Đối với giáo viên

Một phần của tài liệu Sử dụng bài tập trong dạy học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị (Trang 41)

Giáo viên là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của hoạt động đổi mới phương pháp dạy học nói chung và thiết kế bài tập nói riêng. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ đó, đội ngũ giáo viên cũng phải đảm bảo những điều kiện nhất định. Theo chúng tôi, để dạy tốt môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị, đội ngũ giáo viên cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Thứ nhất: Giáo viên phải là người tâm huyết với nghề, có lòng nhiệt tình, say mê, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Giáo viên có khả năng tác động vào tình cảm học sinh, gọi tên sinh viên thân mật, quan tâm thực sự đến công việc, hoàn cảnh của mỗi sinh viên, cố gắng sử dụng lời khen trong quá trình dạy học, không bao giờ dùng những lời nói mang tính chất miệt thị hoặc nhạo bám học sinh. Giáo viên thể hiện sự quan tâm đến sinh viên với tư cách cá nhân con người, thừa nhận tính cá thể của từng sinh viên.

Thứ hai: Không ngừng tự hoàn thiện nhân cách của mình, phải thương yêu, tin tưởng, tôn trọng sinh viên, có ý thức trách nhiệm về mọi hành vi ngôn ngữ, cử chỉ của mình đối với sinh viên, đồng nghiệp, bản thân phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Bài giảng phải ánh thái độ lao động nghiêm túc, sáng tạo, sự hiểu biết nội dung bài học sâu sắc, vốn sống phong phú để gắn lý luận với thực tiễn sinh động. Phương pháp dạy học đa dạng, linh hoạt để động viên sinh viên học tập. Hiệu quả giáo dục của bài học đòi hỏi giáo viên phải trung thực, phải tin vào những chân lý mà mình truyền thụ cho sinh viên. Sự không trung thực của giáo viên sẽ làm cho bài giảng mất hết khả năng thuyết phục học sinh, làm cho chân lý trở nên mơ hồ, giáo điều, hoàn toàn xa lạ với đời sống thực. Để có thể dạy tốt các bài học cũng như thiết kế bài tập tốt, người giáo viên phải có bản lĩnh của người cách mạng. bản lĩnh đó chỉ có thể có được do chính quá trình tu dưỡng, rèn luyện của giáo viên.

Thứ ba: Giáo viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, có hiểu biết sâu sắc về các chủ trương, chính sách, đường lối của nhà nước về kinh tế, kịp thời nắm bắt các vấn đề , các hiện tượng kinh tế diễn ra hàng ngày,có tính thời sự. Giáo viên có khả năng chuyển hóa các tri thức trong sách giáo trình dưới dạng các bài tập một cách phong phú, đa dạng, sát với thực tiễn đời sống .

Thứ tư: Giáo viên phải không ngừng thiết kế các dạng bài tập mới, vận dụng nó vào bài giảng và đổi mới phương pháp dạy học, đây là yếu tố quyết định hiệu quả của công việc giảng dạy. Nắm vững lý thuyết chuyên môn là rất cần thiết, nhưng để trở thành giáo viên giỏi tất yếu phải thực hành giỏi. Để đứng trên bục giảng ở mỗi tiết học, người giáo viên phải làm nhiều công đoạn: lập kế hoạch bài giảng, thiết kế bài giảng, thiết kế các hoạt động dạy và học, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá… Tất cả những công việc này đòi hỏi phải có sự thuần thục nhuần nhuyễn.

Thứ năm: Giáo viên cần phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật thông tin phục vụ cho bài giảng. Thông tin hiện nay phát triển như vũ bão, hàng ngày, ngày giờ đều có sự thay đổi, nắm bắt nhanh chóng. Nếu giáo viên không thường xuyên học tập nâng cao trình độ và cập nhật thông tin thì sẽ lạc hậu, lỗi thời, bài giảng sẽ không còn mang tính thời sự và xa rời thực tế; do đó sẽ không có tính thuyết phục cao đối với người học. Vì vậy, giáo viên phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, bắt buộc mới có thể đáp ứng được với nhu cầu của người học.

Đặc biệt, đối với việc sử dụng bài tập trong giảng dạy Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin đòi hỏi giáo viên phải nắm được những yêu cầu cơ bản sau:

Sử dụng bài tập phải phù hợp với mục đích dạy học nói chung, từng bài học cụ thể nói riêng. Bài tập phải được lồng ghép, kết hợp với bài giảng trên lớp không chỉ giúp sinh viên hình thành kiến thức mà còn giúp các em củng cố, phát triển và sử dụng tốt các kiến thức đó.

