09 tháng 08 năm 2014.
2.2 Giới thiệu chung về LDVN Vietsovpetro
LDVN Vietsovpetro được thành lập trên cơ sở Hiệp định Liên chính phủ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết ký ngày 19/06/1981 tại Matxcơva về việc “Thành lập Xí nghiệp Liên
doanh Vietsovpetro tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngày 19 tháng 11 năm 1981, Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 136/HĐBT cho phép VSP đi vào hoạt động.
Sau 3 năm chuẩn bị và tiến hành công tác tìm kiếm thăm dò, ngày 31/12/1983, tàu Mikhain Mirchin đã khoan giếng thăm dò đầu tiên BH-5 tại mỏ Bạch Hổ và 5 tháng sau, ngày 24/5/1984, VSP đã phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên. Ngày 26/6/1986, tấn dầu thô đầu tiên đã được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của một ngành công nghiệp mới, công nghiệp khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam và đưa nước ta trở thành một trong số các quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu trên thế giới. Cùng với mỏ Bạch Hổ, VSP phát hiện ra mỏ Rồng vào năm 1985 và mỏ Đại Hùng vào năm 1988.
Khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga kế thừa và đã ký Hiệp định bổ sung ngày 16/7/1991 quy định thời hạn hoạt động của VSP là 20 năm kể từ ngày 01/01/1991 và kết thúc hiệu lực của Hiệp định vào ngày 31/12/2010.
Nội dung cơ bản của Hiệp định Liên chính phủ ngày 16/7/1991 như sau: - Xác định đối tượng hoạt động của VSP là tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam cũng như nghiên cứu tổng hợp địa vật lý trong phạm vi toàn bộ thềm lục địa Việt Nam.
- Khu vực hoạt động của VSP là vùng biển trong giới hạn lô 09-1 với mốc tọa độ cụ thể trong Phụ lục Hiệp định, các khu đất có các công trình sản xuất và sinh hoạt công cộng, kể cả các công trình đang trong giai đoạn xây dựng và thiết kế, cũng như các công trình khác cần thiết cho việc thực hiện các hoạt động dầu khí tại lô 09-1.
- Các bên tham gia liên doanh gồm: Tổng cục dầu khí Việt Nam (nay là PetroVietnam) và Bộ công nghiệp dầu khí Liên Xô (nay là Liên hiệp dầu khí đối ngoại CHLB Nga - Zarubeznef). Vốn pháp định là 1,5 tỷ USD, trong đó phần vốn góp mỗi phía tham gia là ngang nhau và bằng 750 triệu USD.[7]
- Lợi nhuận của VSP được chia đều cho mỗi phía sau khi trừ phần dầu để lại (đến 35% dầu thương phẩm tiêu thụ) cho VSP để trang trải chi phí và lập các quỹ
dự trữ, quỹ đặc biệt.
- Cơ quan lãnh đạo của VSP là Hội đồng Vietsovpetro hoạt động theo cơ chế luân phiên hàng năm và đồng thuận. Ban thanh tra VSP do Hội đồng bổ nhiệm để kiểm tra hoạt động tài chính và kinh doanh của VSP.
Trải qua hơn 30 năm thực hiện Hiệp định Liên chính phủ (1981-2013), LDVN Vietsovpetro đã đạt được các thành tựu quan trọng:
■ Đã thực hiện một khối lượng rất lớn công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, khảo sát hơn 115 nghìn km tuyến địa chấn, trong đó có 71 nghìn km tuyến địa chất; hoàn thành thi công 70 giếng khoan thăm dò và 324 giếng khai thác với 1.629 km khoan. VSP đã phát hiện ra 3 mỏ dầu có trữ lượng công nghiệp là mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng và mỏ Đại Hùng. Kết quả tìm kiếm thăm dò của VSP có ý nghĩa quyết định, mở ra một giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp dầu khí, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước khai thác dầu đứng thứ ba ở Đông Nam Á.
■ Đã xây dựng một tổ hợp tương đối hoàn chỉnh các công trình bờ, kho cảng đảm bảo cung ứng dịch vụ cho các hoạt động thăm dò khai thác vận chuyển dầu khí. Hoàn thành khảo sát, thiết kế, xây lắp và đưa vào hoạt động mỏ Bạch Hồ, mỏ Rồng và hệ thống công nghệ liên hoàn để duy trì khai thác dầu khí bao gồm 14 giàn khai thác cố định, 17 giàn nhẹ, hai giàn công nghệ trung tâm, hai giàn nén khí, hai giàn bơm ép nước duy trì áp suất vỉa, bốn trạm rót dầu trên biển và 520km đường ống ngầm nội bộ mỏ.
■ Phát hiện và đưa vào khai thác thân dầu trong đá móng Granit mỏ Bạch Hổ với trữ lượng lớn. VSP đã đi đầu sáng tạo và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp để khai thác dầu trong đá móng một cách hoàn toàn mới, thu hút mạnh mẽ các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
■Tính đến 2013, VSP đã khai thác hơn 200 triệu tấn dầu thô, chiếm tỷ trọng 76% sản lượng khai thác toàn ngành. Tổng doanh thu bán dầu đạt 51.6 tỷ USD, nộp NSNN và lợi nhuận phía Việt Nam gần 33 tỷ USD, lợi nhuận phía Nga đạt 8.5 tỷ USD. VSP đã đưa vào bờ hơn 22 tỷ m3 khí đồng hành tương đương 3.5-
4.0 tỷ USD cho các hộ tiêu dùng Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. ■ Đã đào tạo được một đội ngũ đông đảo các cán bộ quản lý, kỹ sư có trình độ cao và công nhân lành nghề trong nhiều lĩnh vực như tìm kiếm thăm dò, thiết kế xây dựng, vận hành khai thác dầu khí. Cán bộ và chuyên gia Việt Nam đã làm chủ công nghệ, quản lý và điều hành hiệu quả các công trình nghiên cứu khoa học và sản xuất, thay thế được nhiều chuyên gia Nga.
Các danh hiệu cao quý LDVN Vietsovpetro đạt được trong hơn 30 năm hoạt động:
- Huân chương độc lập hạng 3 (1993). - Huân chương độc lập hạng nhì (1996).
- Danh hiệu Anh hùng lao động lần thứ nhất (1997). - Danh hiệu Anh hùng lao động lần thứ hai (2001). - Huân chương độc lập hạng nhất (2005).
- Huân chương Hồ Chí Minh (2009). - Huân chương Sao Vàng (2010).
Kết quả hoạt động của VSP đã khẳng định sự hợp tác có hiệu quả giữa hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô trước đây/LB Nga ngày nay trong lĩnh vực kinh tế. Hoạt động của tập thể lao động quốc tế LDVN Vietsovpetro đã góp phần giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên Xô/LB Nga.
Với những thành tựu to lớn nêu trên, VSP đã được lãnh đạo cấp cao nhất Chủ tịch Nước và Tổng thống Liên bang Nga đánh giá, ghi nhận. Đồng thời cũng xuất phát từ lợi ích của hai nước và tình hữu nghị truyền thống vốn có của hai dân tộc anh em Việt - Nga, căn cứ vào tiềm năng phát triển đầy triển vọng của VSP, ngày 27/12/2010 tại Hà Nội, đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam và LB Nga đã long trọng ký Hiệp định về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trong khuôn khổ LDVN Vietsovpetro đến năm 2030.[8]
So với Hiệp định trước, Hiệp định 2010 có một số sửa đổi sau: - Thay đổi tỷ lệ vốn góp thành Việt Nam 51%- Liên bang Nga 49%.
- Tính thuế đặc biệt với thuế suất 10% khi xuất dầu trong nội địa Việt Nam. - Tính thêm phụ thu dầu lãi nước chủ nhà khi giá dầu xuất cao hơn giá dầu cơ sở.
- Tài sản hữu hình được hình thành và có được bằng nguồn do các Bên góp vốn vào Vốn Điều lệ và bằng nguồn bán dầu từ lô 09-1 để lại cho Liên doanh hàng năm nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh lô 09-1 (trừ tiền mặt, tiền trong tài khoản, giấy tờ có giá nếu có) sẽ chuyển thành sở hữu của bên Việt Nam sau khi kết thúc Hiệp định.
LDVN Vietsovpetro hiện nay đang tiến hành hoạt động về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại 8 lô trên thềm lục địa Việt Nam bao gồm: lô 09-1, lô 04-3, lô 04-1, lô 09-3/12, lô 12/11, lô 125, lô 126, lô 42 trên cơ sở các hợp đồng dầu khí, VSP tham gia với chức năng khác nhau (người góp vốn/nhà điều hành) ở các lô. Trong đó, Hiệp định Liên chính phủ quy định VSP là pháp nhân của nước CHXHCN Việt Nam và là nhà điều hành tại lô 09-1 bao gồm các mỏ dầu đã phát hiện như: Bạch Hổ và Rồng. Ngoài ra, VSP còn thực hiện chức năng như một doanh nghiệp khi tiến hành cung cấp các dịch vụ dầu khí cho các công ty ngoài và tuân thủ Luật Doanh nghiệp với các loại hình dịch vụ sau:
- Nghiên cứu khoa học về dầu khí. - Thăm dò dầu khí.
- Phát triển mỏ. - Kết nối mỏ.
- Điều hành khai thác mỏ.
- Khoan và dịch vụ địa vật lý giếng khoan dầu khí. - Dịch vụ phân tích thí nghiệm.
- Thiết kê, chế tạo, lắp ráp các công trình dầu khí biển. - Dịch vụ Cảng biển, Vận tải biển.
LD Việt Nga Vietsovpetro bao gồm các đơn vị thành viên sau: - XN Khai thác dầu khí. - XN Xây lắp khảo sát & SC. - XN Dịch vụ cảng và cung ứng VT thiết bị - XN Sửa chữa cơ điện.
- XN Khoan và sửa giếng. - XN Khai thác các công trình Khí. - Viện nghiên cứu khoa học. - XN Vận tải ô tô.
- XN Vận tải biển và công tác lặn. - XN Địa vật lý giếng khoan. - Trung tâm Công nghệ thông tin. - Trung tâm Y tế.
- Trung tâm An toàn & Bảo vệ môi trường. - Trường Kỹ thuật nghiệp vụ. - XN khai thác các CT phi SX Vietsovpetro. - Đội Bảo vệ vũ trang.
Khách hàng mua các sản phẩm dầu thô của VSP chủ yếu là: BP, Shell, Unocal, Total, Sinopec, Texaco ... VSP cung cấp các dịch vụ cho hầu hết các công ty dầu khí tại Việt Nam như: Petronas (Malaysia), BP (UK), JVPC (Japan), VRJ (Vietnem Russia Japan corp.) và một số công ty dầu khí của Việt Nam như: PTSC, PVEP, Hoang Long JOC, Cuu Long JOC...
Một số thành tựu LDVN Vietsovpetro đã đạt được năm 2013:
Năm 2013, VSP gặp phải những thách thức trong việc tổ chức thực hiện thăm dò và khai thác dầu khí. Tầng móng mỏ Bạch Hổ tiếp tục ngập nước nhanh, các khu vực mới và giếng mới đưa vào khai thác có sản lượng thấp và chưa ổn định. Trước thực tế đó, Ban lãnh đạo VSP đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Để hoàn thành chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu, VSP đã tập trung thực hiện 3 nội dung chủ yếu: Tăng cường thăm dò trong Lô 09-1; áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm gia tăng hệ số thu hồi dầu; tiếp tục tập trung mở rộng vùng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ra các lô mới ngoài Lô 09-1. Từ đó, công tác tìm kiếm, thăm dò các lô mới ở trong và ngoài nước của VSP đã đem lại những kết quả đáng kể. Hiện nay, ngoài Lô 09-1, VSP đã được cấp phép hoạt động dầu khí 5 lô mới ở Việt Nam gồm: 04-1, 04-3, 09-3/12, 16-2, 42 và là nhà điều hành Lô 12/11. Đơn vị cũng đã nghiên cứu, đang đàm phán để được tham gia các lô 125-126, 16- 1, 15-2. Cũng trong năm qua, tại lô 04-3, VSP đã hoàn thành công việc cần thiết để đầu tư phát triển khai thác mỏ khí Thiên Ưng, dự kiến sẽ cho dòng sản phẩm vào tháng 6-2015. Lô 09-3 đã được thuyết minh tài liệu địa chấn, xác định vị trí và thiết kế để khởi công giếng khoan thăm dò đầu tiên tại lô này