Giọng điệu hài hước, giễu cợt

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 86)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Giọng điệu hài hước, giễu cợt

Romain Gary từng nói: “Hài hước với tôi đã là cái gì đó phải theo tôi suốt cuộc đời: một sự trợ giúp cần thiết, sự trợ giúp chắc chắn nhất”. Trong

Lời hứa lúc bình minh, những tình huống hài hước pha lẫn những khoảnh khắc yêu thương tạo nên những trang văn đầy hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh xuất hiện trong những trang văn về các vị thần đầy giễu cợt. Đó là thần Totoche đít đỏ như đít khỉ, bản mặt trí thức rởm, có xu hướng trốn vào khoa học thuần túy. Còn thần chân lý tuyệt đối thì như một tay lính cô dắc đứng trên những đống xác người, roi ngựa trong tay, mũ lông đội sụp xuống mắt vàv điệu cười hớn hở, Thần ty tiện, thần định kiến thường từ nhà gác cổng thể giới loài người, ló đầu ra mà kêu tên Mỹ bẩn thỉu, tên Ả Rập bẩn thỉu, tên Do Thái bẩn thỉu, tên Nga bẩn thỉu, tên Trung Quốc bẩn thỉu, tên Da Đen bẩn thỉu, bất chấp bộ lông ghẻ lở, cái đầu linh cẩu và mấy cẳng chân còi cọc cong queo…

Hay như khi ông phê phán phân tâm học một cách đầy mỉa mai. “Ngày nay, như các loại hình tư tưởng khác, phân tâm học mang một hình thức lệch lạc và cửa quyền, nó tìm cách giam hãm chúng ta trong sự đồi bại của chính nó. Nó đã chiếm vùng đất mê tín dị đoan còn để trống, nó khéo léo trốn mình trong biệt ngữ ngữ nghĩa học, chuyên tạo ra những yếu tố phân tích của chính mình và lôi cuốn khách hàng bằng cách hăm dọa và phát giác tâm thần, gần giống như những kẻ tống tiền người Mỹ, những kẻ luôn áp đặt cho chúng ta vòng vây bảo vệ của chúng. Vậy tôi sẵn sàng để những kẻ chuyên chỉ đạo chúng ta trong nhiều lĩnh vực giải thích tình cảm của tôi đối với mẹ tôi bẳng sự sưng phồng, bệnh lý nào đó: cứ xét những gi mà tự do, bình đẳng và những khát vọng cao cả của con người đã bị biến thành trong tay họ , tôi không thấy có lý do gì mà lòng hiếu thảo giản dị lại không bị biến dạng trong bộ óc bệnh hoạn của họ như những thứ khác” [68;86-87] .

Chất hài hước đó thể hiện ở chi tiết ông miêu tả về mẹ. “Mẹ tôi có năng khiếu chửi ở trình độ cao nhất; chỉ với vài từ ngữ có chọn lọc, bản chất mơ mộng và hoài niệm của bà đã tái tạo được một cách tuyệt vời không khí Dưới đáy hay khiêm tốn hơn là Những người chèo thuyền trên dòng sông Volga theo kiểu Gorky”[68;42] khi nói về những khó khăn của hai mẹ con. “Thời ấy chúng tôi thực sự ở dưới đáy hố- tôi không nói “vực

thẳm” vì là hồi đó tôi đã biết là vực thẳm không có đáy, và tất cả chúng ta dù có lập những kỷ lục về chiều sâu kinh khủng đến đâu thì cũng không bao giờ khai thác hết tiềm năng của cái dạng địa hình thú vị này” [68;52].

Nguyễn Khải cho rằng: “Vui một chút, nghịch một chút cho câu chuyện được đậm đà” .Có lẽ vậy, trong trường hợp Romain miêu tả tình huống về ông Piekielny. Ông đã được ăn kẹo và loukoum chính vì vậy ông đã giữ lời hứa mỗi khi gặp những nhân vật nổi tiếng đều nhắc đến Piekielny. “Lúc đó tôi ngỡ như mình thấy người đàn ông nhỏ thó ấy đang hoa chân múa tay, giậm chân thình thịch, vò đầu, bứt tai, cố làm sao để tôi nhớ đến ông ta. Tôi gắng nén mình lại nhưng ngôn từ vẫn tự động buột khỏi miệng tôi, thế là tôi quyết định thực hiện ước mơ điên cuồng của một con chuột nhắt (…) nhưng rốt cuộc thì chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra, bộ xương của con người nhỏ bé ấy đã biến thành xà phòng khi ra khỏi lò hỏa táng và từ lâu đã đáp ứng nhu cầu vệ sinh của phát xít Đức “[68;62- 63].

Chất giọng hài hước tạo nên những tiếng cười hóm hỉnh, dí dỏm. Với tác phẩm thuộc thể loại tự truyện, sự hiện diện của giọng điệu này khi tác giả hồi ức lại quá khứ đưa lại cho người đọc cảm giác tươi vui, gần gũi, thân mật. Giọng điệu hài hước còn được thể hiện qua tình huống ông kể về mối tình trẻ thơ với cô bé Valentine, cả tình yêu mù quáng của cô bé bán thịt dành cho ông.

