Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu Tác động của phát triển công nghiệp tới môi trường tỉnh Phú Thọ (Trang 95)

Thực hiện quá trình CNH, HĐH đất nước trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế trong đó nổi bật nhất là những thành quả từ quá trình phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp cũng là một trong những tác nhân chủ yếu làm cho môi trường

nước ta bị xuống cấp nhanh chóng, gây ra những ảnh hưởng xấu tới đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, Bộ tài nguyên và môi trường đã ban hành “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia”.

Chiến lược môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã đánh giá tổng quan môi trường nước ta trong đó môi trường đất đang thoái hóa trở thành xu thế phổ biến trên toàn lãnh thổ. Chất lượng môi trường nước suy giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu như BOD, COD, NH4+, tổng N, tổng P cao hơn TCCP nhiều lần. Môi trường không khí còn khá tốt tuy nhiên ở các KCN việc ô nhiễm bụi trở thành vấn đề cấp bách.

Trong chiến lược cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến ONMT tại các khu đô thị, các khu vực có sản xuất công nghiệp, từ đó chỉ ra những thách thức đối với môi trường nước ta thời gian tới: “Nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các ao hồ, các dòng sông chảy qua các đô thị lớn, các khu công nghiệp; chất thải rắn đô thị và công nghiệp có tỷ lệ chất thải nguy hại cao… Nhiều cơ sở sản xuất cũ nằm xen kẽ trong các khu dân cư, các làng nghề đang gây ONMT nghiêm trọng…”. Trong khi đó, việc lựa chọn các lợi ích trước mắt về kinh tế mà chấp nhận đánh đổi rất nhiều giá trị, lợi ích về môi trường đã và đang cản trở việc bảo vệ môi trường và làm cho bức xúc càng gia tăng. Bên cạnh đó sức ép từ sự gia tăng dân số, ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội còn thấp khi công tác tổ chức và năng lực quản lý môi trường còn chưa đáp ứng nhu cầu. Yêu cầu về môi trường ngày càng cao, các vấn đề môi trường càng phức tạp trên quy mô toàn cầu khi chúng ta tham gia hội nhập đang là thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua.

Để vượt qua những thách thức, thực hiện bảo vệ môi trường quán triệt những quan điểm sau:

Môi trường là một trong những mục tiêu cơ bản và nội dung quan trọng không thể tách rời trong quá trình phát triển. Đầu tư cho môi trường là đầu tư

cho sự phát triển bền vững.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và mọi người dân; bảo vệ môi trường mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu cho nên phải kết hợp giữa phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế.

Bảo vệ môi trường trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật đi đôi với việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân, của toàn xã hội về bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là việc làm thường xuyên, lâu dài. Coi phòng ngừa là chính, kết hợp và xử lý kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường; tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; coi khoa học và công nghệ là công cụ hữu hiệu trong bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở những quan điểm đã đề ra, định hướng bảo vệ môi trường quốc gia được xác định tới năm 2020 là: “ngăn chặn về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển bền vững đất nước, bảo đảm cho mọi người dân được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực do Nhà nước quy định”.

Các giải pháp để thực hiện chiến lược bao gồm: Tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội về bảo vệ môi trường; tăng cường đa dạng hóa nguồn vốn, tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư bảo vệ môi trường; tăng năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác bảo về môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Một phần của tài liệu Tác động của phát triển công nghiệp tới môi trường tỉnh Phú Thọ (Trang 95)