Giải pháp về pháp luật hình sự

Một phần của tài liệu tội làm nhục người khác trong bộ luật hình sự việt nam (Trang 74)

5. Bố cục của luận văn

3.3.1 Giải pháp về pháp luật hình sự

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, “lần này chỉ sửa đổi những vấn đề thực sự bức xúc gây khó khăn, trở ngại cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế, còn các vấn đề khác cần được nghiên cứu kỹ về mọi mặt để phục vụ cho việc sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS trong thời gian tới”.43 Nhằm phục vụ cho việc hoàn thiện toàn diện BLHS trong thời gian tới, người viết xin chỉ ra những bất cập trong các quy định của BLHS 1999 về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người và đề ra hướng sửa đổi, bổ sung.

43

Báo cáo số 251/BC-UBTVQH12 ngày 23/4/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS.

Thứ nhất, khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ hai tháng đến ba năm”. Những biểu hiện đặc trưng của hành vi khách quan của tội làm nhục người khác như lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác chưa được điều luật quy định cụ thể. Trong khi đó hành vi vi phạm pháp luật hành chính lại được quy định cụ thể, chính xác hơn. Cụ thể: điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 49/CP ngày 15-08-1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự đã quy định: “Phạt tiền từ 50.000đ đến 200.000đ đối với một trong những hành vi sau:

d) Có cử chỉ thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định còn quy định: “Phạt tiền từ 200.000đ đến 1.000.000đ đối với một trong những hành vi sau:

a) Cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ, có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Thứ hai, về Tội làm nhục người khác (Điều 121): cần xem xét cụm từ “nghiêm trọng” trong cấu thành tội phạm cơ bản. Bởi lẽ: 1) Đây là tội phạm có cấu thành hình thức nên nếu quy định như hiện nay sẽ dẫn đến hiểu lầm đây chính là hậu quả của tội phạm. 2) Tội làm nhục người khác có hậu quả là thiệt hại về tinh thần nên rất khó chứng minh về tố tụng; khó xác định hành vi làm nhục khi nào là nghiêm trọng, khi nào chưa nghiêm trọng. Mặt khác, để tạo điều kiện cho việc thống nhất áp dụng pháp luật, cần có hướng dẫn thế nào là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi làm nhục người khác, phải căn cứ vào thái độ nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi; vị thế, vai trò của người bị hại trong gia đình, cơ quan, tổ chức cũng như trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi làm nhục người khác… Sự đánh giá của dư luận xã hội về hành vi làm nhục người khác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi và là căn cứ để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Cần sớm nghiên cứu, ban hành Thông tư liên tịch Công an, Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp, hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999, trong đó quy định rõ và cụ thể ranh giới giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi làm nhục người khác. Tuy nhiên, để phân định ranh giới giữa có tội làm nhục người khác với chưa có tội làm nhục người khác, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung cụm từ “thường xuyên” vào trước cụm từ “xúc phạm”.

Thứ ba, theo quy định của BLHS, hình phạt của Tội làm nhục người khác lại ngang bằng với Tội hành hạ người khác và thấp hơn nhiều so với Tội vu khống. Điều này là bất hợp lý. Bởi lẽ, Tội làm nhục người khác có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn Tội hành hạ người khác và gần tương đương với Tội vu khống vì Tội làm nhục người khác xâm phạm đến khách thể quan trọng hơn khách thể của Tội hành hạ người khác - nhân phẩm, danh dự của con người. Vì vậy, đề nghị nâng hình phạt đối với Tội làm nhục người khác (Điều 121) lên cao hơn hình phạt của Tội hành hạ người khác (Điều 110).

Như vậy, theo ý kiến của người viết, thì nên sửa chữa điều luật theo hướng:

Điều 121. Tội làm nhục người khác

1. Người nào thường xuyên có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm…

Bên cạnh việc quy định về hình phạt, cần hoàn thiện những quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại đối với người bị xúc phạm nghiêm trọng về nhân phẩm, danh dự. Đương nhiên, việc bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của con ngươì là một việc làm khó. Khi người ta đã bị làm cho xấu xa, nhơ nhuốc, thì khó lòng phục hồi được. “Cọp chết để da, người chết để tiếng”. Câu nói đó cũng hàm chứa ý nghĩa, danh dư, nhân phẩm của một người khi bị làm cho xấu đi, thì không thể nào bù đắp lại một cách thỏa đáng, trọn vẹn. Dù thời gian có trôi qua thì nhân phẩm, danh dự người đó vẫn bị người đời nhắc nhở, ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình và người thân họ vì “trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Vì thế cần có chính sách bồi thường về tinh thần thỏa đáng cho người bị hại cũng nhằm răn đe người khác, để ngăn chặn hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác.

Trước khi có Bộ luật Dân sự năm 1996, theo Thông tư số 173-UBTP ngày 13- 03-1972 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thiệt hại về tinh thần không có thể tính toán được. Tuy nhiên, từ khi Bộ luật Dân sự năm 1996 ra đời, việc bồi thường thiệt hại về nhân phẩm, danh dự của con người do hành vi phạm tội gây ra, phải căn cứ vào các quy định do Bộ luật này quy định. Trong Bộ luật Dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14-06-2005, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại được quy định tại Điều 611: “1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm hại bao gồm:

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.

Hiện nay, mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định là 1.150.000đ, như vậy mức bồi đắp tổn thất về tinh thần chỉ được tối đa là 11.500.000đ (mười một triệu năm trăm nghìn đồng). Quy định này rõ ràng chỉ mang tính tượng trưng, không có tác dụng phòng ngừa các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm của con người, trong đó có tội làm nhục người khác. Vì vậy, theo chúng tôi, cần phải sửa đổi khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2005 như sau:

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá hai mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Một phần của tài liệu tội làm nhục người khác trong bộ luật hình sự việt nam (Trang 74)