Ngày nay, hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều coi nhân tố con người, nguồn lực con người hay nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản, có vai trò quyết định nhất đến sự phát triển nhanh và bền vững của một quốc gia. Các nhà kinh tế học đã khẳng định rằng đầu tư cho con người thông qua các hoạt động giáo dục và đào tạo là đầu tư có hiệu quả nhất, quyết định khả năng tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của đất nước. Nhờ có sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực mà nhiều nước chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng trở thành nước công nghiệp phát triển; điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo..v.v..
Ở Việt Nam, trong nhiều văn kiện, nghị quyết, Đảng và Nhà nước ta cũng đã ngày càng nhấn mạnh vấn đề này. Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng Sản Việt Nam khẳng định: “Phát triển GD - ĐT cùng với khoa học công nghệ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - Yếu tố cơ bản để phát triển xã hội tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”.
Mục tiêu chung phát triển nguồn nhân lực là nâng cao kiến thức, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và phát triển toàn diện con người Việt Nam về chính trị, trí tuệ, đạo đức, ý chí và thể lực; hình thành đội ngũ lao động có cơ cấu trình độ, ngành nghề và khu vực lãnh thổ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Chúng ta cần đặc biệt chú trọng đến bộ phận nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực quản lý, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo và các ngành kinh tế quốc dân, tạo được năng suất và đem lại giá trị gia tăng cao trong nền kinh tế quốc dân.
Dạy nghề là một bộ phận trong hệ thống giáo dục quốc dân, có chức năng đào tạo người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật - nghiệp vụ ở các cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Dạy nghề là khu vực đào tạo đa dạng về đối tượng tuyển sinh, loại hình và cơ cấu ngành nghề, có quan hệ chặt chẽ và chịu sự chi phối, ảnh hưởng trực tiếp của nhu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động - việc làm trên phạm vi toàn quốc và ở từng địa phương, từng ngành kinh tế - xã hội.
Luật giáo dục 2005 đã quy định giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề với 03 cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. “ Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo
người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ”. Trong đó dạy nghề nhằm đào tạo “ nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ, có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo”.