Văn chương nghệ thuật trên hành trình tìm kiếm tài năng

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3.Văn chương nghệ thuật trên hành trình tìm kiếm tài năng

Có những cú vặn mình vừa đau đớn nhưng lại là động lực chính thúc đẩy chúng ta đi tới thành công. Sự nghiệp văn chương đối với Romain Gary cũng vậy. Khi biết mình không thể là một Menuhin-Heijetz hay Einstein thứ hai ông đã nương tựa mình vào văn chương nghệ thuật. Hay nói khác đi trên mảnh đất văn chương tài năng của ông đã nở rộ.

Có hai việc mà Nina mong muốn ở con mình đó là trở thành một vị Đại sứ nước Pháp và một nhà văn nổi tiếng. Cuộc chạy đua tìm kiếm hương vị ngọt ngào của văn chương đối với Romain được ấn định ngay từ khi “lưỡng lự rất lâu giữa hội họa, sân khấu, ca hát và khiêu vũ, cuối cùng đã chọn văn chương, với tôi văn chương là nơi nương tựa cuối cùng trên cõi đời cho những ai không biết náu mình vào đâu nữa” [68;27]. “Người khổng lồ của nền văn học Pháp” [68;23] như ước vọng của người mẹ đã khởi đầu nghiệp văn của mình bằng việc tìm ra một bút danh để cho giấc mơ có khởi đầu toại nguyện. Bằng việc “lấy bút đỏ nắn nót viết chúng vào một cuốn vở đặc biệt” ban đầu là “Hubert de la Vallée” nhưng nửa tiếng đồng hồ sau tôi đã không cưỡng lại được vẽ duyên dáng hoài niệm của “Romain De Roncevaux” [68;24] rồi đến những cái tên như: Alexandre Natal. Armand de la Torre. Terral. Vasco de La Fernaye… Romain “suốt ngày nát óc nghĩ bằng được một cái tên thật đẹp, thật kêu, thật hứa hẹn để có thể nói ra những gì mình nghĩ trong lòng, để rung chuông gióng nhạc

bên tai mẹ, cho mẹ nghe thấy âm vang vinh quang của mình trong tương lai, vinh quang mà mình sẽ dâng lên mẹ”[68;34]. Ông đã ngâm nga từng bút danh rất kêu và rất hùng hồn, đó là Roland de Chantecler, Romain de My sore, Roland Campeador, Alain Brisard, Hubert de Longpre’, romain Corte’s… Ông đã giam mình trong phòng và “ghi kín những cái tên lạ hoắc lên giấy” “viết như vậy từ trang này qua trang khác” [68;34]. Ông cảm thấy chỉ có bút danh mới giúp ông vượt qua những hạn chế của riêng mình để vươn tới những chân trời mới, để ông có thể làm mẹ hài lòng. Cuối cùng ông cũng nhận ra “Bút danh có cái dở là không bao giờ thể hiện hết được những gì mình cảm thấy trong lòng. Tôi gần như đi đến kết luận là với tư cách phương tiện biểu đạt văn chương , bút danh là chưa đủ, mà còn cần phải viết sách nữa.” [68; 24] Chính vì vậy mà ông đã bắt tay vào viết: “nhiều cuốn vở của tôi chi chít những bài thơ tôi làm. Để có ảo tưởng là được xuất bản, tôi chép lại những bài thơ đó từng từ một bằng chữ in.” [68; 22]. Bắt đầu từ khi mười hai tuổi, ước muốn mãnh liệt thúc đẩy ông “dội những quả bom thơ, truyện, bi kịch năm hồi theo thể thơ mười hai âm tiết vào các tạp chí văn học” [68;31]. Mỗi ngày ông dành năm, sáu tiếng để trau chuốt những bài thơ của mình, ngoài ra ông còn sáng tác một bi kịch năm hồi mang tiêu đề Aleyme’ne có đầy đủ đoạn đầu lẫn đoạn kết. Nhìn người mẹ hi sinh tất cả vì ông, đặt trọn niềm tin vào đứa con trai, vào điểm tựa duy nhất của cuộc đời bà, ông nhận thấy; “tôi thấy mình phải khẩn trương lên, phải nhanh chóng viết kiệt tác văn học bất hủ. Kiệt tác đó, khi biến tôi thành Tolstoi trẻ nhất mọi thời đại, sẽ cho phép tôi bù đắp ngay những khó khăn, vất vả của mẹ, tôn vinh ngay cuộc đời của mẹ.” [68;191].

