Tổng dư nợ trên tổng nguồn vốn

Một phần của tài liệu phân tích rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh trần đề sóc trăng (Trang 63)

Chỉ số dư nợ trên tổng nguồn vốn là chỉ số thể hiện mức độ tập trung vào tín dụng của ngân hàng, xem ngân hàng đã đầu tư bao nhiêu nguồn vốn mình

vào hoạt động cho vay. Nói cách khác, chỉ số này thể hiện quy mô tín dụng của ngân hàng.

Từ số liệu bảng 4.11 cho thấy, qua ba năm 2010, 2011, 2012, tỷ số dư nợ tổng nguồn vốn của ngân hàng tăng liên tục và luôn lớn hơn 90%. Cụ thể hơn, năm 2011, chỉ số này đạt 91,75%, năm 2011 tăng lên 92,21% và năm 2012 là 94,52%. Chỉ số này tăng liên tục như vậy chứng tỏ mức độ tập trung của ngân hàng vào hoạt động cho vay không ngừng gia tăng. Ngân hàng không những đầu tư vào các ngành truyền thống tại địa phương mà còn đầu tư vốn cho ngành công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng,… làm dư nợ các ngành này tăng lên. Một điều đáng lưu ý là tổng nguồn vốn của ngân hàng cũng tăng liên tục, năm 2010 là 122.788 triệu đồng, năm 2011 tăng lên 194.210 triệu đồng, và năm 2012 là 243.117 triệu đồng. Tính đến cuối tháng 6 năm 2013, tổng nguồn vốn của ngân hàng đã đạt 259.243 triệu đồng. Sự gia tăng tổng nguồn vốn chứng tỏ ngân hàng ngày càng phát triển. Song song đó, dư nợ cũng tiếp tục tăng qua các năm và tốc độc tăng nhanh hơn tổng nguồn vốn nên chỉ số tổng dư nợ, tổng nguồn vốn cũng theo đó mà tăng liên tục, tuy là chênh lệch giữa các năm không quá lớn.

Như đã phân tích, tổng nguồn vốn tháng 6/2013 đạt 259.243 triệu đồng, tăng 6,63% so với năm 2012. Trong khi đó, dư nợ tại thời điểm này là 241.762 triệu đồng, tăng 5,21% so với năm 2012. Do đó, vào ngày 30/6/2013, chỉ số dư nợ trên tổng nguồn vốn chỉ còn 93,25%. Nhưng cùng kỳ vào cuối tháng 6/2012, chỉ số này chỉ có 92,28%, như vậy, đã có sự gia tăng về tương đối của năm 2013 so với năm 2012.

Tóm lại, chỉ số tổng dư nợ trên tổng nguồn vốn của ngân hàng không ngừng gia tăng qua các năm. Tuy nhiên, dư nợ chiếm tỷ trọng quá cao trong tổng nguồn vốn lại là một mối lo ngại của ngân hàng. Bởi lẽ ngân hàng quá tập trung và phụ thuộc vào hoạt động cho vay nói riêng và hoạt động tín dụng nói chung, điều này sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến thu nhập cũng như lợi nhuận của ngân hàng mỗi khi có sự thay đổi liên quan đến công tác thu hồi nợ. Thiết nghĩ, ngân hàng nên có những biện pháp giúp người dân tiếp cận đến những sản phẩm, dịch vụ phi lãi của ngân hàng một cách dễ dàng hơn, như thế thu nhập của ngân hàng sẽ cân đối và ổn định theo thời gian.

Một phần của tài liệu phân tích rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh trần đề sóc trăng (Trang 63)