Bài tập phải được sử dụng thường xuyên mang tính hệ thống trong quá trình dạy học bộ môn. Hiện nay nhiều giáo viên ở trường cao đẳng, đại học chưa nhận thức đúng về vai trò của việc sử dụng bài tập kinh tế chính trị Mác – Lê nin . Mặt khác, trong các tiêu chí đánh giá dự giờ, thanh tra chuyên môn cũng chưa có yêu cầu nào đề cập đến việc sử dụng bài tập. Hay nói cách khác việc ra bài tập chưa là vấn đề bắt buộc đối với giảng viên trong quá trình dạy học nên công việc này thường được trình bày một cách ngẫu hứng hay tùy thuộc vào phương pháp dạy học của từng người. Để khắc phục tình trạng trên cần xây dựng kế hoạch chung của tổ chuyên môn được vạch ra ngay từ đầu năm học. Dựa vào kế hoạch đó giảng viên tiến hành xây dựng nội dung bài tập, đồng thời xác định biện pháp, hình thức sử dụng bài tập có hiệu quả cao. Ở mỗi lớp, mỗi chương, mỗi khóa cần đưa ra bài tập gì? Để kế hoạch sử dụng bài tập trong dạy học diễn ra liên tục và có hệ thống giảng viên cần phải có một giáo án bài tập riêng, trong đó cần trình bày rõ mục đích, yêu cầu, nội dung bài tập và đáp án, hàng năm có bổ sung thêm những bài tập mới phù hợp với trình độ cụ thể của người học và yêu cầu của thực tiễn .

Tính hệ thống còn thể hiện ở chỗ phải đảm bảo sự kế thừa và phát triển trong quá trình sử dụng bài tập. Bài tập ra cho sinh viên phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, bài tập sau cần kế thừa bài tập trước, đồng thời đưa thêm những yếu tố mới nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng giải bài tập.

Sử dụng bài tập phải gây hứng thú học tập, kích thích sự suy nghĩ tìm tòi của học sinh. Như chúng ta đã biết, quá trình nhận thức bao gồm cả quá trình tư duy, tâm lý, xúc cảm, hứng thú và khả năng hành động của sinh viên. Do đó, để thúc đẩy quá trình tư duy tham gia trực tiếp vào quá trình nhận thức của học sinh, thì việc tiến hành bài tập phải khêu gợi nhu cầu nhận thức, mong muốn, kế hoạch hành động cho các em. Muốn vậy giảng viên phải nắm được đặc điểm, trình độ nhận thức của học sinh mỗi lớp để đưa ra bài tập thích hợp. Ở các lớp giảng viên có thể đưa ra những dạng bài tập nhỏ, đơn giản về những vấn đề riêng lẻ cụ thể.

Những dạng bài tập được xây dựng theo một công thúc khô khan, cứng nhắc, sử dụng quá nhiều những câu hỏi có sẵn trong sách giáo khoa, hoặc những bài tập không gây được hứng thú sẽ dẫn đến tâm lý nhàm chán, thậm chí không muốn làm bài tập. Trong quá trình thiết kế bài tập giáo viên cần chú ý đưa ra cho sinh viên những nhận định hay, hấp dẫn, những ý kiến trái ngược nhau về một vấn đề nhằm thu hút sự chú ý của sinh viên. Đó là cơ sở, nền tảng tạo nên hứng thú trong việc học tập, tự khám phá của các em.

Để tạo được hứng thú cho học sinh, giáo viên cần nắm vững tính vừa sức trong việc thiết kế và sử dụng bài tập. Những bài tập quá dễ hoặc quá khó đều không mang lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, trong một lớp giáo viên có thể đưa ra nhiều loại bài tập nhằm đảm bảo cho các đối tượng sinh viên (giỏi, khá, trung bình, yếu kém) cùng tham gia rèn luyện và phát triển trong quá trình làm bài tập.

Giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh làm bài tập. Đây cũng là một khâu khá quan trọng. Bởi bài tập kinh tế chính trị Mác – Lê nin rất phong phú, đa dạng đòi hỏi giáo viên phải nắm chắc nội dung yêu cầu bài tập để hướng dẫn cho học sinh những phương pháp giải quyết bài tập nhanh chóng và hiệu quả nhất. Việc hướng dẫn cho sinh viên giải bài tập có thể được tiến hành theo các bước sau: giao bài tập, nêu mục đích cần đạt được, gợi ý phương pháp giải quyết, kiểm tra và chữa bài tập.

Một phần của tài liệu Sử dụng bài tập trong dạy học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(96 trang)
w