“Vì Valentine mà tôi đã ăn nhiều nắm giun đất, một số lượng bướm rất lớn, một cân anh đào cả hạt, một con chuột nhắt và, để kết thúc, tôi muốn nói rằng năm chín tuổi, nghĩa là còn trẻ hơn Casanova rất nhiều, tôi đã được xếp vào hàng ngũ những người tình vĩ đại nhất mọi thời đại khi lập được một kỳ tích yêu đương mà theo tôi biết, chưa ai có thể sánh bằng. Vì người tôi yêu mà tôi ăn cả một chiếc giày bằng cao su.

Ở đây tôi xin mở ngoặc.

Tôi biết rằng, về những chiến công trên tình trường, đàn ông thường có xu hướng khoe khoang. Nghe họ nói thì những chiến công tình yêu không bao giờ có giới hạn và họ không chừa một chi tiết nào.

Nên tôi không yêu cầu ai tin mình khi khẳng định rằng, vì người yêu, tôi còn ăn cả một chiếc quạt Nhật, mười mét sợi bông, một ký hạt anh đào.” [68; 90-91].

“Quan điểm của cô bé bán thịt của tôi rất đơn giản: tôi phải lấy cô. Cô đòi nợ với một trong những lý lẽ kỳ lạ nhất mà tôi từng nghe thấy, kiểu gái chửa hoang bị bỏ rơi:

- Anh ấy đã cho cháu đọc Proust, Tolstoi và Dostoievski, cô gái khốn khổ tuyên bố với ánh mắt đau xé ruột gan. Giờ cháu sẽ ra sao đây? ” [68; 226].

Giọng điệu hài hước đó còn được thể hiện qua tình huống ông nghe mẹ ngâm thơ: “Mẹ không chỉ đọc thơ mà, trung thành với quá khứ, nghệ sĩ kịch của mình, mẹ còn đứng trong phòng khách, dưới ánh đèn chùm lộng lẫy, ngâm thơ cho tôi đầy cảm xúc và có kèm cử chỉ điệu bộ; tôi nhớ nhất câu Waterloo, Waterloo, Waterloo, bình nguyên xám xịt, câu thơ khiến tôi kinh hãi thực sự: ngồi trên thành ghế, tôi nghe mẹ ngâm thơ, mẹ đứng trước mặt tôi với tập thơ trên tay, một tay giơ cao; tôi cảm thấy lạnh sống lưng trước sức gợi cảm đó; mắt tròn xoe, hai đầu gối khép lại, tôi nhìn bình nguyên xám xịt và tôi tin chắc rằng nếu Napoléon ở đó, hẳn ông ta cũng vô cùng xúc động” [68; 112-113].

Đằng sau chất hài hước đó, sau những tiếng cười, có khi là cả những bi kịch đó là bi kịch về nghề văn và những đồng lương qua tình huống ông cố tình đến thăm bạn với ý nghĩ được ăn một bữa trong hoàn cảnh túng thiếu, tình huống hài hước khi Romain cùng những đứa trẻ khác đi rình trộm anh thợ làm bánh ngọt, người thầy dạy ảo thuật: Dưa Hấu cùng những bài học ảo thuật:

“Chỉ cần lấy một cái chai, đầu tiên là đái vào rồi lần lượt bỏ vào đó râu mèo, đuôi chuột, kiến sống, tai dơi cũng như hai mươi thành phần khác phải khó khăn lắm mới tìm thấy ở chợ, bây giờ tôi quên béng mát rồi, vì quên nên tôi sợ là những ước mơ của mình sẽ không bào giờ thành hiện thực. Thế là tôi đi tìm ngay các thành phần thần diệu không thể thiếu đó. Ruồi muỗi thì đâu cũng có, mèo và chuột chết thì không thiếu trong sân, dơi thì ở trong nhà kho còn đái vào chai thì không thành vấn đề. Nhưng các bạn thử cho kiến sống vào chai mà xem ! không thể cầm, giữ chúng được, vừa mới bắt được chúng đã trốn mất rồi, chưa kể việc phải bắt nhiều con, khi mà một con buộc phải đi vào theo lối cổ chai, trong lúc quyết định bắt con khác, thì con trước đã chuồn mất rồi, thế là phải làm lại từ đầu.” [68; 126].

Bằng giọng văn hài hước, hóm hỉnh, tác giả miêu tả lại sự kiện, tình huống một cách cụ thể, chi tiết nhưng đầy bi kịch. Điều này làm cho tác phẩm trở nên gần gũi, trung thực hơn. “Giống như một chút muối sẽ làm cho vị ngọt thêm đậm đà, từng chút hài hước, giễu cợt nhà văn đưa vào trang viết càng làm tăng thêm dư âm đắng chát của cuộc đời nhọc nhằn mà hai mẹ con ông phải cùng nhau trải qua. Tăng thêm sự phẫn nộ và bất lực của con người khi thấy cái đẹp và tình yêu bị hủy hoại bởi cái ác và lòng vô tâm.” [64].

Như vậy, giọng điệu hài hước của Romain Gary được tạo nên từ sự tương phản giữa thực tế và vẻ bề ngoài, sự xung đột giữa những trạng thái tinh thần khác nhau. Tính hài hước được Romain Gary sử dụng để đặt ra những câu hỏi chưa có lời đáp về danh tính của bản thân và về thân phận mong manh của con người.

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 86)