Không gian chiến trận

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 74)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.3. Không gian chiến trận

Nếu không gian sinh hoạt đời thường chủ yếu là khoảng thời gian từ thủơ ấu thơ cho đến thời niên thiếu của tác giả thì bức tranh không gian chiến trận miêu tả về khoảng thời gian ông tham gia vào lực lượng Không quân Pháp, phối hợp cùng Không lực Hoàng gia Anh chiến đấu với kẻ thù. Đó là những cuộc hành quân di chuyển từ căn cứ này đến căn cứ khác, những trận chiến trên không cùng các đồng đội, những chiếc máy bay, đường bay, sân bay và cả hình ảnh những chiến sĩ-phi công với nụ cười tươi vui, hóm hỉnh…

Mang đặc trưng riêng khi là lính tham gia ở mặt trận trên không cho nên họ không trực tiếp giáp mặt kẻ thù, bức tranh không gian đó không ồn

ào, náo nhiệt mà lặng lẽ. Đó là những đợt đi tiêm kích tàu ngầm, những trận đánh bom mà theo tác giả thì “đó là một công việc thư thái” [68;419]. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng “nhẹ nhàng”: “… chúng tôi trải qua một cuộc xuất kích hơi sóng gió hơn thường lệ. Cách mục tiêu vào phút, khi đang bay lượn giữa những làn trái phá, trong tai nghe của tôi vang lên tiếng kêu của anh phi công Arnaud Langes. Tiếp đó là một khoảnh khắc im lặng, rồi anh cất giọng nói lạnh lùng:

- Tôi bị trúng mắt. Tôi mù mất rồi.

Trên chiếc Boston, chỗ ngồi của phi công được ngăn cách với chỗ dành cho hoa tiêu và người bắn súng bằng mấy tấm vỏ sắt, thế nên trên không chúng tôi không thể giúp gì nhau (...) chúng tôi chỉ còn cách mục tiêu vài phút và tôi thấy đơn giản nhất là tiếp tục bay thẳng, thả hết bom xuống mục tiêu rồi sau đó xem xét tình hình, nếu còn có tình hình (…). Chúng tôi tiếp tục bay thẳng một lúc nữa rồi bắt đầu tìm cách hướng dẫn Anrud bằng miệng, tách ra khỏi đội hình (…) và cố hạ cánh bằng cách hướng dẫn anh bằng miệng” [68;424 -425].

Trong bức tranh không gian chiến trận đó, họ phải đối mặt với rất nhiều kẻ thù, ở chiến dịch chống Rommel lần thứ hai:

“Sáng hôm đó, gió khamsin thổi mạnh, dưới sự chỉ huy của Saint- Péreuse, khi đang cất cánh ngược chiều gió thì các phi công cùng ba chiếc Blenhemi của chúng tôi bỗng thấy nhô ra từ trong lốc cát ba chiếu Blenhemi của người Anh bị nhầm hướng theo chiều gió lao về phía mình. Trên mấy chiếc máy bay có chở ba nghìn kí bom và hai đội bay đã đạt tốc độ cất cánh, cái thời điểm không thể điều khiển được trong điều kiện sân bay và bão cát đó (…) Tất cả những người còn lại đều tan thành tro bụi” [68;409 - 410]. “… vài giây trước khi cơn lốc nhiệt đới tràn vào thành phố, thì các nhân chứng trông thấy từ trên những đám mây, sét bắn ra như một nắm đấm đánh vào buồng lái. Arnaud Langer chết ngay tại chỗ” [68;426]. Tiếp sức cho những trận đánh đó chính là tinh thần chiến đấu anh dũng của

những người lính: “Chúng tôi đồng tình lên án thái độ của hải quân Anh và cũng nhất trí kết luận là người Anh sẽ tiếp tục chiến đấu và sẽ không chịu ký hiệp ước đình chiến với quân Đức” [68;326]. “Anh ấy tên là Bouquillard (…) Anh trở thành con “át chủ bài” người Pháp đầu tiên trong trận Anh quốc, trước khi ngã xuống sau sáu lần lập công, và hai mươi phi công đã đứng trong phòng tác chiến ngước mắt lên cái họng đen ngòm của loa phóng thanh mà nghe anh hát điệp khúc vĩ đại của người Pháp cho đến khi tiếng nổ cuối cùng vang lên.” [68;363].

