Ru cho gốc vía ngủ ngon.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: KHẢO SÁT BÀI CA LÀM VÍA CỦA NGƯỜI MƯỜNG Ở HUYỆN THẠCH THÀNH, TỈNH THANH HÓA (Trang 40)

Sau khi gốc vía của ông bà đã về nhà, được bảo vệ bởi bà si và vía con cháu.. Ông Mo sẽ ru cho vía ngủ để gốc vía ở lại mãi dưới nhân gian cho ông bà được sống lâu trăm tuổi.

Đi vào ngủ đi hỡi ơi hỡi vía Ru ru ra ra ngủ đi vong hỡi Vía ngủ đi hỡi ơi êm ả

Chim cộ đã ăn no về đến bãi

Vía ăn no vía hãy đi nằm (BCLVKS, PL)

Lời hát ru như những tiếng an ủi và động viên, cho gốc vía an lành.

Khi ông Mo thực hiện xong nghi lễ này cũng có nghĩa là buổi lễ đã kết thúc.

1.2.2.3.Bài ca làm vía mang tính chất diễn xướng tổng hợp: văn học - âm nhạc- mỹ thuật

Nghi lễ làm vía nói chung là loại hình văn hóa dân gian mang đậm tính nguyên hợp. Khi nghiên cứu về những nghi lễ này chúng ta nhận thấy, đây là sự tổng hợp của cả yếu tố nghệ thuật và yếu tố nghi lễ. Chúng hòa quyện với nhau và bổ trợ cho nhau trong quá trình diễn xướng.

Trong nghi lễ làm vía có sự tổng hợp của các hình thức : văn học, âm nhạc, tạo hình và trang trí mĩ thuật. Nghệ thuật trang trí trong nghi lễ thể hiện sự tưởng tượng bay bổng về cuộc sống cũng như thế giới của người dân miền núi Thạch Thành. Chính sự tổng hợp nhiều yếu tố nghệ thuật đã làm nên sức cuốn hút cho bài ca. Tiếng hát bằng chính ngôn ngữ dân tộc hay và truyền cảm lúc trầm lúc bồng,khi nhanh khi chậm đã khiến cho mọi người say mê. Thông qua tiếng hát nội dung văn học mới được chuyển tải đầy đủ đến mọi người, tác động đến tâm lí cũng như suy nghĩ khiến cho mọi người thấy phấn chấn và yêu cuộc sống hơn.

Những bài ca làm vía nằm trong hệ thống âm nhạc tín ngưỡng của người dân bản Mường, cùng với những khúc ca khác nó đã tấu lên bản hòa âm đặc sắc của đất Mường.Với những giá trị ấy , ba bài ca làm vía trở thành một tác phẩm văn học. Nội dung văn học trong nghi lễ làm vía này thể hiện ở chỗ, bài ca ấy được chia ra thành các chương, các phần cụ thể. Những câu hát được cất lên chuyên dùng để biểu hiện những nội dung thi ca và yêu cầu cũng như mục đích của nghi lễ làm vía. Ba bài ca làm vía là ba bài thơ dài, được cất lên bởi giọng điệu luyến láy của ông thầy Mo. Những âm vực trầm bổng, khi cao, khi thấp khiến cho bài thơ trở thành một bài ca đặc sắc của người Mường. Mang trong mình chức năng diễn xướng, bài ca trở thành một bài hát mang trong đó điệu tâm tình, nâng cao đôi cánh thần diệu của trí tưởng tượng. Khi những câu ca cất lên cũng là lúc hiện ra trước mắt chúng ta một thế giới riêng, đặc sắc của người Mường: đưa tâm cảm của người nghe đến một thế giới của những điều kì diệu, trong đó không chỉ có cuộc sống sinh động mà còn có cả tâm tư, tình cảm thế giới quan của người nghệ sĩ- và người nghệ sĩ dân gian của dân tộc Mường đã làm được điều đặc sắc đó. Trải qua bao thời gian dài tồn tại,bài ca vẫn giữ nguyên những giá trị như ban đầu nó vốn có, vừa gần gũi với cuộc sống, vừa linh thiêng.

Bài ca làm vía, thuộc loại hình âm nhạc nghệ thuật. Người sáng tác ra tác phẩm này đó chính là tập thể nhân dân bản Mường, người nghệ sĩ thể hiện bài ca ấy đó chính là thầy Mo. Có thể nói rằng với nghi lễ này, người thầy Mo thực sự trở thành một nghệ sĩ biểu diễn tài ba. Trong một nghi lễ làm vía kéo si, những làn điệu có phong phú không, bài ca có hấp dẫn không phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng trình diễn của người thầy Mo. Ông trở thành một người nghệ sĩ của công chúng Mường, hát cho tất cả mọi người cùng nghe.

