Mối quan hệ anh – chị em

Một phần của tài liệu Khảo sát văn hóa ứng xử gia đình và xã hội trong tục ngữ lưu hành ở tiều vùng Thăng Long (Trang 44)

- Phân biệt tục ngữ và thành ngữ

2.1.3.Mối quan hệ anh – chị em

Trong hầu hết các xã hội trên toàn thế giới, anh, chị em ruột thường sinh trưởng và được nuôi dưỡng chung ở thời thơ ấu và sống gần gũi với nhau, chơi đùa với nhau rất thân thiết. Cũng có khi gây gổ, đánh nhau nhưng về cơ bản anh, chị em khi còn nhỏ thường yêu thương lẫn nhau:

Anh em như thể tay chân.

Các mối quan hệ tình cảm giữa anh, chị em thường phức tạp và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như cha mẹ, thứ tự sinh, nhân cách, và kinh nghiệm cá nhân bên ngoài gia đình. Nếu trong những gia đình đông con thì dễ xảy ra mâu thuẫn và bè phái trong nội bộ anh, chị em hơn là những gia đình ít con. Tuy nhiên, yếu tố này không đáng kể.

Trong một cuốn sách nghiên cứu về gia đình và xã hội Việt Nam, PGS.TS. Vũ Hào Quang đã nhận định rằng: Mối quan hệ giữa anh chị em là mối quan hệ lâu dài nhất trong cuộc đời một con người. Mối quan hệ này gắn liền với định mệnh, với số phận của mỗi người vì mối quan hệ này không tự nhiên mà có; nó được sinh ra trong một gia đình và vì vậy chúng ta không thể tự chọn lựa. Đặc trưng cho mối quan hệ này là tình cảm hai chiều ăn sâu vào gốc rễ mỗi người với những cảm xúc tích cực và tiêu cực ví như yêu thương và thù hận.

Người Việt Nam nói chung hay người Hà Nội nói riêng rất coi trọng huyết thống kèm theo với việc phân biệt tôn ti trật tự. Đã phân biệt tôn ti trật tự thì cung cách ứng xử cũng phải có sự khác biệt nhau. Làm anh, chị thì bao giờ cũng phải biết nhường nhịn các em. Tuy có “quyền” hơn nhưng đồng thời trách nhiệm cũng lớn hơn, phải biết lo lắng cho các em và nhiều khi thay thế cha mẹ trong nhiều công việc. Ngược lại, làm em thì phải tôn kính anh chị, biết giữ bổn phận của mình. Những điều đó tạo thành một khuôn mẫu chung hầu như có thể thấy ở tất cả mọi gia đình Việt Nam.

45

Tục ngữ có câu “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, có thể chúng ta rất ít nhớ đến anh hay chị, em của mình. Nhưng một khi có điều gì đó bất thường xảy đến thì những người đầu tiên quan tâm tìm đến với chúng ta chính là các anh, chị em của mình. Đó là những người mà chúng ta có thể tin cậy, chia sẻ, dựa dẫm trong bất cứ trường hợp nào. Ngoài mối quan hệ huyết thống bao giờ cũng được xem trọng trong truyền thống dân tộc ta, thì suốt cả một thời thơ ấu gắn bó bên nhau dưới một mái nhà cũng là yếu tố khiến cho chúng ta không thể nào tìm được một quan hệ tương đương ở bất kỳ ai khác.

Tuy nhiên, liên hệ huyết thống cũng chưa phải là yếu tố tuyệt đối để đảm bảo một quan hệ tốt đẹp. Anh em với nhau là “tình”, còn có gắn bó với nhau đến mức nào cũng còn là “nghĩa”. Tình nghĩa có quân bình, đầy đủ thì quan hệ mới có thể tốt đẹp bền vững. Cái “nghĩa” ở đây chính là cung cách đối xử với nhau qua thời gian.

Trong thực tế thì quan hệ giữa anh, chị, em một nhà với nhau không phải bao giờ cũng hoàn toàn êm đẹp. Đôi khi, vì cuộc sống khó khăn, chúng ta rất dễ có những đụng chạm, xích mích với nhau. Tuy nhiên, nếu hiểu được tầm quan trọng của một mối quan hệ tốt và lâu dài cho bản thân cũng như con cái mình về sau, chúng ta có thể cởi mở hơn, dễ cảm thông với nhau hơn. Tình cảm ruột thịt chính là nền tảng của mối quan hệ anh, chị em. Trên cơ sở đó, nguyên tắc ứng xử của họ chủ yếu dựa trên sự đoàn kết, hòa thuận:

Anh thuận em hòa là nhà có phúc.

Tình cảm anh, chị em trong gia đình là tình cảm của những con người có cùng huyết thống, không thể tách rời. Sự hòa thuận anh, chị em là cái gốc của sức mạnh và niềm hạnh phúc gia đình. Tục ngữ Thăng Long – Hà Nội cũng khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa anh – chị em trong gia đình:

Cắt dây bầu dây bí, chẳng ai cắt dây chị dây em.

TNHN III tr.115

Có thể thấy rằng, người dân Thăng Long – Hà Nội luôn hướng tới sự tốt lành trong quan hệ anh, chị em. Trong trách nhiệm của anh, chị với em thì anh thiên về

46

lý trí, chị thiên về tình cảm. Để giữ tình máu mủ, quan trọng nhất trong quan hệ anh, chị em là phải hòa thuận với nhau. Tuy rằng trong xã hội ngày nay đã xuất hiện một số biểu hiện tiêu cực của quan hệ anh, chị em do bị vật chất chi phối, song tục ngữ cũng đã sớm có những phản ánh đa chiều và có những giải pháp đúng đắn hạn chế sự chi phối của vật chất đối với quan hệ gia đình nói riêng và quan hệ xã hội nói chung.

Một phần của tài liệu Khảo sát văn hóa ứng xử gia đình và xã hội trong tục ngữ lưu hành ở tiều vùng Thăng Long (Trang 44)