Tục ngữ Thăng Long – Hà Nội phản ánh văn hóa ứng xử gia đình

Một phần của tài liệu Khảo sát văn hóa ứng xử gia đình và xã hội trong tục ngữ lưu hành ở tiều vùng Thăng Long (Trang 35)

- Phân biệt tục ngữ và thành ngữ

2.1.Tục ngữ Thăng Long – Hà Nội phản ánh văn hóa ứng xử gia đình

Gia đình là mảng vấn đề được cộng đồng xã hội nói chung và giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Điều này không chỉ bắt nguồn bởi vai trò to lớn của gia đình trong đời sống của mỗi cá nhân hay toàn xã hội mà còn vì những biến đổi mạnh mẽ và toàn diện của nó. Gia đình – một cộng đồng người gắn bó mật thiết với nhau bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, được chế ước bằng các quy định pháp lý và luật tục – luôn là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng văn hóa. “Gia đình ngay từ đầu đã là một tồn tại văn hóa, một thực thể văn hóa, tất nhiên trong mối liên hệ khăng khít với những yếu tố sinh học và giới tính.”[37, tr.23]

Gia đình là một xã hội thu nhỏ, trong đó hiện diện đầy đủ các quan hệ xã hội như quan hệ kinh tế, giáo dục, văn hóa, tổ chức, v.v… Những biến chuyển xã hội đã và đang dội vào gia đình trên mọi phương diện và đưa đến những hệ quả đa chiều. Thiết chế có tính bền vững này cũng đang vận động, đổi mới và thích ứng với nhu cầu của thời đại.

Đối với người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, gia đình là một giá trị xã hội quan trọng vào bậc nhất. Nếu ở châu Âu, gia đình nhiều khi đơn giản chỉ được coi là một nhóm xã hội thì ở Việt Nam, gia đình được coi là một tế bào xã hội. Những thành viên trong gia đình chung sống có đạo đức đối với nhau, có chung tài sản và cùng có trách nhiệm xã hội hóa thế hệ mai sau. Đó là các quan hệ vợ – chồng, cha mẹ – con cái, anh chị em ruột.

Gia đình Việt Nam truyền thống được các nhà nghiên cứu cho là loại gia đình chứa nhiều yếu tố bất biến, ít đổi thay, ra đời từ cái nôi văn hóa bản địa, được

36

bảo lưu và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, gia đình Việt Nam truyền thống là sản phẩm của nền văn minh lúa nước.

Trong dân gian, gia đình truyền thống được coi là đại gia đình mà các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống, có thể cùng chung sống từ 3 thế hệ trở lên: ông bà – cha mẹ – con cái mà người ta quen gọi là "tam, tứ, ngũ đại đồng đường". Kiểu gia đình này khá phổ biến và tập trung nhiều nhất ở nông thôn Bắc Bộ, đặc biệt là ở Hà Nội. Các thành viên trong gia đình có điều kiện giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ. Đó là những giá trị rất căn bản của văn hóa gia đình mà chúng ta cần kế thừa và phát huy.

Trong tác phẩm De la structure sociale (Về cấu trúc xã hội) [72], khi đề cập đến gia đình hạt nhân, G.P. Murdock đề nghị xử lý ít nhất 8 quan hệ: Vợ - chồng, cha – con trai, mẹ - con trai, cha – con gái, mẹ – con gái, anh – em trai, chị – em gái, anh trai – chị em gái. Sự phản ánh quan hệ gia đình trong tục ngữ là sự phản ánh phong phú, chân thực các mối quan hệ gia đình ở nhiều góc độ. Về cơ bản, sự phản ánh này biểu hiện cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm và cách sống của người dân Việt trong một phạm vi hẹp, đó là gia đình. Ở đây, chúng tôi khảo sát trên 3 mối quan hệ tiêu biểu.

Một phần của tài liệu Khảo sát văn hóa ứng xử gia đình và xã hội trong tục ngữ lưu hành ở tiều vùng Thăng Long (Trang 35)