Chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ môi trường dưới tác động

Một phần của tài liệu Tác động của phát triển công nghiệp tới môi trường tỉnh Phú Thọ (Trang 94)

động của phát triển công nghiệp

Đường lối chính sách của Đảng có vai trò định hướng cho sự phát triển của đất nước. Những đường lối, chính sách của Đảng được coi là kim chỉ nam cho mọi hành động. Vì vậy, khi ban hành bất kỳ một chính sách nào cũng cần phải tuân thủ đúng đường lối chính sách của Đảng đã đề ra.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII Đảng ta xác định quan điểm CNH, HĐH đất nước, coi CNH, HĐH là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Cũng chính từ Đại hội này Đảng ta đề cập tới vấn đề phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường: “Bảo vệ và sử dụng hợp lý các tài nguyên, cải thiện môi trường, ngăn chặn tình trạng hủy hoại đang diễn ra nghiêm trọng, chống xu hướng chạy theo tốc độ tăng trưởng và lợi ích trước mắt, gây thiệt hại cho môi trường…”. Báo cáo tại Đại hội đã chỉ ra tác động của các ngành kinh tế trong đó sự tác động của phát triển công nghiệp tới môi trường được đề cập nhiều nhất, vì vậy trong báo cáo đã khẳng định: “Tất cả các xí nghiệp phải có luận chứng xử lý chất thải, không gây ô nhiễm các thành phố”.

Đại hội Đảng VIII tiếp tục chỉ ra những bức xúc trong vấn đề môi trường đồng thời xác định một số chỉ tiêu liên quan tới vấn đề môi trường. Để thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra, ngày 25/6/1998 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Chỉ thị đã nhận định tình trạng ô nhiễm, suy

thoái đang tiếp tục diễn ra, có nơi còn trầm trọng. Trong đó, “nhiều đô thị và khu công nghiệp bị ô nhiễm do nước thải, khí thải, chất thải rắn...” Nhận thấy tầm quan trọng của môi trường chỉ thị đã khẳng định: “Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc…”.

Ngày 15/11/2004 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 41-NQ/TW về “bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước”. Nghị quyết khái quát hóa tình hình thực hiện một chính sách bảo vệ môi trường đã được ban hành đồng thời nhấn mạnh tình trạng xuống cấp của môi trường nước ta. Nghị quyết đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, đồng thời đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khắc phục. Trong nghị quyết, lần đầu tiên đề cập tới giải pháp “đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường”. Đây được coi là tiền đề quan trọng trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, cá nhân, cộng đồng, đặc biệt đề cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và dịch vụ. Để đưa Nghị quyết 41-NQ/TW triển khai có hiệu quả, ngày 21/1/2009, Ban bí thư đã ban hành chỉ thị 29-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Như vậy, có thể thấy vấn đề mối quan hệ giữa phát triển kinh tế trong đó có phát triển công nghiệp tới môi trường luôn nhận được sự quan tâm của Đảng thể hiện trong các chiến lược, phương hướng phát triển đất nước, các chỉ thị, nghị quyết. Đây là tiền đề quan trọng, mở đường cho rất nhiều văn bản hướng dẫn, các chương trình hành động nhằm bảo vệ môi trường trước sức ép của phát triển công nghiệp

Một phần của tài liệu Tác động của phát triển công nghiệp tới môi trường tỉnh Phú Thọ (Trang 94)