vào đầu năm nay. Ở các lô khác, VSP đã tiếp tục công việc theo đúng chương trình công tác đã được Ủy ban quản lý các lô thông qua về tìm kiếm thăm dò. Trong công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở nước ngoài, cụ thể là ở Liên bang Nga, VSP tiếp tục cùng Zarubezhneft nghiên cứu triển vọng dầu khí theo chỉ đạo của Tập đoàn PVN và đề xuất của Chính phủ Liên bang Nga cho phép tham gia hoạt động thăm dò, tìm kiếm và khai thác dầu khí tại một số lô ở biển Caspian, biển Barents và một số khu vực khác. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao cho bên ngoài là một trong những thế mạnh của VSP. Hiện nay, VSP đã có đủ năng lực về con người, thiết bị và cơ sở hạ tầng để phát triển, đồng thời nhiều loại hình dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Năm qua, VSP tiếp tục tập trung phát huy thế mạnh cung cấp dịch vụ ở hai lĩnh vực chính là chế tạo xây lắp công trình biển và vận hành khai thác mỏ dầu khí. Về chế tạo xây lắp công trình biển đã hoàn thành chế tạo, lắp đặt
các chân đế giàn Thăng Long, Đông Đô của Công Ty Lam Sơn JOC; hoàn thành chế tạo và lắp đặt giàn khoan cho Công Ty Cửu Long JOC ; đang thực hiện hợp đồng mở rộng thu gom khí đồng hành và Gaslift mỏ Rồng - Đồi Mồi cho Công Ty PVGas. VSP tiếp tục vận hành khai thác an toàn các mỏ Cá Ngừ Vàng của Công Ty Hoàn Vũ JOC, mỏ Đồi Mồi của Công Ty dầu khí VRJ, mỏ Tê Giác Trắng của Cộng Ty Hoàng Long JOC; đã ký mới và thực hiện hợp đồng vận hành các mỏ Hải Sư Trắng, Hải Sư Đen của Công ty Thăng Long JOC. . Hiện nay, kinh tế thế giới cũng như trong nước chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, thị trường năng lượng chưa ổn định. Do đó sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của VSP. Bên cạnh đó, yếu tố nội tại như tình trạng suy giảm sản lượng dầu khí ở các mỏ hiện tại của VSP tiếp tục diễn ra, nhiều thiết bị kỹ thuật và công trình biển đã đưa vào hoạt động từ những năm 1980-1990 đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và đòi hỏi chi phí duy tu, bảo dưỡng cao... Trước những khó khăn nói trên, VSP đã chủ động trong điều hành sản xuất, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, tập trung mọi năng lực và trí tuệ, bảo đảm thực hiện một cách tốt nhất chương trình thăm dò và kế hoạch gia tăng trữ lượng, bảo đảm nguồn tài nguyên dầu khí để mở rộng vùng hoạt động; tiếp tục tận thăm dò khu vực Lô 09-1, khẩn trương khoan thăm dò tại Lô 09-3/12, đẩy nhanh tiến độ đưa khí mỏ Thiên Ưng vào bờ. Đồng thời,VSP thực hiện các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp trong lĩnh vực khai thác để nâng cao hệ số thu hồi dầu; vận hành an toàn các công trình và hệ thống công nghệ ngoài biển, các phương tiện nổi cũng như các công trình sản xuất trên bờ; tiếp tục hoàn thiện cơ chế và tạo điều kiện đẩy mạnh công tác dịch vụ; phát động các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, an toàn trong CBCNV, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực hoạt động của VSP. Với sự nỗ lực của cả tập thể CBCNV lao động quốc tế Việt nam – LB Nga, VSP đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác 5,4 triệu tấn dầu thô trong năm 2013, góp phần xứng đáng vào sự phát triển ổn định và bền vững của Tập đoàn dầu khí Việt Nam.