Không gian sinh hoạt đời thường

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 70)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Không gian sinh hoạt đời thường

Với tác phẩm văn học tác giả đều tạo cho mình một kiểu không gian phù hợp với thể loại cũng như cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Lời hứa lúc bình minh viết về chính cuộc đời của Romain, trong đó hình ảnh người mẹ hiện lên xuyên suốt tác phẩm. Chính vì thế, không gian chính trong cuốn tự truyện là hình ảnh về các miền quê của Ba Lan, của nước Pháp, nơi tác giả cùng mẹ từng sinh sống. Đó là những bờ biển trải dài, những con đường, những dãy phố, quảng trường hoa lệ hay những khu chợ sầm uất cho đến căn phòng chật hẹp, nơi chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng gắn với những kỷ niệm của tác giả. Nếu không gian trong các tác phẩm thuộc thể loại tự sự khác gắn liền với sự hư cấu thì không gian sinh hoạt

trong cuốn tự truyện này được Romain xây dựng trung thực như nó vốn có, thông qua ngòi bút, cách cảm nhận của bản thân, tác giả thổi vào đó những rung động, những hồi ức mang tính tâm tưởng.

Mở đầu tác phầm, Romain Gary đắm chìm trước không gian biển cả: “Biển Big Sur không một bóng người, còn tôi vẫn nằm trên cát, đúng chỗ tôi đã ngã xuống sương mù biển khơi làm cho mọi vật trở nên dìu dịu; phía chân trời không một cánh buồm ló dạng; trên một chỏm đá, trước mặt tôi, hàng nghìn con chim đang đậu; trên một chỏm đá khác là một gia đình chim hải cẩu: Hải cẩu bố cứ dập dềnh trên mặt sóng, bóng nhẫy và đầy vẻ tận tâm, miệng ngậm một con cá. Thi thoảng, những con nhạn biển hạ xuống gần đến mức tôi phải nín thở, nhu cầu xưa cũ trỗi dậy trong tôi: một lát nữa thôi, chúng sẽ đậu lên mặt tôi, nép mình vào cổ tôi, vào vòng tay tôi, một lát nữa thôi chúng ta sẽ phủ khắp người tôi…”[68;11]. Cho đến kết thúc tác phẩm không gian về biển tiếp tục xuất hiện với “sương mù nhẹ, trời se sẽ lạnh… Những chú hải cẩu đã lặng im trên những mỏm đá, và tôi ở đó, mắt nhắm lại, miệng mỉm cười, tôi tưởng tượng một chú hải cẩu nhẹ nhàng đi về phía mình, còn mình thì bỗng cảm thấy, một chiếc mõm thân thương chà vào má hay vai…[68;441].

Với Romain, không gian biển cả chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, hình ảnh những chú hải cẩu thả mình theo sóng nô đùa, những con nhạn biển, con bồ nông, chú chim cốc, những con thuyền chở ánh tà dương trong lưới... luôn tạo cho ông cảm giác thân thiện. Hơi ấm của biển cả giúp ông tìm được sự yên bình, biển say nồng bên ông, đưa ông vào giấc ngủ,không khí tịch lặng của biển, nghe tiếng thở dài của biển như đang cùng chuyện trò, dốc bầu tâm sự với tác giả, làn nước mát lạnh của biển giúp tác giả bình tâm hơn sau những bộn bề của cuộc sống, như một người bạn chia sẻ những vui, buồn. Đến với biển Romain cảm thấy rất đỗi hạnh phúc và sự mênh mông của biển dường như cũng thấu được nỗi cô đơn của con người luôn nung nấu trong mình những khát khao thành công, khát khao chiến

thắng để bù đắp cho cuộc đời mẹ. Mỗi lần được “phơi mình dưới ánh nắng trên bờ cát Big Sur và cảm thấy trong người sự trẻ trung cùng lòng dũng cảm của tất cả những ai sẽ đến sau tôi, tôi tự tin chờ họ, mắt vẫn dõi theo những con hải cẩu và hàng trăm con cá voi mùa này đang bơi qua, vừa bơi vừa phun nước…”[68;385]. Với Romain, mỗi lần được ngắm nhìn biển, ngắm nhìn những thú vật, chim muông bay lượn, ông như được tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm tin để chiến thắng bản thân, chiến thắng số phận. “biển xanh, bãi đá cuội và những chiếc thuyền đánh cá nằm nghiêng trên đó. Tôi ngắm nhìn biển. Có cái gì đó diễn ra trong tôi. Tôi không rõ: sự yên bình bất tận và cảm giác về đích. Từ ấy,biển với tôi vẫn luôn là một khái niệm siêu hình tầm thường nhưng đầy đủ. Tôi không biết cách nói về biển. Tất cả những gì tôi biết là biển bỗng nhiên giúp tôi rũ bỏ tất cả, những gì gò bó vướng víu. Mỗi lần nhìn biển tôi lại trở thành một kẻ chết đuối tràn trề hạnh phúc” [68;133].

