5. Bố cục của luận văn
3.2.3.1 Bất cập về tâm lý xã hội, giáo dục đạo đức
Do tác động của công cuộc đổi mới và của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chứa đựng cả mặt tích cực và mặt tiêu cực trong xã hội. Đó cũng là quan hệ tất yếu khách quan giữa tồn tại xã hội với tâm lý, ý thức xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ xã hội, đồng tiền đóng vai trò đáng kể trong các quan hệ xã hội. Một bộ phận dân cư không có việc làm hoặc việc làm thiếu ổn định. Xóa bỏ bao cấp, xã hội đặt mỗi con người vào vị trí phải tự khẳng định mình, phải lo cho cuộc sống của chính mình. Từ đó, nhiều biểu hiện tiêu cực nảy sinh, các giá trị đạo đức, chuẩn mực truyền thống bị phá vỡ, tính chất cạnh tranh gay gắt đã làm xuất hiện sự đua chen, đố kỵ, sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, sự phân cực giàu nghèo cũng trở nên gay gắt. Tất cả những điều đó làm nảy sinh tâm trạng băn khoăn, lo lắng hoài nghi. Một bộ phận dân cư ngơ ngác trước cuộc sống mới, bên cạnh đó có bộ phận chỉ lo làm tiền bằng mọi giá, thờ ơ với cuộc sống chung của xã hội, phai nhạt lý tưởng, suy giảm niềm tin. Một bộ phận không nhỏ đảng viên xa rời lý tưởng, sa sút đạo đức, chạy theo chủ nghĩa cá nhân dẫn tới tình trạng suy thoái ở một số nơi, một số bộ phận. Những xu hướng biến đổi tâm lý xã hội tiêu cực trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường nói trên là nguyên nhân và điều kiện cho tội phạm nói chung và tội làm nhục người khác nói riêng tồn tại và phát triển.
Các hành vi làm nhục người khác phần lớn là do những người có trình độ dân trí thấp, ý thức giáo dục đạo đức chưa cao và chưa được giáo dục nếp sống văn hoá mới một cách đầy đủ, thực hiện. Nước ta vẫn phải quan tâm đến vấn đề xoá đói, giảm nghèo và phổ cập giáo dục đến tận vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, đưa đến cho người dân “cái chữ” phải song song với việc nâng cao trình độ hiểu biết của họ về một lối sống văn hoá đẹp, văn minh. Nhiều người khi có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác mà không hề biết mình phạm tội, bởi danh dự, nhân phẩm vốn là một tài sản phi vật thể, không phải ai cũng có thể nhận thấy nó bị biến dạng, thay đổi ra sao khi bị xâm phạm. Sự thiếu hiểu biết và thiếu văn hoá của người dân chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tội phạm.
Trong số những người phạm tội làm nhục người khác, có cả những người là cán bộ, công chức, đảng viên, dù chỉ chiếm số ít nhưng nó cũng là sự cảnh tỉnh về tình trạng xuống cấp đạo đức của tầng lớp vốn được coi là trí thức. Vì hiện nay, nền giáo dục của chúng ta dường như chỉ chú trọng đến phần “ngọn” mà chưa thật sự để tâm đến phần “gốc”, bởi cái gốc của sự học là vận dụng những kiến thức được học ấy như thế
nào trong cuộc sống. Như vậy, công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cũng là một vấn đề cần được quan tâm để giảm thiểu tội phạm này.
Ý thức chây lười lao động, tỷ lệ thất nghiệp là những điều và những con số ảm đạm cho một xã hội văn minh, cũng là một trong những nguyên nhân của tình hình tội phạm. Tình trạng này dễ làm nảy sinh những phản ứng tiêu cực đối với các tác động của xã hội, một phần do có thời gian nhàn rỗi, một phần do tâm lý ngại làm việc, ham hưởng thụ, do vậy họ đã giải quyết mâu thuẫn bằng những cách mà họ cho là đơn giản và có hiệu quả nhất, đó là lăng mạ, xúc phạm, làm nhục những người làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình hoặc những người liên quan đến mình.
Bên cạnh đó, ý thức xã hội về truyền thống văn hoá cao đẹp của dân tộc cũng đang là một vấn đề đáng quan ngại. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay quay lưng lại với văn hoá truyền thống không hẳn vì những nền văn hoá truyền thống ấy không có sức hấp dẫn mà có thể bởi một lý do thiết thực hơn: những người trẻ tuổi thời hiện đại không muốn bị gọi là người “lỗi mốt với xu thế văn hoá của thời đại”. Những tình yêu đẹp như tình yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết, phấn đấu vì những mục tiêu tốt đẹp đang dần bị mai một trong ý thức của giới trẻ hiện nay. Mà thay vào đó, là những gì gọi là “xu thế”, là “mốt”, chạy theo lối sống sa hoa, thực dụng và buông thả. Lối sống thờ ơ, sa ngã, thích hưởng thụ một phần là do công tác giáo dục đạo đức từ phía gia đình, nhà trường và xã hội chưa được quan tâm đúng mức.
Do vậy, mỗi người phải tự nhận thức được những quy tắc, chuẩn mực văn hoá để áp dụng linh hoạt vào những hoàn cảnh cụ thể, cốt lõi của những hành xử đẹp chính là một trái tim nhân hậu, vị tha, cao thượng. Việc giáo dục con người hướng tới lối sống nhân văn cao đẹp chính là nền tảng để loại bỏ tội phạm này. Nhưng thực tế, những nghĩa cử nhân văn ấy dường như ngày càng ít đi, có nhiều người vì quyền lợi kinh tế của mình đã sẵn sàng hi sinh nhân cách và danh dự bằng những hành vi làm tổn hại tới danh dự, nhân phẩm của người khác.