Bức tranh không gian đó còn được tô đậm bởi hình ảnh của những chiếc máy bay-người bạn đồng hành cùng các phi công chiến đấu trên mọi mặt trận:

“những chiếc máy bay hiệu Potez-25 dũng mãnh, nom chúng giống như những con ngựa Percheron, thơm mùi dầu ôliu mà đến giờ tôi hãy còn nhớ da diết. Các bạn hãy tưởng tượng một cảnh một sĩ quan tập sự trườn nửa người ra khỏi khoang chiếc máy bay cúc cu đang bay với vận tốc một trăm hai mươi kilômét, hay đứng trước mũi máy bay, dùng tay hướng dẫn cho viên phi công đang điều khiển chiếc máy bay hai lớp cánh hiệu L’eo- 20, kiểu máy bay này có những cái cánh dài màu đen đập gió với tất cả sự duyên dáng của một con bọ rùa già nua ”[68;268]. “Chiếc máy bay bốn động cơ mang hiệu Farrman màu đen mới đáp sân hôm trước, tôi thấy chiếc máy bay này đủ lớn để có thể đưa tôi sang Anh. Đó chắc hẳn là chiếc máy bay to nhất mà tôi được thấy cho tới lúc bấy giờ” [68;318]. “Tôi nhớ nhất một chiếc Bréguet sệ bụng, phía sau thân của nó có một cái xà, nom như cái chân gỗ, bất lịch sự và thô thiển như một số vật thờ Châu Phi” [68;320].

Kiến tạo nên không gian chiến trận còn là khung cảnh ở các căn cứ, những giờ tập trước trận chiến: “Tôi yêu mến hàng giờ dài chúng tôi trải qua trên sân tập trong bộ áo liền quần bằng da-xỏ được nó vào mình, người ta tưởng như đã trải qua tất cả những khó khăn cực nhọc trên đời-lội bì

bõm trong bùn Avord,” [68;267]. “ Ngoài những giờ bay với cương vị hỏa tiêu, xạ thủ súng máy và phi công ném bom, đồng đội còn thường nhường cho tôi cầm lái trên không, nên mỗi ngày tôi được lái trung bình một tiếng.” [68;296].

Bổ sung vào không gian ấy còn là tình cảm cao quý giữa các đồng đội, là tình yêu chân thành của các chiến sỹ, tất cả tạo nên bức tranh đa màu sắc: “Tôi thấy một hạ sĩ tốt bụng người Ba Lan không biết từ đâu đi về phía mình. Chúng tôi ôm chầm lấy anh ta: Đó là lần đầu tiên tôi ôm hôn một hạ sỹ (…). Như vậy là anh hạ sĩ xuất hiện rất đúng lúc. Forsans mượn của anh ta chiếc áo varơ; Daligot thì mượn anh chiếc mũ cát két, còn tôi, tôi chỉ việc cởi áo vest ra và giọng lanh lảnh ra lệnh cho những người bạn đồng hành của mình bằng tiếng Ba Lan, chúng tôi đi qua hàng chiến bị đang canh gác cửa lưới sắt ở cảng và cầu tàu mà không gặp chút khó khăn nào, rồi chúng tôi lên tàu, phải nói là với sự giúp đỡ của hai người sĩ quan Ba Lan”. [68;358 – 359]. Hay như mối tình cảm động giữa Mặt Đẹp và Annick, khi biết tin Mặt Đẹp tử trận, Annick sẽ không làm việc cho người Đức mà muốn sang Anh, ra đi cùng những ai tiếp tục chiến đấu, vì cô biết mình sẽ có ích khi ở Anh.

Đối lập với những hình ảnh khốc liệt trên là bức tranh không gian thiêng liêng đẹp đẽ, với những tảng đá lẫn vào đám cây bách ở miền quê Provence, cảnh vật trên dãy núi Apilles... Tất cả như thổi hồn hoà cùng không khí của cuộc chiến, tiếp thêm niềm tin cho những người con yêu nước chiến đấu vì bầu trời tổ quốc. Ngoài ra không gian chiến trận đó còn là hình ảnh nụ cười của những người lính, là niềm tin chiến thắng, là khung cảnh lạc quan tin tưởng của ngày nhập ngũ. Đặc biệt tác giả còn miêu tả tới những chiến công vẻ vang, những hy sinh mất mát của người lính phi công: “Trung sĩ Capeppa-Trung tá Caneppa, Huân chương Giải phóng, huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng ba,mười hai lần lượt được tuyên dương, mười tám năm sau đã ngã xuống trên chiến trường Algérie, sau khi đã

