ty niêm yết
Khi mua cổ phần, người mua bỏ tiền ra mua lấy một thứ tài sản vô hình gọi là cổ phần…Yếu tố quyết định để mua cổ phần là niềm tin của người mua vào tổ chức phát hành; trong niềm tin đó hẳn cũng có một chút phiêu lưu, song về cơ bản phải có những cơ sở nhất định người ta mới có thể tạo dựng được niềm tin. Thị trường chứng khoán và các công ty cổ phần niêm yết sẽ trở nên phổ biến ở nước ta, nếu: (a) người dân có cơ sở để tin rằng những thông tin về doanh nghiệp, kế hoạch cũng như tương lai kinh doanh do người quản trị công ty phát hành đưa ra là đáng tin cậy, (b) người quản trị công ty thu tiền của dân để kinh doanh một cách hợp lý vì lợi ích của cổ đông chứ không vì lợi ích của bản thân và gia đình họ mà bóc lột cổ đông thiểu số [12, 332]. Để gây dựng được niềm tin của nhà đầu tư, thuyết phục được nhà đầu tư mua chứng khoán của mình, công ty niêm yết cần phải cung cấp cho nhà đầu
tư một cách đầy đủ nhất các thông tin về bản thân công ty, thông tin liên quan đến chứng khoán được chào bán.
Luật Chứng khoán đã có sự quan tâm lớn đối việc bảo vệ quyền được cung cấp thông tin của nhà đầu tư bằng việc quy định hẳn một chương riêng về vấn đề này. Công ty niêm yết phải có nghĩa vụ công bố thông tin khi chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo Khoản 1 Điều 21 Luật Chứng khoán, việc phân phối chứng khoán chỉ được thực hiện sau khi tổ chức phát hành bảo đảm người mua chứng khoán tiếp cận Bản cáo bạch trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng được công bố tại các địa điểm ghi trong Bản thông báo phát hành.
Bên cạnh đó, do có sự bất cân xứng về thông tin nên bảo vệ quyền được cung cấp thông tin của nhà đầu tư trong công ty niêm yết được thực hiện trong suốt quá trình nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán. Công ty niêm yết phải thực hiện công bố thông tin theo quy định của Luật Chứng khoán như sau:
- Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày có báo cáo tài chính năm được kiểm toán, công ty niêm yết phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tài chính năm;
- Công ty niêm yết phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn hai mươi bốn giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau:
Tài khoản của công ty tại ngân hàng bị phong toả hoặc tài khoản được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong toả;
Tạm ngừng kinh doanh;
Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép hoạt động;
Quyết định của Hội đồng quản trị về việc mua lại cổ phiếu của công ty mình hoặc bán lại số cổ phiếu đã mua; về ngày thực hiện quyền mua cổ phiếu của người sở hữu trái phiếu kèm theo quyền mua cổ phiếu hoặc ngày thực hiện quyền chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu và các quyết định liên quan đến việc chào bán;
Có quyết định khởi tố đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của công ty; có bản án, quyết định của Toà án liên quan đến hoạt động của công ty; có kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật về thuế;
Công bố thông tin trong thời hạn hai mươi bốn giờ, kể từ khi bị tổn thất tài sản có giá trị từ mười phần trăm vốn chủ sở hữu trở lên.
- Công ty niêm yết phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn bảy mươi hai giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
Quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu có giá trị từ ba mươi phần trăm vốn thực có trở lên;
Quyết định của Hội đồng quản trị về chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty; quyết định thay đổi phương pháp kế toán áp dụng;
Công ty nhận được thông báo của Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.
- Công ty niêm yết phải công bố thông tin theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
Có thông tin liên quan đến công ty niêm yết ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư;
Có thông tin liên quan đến công ty niêm yết ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán và cần phải xác nhận thông tin đó.
- Công bố thông tin về báo cáo tài chính quý trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày hoàn thành báo cáo tài chính quý [14, 40-42].
Bên cạnh những trường hợp phải công bố thông tin như trên, công ty niêm yết còn phải tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin cho cổ đông và công chúng theo Quy chế quản trị công ty niêm yết, bao gồm:
- Công bố thông tin về tình hình quản trị công ty:
Công ty niêm yết phải công bố thông tin về tình hình quản trị công ty trong các kỳ Đại hội đồng cổ đông hàng năm, trong báo cáo thường niên của công ty, tối thiểu phải bao gồm những thông tin sau:
Thành viên và cơ cấu của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;
Hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;
Hoạt động của thành viên Hội đồng quản trị độc lập không điều hành;
Hoạt động của các tiểu ban của Hội đồng quản trị;
Những kế hoạch để tăng cường hiệu quả trong hoạt động quản trị công ty;
Thù lao và chi phí cho thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban giám đốc điều hành và thành viên Ban kiểm soát;
Thông tin về các giao dịch cổ phiếu của công ty của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc điều hành, Ban kiểm soát, cổ đông lớn và các giao dịch khác của thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc điều hành, Ban kiểm soát và những người liên quan tới các đối tượng nói trên;
Số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc điều hành và Ban kiểm soát đã tham gia đào tạo về quản trị công ty;
Những điểm chưa thực hiện theo quy định của Quy chế, nguyên nhân và giải pháp [2].
- Công bố thông tin về các cổ đông lớn:
Công ty niêm yết phải tổ chức công bố thông tin định kỳ về từng cổ đông lớn gồm các nội dung chủ yếu sau:
Tên, năm sinh (cổ đông cá nhân);
Địa chỉ liên lạc;
Nghề nghiệp (cổ đông cá nhân), ngành nghề hoạt động (cổ đông tổ chức);
Số lượng và tỷ lệ cổ phần sở hữu trong công ty;
Tình hình biến động về sở hữu của các cổ đông lớn;
Những thông tin có thể dẫn tới sự thay đổi lớn về cổ đông của công ty;
Tình hình tăng, giảm cổ phiếu, và cầm cố, thế chấp cổ phiếu công ty của các cổ đông lớn [2].
Đối với công ty niêm yết, yêu cầu công bố thông tin xuất phát từ tính đại chúng của loại hình công ty này. Do vậy, hoạt động công bố thông tin trở thành một hoạt động thường xuyên và không thể thiếu nhằm công khai, minh bạch hoá tất cả các hoạt động của công ty cho các cổ đông và công chúng đầu tư. Theo Điều 30 Quy chế quản trị công ty niêm yết, việc tổ chức công bố thông tin do ít nhất một cán bộ chuyên trách về công bố thông tin thực hiện. Cán bộ chuyên trách công bố thông tin có thể là Thư
ký công ty hoặc một cán bộ quản lý kiêm nhiệm. Cán bộ chuyên trách công bố thông tin phải là người:
Có kiến thức kế toán, tài chính, có kỹ năng nhất định về tin học;
Công khai tên, số điện thoại làm việc để các cổ đông có thể dễ dàng liên hệ;
Có đủ thời gian để thực hiện chức trách của mình, đặc biệt là việc liên hệ với các cổ đông, ghi nhận những ý kiến của các cổ đông, định kỳ công bố trả lời ý kiến của các cổ đông và các vấn đề quản trị công ty theo quy định;
Chịu trách nhiệm về công bố các thông tin của công ty với công chúng đầu tư theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Trong trường hợp công ty niêm yết vi phạm hoặc không thực hiện quy định tại quy chế này mà không công bố thông tin và báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính [2].