Khi các món vay đã phát sinh nợ quá hạn, tùy theo từng trường hợp mà có cách xử lý phù hợp. Các biện pháp sau đây ngân hàng Agribank Trần Đề đã và đang thực hiện, chỉ cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh từng biện pháp thêm thực hiện đồng bộ với các biện pháp là nợ xấu có thể nằm ở mức kiểm soát.
- Nếu do nguyên nhân khách quan: ngân hàng có thể gia hạn nợ (đối với nợ ngắn hạn) hoặc điều chỉnh kỳ hạn nợ (đối với nợ dài hạn) để khách hàng có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó có nguồn thu nhập để trả nợ cho ngân hàng; tư vấn cho khách hàng về kế hoạch sản xuất kinh doanh, về quản lý nguồn vốn,… để khách hàng kịp thời khắc phục tình trạng thua lỗ; trợ giúp tài chính cho khách hàng, cung cấp những khoản vay mới, để khách hàng có vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh; nếu kế hoạch kinh doanh không còn khả thi có thể động viên khách hàng tự xử lý tài sản đảm bảo để trả hết nợ cho ngân hàng; nếu đã sử dụng hết các biện pháp và qua thời gian chờ xử lý thì sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng.
- Nếu do nguyên nhân chủ quan từ phía khách hàng: nếu nợ xấu do nguyên nhân chủ quan từ phía khách quan của khách hàng thì ngân hàng cần phải kiên quyết thu nợ bằng mọi biện pháp. Cụ thể như: thuyết phục khách hàng trả nợ bằng vốn tự có của khách hàng, hoặc nguồn vốn khác khách hàng có thể có được; hướng dẫn khách hàng tự xử lý tài sản của mình để trả nợ cho ngân hàng. Khi ngân hàng đã dùng hết các biện pháp mà khách hàng vẫn không trả nợ thì áp dụng các biện pháp xử lý tài sản đảm bảo, khởi kiện ra tòa,…Ngân hàng có thể tranh thủ sự hổ trợ của cơ quan pháp luật để thu hồi nợ xấu, tuy nhiên biện pháp này thường tốn nhiều thời gian và công sức nên thường được áp dụng cuối cùng.
CHƯƠNG 6
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 6.1 KẾT LUẬN
Nhìn chung, hoạt động tín dụng của ngân hàng có những thành tựu đáng kể thể hiện qua việc doanh số cho vay, doanh số thu nợ, dư nợ luôn tăng trưởng trong những năm vừa qua. Đó là kết quả của sự cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Trần Đề - Sóc Trăng.
Về rủi ro tín dụng, nợ xấu của ngân hàng trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 6/2013 đã giảm rất nhiều so với giai đoạn trước. Nợ xấu năm 2010 giảm 4,95 lần so với năm 2009 và đến tháng 6/2013 nợ xấu của ngân hàng chỉ còn 1.775 triệu đồng, tức giảm 12,25 lần so với năm 2009. Như đã phân tích, rủi ro tín dụng của Agribank Trần Đề thiên về ngắn hạn nhiều hơn vì ngân hàng chủ yếu cho vay trong ngắn hạn.
Mặt khác, nếu phân theo ngành kinh tế thì nợ xấu ngành thủy sản luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Ngược lại, ngành thương mại dịch vụ là ngành ít hoặc không có nợ xấu trong nhiều năm liền, mặc dù hai ngành này có tỷ trọng dư nợ xấp xỉ nhau.
Một điều đáng lưu ý là trong nợ xấu thì nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng chiếm khá lớn, cụ thể trong kỳ báo cáo gần nhất vào tháng 6/2013 là 62,87%. Thêm vào đó, nợ xấu của ngân hàng tuy đã giảm rất nhiều so với giai đoạn trước nhưng nó đang có xu hướng gia tăng trở lại Tuy chưa có khả năng đe dọa hoạt động của ngân hàng nhưng cũng là một trong những vấn đề khó khăn, đòi hỏi ngân hàng có những giải pháp lâu dài để kiểm soát nợ xấu ở mức thấp nhất.
