* Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường:
Qua phân tích thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý của Nhà trường cho đến thời điểm hiện nay vẫn bị đánh giá vừa yếu, vừa thiếu và mang nặng tư tưởng quản lý theo kiểu bao cấp, lỗi thời vì chủ yếu đối tượng cán bộ quản lý của Nhà trường hiện nay đặc biệt là các cán bộ quản lý nòng cốt đều là những cán bộ quản lý từ lúc Nhà trường vẫn còn là trường trung cấp với quy mô đào tạo nhỏ lẻ với rất ít chuyên ngành đào tạo đó là kế toán tổng hợp và lao động tiền lương. Chính vì vậy khi trường được quyết định chuyển thành trường cao đẳng thì đội ngũ cán bộ quản lý của trường không kịp thích nghi ngay với quy mô mới của Nhà trường: với số lượng cán bộ gấp 2, 3 lần số lượng cán bộ cũ; số chuyên ngành tăng lên tới 8 chuyên ngành và số lượng học sinh - sinh viên tăng lên tới gần 2.800 học sinh – sinh viên mỗi khóa. Chính vì vậy, rất nhiều cán bộ giảng viên của trường vừa phải làm công tác giảng dạy, vừa phải kiêm thêm công tác quản lý và một số cán bộ giảng viên còn được điều chuyển hẳn sang làm công tác quản lý mà chưa hề được đào tạo một cách chính quy, đầy đủ về quản lý giáo dục. Vì vậy, theo tác giả Nhà trường cân thực hiện một số giải pháp sau với hy vọng là sẽ nâng cao được chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý:
- Nhu cầu bồi dưỡng kiến thức quản lý cho cán bộ là điều không thể thiếu và phải được xem như việc làm thường xuyên;
- Để thực hiện tốt công việc quản lý, phải có một chính sách đào tạo nâng cao trình độ cho đối tượng này. Trước hết, mục tiêu, yêu cầu của chính sách là lựa chọn, đào tạo một tập thể lao động đồng bộ về số lượng và trình độ;
- Hoàn thiện, mở rộng, đầu tư đào tạo theo nhiều hình thức, theo một cơ cấu kiến thức và cách thức thích hợp…nhằm có được đội ngũ cán bộ quản lý theo ý muốn.
- Thời gian của cán bộ quản lý giáo dục rất hạn hẹp, họ chỉ có thể dự được những lớp học 3-4 ngày đến một tuần. Nội dung gồm nhiều môn thì phải chia ra làm nhiều đợt. Vì thời gian hạn hẹp, nên nội dung của chương trình học phải súc tích, cô đọng, đòi hỏi qua mỗi kỳ học phải thu được cái gì thật bổ ích, thật thiết
thực cho công tác trước mắt và lâu dài của họ; Vì vậy, phải chọn môn học, lựa chọn quy trình đào tạo. Xác định thời lượng cho mỗi khâu, trên cơ sở đó hình thành chương trình đào tạo;
- Không thể có một chương trình đào tạo cho mọi cán bộ quản lý, mà phải có nhiều chương trình, mỗi chương trình nhằm vào một đối tượng xác định cho nên cần làm tốt công tác thiết kế, tổ chức chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhằm đáp ứng đối tượng học;
- Xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, gồm các nội dung như:
+ Chương trình đào tạo về quản lý cao cấp cho hiệu trưởng, hiệu phó và
cán bộ kế cận: Thời gian từ 3 đến 4 tháng, chia làm nhiều đợt;
+ Chương trình đào tạo về quản lý cho đối tượng là trưởng, phó các
phòng, khoa, trung tâm: Thời gian 2 tuần;
- Về phương pháp đào tạo: Tập trung đào luyện khả năng tư duy phức tạp
một cách độc lập, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề quản lý do thực tiễn đặt ra. Vì vậy, cần đào tạo theo một cách thức riêng thích hợp. Chẳng hạn:
+ Xây dựng, phân tích và xử lý các tình huống điển hình trong quản lý; + Cung cấp các kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý qua bài giảng; + Thảo luận qua nhiều kiểu khác nhau;
+ Sử dụng các phương pháp mô phỏng;
- Bên cạnh đó, Nhà trường cần chú trọng đến việc phát triển nghề nghiệp cho người lao động: phát triển nghề nghiệp là chiến lược nhằm mục đích giữ những người lao động có giá trị nhất và bù đắp vào những vị trí trống do về hưu, rời bỏ công ty... Đào tạo chính thức kết hợp với các nhiệm vụ cụ thể, sự cố vấn thường xuyên từ các nhà quản lý giỏi là một yếu tố quan trọng đối với các cấp bậc khác nhau của nấc thang nghề nghiệp
* Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên của Nhà trường:
Do trước đây tiền thân của trường CĐN Du lịch – Thương mại Nghệ An là trường trung cấp nên cán bộ giảng viên được đào tạo của trường để đào tạo trung cấp vì vậy trình độ của đội ngũ giảng viên có hạn, năng lực hạn chế và một
phần nữa do trước đây quy mô của Nhà trường rất nhỏ, chủ yếu đào tạo theo ngành dọc vì vậy cả đội ngũ CBQL và giảng viên của Nhà trường vẫn còn mang nặng tư tưởng độc quyền. Chính vì thế khi Nhà trường được nâng lên thành trường Cao đẳng và phải chấp nhận sự cạnh tranh từ các trường ĐH, CĐ khác nên sự thiếu và yếu kém của đội ngũ giảng viên của Nhà trường mới được bộ lộ rõ. Ngoài ra, trong quá trình tuyển dụng giảng viên thì hầu hết giảng viên được tuyển là những cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm đứng lớp, chưa đảm bảo về trình độ, yếu về trình độ sư phạm. Vì vậy theo tác giả để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên thì Nhà trường cần tiến hành một số công việc sau đây:
- Xây dựng quy trình cụ thể về việc huấn luyện về trình độ sư phạm cho đội ngũ cán bộ trẻ: cán bộ trẻ khi mới được tuyển dụng về trường điểm yếu nhất là trình độ sư phạm và kinh nghiệm đứng lớp, nhà trường cần đặt ra một quy trình cụ thể để giúp họ sớm tự tin trong công tác giảng dạy. Quy trình này bao gồm cả việc quy định rõ ràng các khóa đào tạo kỹ năng sư phạm nào cán bộ trẻ phải tham gia, thời gian tham gia và yêu cầu về kiểm tra đánh giá sau khi kết thúc khóa học. Tăng cường để giảng viên trẻ đi thực tế tại các doanh nghiệp để nâng cao kinh nghiệm thực tế.
