Bất cập về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Một phần của tài liệu tội làm nhục người khác trong bộ luật hình sự việt nam (Trang 71)

5. Bố cục của luận văn

3.2.3.2 Bất cập về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển theo hướng phục vụ cho đông đảo tầng lớp nhân dân lao động. Tuy nhiên, mục đích điều chỉnh của pháp luật được thực hiện hay không phải thông qua hành vi xử sự của mỗi người dân, của các cơ quan, tổ chức và một trong những phương tiện quan trọng để thực hiện tốt pháp luật là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Về tội làm nhục người khác, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người là vấn đề rất quan trọng. Quyền con người, được thể hiện trong các công ước quốc tế và luật quốc gia. Xuất phát từ việc bảo vệ các quyền con người nói

chung và cụ thể là bảo vệ danh dự nhân phẩm con người, pháp luật nước ta đã ban hành những chế tài nghiêm khắc để trừng trị những kẻ phạm tội này. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật và tư tưởng chủ đạo về quyền con người chưa thực sự được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới từng người dân. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người và tội làm nhục người khác chưa tập trung và đi sâu đi sát đối với mỗi người dân. Các cơ quan ban ngành hữu quan cũng đã tổ chức một số cuộc tuyên truyền nhưng nội dung còn nghèo nàn, chưa cụ thể, chưa phản ánh đầy đủ thông tin. Đặc biệt, các thông tin về tình hình làm nhục người khác, hậu quả và các chế tài xử lý tội phạm chưa được tuyên truyền phổ biến đầy đủ.

Để đạt được hiệu quả của việc tuyên truyền là phải nhắm được vào các đối tượng cụ thể được tuyên truyền, với mỗi loại đối tượng cần có những hình thức tuyên truyền phổ biến phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay có một số cuộc hội thảo, tuyên truyền chỉ nhắm vào đối tượng chung chung, thiếu cụ thể và tính thuyết phục, do vậy hiệu quả tuyên truyền không cao. Chủ trương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để đấu tranh phòng ngừa tội làm nhục người khác phải xuất phát từ chính tình hình và đặc điểm nhân thân của tội phạm để nhằm vào những loại đối tượng nào cần tác động nhiều hơn, đặc biệt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa hiện nay chưa có các buổi tuyên truyền giáo giáo dục pháp luật sâu rộng. Vì người dân ở những khu vực này còn rất xa lạ với khái niệm về quyền con người và không hề biết làm nhục người khác là vi phạm pháp luật hình sự.

Một vấn đề cũng cần quan tâm đó là phương pháp tuyên truyền còn đơn điệu, thiếu những minh họa, kém hấp dẫn nên tính thuyết phục chưa cao. Và còn cứng nhắc trong việc tuyên truyền, không có sự kết hợp, lồng ghép thực tiễn và pháp luật. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật qua các phương tiện truyền thông chưa cao, chưa bám sát những thông tin mới về cuộc đấu tranh phòng, chống tội làm nhục người khác, chưa có các phóng sự, thông tin chuyên đề về vấn đề làm nhục người khác và vấn đề bảo vệ quyền con người mà các thông tin đưa ra còn mang tính chung chung, thiếu cụ thể.

Chính vì các nguyên nhân trên nên hiệu quả của công tác tuyên truyền chưa cao, chưa khơi dậy được sự tự giác chấp hành pháp luật của quần chúng, chưa chỉ ra được tác hại, hậu quả của việc làm nhục người khác. Do vậy, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật về tội làm nhục người khác và quyền con người sẽ có tác dụng thiết thực nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân nói chung, ý thức đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật hình sự nói chung tội làm nhục người khác nói riêng.

Một phần của tài liệu tội làm nhục người khác trong bộ luật hình sự việt nam (Trang 71)