Bài tập phải đảm bảo tính vừa sức, đồng thời phát huy được tính thông minh, sáng tạo của sinh viên
Trong những năm gần đây ngành giáo dục phải đối mặt với một vấn vấn đề gây sự quan tâm của dư luận đó là vấn đề quá tải trong nội dung dạy học. Nhiều người cho rằng, trong nhà trường sinh viên phải chịu một lượng quá tải với sức mình về nội dung học tập. Theo họ, đó là do sự bùng nổ về thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và các thành tựu mà các ngành này đạt được. Mặt khác, do sự phát triển về mặt trí tuệ của sinh viên, do quan niệm giáo dục toàn diện cho sinh viên trong nhà trường. Thực chất đây là mâu thuẫn giữa khối lượng tri thức mà thời đại thông tin mang lại với năng lực, trình độ nhận thức có hạn của người học
Hiệu quả của việc dạy học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có tính vừa sức đối với sinh viên. Nội dung dạy học xét cho cùng là để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn. Mọi cải tiến về mục tiêu, nội dung, phương pháp đều nhằm mục đích cuối cùng là tổ chức tốt hoạt động nhận thức của sinh viên. Tuy nhiên “Mọi cố gắng của thầy giáo, tất cả những ước nguyện cao cả đều trở nên vô ích, nếu ta làm một việc không vừa sức với học sinh” [27, 45].
Quan niệm truyền thống về tính vừa sức được thể hiện khá cụ thể trong ý kiến của các nhà tâm lý học và giáo dục học. Theo Đa Ni Lốp và E Xi Pốp, nguyên tắc tính vừa sức thể hiện ở nội dung và phương pháp dạy học phải phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của người học nhờ đó mà người học nắm được tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Hay theo Xkat-kin “học sinh chỉ có thể hiểu những điều vừa sức với nó, không vượt qua trí lực của nó” [41, 50].
Như vậy, hiểu một cách chung nhất vừa sức với nghĩa là nội dung học tập không quá tải, vượt quá khả năng học tập của sinh viên. Nhưng làm thế nào để đánh giá được sự quá tải, quá sức trong nhận thức của sinh viên? Phải chăng đó chỉ là việc xem xét những hiện tượng bên ngoài như: sinh viên có hiểu bài không? Học tập có mệt mỏi không? Vấn đề không phải đơn giản như vậy. Đánh giá tính vừa sức của sinh viên là điều khó khăn và chưa phải chúng
Nói đến tính vừa sức trước hết là nói tới sự phù hợp giữa việc giảng dạy với đặc điểm nhận thức, đặc điểm lứa tuổi của người học. Song nếu quan niệm như vậy thì tính vừa sức chỉ tồn tại ở dưới dạng tĩnh, ổn định. Nhiều nhà tâm lý học, giáo dục học cho rằng tính vừa sức không phải là chấp nhận một chỉ số cố định, đồng loạt cho mọi đối tượng, trên mọi địa bàn, mọi thời đại. Tính vừa sức là cái luôn luôn biến đổi và có sự vận động. Sức là cái sẽ có, phải có và cái cần được tạo ra. Hay nói cách khác quan niệm về tính vừa sức phải đồng nghĩa với sự phát triển. Và “Xét về mặt chiến lược, nền giáo dục phải tạo ra sức chứ không phải chỉ là vừa sức” [27, 50].
Trong dạy học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin ở trường đại học , cao đẳng: dạy học phải tuân theo chương trình và sách giáo trình đã được ban hành, biên soạn phù hợp với yêu cầu và trình độ của mỗi lớp , mỗi chuyên ngành khác nhau; đồng thời GV phải biết tổ chức từng bước quá trình nhận thức, biết tạo ra năng lực mới trên cơ sở các năng lực sẵn có của sinh viên. Chỉ có những bài tập khó vừa đủ mới kích thích được sự căng thẳng của trí óc và phát triển tư duy có kết quả được. Cần phải đo bước tiến của sinh viên bằng những mức độ khó tăng dần lên nhưng cũng không nên quên giới hạn của tính vừa sức. Đảm bảo tính vừa sức là một trong những nguyên tắc rất quan trọng của dạy học nói chung và dạy học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị nói nói riêng, vì tính vừa sức làm cho sinh viên hứng thú học tập và học tập có kết quả, tạo điều kiện cho sinh viên kém vươn lên ngang trình độ chương trình, giúp sinh viên khá, giỏi vươn lên trong phạm vi trình độ quy định.
Trong quá trình thiết kế và sử dụng bài tập tính vừa sức thể hiện ở chỗ: GV phải tính đến các yếu tố đặc điểm tâm lý lứa tuổi, đặc điểm nhận thức của từng khoa, từng chuyên ngành , điều kiện cụ thể của từng tiết học… tránh tham lam ôm đồm khiến việc tự học trở nên nặng nề vượt quá ngưỡng tiếp nhận của sinh viên.
Đối với sinh viên cao đẳng, đại học thì trình độ tư duy đã phát triển cao cho nên có thể đưa ra những bài tập yêu cầu tư duy, năng lực làm việc độc lập. Bài tập quá khó hoặc quá dễ đều không kích thích phát triển tư duy và có khi làm giảm hứng thú học tập.
Tính vừa sức trong việc thiết kế và sử dụng bài tập trong dạy học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về kinh tế chính trị không những liên quan đến khả năng nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý HS mà còn liên quan trực tiếp đến GV - người đóng vai trò tổ chức điều khiển quá trình sư phạm. Trong một điều kiện sư phạm GV phải hướng tới nhiều đối tượng SV có sự khác biệt về trình độ, năng lực nhận thức. Vì vậy, GV có thể và cần thiết kế nhiều bài tập với nội dung và mức độ khác nhau để phù hợp với từng đối tượng SV (khá giỏi, trung bình, yếu). Tính vừa sức phải thỏa mãn mặt bằng chung của trình độ SV mà không “níu kéo” năng lực của những HS khá giỏi. Đó là một vấn đề phức tạp đòi hỏi kinh nghiệm và nghệ thuật của GV trong dạy học.