Kiến thức của môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị rất phong phú và đa dạng, phản ánh nhiều mặt của đời
sống kinh tế của xã hội loài người. Tuy nhiên, trước đây trong quá trình dạy học do quan niệm sai lầm chúng ta chỉ truyền đạt kiến thức có trong sách giáo khoa mà thôi. Với tinh thần đổi mới trong việc dạy học và đòi hỏi người GV phải giúp SV hiểu biết một cách toàn diện về đời sống kinh tế xã hội loài người tdo đó, bài tập cũng phải đổi mới theo phương hướng đó nhằm tạo ra hứng thú học tập, sự tìm tòi, sáng tạo của SV. Các bài tập cần phản ánh sự tiến bộ của nền chính trị xã hội, những thành tựu mà con người đạt được về kinh tế, chính trị…, thúc đẩy kinh tế phát triển và tiến bộ xã hội. Muốn xây dựng những bài tập đa dạng, phản ánh được nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội GV phải tìm tòi, tích lũy kiến thức về một số lĩnh vực có liên quan. Như vây, sẽ góp phần tạo nên hiệu quả giáo dục tốt qua hiện tượng, sự kiện , quá trình kinh tế cụ thể.
Tính đa dạng của bài tập còn thể hiện ở chỗ phải xây dựng nhiều loại bài tập khác nhau từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhận biết đến nhận thức thực hành. Sự đa dạng của bài tập giúp SV vừa khai thác được nội dung phong phú về môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị vừa tiếp cận được nhiều tài liệu có liên quan khác, đặc biệt là những vấn đề kinh tế nóng bỏng đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Qua đó, rèn luyện kỹ năng thực hành bộ môn, làm cho kiến thức trong sách vở gần gũi với cuộc sống hơn. Trên cơ sở đó nảy sinh tình cảm, hứng thú học tập bộ môn.
Ngoài việc đảm bảo tính đa dạng thì bài tập kinh tế chính trị Mác – Lê nin còn đòi hỏi phải đảm bảo tính hệ thống.
Là một bộ môn khoa học xã hội, môn kinh tế chính trị Mác – Lê nin cùng với tất cả các môn học khác góp phần hình thành và phát triển tư duy, năng lực nhận thức cho sinh viên. Khác với các môn học khác, kinh tế chính trị Mác – Lê nin hình thành phẩm chất chính trị, tư tưởng kinh tế, nó gắn liền với đường lối xây dựng và phát triển kinh tế đất nước .
Đảm bảo tính hệ thống trong bài tập thực chất là đảm bảo tính khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực hiện nguyên tắc này trong dạy học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị đảm bảo thực hiện những yêu cầu của quy luật về sự thống nhất giữa dạy “chữ” và dạy “người”. Qua đó, con người có thể tiếp thu tri thức mang tính hệ thống, khoa học và truyền thụ tri thức mang tính hệ thống, khoa học.
Như vậy, việc nhận thức những vấn đề của môn kinh tế chính trị Mác – Lê nin phải tuân theo logic trên. Quá trình lĩnh hội tri thức của SV chỉ vững chắc khi kiên thức mà các em thu nhận được không phải là từng đơn vị riêng lẻ mà phải là một chỉnh thể thống nhất có quan hệ với nhau. Nội dung giờ học đều gắn bó chặt chẽ với các giờ học trước và giờ học sau.
Tính hệ thống thể hiện ở đặc điểm thời gian, trình tự trước sau, các mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, các sự vật hiện tượng. Tính hệ thống của các nội dung trong môn học thể hiện trong từng mục, từng bài, từng chương. Các kiến thức không tồn tại độc lập mà bị chi phối bởi các yếu tố không gian, thời gian, mối quan hệ nhân quả mật thiết với nhau, cái này là cơ sở, là tiền đề của cái kia. Khi xây dựng hệ thống bài tập nhất thiết phải đảm bảo mối liên hệ logic giữa các sự vật, hiện tượng trong từng bài, từng chương, hay giữ các bài, các chương với nhau. Nội dung thiết kế cũng phải linh hoạt. Có bài tập thiết kế dựa trên đơn vị kiến thức của một bài học, có bài tập nội dung kiến thức liên quan đến nhiều bài học, thậm chí cả một chương, nhiều chương.
Việc đảm bảo tính hệ thống, logic về nội dung kiến thức, nội dung bài tập là cơ sở quan trọng để tổ chức tốt hoạt động lĩnh hội tri thức cho SV. Bài tập trong dạy học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị góp phần tích cực vào quá trình lĩnh hội tri thức đó.