Chính dòng chảy nội tâm của Romain đã góp phần rọi chiếu vào những nhân vật của ông trong các tác phẩm sau này. Tuy nhiên con đường đến với văn chương “quá trình đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu) của Romain không phải là tất cả đều bằng phẳng, đều ngọt ngào mà cũng phải trải qua những gian khó, những

thử thách giống như khi nhào nặn một thứ bột “cuộc đời” để biến nó thành chiếc bánh của ngọt ngào, của thành công, chiến thắng vậy. Những tác phẩm ông gửi cho các nhà xuất bản đều bị trả lại vì lý do “bút danh quá dở”. Để thỏa mãn các nhà xuất bản, Romain đã đổi bút danh từ François Mermont sang Lucien Brulard nhưng thành công vẫn không lộ diện.

Sự thấp thỏm, cảm giác chông chênh về hiện thực của một người chập chững bước vào nghề văn khiến cho Romain đã phải nếm mùi thất bại không phải chỉ một lần. Ông nhận ra một thực tế: “Tôi thấy chất giọng yếu ớt và khả năng nghèo nàn của mình như một câu chửi thề nhằm vào tất cả những gì tôi cố nói, tất cả những gì tôi từng yêu.” [68; 403]. Thực tế cho thấy rằng các tác phẩm của ông đã có lúc bị đánh giá là quá “văn chương”. Điều này làm cho ông cảm thấy vô cùng thất vọng về hiện thực tiếp nhận văn học của bạn đọc nói chung. Trong khi các nhà văn nói chung, bản thân Romain nói riêng luôn luôn cố gắng đi tìm cái chân, thiện, mỹ của văn học thì nhu cầu thực tế của xã hội đòi hỏi, yêu cầu những con người sáng tác nghệ thuật phải viết ẩu, viết vội. Đây là một thực tế đáng buồn khiến cho không ít người không thể vượt qua chính mình. Với bản thân Romain cũng đã có lúc ông phải làm những việc dối trá khi nói với mẹ rằng: “chủ bút của các tờ báo yêu cầu tôi viết những truyện ngắn đáp ứng thị hiếu thị trường một cách hết sức hèn hạ, rằng tôi phải từ chối làm bẩn danh tiếng văn chương của mình và không ký thẳng tên mình dưới những truyện ngắn trước đó”, “với những tác phẩm hạ cấp này, tôi sẽ ký bằng các bút danh khác nhau” và ông “thản nhiên cắt các tác phẩm của đồng nghiệp đã được in trên những tờ tuần báo Paris rồi gửi cho mẹ, trong cảm giác lương tâm thanh thản và hoàn thành nghĩa vụ.” [68; 236].

Rõ ràng nghệ thuật đích thực không phải là điểm dừng chân của bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào, tuy vậy thực tế phũ phàng đó vẫn không khiến cho Romain nhụt chí, ông vẫn “không lơ là công việc văn chương của mình”. [68; 221], ông vẫn say sưa viết những “chương cuối tuyệt vời…

mà chưa bao giờ viết được những chương trước đấy” [68; 205]. Khi còn trên ghế trường Đại học Luật ông đã giam mình trong phòng khách sạn chật chội và say sưa viết, khi trở thành lính phi công thời chiến cảm hứng đó vẫn không ngừng tiếp diễn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào: trên boong tàu hay ở một cabin chật hẹp, dù trong “điều kiện sáng tác văn chương ở căn cứ không quân Hartford Briddge không được tốt. Thời tiết rất lạnh. Tôi viết vào ban đêm, trong một túp lều mái tôn múi mà tôi chia sẻ với ba đồng đội khác; tôi mặc chiếc áo vest phi công và đi ủng lót lông thú, ngồi trên giường và viết một mạch cho đến bình minh, tay tôi cóng lại; hơi thở của tôi để lại một làn hơi trong không khí buốt giá.” [68; 420]. Chính từ những trải nghiệm đó mà ông nhận ra “trong văn chương cũng như trong cuộc sống, chúng ta có thể uốn thế giới theo cảm hứng và tái tạo nó theo thiên hướng đích thực của mình, đó là thiên hướng của một tác phẩm có bố cục chặt chẽ và có tư duy sâu sắc” [68;394], ông khẳng định “cuộc sống là một tác phẩm nghệ thuật đang trong quá trình sáng tác mà logic giấu kín nhưng bất di bất dịch rốt cuộc sẽ mãi mãi là logic của cái đẹp, luôn thúc đẩy tôi sắp xếp tương lai của mình trong trí tưởng tượng theo một sự tương ứng tuyệt đối giữa tông màu và kích thước, giữa vùng tối và ánh sáng.” [68; 334].

