7. Cấu trúc của luận văn
3.2.1 Khái niệm thời gian nghệ thuật
Cùng với không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật, là một trong những yếu tố nghệ thuật quan trọng mà bất cứ một tác giả nào cũng phải quan tâm, góp phần xây dựng hình tượng nhân vật, thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Nghiên cứu thời gian trong tác phẩm văn học là “một trong các hình thức nghiên cứu thi pháp cho phép xác định đặc điểm của các thể loại và phong cách của nhà văn”. (Lê Ngọc Trà).
Có thể thấy rằng mọi hiện tượng trong thế giới khách quan khi đi vào tác phẩm văn học đều được soi sáng bởi tư tưởng tình cảm và sự sáng tạo của người nghệ sĩ để trở thành một hình tượng nghệ thuật, phù hợp với quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người. Yếu tố thời gian cũng không nằm ngoài phạm trù đó. Theo Trần Đình Sử, “thời gian nghệ thuật trong văn học không phải đơn giản chỉ là quan điểm của tác giả về thời gian mà là một hình tượng thời gian sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian được dùng làm hình thức nghệ thuật để phản ánh hiện thực, tổ chức tác phẩm” [51;190].
Từ điển thuật ngữ văn học do nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2005, đã định nghĩa như sau về thời gian nghệ thuật “Sự miêu tả trần thuật trong văn học, bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật sự phối hợp hai yếu tố này tạo thành thời gian nghệ thuật, mọi hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật”. [18;322].
Với cái nhìn thế giới quan, nhân sinh quan khác nhau, nhà văn sử dụng yếu tố thời gian nhằm thể hiện ý đồ nghệ thuật riêng của mình, tạo nên thời gian riêng và cảm nhận về thời gian cho riêng từng nhân vật. Đó có thể là thời gian vô cùng, vô tận nhưng cũng có thể là sự dồn nén thời gian trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, thời gian nghệ thuật “được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác… tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Như vậy, thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian nghệ thuật trôi nhanh, khi nào dừng lại miêu tả chi tiết thì thời gian chậm lại” [18;322]. Thời gian nghệ thuật “là sự phản ánh của thời gian khách quan, thời gian nghệ thuật cũng có độ dài, có quãng tính, có nhịp độ, tốc độ, có ba chiều quá khứ, hiện tại, tương lai và có hướng vận động không đảo ngược theo một trật tự trước sau liên tục” [51;190].
Thời gian nghệ thuật thể hiện sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả. Trong thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật cũng xuất hiện như một hệ quy chiếu có tính tiêu đề được dấu kín để miêu tả đời sống trong tác phẩm, cho thấy đặc điểm tư duy của tác giả. Gắn với phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu thời gian nghệ thuật riêng.
Như vậy thời gian nghệ thuật là phương thức tồn tại cuả thế giới nghệ thuật là một yếu tố cấu thành chỉnh thể nghệ thuật, như một đại lượng vectơ tuyến tính không ngừng trôi chảy của quá khứ hiện tại và tương lai. Dưới ngòi bút của người nghệ sĩ, thời gian nghệ thuật góp phần bộc lộ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm đồng thời đưa đến cho độc giả những cảm nhận về cuộc đời, con người và thế giới.