7. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Trò chơi về thời gian
Tác phẩm của Romain Gary bén rễ rất sâu vào trong lịch sử, cuộc đời của các nhân vật diễn ra trong một khoảng thời gian tràn ngập ngày tháng. Thay vì hạn chế tầm quan trọng của chiều kích thời gian trong đời sống con người, hạ thấp nguyên nhân và hậu quả của việc hình thành tiểu sử, Romain Gary muốn mang lại một chiều kích thời gian khác, chiều kích này cùng tồn tại với thời gian tuyến tính và lịch sử. Lời hứa lúc bình minh là một thí dụ điển hình cho trò chơi thời gian - phi thời gian trong thể loại văn học giả tự truyện. Trò chơi thời gian trong Lời hứa lúc bình minh được thể hiện qua ba phương diện sau:
Thời gian gợi lại nguồn gốc: Người kể chuyện trở về với chính mình, về gốc gác của mình. Từ đất nước này đến đất nước khác, từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, Romain Gary cố gắng nhấn mạnh những gì kết nối thời ông còn bé thơ và thời ông đã trở thành người lớn, giữa quá khứ và hiện tại.
Thời gian kể chuyện: Tuổi thơ và thời niên thiếu của Romain được đánh dấu bằng những câu chuyện: mẹ ông có một kho tàng truyện kể, tự tạo cho mình một huyền thoại riêng, qua huyền thoại đó, bà và con trai nhìn nhận thế giới và tìm cách mang lại cho thế giới đó một ý nghĩa tốt đẹp.
Thời gian của những ước mơ: Lời hứa lúc bình minh đầy những ước mơ, hoài bão, những ước mơ của người mẹ kết nối với những ước mơ của đứa con trai. Ước mơ về một nước Pháp lý tưởng, về một số phận vinh quang, ước mơ hòa hợp giữa người mẹ và đứa con trai.
Thông thường, một tự truyện đúng nghĩa đi theo tiến trình của nhân vật (tác giả) trong thời gian. Độc giả thường mong đợi một sự tuân thủ trật tự thời gian, hoặc là những cột mốc thời gian, cho dù chỉ là tương đối. Như chúng tôi đã nói ở trên, cuốn sách được chia làm ba phần theo ba giai đoạn khác nhau: phần 1 nói về tuổi thơ của Gary ở Wilno và ở Varsovie, phần 2 nói về thời niên thiếu của tác giả ở Nice, Aix-en-Provence và Paris và phần
3 tương ứng với giai đoạn chiến tranh từ năm 1940, giai đoạn ông tham gia kháng chiến bên cạnh những người Anh. Trong phần 1, cuốn sách gần như không có ngày tháng cụ thể. Phải chăng tuổi thơ thường ít quan tâm đến thời gian? Hay tác giả cố tình xóa nhòa dấu vết thời gian để dẫn dắt độc giả vào sự tù mù về những câu chuyện và huyền thoại? Phần 2 có ba cột mốc thời gian quan trọng: “Tôi đăng ký Trường Đại Học Luật Aix-en-Provence và rời thành phố Nice vào tháng mười năm 1933” [68;218]. Đây là cột mộc quan trọng, đánh dấu thời điểm ông phải xa mẹ mình. Cột mốc thơi gian thứ hai đánh dấu thời điểm Gary tòng quân: “Tôi nhập ngũ tại Salon-de- Provence vào ngày bốn tháng mười một năm 1938.” [68;265] Cuối phần 2, tác giả có nhắc đến sự kiện Munich. Phần 3 tương ứng với giai đoạn chiến tranh, bắt đầu bằng một ngày tháng khá rõ ràng, đánh dấu một trong những lần ông bị thương: “Ngày mười ba tháng sáu năm 1940, khi mặt trận khắp nơi đổ vỡ, tôi trở về sau một chuyến hộ tống trên chiếc máy bay hiệu Bloch-210 và bị thương bởi một mảnh bom vỡ trên vùng đất Tours, giữa một trận ném bom.” [68;301] Khung khổ thời gian sau đó trở nên mù mờ, lẫn lộn. Chỉ thỉnh thoảng mới có một số ngày tháng cụ thể, từ ngày 15, 16, 18 tháng 6 đến tháng 7 năm 1940. Như vậy, chúng ta có thể thấy, trong Lời hứa lúc bình minh, địa điểm, không gian quan trọng hơn thời gian. Các ngày tháng trở nên cụ thể hơn từ cuối phần 2. Còn lại chỉ có một ngày tháng quan trọng được nhắc đến, đó là vào năm 1932, tại Nice, ông đã thắng trong một giải đấu bóng bàn. Sự mù mờ về thời gian còn thể hiện ở chỗ tác giả … tính sai tuổi của mình và mẹ mình. Trong chương 2, ông đoán mình 13 tuổi, còn mẹ 51 tuổi, tức mẹ hơn con 38 tuổi. Nhưng ở chương IX, ông viết: “Mẹ tôi đã sáu mươi tuổi còn tôi hai mươi tư.” [68;73], như vậy, mẹ ông giờ lại hơn ông 36 tuổi!
Trò chơi thời gian trong Lời hứa lúc bình minh còn được thể hiện ở chỗ người mẹ, trước khi chết, đã viết cho con trai gần hai trăm bức thư và nhờ một bà bạn thỉnh thoảng gửi cho con, để cho con trai bà tin bà vẫn còn
sống, tin “dây rốn vẫn tiếp tục hoạt động”: “Những ngày cuối cùng trước khi mẹ tôi mất, mẹ tôi đã viết gần hai trăm năm mươi lá thư và gửi sang Thuỵ Sĩ cho bạn của mình. Tôi không biết-tôi nhận thư của mẹ tôi rất thường xuyên-có lẽ đó là điều mẹ tôi trù tính một cách đầy thương yêu, khi tôi nhận biểu hiện mưu mẹo ấy trong mắt bà, tại bệnh viện Saint-Antoine, nơi tôi đã đến gặp mẹ tôi lần cuối cùng.” [68;436]. Thực ra, theo Mireille Sacotte, những bức thư đó không có thật” “Mina đã có thể viết cho con trai vài dòng trong một quyển sổ hay quyển vở gì đó nhưng chắc chắn là không viết thư.” [49;63] Như vậy, vì tình thương yêu đối với mẹ, tác giả đã cố tình để cho mẹ mình tiếp tục sống, kéo dài sự hiện hữu của người mẹ trong tiểu thuyết của mình. Sự hư cấu, trò chơi về thời gian này càng khẳng định thêm tính “giả tự truyện” của Lời hứa lúc bình minh.