Nỗ lực nào cuối cùng cũng sẽ được đền đáp, thành quả nào cũng sẽ được ghi nhận, hành trình tìm đến với văn chương nghệ thuật của Romain cũng vậy. Truyện ngắn Cơn giông của ông đã được tờ tuần báo Gringoire cho in, tiếp sau đó một khoảng thời gian cũng tờ tuần báo này đã in truyện ngắn thứ hai của ông: Người đàn bà nhỏ bé. Vinh quang đã bắt đầu đến với ông và người mẹ. Giường như nỗi ám ảnh đeo đuổi kiệt tác và khát khao được dâng tặng bà một kiệt tác của nghệ thuật dù có thể “không được vinh quang của Guynemer” [68; 420] đã bắt đầu chào đón hai mẹ con ông. Thực tế Giáo dục Châu Âu cuốn tiểu thuyết này đã được ông gửi bản thảo cho Moura Doudberg, bạn gái của Gorky và của H.G. Wells, trong một khoảng

thời gian ngắn đã được xuất bản tại Anh khiến cho ông trở nên gần như nổi tiếng, động lực viết văn của Romain đã được người đọc ghi nhận đó là vì “cuộc sống là một thể loại văn học” [68; 394] trong đó văn chương của ông, quan điểm nghệ thuật của ông xét ở một khía cạnh nào đó nói nhiều đến thân phận con người trong khi ông phủ nhận cái tôi của bản thân:

“Tôi luôn biết rằng tôi không có sứ mạng nào khác, rằng trong chừng mực nào đó, tôi chỉ sống gửi; rằng sức mạnh bí ẩn và công minh đang ngự trị số phận con người đã ném tôi lên bàn cân để tái thiết sự cân bằng cho một cuộc đời đầy hy sinh và quên mình” [68;50] ông “quan tâm đến những vấn đề xã hội và ước mơ một thế giới trong đó đàn bà con gái không còn phải một mình địu con trên lưng nữa.” [68; 175].

Chính trong cuộc đời hơn sáu mươi năm cống hiến và những năm tháng gắn bó với văn nghiệp đã khẳng định những quan điểm nghệ thuật đó của ông. Thành quả không thể phủ nhận đó chính là hai tác phẩm đạt giải Goncount: Cội rễ bầu trời (1956) trong đó gương mặt nhân vật Morel xuất phát từ hình mẫu lý tưởng – một con người có thực mà ông từng gặp trong chiến tranh và tác phẩm Cuộc sống trước mặt (1975) được trình làng với tên Émile Ajar như một sự đấu tranh cho vấn đề số phận của cuộc đời. Đây là minh chứng rõ nhất cho hành trình tìm kiếm tài năng nghệ thuật văn chương của ông mà không phải bất cứ nhà văn nào cũng có thể làm được. Romain Gary đã biến cuộc sống của mình như một chuyến du hành trong hành trình vừa tìm kiếm, vừa trốn chạy không ngừng khỏi cái tôi, “cái tôi nhân bản ” như ông đã từng nói. Với ông văn chương nghệ thuật chính là cuộc sống của chúng ta. Suy cho cùng giống như Nguyễn Minh Châu nhận định: “Cái thước đo cuối cùng của văn học là sự đóng góp của nhà văn cho cuộc sống hôm nay.” Mà sự đóng góp đó sẽ không dừng lại nếu tình yêu dành cho văn học, tình yêu dành cho cuộc sống của những người sáng tác, những người làm nghệ thuật không bao giờ cạn kiệt, Romain là một đại diện tiêu biểu cho vấn đề này.

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 52)