Sự phát triển của hệ thống thủy lợi

Một phần của tài liệu Quá trình du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào kinh tế nông nghiệp Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945 (KL03838) (Trang 45)

6. Kết cấu của khóa luận

2.2.3.1.Sự phát triển của hệ thống thủy lợi

Muốn duy trì phát triển nông nghiệp, trước hết phải giải quyết vấn đề tưới tiêu nước, công tác thủy lợi phải được đi trước một bước. Vào giai đoạn đầu của thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã đề ra các chính sách về công tác trị thủy nhưng kết quả không nhiều. Sau khi hoàn thành công cuộc thống trị Việt Nam, để thực hiện được các mục tiêu của mình về kinh tế nông nghiệp thì thực dân Pháp đã chú trọng việc xây dựng và phát triển hệ thống thủy lợi.

Từ năm 1870, những công trình thủy nông đã giúp nước ta tăng mạnh về diện tích trồng lúa, trở thành vựa lúa của Đông Dương. Đầu thế kỷ XX, các công trình được xây dựng trên cả nước, cho phép mở rộng diện tích trồng trọt, khai thác các vùng cao và bãi bồi ven biển. Việc thực hiện trương trình tổng

quát, tăng cường hệ thống đê điều sau năm 1926 đến năm 1945 khiến không có trận lụt nào gây thiệt hại đến mùa màng. Để giúp nông nghiệp có thể vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của thời tiết, nhiều hệ thống dẫn thủy nhập điền được xây dựng và khai thác ở Bắc Kỳ như Hà Bắc, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Sơn Tây, …ở Trung Kỳ như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên…điều đó dẫn đến “Nếu diện tích cây lúa ở Bắc Trung Kỳ là 390.000 ha tính thời điểm cao nhất, thì khả năng tưới nước của các công trình là 160.800 ha (chiếm tỷ lệ 41% diện tích). Tỷ lệ diện tích lúa được tưới nước đó vào loại cao nhất cả nước, Bắc Kỳ là 20%, Trung Kỳ là 10,8%” [7,tr.15]. Điều đó cho thấy công tác thủy nông nội đồng ở nước ta đã có bước chuyển biến đáng kể:

Ở Bắc Kỳ: Khi thiết lập các đồn điền vào mùa khô thường xảy ra hạn hán, cho nên sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng nhiều công trình thủy lợi, trong đó tiêu biểu là công trình thủy nông Cầu Sơn được xây dựng từ năm 1902, hoàn thành năm 1908, đến năm 1913 được mở rộng và đến năm 1914 thì hoàn thành. Công trình này nằm trên sông Thương, gồm 33 km kênh đào chính, 32 mương và khoảng 300 km kênh dẫn nước nhỏ. Hệ thống thủy nông Cầu Sơn có thể tưới cho 7.500ha.

Công trình được hoàn thành có tác dụng to lớn tạo điều kiện mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất cây trồng.

Ở Trung Kỳ: thực dân Pháp đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy nông tương đối quy mô và hiện đại, hai công trình thủy nông lớn là đập Bái Thượng- hệ thống thủy nông sông Chu (Thanh Hóa), và đập Đô Lương- hệ thống sông Đào Bắc Nghệ An.

Công trình thủy nông sông Chu hoàn thành đã làm thay đổi diện mạo nông nghiệp ở Thanh Hóa, cung cấp đủ 60.000 ha ruộng được chủ động tưới nước và có thể gieo trồng 2 vụ.

Công trình dẫn thủy nhập điền miền Bắc Nghệ An, được khởi công từ năm 1933 và hoàn thành năm 1937. Công trình đi vào vận hành đã tưới tiêu cho hơn 37.000ha ruộng.

Ngoài hai công trình lớn kể trên, chính quyền thuộc địa cũng cho xây dựng công trình dẫn thủy nhập điền tự chảy ở Hà Tĩnh. Đáng kể là đập Linh Cảm, hệ thống thủy nông ở miền Cẩm Xuyên…

Ở Nam Kỳ: Ngay sau khi chiếm được Nam Kỳ, chính quyền thực dân đã cho đào, nạo vét kênh rạch ở nhiều nơi. Từ sau năm 1894, thực dân Pháp bắt đầu đưa các máy móc hiện đại vào công cuộc làm thủy lợi ở Nam Kỳ.

Rạch Gía- Hà Tiên là một trong những con kênh lớn và quan trọng nhất được đào đắp trong giai đoạn này. Trước khi được đào đắp, vùng đất giữa Rạch Gía và Hà Tiên là vùng trũng, ngập nước, lầy lội và bị nhiễm chua, phèn nặng. Năm 1924, đoàn kỹ sư thuộc công ty Công chính Đông Dương đã tiến hành khảo sát và xây dựng thiết kế việc đào kênh. Cuối năm 1926, công trình chính thức được khởi công gồm: một kênh chính (kênh Rạch Gía- Hà Tiên) chạy dọc bờ biển, dài 81 km, bốn kênh phụ nối kênh chính với vùng trũng có chức năng tiêu nước từ vùng trũng ra kênh chính, bốn kênh phụ khác dẫn nước từ kênh chính đổ ra biển.

Kênh Rạch Gía- Hà Tiên được hoàn thành có ý nghĩa và vai trò rất lớn trong việc mở rộng diện tích canh tác, là đường giao thông thủy quan trọng trong việc vận chuyển lúa gạo từ Hà Tiên về Sài Gòn.

Như vậy, dưới triều Nguyễn,triều đình tỏ ra bất lực trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống thủy lợi thì đến giai đoạn này, dưới sự đầu tư của tư bản Pháp mà quan trọng hơn đó là việc biết sử dụng những phương thức sản xuất

hiện đại vào xây dựng những hệ thống thủy lợi vững chắc và hoạt động có hiệu quả đã đáp ứng được nhu cầu tưới nước cũng như tiêu nước trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh sự phát triển thủy nông nội đồng, kỹ thuật tưới nước trong các đồn điền cũng có bước chuyển biến đáng kể. Trong các đồn điền trồng cà phê, máy bơm đã được sử dụng để hút nước từ giếng, sông suối để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt sản xuất. Để vận hành máy bơm, máy phát điện chạy bằng than hoặc dầu được sử dụng, được cấp điện cho việc tưới nước vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Mặc dầu sản lượng đồn điền sử dụng phương pháp tưới nước hiện đại như trên là không nhiều nhưng sự xuất hiện của máy bơm điện là một sự thay đổi lớn với hình ảnh chiếc gầu sòng trong kỹ thuật lấy nước truyền thống của người Việt Nam.

So với thời kỳ trước, công tác thủy nông nội đồng thời kỳ này đã có bước phát triển rõ rệt. Trong giai đoạn năm 1920 - 1940, một số công trình dẫn thủy nhập điền lần lượt được xây dựng, có khả năng tưới nước cho hơn 40% diện tích canh tác lúa, đó là bước tiến trong lịch sử thủy nông Việt Nam. Sự phát triển hệ thống thủy lợi trong giai đoạn này, chứng tỏ rằng chính quyền thực dân đã chú trọng đầu tư phát triển hơn. Hệ thống thủy lợi được cải thiện nên có kết quả hơn trước, điều đó chứng tở tư bản Pháp đã du nhập vào nước ta một hệ thống khá hoàn chỉnh, hiện đại hơn mang tính chất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Quá trình du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào kinh tế nông nghiệp Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945 (KL03838) (Trang 45)