Hát làm vía là một khúc ca được trình bày liên tục. Những câu hát đi liền với nội dung của nghi lễ. Người thầy Mo là người hát chính, tuy chỉ có một người hát nhưng khúc ca không hề nhàm chán. Bởi đó là những câu hát tiếng Mường, mang nét đặc sắc riêng mà không một dân tộc nào có thể giống được. Không gian nghi lễ diễn ra ngay trong nhà, vì vậy bài ca ấy mang trong nó sự ấm cúng, thân tình vừa đủ để con cháu trong nhà và bà con làng xóm đến nghe.

Những người làm thầy Mo trong huyện không phải được chọn ngẫu nhiên. Mà truyền thống làm Mo được tiếp nối từ đời này sang đời khác trong một gia đình. Vì vậy tất cả những người làm nghề thầy Mo đều là người dân tộc Mường, tiếng nói đầu tiên mà bố mẹ dạy cho là tiếng Mường, những câu hát ấy cất lên vẫn nguyên vẹn âm vực của ngôn ngữ Mường.

Do tách mình ra khỏi thế giới đời thường, bài ca làm vía đã tạo nên một tính chất đặc biệt làm tăng không khí thiêng liêng, huyền bí hấp dẫn người nghe. Khi diễn xướng ông Mo hóa thân như là một vị thần có sức mạnh thiêng liêng đại diện cho người trần để giao tiếp với thần linh, với bà Mụ ở trên Mường Trời đề đạt nguyện vọng xin lịa vía lạc cho trẻ em, xin cho vía của những thành viên đi làm ăn xa trong gia đình trở lại nhà, xin cho người già thêm số phận để sống lâu. Vì vậy lúc nghi lễ bắt đầu, khi bài ca được cất lên cũng là lúc không gian của căn nhà lắng xuống, không còn tiếng ồn ào nói chuyện, tất cả mọi người cùng chăm chú lắng nghe tiếng hát.

Lời ca “ làm vía” luôn đi liền với nội dung và mục đích của nghi lễ. Vì vậy giai điệu của bài ca khi trầm, khi bổng, lúc nhanh, lúc chậm, tạo nên những âm vang đặc sắc.

Những bài dân ca nghi lễ làm vía luôn luôn hấp dẫn người nghe từ nội dung cho đến giai điệu và tiết tấu. Chính vì sự hấp dẫn này mà từ khi hình thành cộng đồng Mường Thạch Thành cho đến giờ bài ca này vẫn còn nguyên giá trị.

Trang trí mĩ thuật trong nghi lễ” làm vía của người Mường Thạch Thành rất đặc biệt:

Phần mĩ thuật trong ba nghi lễ làm vía ở huyện Thạch Thành được thể hiện khá rõ nét ở trang phục ( áo mũ), trong việc trang trí nghi lễ, đó là việc chuẩn bị các mâm lễ, và các đồ lễ.

Áo lễ của thầy Mo là loại áo dài tới đầu gối, được may bằng vải lụa xanh. Là loại áo không có cổ, viền trên cổ được may bằng vải màu đỏ. Tà áo phía bên trái sẽ được may rộng hơn bên phải để bắt chéo sang, khuy cài ở bên mép phải. Áo lễ được coi là một vật thiêng nên được ông Mo giữ gìn rất cẩn thận.

Mũ của thầy Mo được gọi là mũ đuôi én , được trang trí bằng viền đỏ ở vành mũ. Chiếc mũ này được may bởi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mường, gồm có hai góc nhọn ở hai đỉnh mũ.Ở phía sau mũ được gắn một miếng vải dài, may theo hình dáng đuôi én. Vì vậy mới gọi là mũ đuôi én.

Quần mà ông Mo mặc đó là chiếc quần được nhuộm bằng chàm màu đen hoặc nâu. Đây là một loại quần truyền thống mà tự ngàn xưa người dân Mường đã sử dụng.