chiến đấu không mệt mỏi trên khắp mọi mặt trận, nơi nước Pháp từng đổ máu” [68;362]. “Trong số năm mươi phi công có mặt lúc ấy, chỉ có ba người còn sống sót sau chiến tranh-suốt những tháng ngày ác liệt tiếp đó, phân tán trên bầu trời nước Anh, nước Pháp, nước Nga, Châu Phi, họ bắn hạ hơn một trăm năm mươi máy bay kẻ thù trước khi đến lượt mình gục ngã” [68;365]. “Xung quanh tôi, bầu trời mỗi lúc mỗi trống trải hơn. Scholozing, Béguin, Mouchtte, Maridor, Gouby và Max Gueodj, người đã trở thành huyền thoại, đều lần lượt hi sinh, rồi đến những người cuối cùng ra đi, De Thuisy, Martell, Colcanap, de Maismont, Mahé, và rốt cuộc cũng tới ngày mà trong số tất cả những người tôi từng quen biết ở Anh, chỉ còn lại Barberon, anh em nhà Langer, Stone và Perrier. Chúng tôi thường im lặng nhìn nhau” [68;421]. Đây chỉ là một trong số khá nhiều dẫn chứng tiêu biểu nói về những hy sinh, mất mát, đau thương, những chiến công vang dội của người lính trong không gian chiến trận được phản ánh qua tác phẩm. Xây dựng hình tượng không gian này nhà văn muốn thể hiện tính chất khốc liệt, cam go của một cuộc chiến, một cách nhìn trung thực nhất vào bản chất của chiến tranh. Đồng thời đề cao, ghi ơn đối với những người con yêu nước, nổi bật vị thế của người lính, tôn thêm ý nghĩa của những chiến công.

Lời hứa lúc bình minh, cuốn tiểu thuyết tự truyện đầy cảm động về tình mẫu tử của hai mẹ con Romain. Chính vì vậy dù miêu tả không gian hiện thực của khung cảnh chiến trận thì vẫn luôn có sự xuất hiện của không gian tâm tưởng, không gian tâm lý gắn với điểm nhìn, trường nhìn của người trần thuật. Khác với không gian bối cảnh và không gian sự kiện, không gian tâm lý xuất hiện bên trong nhân vật, trong tâm trạng kể chuyện. Đó có thể là những dòng hồi ức triền miên của nhân vật đầy những tâm trạng vui buồn, những mơ ước mộng mị vơ vẫn, những ám ảnh ám chỉ mơ hồ mà nhân vật không nói ra được. Trong tác phẩm chúng ta thấy từng mảng không gian hiện ra qua những dòng hồi ức về mẹ, về những kỷ niệm

ngọt ngào mà tác giả từng trải qua. Hình ảnh người mẹ luôn theo suốt ông trên mỗi chặng đường, mang đến niềm tin chiến thắng, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu trong con người ông.

“Tôi nghe giọng nói của mẹ trên điện thoại. Giờ đây tôi không tài nào diễn tả được những gì hai mẹ con tôi đã nói với nhau. Đó là một chuỗi những tiếng kêu gào, những từ ngữ, những tiếng nức nở, nó không phải thứ ngôn ngữ có cấu âm (…) câu nói rõ ràng duy nhất, kỳ cục, được vay mượn từ vốn từ khiêm tốn nhất của ông nối thoại, là câu nói cuối cùng. Khi hai mẹ con đã im lặng, sự im lặng kéo dài, thậm chí không còn tiếng rè rè của điện thoại nữa, sự im lặng dường như muốn nuốt chửng cả đất nước, thì bỗng tôi nghe thấy một giọng nói kỳ cục nức nở từ xa xôi:

- Chúng ta sẽ đánh bại chúng ! [68;317]

“Mẹ tôi đến, cùng tôi đi lên boong tàu gần như vào mỗi buổi tối, hai mẹ con tôi chống khuỷu tay lên thành tàu, ngắm nhìn lằn tàu trắng xóa, nơi từ đó cả màn đêm lẫn sao trời nhô lên” [68;386].

Trong không gian tâm tưởng đó còn mang cả nỗi nhớ quê nhà được gợi lên qua nét văn hóa ẩm thực của quê hương. “Một điều bất ngờ dễ chịu đang chờ tôi trên đường: đúng thế, tôi gặp một người bán rong đang bán dưa chuột muối, cùng với các món ngon khác, trong những cái thẩu. Cuối cùng cũng có một bằng chứng cho thấy sức mạnh tình yêu, vốn thường dõi theo tôi, vẫn chưa từ bỏ tôi. Tôi ngồi trên sườn dốc và ngốn nửa chục dưa chuột cho buổi điểm tâm. Tôi cảm thấy khỏe hơn” [68;356].

Như vậy bức tranh không gian chiến trận hiện ra trong tác phẩm với đầy đủ sắc màu, từ những cuộc di chuyển từ căn cứ này sang căn cứ khác, những trận đánh bom trên không, những chiến dịch đi tiêm kích tàu ngầm, và cả những sự hy sinh mất mát, những chiến công oanh liệt của người lính. Tất cả đã làm tỏa sáng vẻ đẹp anh hùng của các phi công nói riêng, người lính nói chung, nêu bật được bản chất phi nghĩa của chiến tranh. Bên cạnh đó là không gian tâm lý, không gian tâm tưởng với hình ảnh thiêng

liêng về người mẹ của tác giả đã góp phần hoàn thiện hơn bức tranh không gian chiến trận.

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w