- Tăng cường các khóa đào tạo về kỹ năng mềm cho đội ngũ giảng viên: giảng dạy cũng như bất kỳ công việc nào rất cần các kỹ năng mềm như khả năng giao tiếp, khả năng thuyết trình, kỹ năng sáng tạo...Tuy nhiên thực tế cho thấy các trường hiện nay chỉ chú trọng đến các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn hoặc phương pháp giảng dạy mà quên đi việc phát triển các kỹ năng mềm ở đội ngũ cán bộ giảng dạy của họ. Giảng viên dù có trình độ, bằng cấp cao, dù có rất nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng nếu họ không có khả năng truyền đạt đến sinh viên của họ, không có khả năng thuyết trình bài giảng một cách thuyết phục, không có năng lực sáng tạo để luôn cải tiến phương pháp làm việc thì chất lượng giảng dạy của họ sẽ ở mức rất thấp. Nhà trường nên tổ chức khóa học này cho cán bộ của mình ở một mức thường xuyên hơn, giúp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy có thể vận dụng tất cả các kiến thức và kỹ năng trong quá trình giảng dạy.
- Thực hiện thường xuyên việc lấy ý kiến của chính đội ngũ cán bộ về nhu cầu đào tạo và các nguyện vọng khác của họ, nhận xét của họ về các chính sách và điều kiện làm việc, lấy đó làm cơ sở để thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giảng viên, từ đó mà tăng thêm sự hào hứng tham gia cũng như kết quả học tập của họ.
- Thường xuyên tập huấn cho giảng viên về phương pháp giảng dạy và cải tiến chất lượng giảng dạy: thực hiện ban hành quy chế bắt buộc đối với đội ngũ giảng viên phải tham gia tất cả các hội nghị khoa học về phương pháp giảng dạy của Nhà trường. Ngoài ra, Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với các trường bạn về các phương pháp giảng dạy hiệu quả.
- Khuyến khích cán bộ giảng dạy tham gia NCKH: bằng cách tăng cường cho NCKH, lấy việc tham gia NCKH là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá CBGD, người thầy nên có kinh nghiệm làm NCKH, vì nếu không người thầy chỉ là “thợ giảng”. NCKH giúp giảng viên đánh giá lại việc giảng dạy của bản thân đồng thời giúp cho việc giảng dạy đến gần người học hơn. Tuy vậy thực tế các giảng viên của trường hiện nay coi nhẹ công tác NCKH, điều này xuất phát từ phía giảng viên chưa thấy được tầm quan trọng của NCKH, phần khác kinh phí dành cho NCKH còn thấp. Thêm vào đó là thời gian giảng dạy chiếm quá nhiều, một số đơn vị do số cán bộ còn thiếu dẫn đến tình trạng quá tải trong giảng dạy.
Để góp phần thúc đẩy công tác NCKH của Nhà trường ngày càng phát triển, luận văn xin nêu ra ở đây một số đề xuất cụ thể như sau:
+ Khắc phục tình trạng giảng dạy quá tải bằng cách: đối với những đơn vị xảy ra tình trạng quá tải cần ưu tiên bổ sung thêm cán bộ, nếu chưa thể tuyển dụng thì có thể mời giảng viên của các trường ngoài
+ Kết hợp với các doanh nghiệp để tăng nguồn kinh phí dành cho NCKH + Có chế độ khuyến khích, đãi ngộ hợp lý đối với những giảng viên được đánh giá tham gia công tác NCKH tích cực và hiệu quả.
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên được cung cấp và sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, tư liệu khoa học, thư viện, mạng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học
+ Thiết lập chế độ thưởng theo thành tích, thưởng và ghi nhận các giảng viên có những cải tiến trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu.