐTP TANDTC đã có hướng dẫn theo hướng trong trường hợp vì lý do khách quan họ không thể nộp đầy đủ ngay các tài liệu, chứng cứ thì họ phải nộp hết các tài liệu chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu chứng cứ khác họ phải tự nộp trong quá trình giải quyết vụ án. Các tài liệu, chứng cứ phải kèm theo đơn khởi kiện tùy từng loại tranh chấp cụ thể được xác định như sau:

- Đối với các tranh chấp về hôn nhân và gia đình, là giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bản sao giấy khai sinh của các con; chứng cứ, giấy tờ chứng minh tài sản thuộc sở hữu chung của các con; chứng cứ, giấy tờ chứng minh tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng hoặc tài sản thuộc sở hữu của từng người; các chứng cứ, tài liệu chứng minh mâu thuẫn giữa vợ chồng và các tài liệu cần thiết khác.

- Đối với tranh chấp về hợp đồng, là bản sao hợp đồng đã giao kết có tranh chấp hoặc chứng cứ, tài liệu chứng minh việc giao kết hợp đồng giữa các bên; các chứng cứ, tài liệu chứng minh quá trình thực hiện hợp đồng như hóa đơn thanh toán tiền, nhận tài sản, biên bản thanh lý và các chứng cứ khác có liên quan.

- Đối với tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là các chứng cứ, tài liệu chứng minh có hành vi vi phạm pháp luật, có thiệt hại xảy ra, thiệt hại là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm pháp luật; lỗi của người gây ra thiệt hại; bảng kê những thiệt hại xảy ra và các hóa đơn, chứng từ chỉ việc sửa chữa, khắc phục thiệt hại và các giấy tờ tài liệu khác.

- Đối với các tranh chấp về thừa kế là giấy chứng từ của người để lại di sản; bảng kê di sản và các giấy tờ chứng minh sở hữu của người để lại tài sản; di chúc (nếu có); giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, hộ khẩu, giấy chứng nhận nuôi con nuôi để xác định hàng thừa kế, diện thừa kế…

- Đối với các tranh chấp về lao động là những tài liệu như hợp đồng lao động, các giấy tờ chứng minh tranh chấp xảy ra và việc hòa giải tại cơ sở…

Như vậy, các quy định hướng dẫn cụ thể về đơn kiện và chứng cứ tài liệu nộp kèm theo đơn kiện sẽ thuận lợi cho đương sự trong việc chuẩn bị việc kiện cũng như các chứng cứ, tài liệu cần thiết, giúp cho Tòa án có thể nhanh chóng xem xét thụ lý vụ án, tránh được việc trả lại đơn kiện một cách không có đáng có.

Thứ tư, quy định về miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí

Khi nguời dân có quyền và lợi ích bị xâm phạm hay tranh chấp, họ có nhu cầu khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng có thể vì lý do tài chính mà Tòa án không chấp nhận thụ lý vụ án. Do vậy, nhằm hạn chế tình trạng này, tạo điều kiện cho người dân đều có quyền tiếp cận với công lý, đảm bảo quyền khởi kiện của người dân thực thi trên thực tế, pháp luật ghi nhận việc miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí. Điều 134 BLTTDS và Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 đã có những quy định về vấn đề này.

Điều 10 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án quy định những trường hợp không phải nộp tạm ứng án phí, án phí bao gồm: Cơ quan, tổ chức khởi kiện VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước…Điều 11 Pháp lệnh cũng quy định những trường hợp đương sự được miễn toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí: Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng trái pháp luật; Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ; Người yêu cầu về bồi thường tính mạng, danh dự, sức khỏe, nhân phẩm.

Người có khó khăn về kinh tế được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận, thì được Tòa án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí29

.

Một phần của tài liệu Quyền khởi kiện và cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện trong vụ án dân sự (Trang 47)