Cùng với việc hạn chế nợ xấu, ngân hàng cần chủ động hơn trong vấn đề trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Vì hiện nay, dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng rất thấp so với khoản nợ xấu. Khi rủi ro tín dụng phát sinh thì khoản dự phòng sẽ là tấm lưới bảo vệ ngân hàng và khách hàng gửi tiền.
Tóm lại, Agribank Trần Đề có khả năng thu nợ của ngân hàng cao thể hiện qua hệ số thu nợ luôn cao hơn 79%. Tuy nhiên, khả năng xoay vòng vốn của ngân hàng lại khá thấp vì hệ số vòng quay vốn tín dụng thường nhỏ hơn 1. Mặc dù khả năng dự phòng của ngân hàng không cao nhưng chỉ số rủi ro tín dụng của ngân hàng luôn ở ngưỡng an toàn. Cuối cùng, ngân hàng phải tăng cường công tác thu hồi nợ vì tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ nợ xấu của ngân hàng.
6.2 KIẾN NGHỊ
6.2.1. Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng Sóc Trăng
- Tiếp tục đưa ra nhiều hình thức gửi tiền, có mức lãi suất hấp dẫn, nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm với số tiền lớn tham gia dự thưởng với nhiều phần quà có giá trị để các chi nhánh ở các huyện thực hiện tốt hoạt động huy động vốn và tín dụng.
- Cung cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho các chi nhánh cấp dưới để có thể thực hiện tốt nghiệp vụ tín dụng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các chi nhánh, khen thưởng những chi nhánh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
6.2.2. Đối với chính quyền địa phương
- Giúp đỡ, hỗ trợ nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng thông qua việc cung cấp thông tin về khách hàng, giúp ngân hàng nắm được tình hình kinh tế, tài chính,… của những hộ gia đình muốn vay nhằm giúp cán bộ tín dụng ra quyết định tín dụng thích hợp.
- Nâng cao trình độ dân trí, xóa mù chữ ở nông thôn để người dân có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, giúp họ giao dịch với ngân hàng thuận lợi hơn.
- Xây dựng đường xá thuận tiện, cầu cống lưu thông, tạo sự đi lại dễ dàng giữa các xã nhằm tạo điều kiện cho người dân thuận tiện trong đi lại, tạo phúc lợi xã hội đồng thời giúp cán bộ tín dụng thực hiện tốt nhiệm vụ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thái Văn Đại, 2012, Nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng thương mại. Cần Thơ: Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ.
2. Thái Văn Đại và Nguyễn Thanh Nguyệt, 2010, Quản trị ngân hàng thương mại. Cần Thơ: Nhà xuất bản Đại Học Cần Thơ.
3. Nguyễn Minh Kiều, 2009, Nghiệp vụ ngân hàng thương mại. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống Kê.
4. Nguyễn Văn Tiến, 2003, Đánh giá và phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh ngân hàng. Hà Nội, Nhà xuất bản Thống Kê.
5. Các văn bản pháp luật do Chính phủ, Bộ tài chính và NHNN ban hành: - Quyết định số 493/2005/QĐ – NHNN và quyết định số 18/2007/QĐ – NHNN về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng.
- Nghị quyết số 03/2010/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010.
-Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
-Thông tư số 02/2011/TT-NHNN quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng VNĐ của các tổ chức tín dụng.
-Thông tư 03/2011/TT-NHNN hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
6. Cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng <www.ipc.soctrang.gov.vn> [ ngày truy cập: 13/11/2013].
7. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, 2013. Giới thiệu về Agribank <http://agribank.com.vn/101/1955/gioi-thieu/to-thong- tin-agribank.aspx> [ngày truy cập: 12/10/2013].
8. Tư Hoàng, 2012. Thống Đốc NHNN: Đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn trước kết thúc nhiệm kỳ <http://www.wrd.gov.vn/modules/cms/acb/acb- Thong-doc-NHNN-Dua-no-xau-ve-nguong-an-toan-truoc-ket-thuc-nhiem- ky.html> [ngày truy cập: 25/11/2013].