Ba nghi lễ làm vía không phải là những nghi lễ lớn mà chỉ mang tính chất gia đình cho nên trang trí mĩ thuật ở phần nghi thức, nghi lễ không phức tạp. Trên tất cả các mâm lễ ở mỗi nghi lễ đều có ba bát cơm ba màu, cơm nhuộm đỏ, nhuộm vàng và cơm trắng, có thịt gà. Riêng nghi lễ “làm vía kéo si” phần trang trí có phần đặc sắc hơn thể hiện ở mâm thứ tư là mâm kéo si được trang trí nghệ thuật nhất. Có một bát cơm thật đầy, được đắp bởi bàn tay của tất cả con cháu, hai cây mía được ghép lại với nhau tạo nên một gốc thang lên trời, hai cành si được buộc vào cây mía.Trên cành si buộc các sợi chỉ đỏ, chỉ trắng kéo ra bốn góc. Đây là một nghi lễ linh thiêng vì vậy việc trang trí nghệ thuật trong buổi lễ là dựa vào quan niệm cũng như mục đích phục vụ cho buổi lễ.

Chúng ta còn phải kể đến túi Nổ đựng những vật thiêng, đây được coi là những “vật bất li thân” của thầy Mo. Chiếc túi “ phép” này đã được lưu truyền lại từ rất nhiều

đời, bên trong đựng rất nhiều cổ vật: đó là chầm sét, là nanh lợn lòi, sừng hoẵng, thạch đá trắng…… đặc biệt là bộ quẻ gieo âm dương, được làm rất đặc biệt, dân tộc Mường không dùng những đồng tiền cổ để gieo âm dương, mà dùng loại gỗ của cây trúc mây, loại cây này tuy bé nhưng lại mọc trên núi cao, cây được chọn để làm bộ quẻ gieo âm dương không phải là cây trúc mây bình thường mà phải là cây có hai ngọn. Theo quan niệm của người Mường đây là loại cây đặc biệt. Bộ gieo quẻ này được vót nhẵn, và thường được cất ở một chiếc đĩa đặt trên bàn thờ tổ tiên nhà ông Mo.

Bộ quẻ gieo âm dương gồm hai miếng gỗ được tách đôi từ một đoạn gỗ của cây trúc mây, dài khoảng 3cm, rộng khoảng 1cm, màu nâu hoặc đen bóng. Khi gieo quẻ, ông Mo chập hai miếng gỗ vào với nhau rồi buông xuống , nếu cả hai cùng úp hoặc cùng ngửa có nghĩa là thần linh đã đồng ý. Đây chính là vật thiêng để ông Mo giao tiếp với thần linh.

Do tính chất lễ nghi chỉ được tổ chức cho đối tượng là những thành viên trong gia đình: trẻ em, người lớn, người già yếu cho nên cách trang trí mĩ thuật của những nghi lễ làm vía không lộng lẫy mà đơn giản, phù hợp với mục đích của nghi lễ, góp phần tạo không khí linh thiêng phù hợp với phong tục tín ngưỡng của người dân Mường.

Tiểu kết chương 1:

Trong quá trình khảo sát người viết nhận thấy rằng, cả ba nghi lễ đều còn tồn tại trong đời sống tinh thần của người dân Mường. Cả ba nghi lễ đều xuất phát từ quan niệm, từ tín ngường về vía con người. Mỗi nghi lễ gắn với một đối tượng cụ thể: làm vía gọi trẻ lạc là làm vía cho trẻ em, làm vía hết năm hướng đến cả gia đình nhưng chủ yếu là những người đi làm ăn xa nơi rừng rú xa xôi, làm vía kéo si là xin thêm tuổi tho, xin lại sự khỏe mạnh cho người già.Mỗi nghi lễ mang những nét riêng độc đáo nhưng tựu chung lại cả ba nghi lễ đều cầu mong sức khỏe, cầu mong một cuộc sống yên lành của cư dân Mường.

Những bài ca làm vía có nguồn gốc từ trong dân gian và đã tồn tại hàng trăm năm. Chính đặc trưng nguyên hợp, do sức truyền cảm của lời hát và thơ ca mà diễn xướng những bài ca làm vía mới hấp dẫn người nghe và người xem đến như vậy.Nghi lễ làm vía diễn ra làm tăng thêm tình yêu thương, đùm bọc giữa mọi người trong làng

xóm. Bởi để thực hiện nghi lễ con cháu trong gia đình phải đi các nhà trong làng để xin đồ lễ. Hơn thế nữa, còn thể hiện sự đoàn kết nhất trí của anh em trong gia đình. Sau buổi lễ, mọi người sẽ cảm thấy phấn chấn hơn, có niềm tin vững chắc vào cuộc sống .

Chương 2

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: KHẢO SÁT BÀI CA LÀM VÍA CỦA NGƯỜI MƯỜNG Ở HUYỆN THẠCH THÀNH, TỈNH THANH HÓA (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w