đƣợc yêu cầu
Công khai hoá là một phương tiện đặc biệt quan trọng và hiệu quả để bảo vệ các cổ đông. Thông tin đầy đủ và kịp thời về tình hình công ty có thể giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định mua và bán chứng khoán của các công ty đang được niêm yết tại Sở giao dịch và qua đó giúp thị trường phản ánh giá trị của công ty trong phương thức quản lý hiện tại. Nếu thị trường xác định phương thức quản lý hiện tại là không tốt thì giá cổ phiếu sẽ sụt giảm để trừng phạt sự thất bại trong quản lý và mở đường cho những thay đổi về quản lý. Thông tin đầy đủ và kịp thời cũng cho phép các nhà đầu tư đưa ra các đánh giá thận trọng về chất lượng quản lý, mức độ bảo vệ nhà đầu tư, từ đó đưa ra quyết định có nên sử dụng ảnh hưởng từ quyền sở hữu của mình để tạo ra sự thay đổi trong cung cách quản lý hay không.
Một bằng chứng cho điều này là trong thập kỷ vừa qua, các tổ chức đầu tư (quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm nhân thọ, quỹ tương hỗ,...) đã nổi lên như những nhà cung cấp vốn cổ phần chủ yếu. Những tổ chức này - với cơ cấu đầu tư đa dạng, bao gồm những khoản vốn nhỏ nhưng là những cổ phần quan trọng trong nhiều công ty – không thể dựa hoàn toàn vào cách thức bảo vệ cổ điển là bán cổ phiếu của các công ty yếu kém họ đã nắm giữ và chiến lược chỉ số hoá cơ cấu đầu tư của họ [13].
Ở nước ta hiện nay, kém công khai hoá là một trong các vấn đề lớn của quản trị công ty niêm yết. Chủ sở hữu, các cổ đông không nhận được một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ các thông tin cơ bản về công ty. Các thông tin cơ bản đó bao gồm từ tổng số tài sản đến đánh giá chính xác về thực trạng tài chính hiện nay và thông tin về lưu chuyển tiền tệ trong quá khứ. Đó là những thông tin “cứng”, thông tin chuẩn mực cho phép các nhà đầu tư đánh giá trị giá công ty theo thực trạng, nghĩa là đánh giá trị giá công ty theo đúng những gì đã diễn ra trong quá khứ hoặc cho phép nhà đầu tư ước tính được trị giá giải thể công ty theo cách các tài sản của công ty được bán một cách đơn lẻ.
Chủ sở hữu, các cổ đông nói chung cũng không nhận được thông tin “mềm” hay thông tin dự tính tương lai. Thông tin loại này bao gồm những dự đoán của Hội đồng quản trị hoặc cán bộ quản lý khác về những biến đổi giá có thể xảy ra trên mỗi loại thị trường mà công ty niêm yết đó đang hoạt động (thị trường sản phẩm, thị trường cung ứng nguyên liệu, thị trường vốn, thị trường lao động…) và ước tính thay đổi cơ cấu đối với sản phẩm của công ty. Thông tin loại này không thể thiếu được để đánh giá trị giá công ty trong dòng vận động, vì nó cho phép nhà đầu tư dự tính được những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai trong lưu chuyển tiền tệ.
Các thông tin liên quan trực tiếp đến lợi ích của những người quản lý cũng rất ít, thậm chí không được công khai hoá. Đó là các thông tin về tiền lương, thù lao và lợi ích khác của người quản lý, thông tin về dòng tiền đến với cổ đông đa số.
Không chỉ các công ty niêm yết, lỗ hổng về thông tin còn được thấy ngay cả trên website của UBCKNN. Khi truy cập vào trang web của UBCKNN và hai Sở giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư chỉ tìm thấy thông tin về số lượng công ty niêm yết và tổng giá trị cổ phần của mỗi công ty và toàn thị trường, không thể tìm thấy những số liệu thống kê về vi phạm của công ty niêm yết đối với quyền lợi của nhà đầu tư và tình hình xử lý vi phạm, không tìm được các thông tin tổng quát về các doanh nghiệp niêm yết do không có mục Báo cáo thường niên của UBCKNN. Nếu truy cập vào các trang web này bằng tiếng Anh thì nhà đầu tư còn nhìn thấy rất nhiều khoảng trống hơn nữa. Trong Báo cáo thường niên của Uỷ ban chứng khoán Philippine còn thống kê được những trường hợp nhà đầu tư phản ánh sai phạm của các công ty niêm yết và các vi phạm đã bị xử phạt nhằm răn đe [27]. Tương tự như vậy, tại một số nước như Sri-Lanka, Thái Lan, Mỹ, Pakistan, nhà đầu tư có thể có được các thông tin tổng quát về các công ty niêm yết trong mục Báo cáo thường niên tại website của Uỷ ban Chứng khoán các nước này hoặc ngay tại trang web của Tổ chức chứng khoán quốc tế [36]. Thực tế này đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp niêm yết, cơ quan quản lý từ đó làm cho thị trường chứng khoán nước ta trở nên kém hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.