6. Kết cấu của khóa luận
1.2.2. Tình hình sở hữu ruộng đất
Nhìn chung, nửa đầu thế kỷ XIX vẫn tồn tại hai loại sở hữu ruộng đất chủ yếu là sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân.
1.2.2.1. Tình hình sở hữu ruộng đất Nhà nước
Sở hữu Nhà nước bao gồm 2 loại: loại do Nhà nước trực tiếp quản lý và ruộng đất công làng xã.
*Loại ruộng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý: Bị thu hẹp rất nhiều so với thời kỳ trước. Ba hình thức chủ yếu còn tồn tại ở nửa đầu thế kỷ XIX là tịch điền, quan điền quan trại và đồn điền.
- Tịch điền: Là loại ruộng đất có tính chất lễ nghi được sử sách chép đến từ thời Lê Hoàn (thế kỷ X) và được một số triều đại sau này noi theo. “Năm 1802, Minh Mạng quyết định thành lập tịch điền ở kinh đô Huế với số lượng 4,4 mẫu thuộc đất hai phường An Trạch và Hậu Sinh. Năm 1832, mở rộng tịch điền ra các địa phương trên toàn quốc, mỗi tỉnh 3 mẫu, lấy ruộng ở khu vực phía Tây tỉnh thành” [12, tr.24].
Về nguồn gốc tịch điền có thể là ruộng công, cũng có thể là ruộng tư, khi mở rộng thì Nhà nước miễn thuế hoặc đền tiền. Người cày ruộng tịch điền là các làng xã lân cận, có thể được trả lương hoặc miễn thuế thân và giao dịch. Sản phẩm thu hoạch một phần để giống còn lại nộp cho Nhà nước dùng chi phí trong việc tiến hành các nghi lễ nông nghiệp hàng năm. Do số lượng tịch điền trên toàn quốc ít nên loại ruộng đất này hầu như không gây tác dụng gì đến chế độ ruộng đất đương thời.
- Quan điền quan trại: Là loại ruộng đất đã có từ các thời vua trước.Đây vốn là các loại ruộng ngụ lộc, thưởng lộc, chế lộc, quan điền, quan điền trang, quan đồn điền, quan trại…dưới thời Trịnh Nguyễn, sau đó nhà Tây
Sơn đem ban cấp cho các quan lại. Sau khi khôi phục nền thống trị, nhà Nguyễn khôi phục những loại đất trên gọi chung là quan điền quan trại đặt dưới quyền sở hữu trực tiếp của Nhà nước.
Quan điền quan trại phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung từ Nghệ An vào, với tư cách là ruộng đất sở hữu trực tiếp của Nhà nước đem một bộ phận quan điền quan trại ban cấp cho một số đối tượng làm ruộng thờ, bộ phận còn lại dùng để phát canh cho dân sở tại hoặc các vùng lân cận cày cấy như ruộng tư. Từ năm 1822, Minh Mạng cho chuyển dần quan điền quan trại thành ruộng công làng xã và đến giữa thế kỷ XIX về cơ bản không còn loại hình này.
- Đồn điền: Ngoài một số bộ phận đã có từ trước còn phần lớn là kết quả của công cuộc khai hoang dưới triều Nguyễn. Ngay từ cuối thế kỷ XVIII Nguyễn Ánh đã thi hành chính sách lập đồn điền ở Nam Kỳ dưới hai hình thức: Đồn điền do binh lính khai khẩn (trại đồn điền) và đồn điền do dân khai khẩn. Loại đồn điền do dân khai khẩn dần dần bị quân sự hóa dưới thời Gia Long.
Lực lượng làm đồn điền chủ yếu là binh lính, ngoài ra còn có một số tù phạm. Mục đích kinh tế là cố gắng đảm bảo cho bính lính các đồn điền tự cấp về lương thực. Người lính làm đồn điền, về mặt nghĩa vụ họ phải tăng thêm cường độ lao động nhưng quyền lợi cá nhân thì không được chú ý thỏa đáng. Vì thế dẫn đến tình trạng binh lính bỏ chốn khỏi các đồn điền, hiệu quả của việc khai hoang ruộng đất là thấp.
*Ruộng đất công làng xã: Về nguyên tắc thì thuộc quyền sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, làng xã là người chiếm hữu cũng đồng thời là người đồng sở hữu loại ruộng đất này.
Nhìn chung, vào đầu thế kỷ XIX ruộng đất công làng xã trên toàn quốc đã thu hẹp rất nhiều “Vào đầu thế kỷ XIX tổng diện tích ruộng đất công tư
của cả nước là 3.396.584 mẫu, trong đó ruộng đất công, ruộng quan và ruộng muối là 580.363 mẫu, chiếm tỷ lệ 17,08%” [16,tr.5].
Tuy nhiên, tỷ lệ ruộng đất công trên phân bố không đều giữa các địa phương, tính chất phân bố không đều của ruộng đất công xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do điều kiện địa lý, lịch sử khác nhau…tỷ lệ ruộng công thu hẹp chứng tỏ loại hình sở hữu này không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế đất nước vào thế kỷ XIX. Sự phân bố không đồng đều của ruộng đất công cho thấy vai trò của từng nơi, từng địa phương là khác nhau. Có những vùng, có những làng ruộng công vẫn là tư liệu sản xuất chủ yếu của cư dân nhưng ở nhiều nơi khác ruộng đất công đã hoàn toàn mất vai trò trong đời sống xã hội.