Khái niệm giọng điệu

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 84)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Khái niệm giọng điệu

Một yếu tố không thể thiếu khi phân tích một tác phẩm đó là giọng điệu, thông qua giọng điệu trong tác phẩm chúng ta có thể nhận diện được tác giả, đồng thời là nhân tố đóng vai trò thống nhất các thành phần khác của một tác phẩm trong một chỉnh thể nghệ thuật. Theo tác giả Nguyễn Thị Dư Khánh thì: “Giọng điệu là một trong những yếu tố nghệ thuật có ý nghĩa nhất trong thi pháp cũng như phong cách nhà văn, nhưng lại khó xác định nhất về mặt lý thuyết” [27;52]. Khi “phân tích tác phẩm văn chương mà bỏ qua giọng điệu, tức là tước đi cái phần rất quan trọng tạo nên bản sắc độc đáo của tác phẩm [27;53].

Lê Ngọc Trà nhận định rằng: “Trong giọng điệu thể hiện cả nhận thức, thái độ, lối sống và cả nội lực của nhà văn (vì vậy giọng nhiều khi cũng có nghĩa là “hơi văn”, “văn khí”). Đồng thời giọng cũng là cái không lẫn được, chính tính tổng hợp và độc đáo ấy làm cho giọng trở thành nhân tố mang phong cách rất rõ. Giọng vừa liên kết các yếu tố hình thức khác nhau làm cho chúng cùng mang một âm hưởng nào đó, cùng chung một mục

đích, và là chỗ dựa chính để các yếu tố quy tụ lại và định hình thống nhất với nhau theo kiểu nào đó, trong chỉnh thể giọng ấy mọi yếu tố hiện ra rõ hơn, đầy đủ hơn, thậm chí có khi mới mẻ hơn”.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của một nhà văn nào đó đối với một hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm. Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm mặc dù đã có tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [18; 134-135].

Một nhà văn có phong cách bao giờ cũng tạo cho mình một giọng điệu riêng, nhờ đó chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa các nhà văn.Khrapchenco cho rằng: “những người sành sỏi về văn học có thể căn cứ vào những đặc điểm giọng điệu của một đoạn văn tự sự nhất định mà họ chưa biết đến mà hoặc căn cứ vào mấy dòng thơ của một nhà thơ mà để xác định tác giả của những tác phẩm ấy”. Chính vì giọng điệu ở đây không đơn giản là một tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù để nhận ra giọng nói mà nó mang nội dung tình cảm thái độ đối với hiện thực cuộc sống. Thực chất giọng điệu là một hiện tượng toát ra từ tác phẩm văn học, mang nội hàm tư tưởng thẩm mỹ. Ở đây người trần thuật hoặc nhà thơ phải định hình cho mình một giọng điệu riêng. “Không nên lẫn lộn giọng điệu với ngữ điệu là phương tiện biểu hiện của lời nói, thể hiện qua cách lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh nhịp điệu… chỗ ngừng. Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi người trần thuật kể chuyện hay nhà thơ trữ tình phải có khẩu khí, có giọng điệu. Giọng điệu trong tác phẩm gắn với giọng “trời phú” của mỗi tác giả nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuât, phù hợp với đối tượng thể hiện. Giọng điệu trong tác phẩm có

giá trị đa dạng có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản, chủ đạo, chứ không đơn điệu” [18;134-135].

Trong tác phẩm tự sự, giọng điệu là một phương tiện nghệ thuật không thể thiếu được; có vai trò trong việc khu biệt sự độc đáo của người nghệ sĩ. Hoàng Ngọc Hiến từng nói: “Trong tác phẩm văn học, câu văn phải có hồn (…) câu văn nào có hồn là câu văn có giọng, có ngữ điệu, bởi vì tờ ngữ của bài văn được chọn có thể thông báo nhiều điều quan trọng, nhưng bài văn không có giọng điệu đọc lên vẫn nhạt nhẽo, vô vị. Sự phong phú, tính đa nghĩa, ý vị đậm đà của bài văn trước hết là ở giọng. Năng khiếu văn ở phần tinh tế nhất là ở năng lực bắt được trúng các giọng của văn bản mình đọc và tạo ra được giọng đích đáng cho tác phẩm mình viết”.

Ở những tác phẩm có giá trị việc đan xen nhiều giọng điệu trên cơ sở một giọng điệu chủ đạo là việc thường thấy. Mà Bakhtin gọi đó là “tính đa thanh trong giọng điệu”. Chẳng hạn như: Tonxtoi trong Chiến tranh và hòa bình mang đến giọng điệu “mềm mại” “tỉnh táo” “đôn hậu”. Còn Doxtoiepxky lại nổi bật với giọng đầy “biến động” “ bất an” “gấp gáp” truyền đạt một cảm nhận tinh tế và kịch tính trong cuộc đời. Căn cứ vào những tiêu chí khác nhau như cấu trúc, khuynh hướng tư tưởng, tình cảm, ngôn ngữ… mà người ta có thể phân biệt các giọng điệu của tác phẩm văn học.

Tóm lại giọng điệu là một trong những yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng nhất của tác phẩm văn học. Đây cũng là nhân tố đóng vai trò thống nhất các thành phần khác của tác phẩm trong một chỉnh thể.

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w