Bên cạnh không gian biển cả, chúng ta không thể không nhắc đến một địa điểm nữa đó chính là nơi hai mẹ con Romain từng sống, gắn bó cùng nhau, là nơi để lại cho tác giả nhiều kỷ niệm nhất. Đó chính là Khách sạn - Nhà nghỉ Mermonts. Ở đó ông cùng mẹ làm việc, cùng ngồi bên nhau ngắm nhìn cảnh vật, cùng trải qua những giờ phút hạnh phúc, vui cười, đặc biệt trên tầng tám, tầng trên cùng của khách sạn chính là không gian sống của hai mẹ con, với chiếc cầu thang xoắn ốc nối nhà hàng với bếp, nơi mỗi ngày người mẹ phải lên xuống hai mươi lần, có chiếc bàn ăn quen thuộc ở góc phòng, chiếc ghế bành mỗi buổi sáng người mẹ thường ngồi tiêm insulin vào đùi, khu vườn với những hàng cây xanh mướt… Tất cả hiện ra trong hồi ức của tác giả với những tâm trạng, với những dòng cảm xúc khác nhau. “Từ khúc quanh ở đại lộ Gambetta rẽ vào với phố Dante, tôi đã thấy xa xa, trong khu vườn nhỏ trước khách sạn, bóng dáng một người khiến tôi mỉm cười như thường lệ, với cả tình âu yếm lẫn mĩa mai” [68;259].

Không gian sinh hoạt đời thường hiện lên trong Lời hứa lúc bình minh

còn là cảnh vật xung quanh những nơi mà tác giả từng gắn bó là Wilno, là thành phố Nice và cả Paris hoa lệ. Hình ảnh tuyết phủ trắng xóa tạo nên tiết trời lạnh giá ở Wilno có khi nhiệt độ hạ xuống âm 100C: “Ở Wilno thời tiết lạnh kinh khủng, tuyết dần dần tấp đống trên đất, dọc theo những bức tường bẩn thỉu và xám xịt” [68;52]. Tất cả như thách thức lòng dũng cảm Romain và mẹ khi phải đương đầu với mọi khó khăn và tô đậm hơn nỗi cô đơn của con người trước thế giới bao la, rộng lớn: “tuyết khiến thế giới trở nên dày đặc, kỳ lạ và mênh mông im lặng, đôi khi, tiếng chuông phát ra từ một chiếc xe trượt tuyết nào đó cũng nhấn thêm vẻ dày đặc và mênh mông ấy” [68;53]. Hay là những con đường, khoảng sân gắn với những kỷ niệm thời thơ ấu của tác giả: “Tại đầu đại lộ Shakepeare, nơi chúng tôi ở thời đó, có một cái dốc gần như thẳng đứng trên có đường sắt chạy qua và đây chính là nơi tôi chạy đến trốn” [68;20].

So với thành phố Wilno thì không gian ở thành phố Nice-thành phố nằm ở miền Nam nước Pháp nhộn nhịp, sầm uất hơn nhiều. Tiêu biểu nhất phải kể đến đó là hình ảnh khu chợ Buffa: “Chợ Buffa nhỏ hơn chợ phố cổ, là nơi các khách sạn hạng sang đến mua đồ dự trữ và là nơi phục vụ chủ yếu các quán trọ trong khu vực đại lộ Gambetta. Đó là nơi của những sắc giọng khác nhau, của những mùi vị và màu sắc, nơi những lời nguyện của các quý tộc cất cao trên những lát cá, những miếng sườn, những rá tỏi tây hay mắt cá chết(…) những bó hoa cẩm chướng và trinh nữ to tướng luôn bướng bỉnh tìm cách nhô lên”[68;188].

Với Romain hình ảnh về khu chợ Buffa luôn tươi đẹp và chứa đựng những ý nghĩa lớn lao. Đây là địa điểm mà sáng nào mẹ ông cũng có mặt, ở đó tình người luôn bao bọc bà, giúp bà có những khoảng khắc tuyệt vời nhất, ở đó ông luôn có thể tìm được những ký ức về mẹ: “Mỗi lần trở lại Nice tôi đều đến chợ Buffa. Tôi đi lang thang giữa đám tỏi tây, măng tây,dưa tây, thịt bò, hoa quả và cá. Những âm thanh, những giọng nói,

những cử chỉ, những mùi vị và hương thơm không hề thay đổi, chỉ thiếu tí xíu thôi, gần như là không gì cả, để cho ảo tượng trở nên trọn vẹn. Tôi ở đó nhiều giờ liền, cà rốt và rau diếp xoăn làm cho tôi những gì chúng có thể làm” [68;190].

Với không gian sinh hoạt đời thường, không gian hẹp tác giả muốn nói lên những khó khăn vất vả trong cuộc sống của những con người nghèo khổ phải vượt lên hoàn cảnh, số phận trong xã hội bấy giờ. Trong mỗi nét vẽ về không gian sinh hoạt đều được tác giả lồng vào những dòng cảm xúc - kiểu không gian tâm lý, không gian hướng nội. Đó là cảm xúc về mẹ, về quãng thời gian sống dặt dẽo của hai mẹ con, về tình bạn hay mối tình trẻ thơ, với những bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ mang đặc trưng riêng của nước Pháp.

Tóm lại không gian sinh hoạt đời thường trong cuốn tự truyện hiện ra một cách trung thực khiến cho người đọc có cảm giác như đang trực tiếp được nghe tác giả kể lại, góp phần thể hiện nhịp điệu cuộc sống của nhân vật trong tác phẩm với những dòng cảm xúc chan chứa tình cảm, những suy tư của tác giả về cuộc sống về thân phận con người với những tình cảm thiêng liêng, cao cả .

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w