7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Đối sánh các thời kỳ sáng tác khác nhau của một tác giả
Quá trình sáng tác của một tác giả thường không phẳng phiu, đơn điệu. Có những tác giả tài năng ngày càng nở rộ, dần dần đạt đến đỉnh cao, nhưng cũng có những tác giả sau những thành công rực rỡ tên tuổi lại mờ nhạt dần. Có những tác giả mà cuộc đời và sự nghiệp chỉ dừng lại trong một thời kì nhưng cũng có những tác giả sống qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kì văn học khác nhau. Vậy, việc chia giai đoạn dựa vào đâu? Cùng với sự vận động và phát triển của nền văn học qua những giai đoạn, thời kì khác nhau, sáng tác của các tác giả cũng có sự chuyển mình phù hợp với hướng đi chung. Ngoài ra, qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kì, mỗi tác giả lại có tư tưởng sáng tạo chủ đạo của riêng mình. Về phía bạn đọc nói chung, người học nói riêng muốn
nhận ra những đặc điểm khác nhau tất yếu phải sử dụng đến phương pháp đối sánh các thời kì sáng tác khác nhau của một tác giả qua những tác phẩm cụ thể của tác giả ấy ở những thời kì đó. Bởi lẽ, nếu không đối sánh để nhận ra những đặc điểm khác nhau thì sự phân chia thành các giai đoạn, các thời kì cũng không còn ý nghĩa.
Trước Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Đọc thi phẩm của Xuân Diệu trong các tập Thơ Thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), bạn đọc luôn bắt gặp cái tôi của thi nhân “say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng cuống quýt” (Hoài Thanh). Từ sau Cách mạng, cùng với chủ trương, đường lối văn nghệ của Đảng “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”, hồn thơ Xuân Diệu nhanh chóng hòa nhập, gắn bó với đất nước, nhân dân và nền văn học dân tộc. Có thể nói, Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một giai đoạn mới trong sáng tác của các nhà thơ mới, không chỉ có Xuân Diệu mà còn Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh… Nếu nỗi “sầu thiên cổ” bao trùm lên cả tập thơ Lửa thiêng thì sau Cách mạng, sáng tác của Huy Cận lại chất chứa những suy nghĩ, trầm tư về vũ trụ, về cuộc đời trong Trò chuyện với Kim tự tháp, Các vị La Hán chùa Tây Phương… Hành trình sáng tác của nhà thơ Chế Lan Viên là hành trình của người nghệ sĩ đi từ “thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, từ “chân trời của một người để đến chân trời của nhiều người”. Bởi lẽ, trước Cách mạng, sáng tác của thi nhân là minh chứng đầy đủ cho quan niệm nghệ thuật của ông rằng “Làm thơ phải làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người mơ, người say, người điên”. Sau Cách mạng, thay vì sự rút vào “vỏ ốc” của một cái tôi cô đơn thần bí, hồn thơ của thi nhân đã hòa với non sông, đất nước, với phong cách mang đậm chất suy tưởng, triết lí.
Điểm qua quá trình sáng tác của một số tác giả để thấy được những quan điểm nghệ thuật khác nhau trong những thời kì sáng tác khác nhau. Vì
vậy, nếu đọc tác phẩm của những tác giả ấy chỉ để thấy cái hay, cái đẹp trong mỗi tác phẩm mà không có sự đối sánh các thời kì sáng tác thì chưa thể đánh giá hết giá trị của tác phẩm cũng như những cống hiến, đóng góp của tác giả ấy trên văn đàn.
Gắn liền với đề tài chúng tôi nghiên cứu có Nguyễn Duy, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải là những tác giả có thành tựu ở cả hai thời kì văn học trước và sau 1975. Tất nhiên nói đến thành tựu ở hai thời kì khác nhau, như chúng tôi đã luận giải ở trên, không thể không nói đến phương pháp đối sánh.
Nhắc đến Nguyễn Duy là nhắc đến nhà thơ của những vẻ đẹp đời thường, những giá trị khiêm nhường mà bền vững. Trong chương trình Ngữ văn 12, tập 1, HS được học bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy. Bài thơ viết về tình cảm bà cháu, là lời của người cháu khi lớn lên, khi đã trưởng thành nhiều mặt về nhận thức nhớ về tuổi thơ, nghĩ về những ngày tháng sống hồn nhiên, vô tư bên bà để rồi giờ đây phải cay đắng thú nhận, phải trả giá cho những ảo tưởng của thời chỉ biết sống với đam mê, theo đuổi cái ngọt ngào của thế giới cổ tích. “Tôi đâu biết…” sự day dứt cũng là lời tự vấn lương tâm, là sự thức tỉnh trước những quy luật nghiệt ngã của cuộc đời. Rõ ràng Đò Lèn vẫn quan tâm đến những giá trị vĩnh hằng của cuộc sống nhưng lại được viết bởi một giọng khác. Không còn không khí của những tin yêu ngọt ngào như Tre Việt Nam - một sáng tác của Nguyễn Duy trước 1975 - mà thay vào đó là lời dự báo cho sự trỗi dậy của ý thức tự nhìn lại bản thân, hướng tới xác lập những giá trị nhân bản trong văn học thời đại mới.
Đọc hiểu Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu cũng cần nhắc đến Mảnh trăng cuối rừng, dù rằng tác phẩm này không được học trong chương trình. Mảnh trăng cuối rừng được Nguyễn Minh Châu sáng tác ở thời kì trước 1975. Là nhà văn mặc áo lính, hơn bao giờ hết, Nguyễn Minh Châu ý thức sâu sắc về sứ mệnh cao cả, nhiệm vụ thiêng liêng của người cầm bút
trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với quan niệm nghệ thuật về con người: “Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ kì diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ để nhận thức, khám phá tất cả những cái đó”, vì vậy hành trình sáng tạo của Nguyễn Minh Châu trước 1975 là hành trình “cố gắng đi tìm cái hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Đây chính là ngọn nguồn cho cảm hứng ngợi ca đặc biệt của Nguyễn Minh Châu khi xây dựng nhân vật Nguyệt - cô thanh niên xung phong trong Mảnh trăng cuối rừng. Đó là con người toàn mỹ với vẻ đẹp cao cả, đúng như Nikulin - nhà Việt Nam học người Nga đã nhận xét: “nhân vật như được bao bọc trong bầu không khí vô trùng” mà chiến tranh dường như không thể hủy hoại nỗi vẻ đẹp của họ. Với Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu viết về chiến tranh nhưng trên con đường đầy bom rơi đạn lửa của chiến trường, người đọc chỉ thấy ánh trăng, chỉ thấy tình yêu với niềm tin vĩnh cửu. Đó chính là sức mạnh, nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn cho quân và dân ta trong cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc. Trở lại với Chiếc thuyền ngoài xa, trong hoàn cảnh đất nước đang đối diện với vô vàn khó khăn của thời hậu chiến, Nguyễn Minh Châu đã có cách nhìn đời khác trước. Tác phẩm đã không còn chất lãng mạn, say sưa ngợi ca như trong
Mảnh trăng cuối rừng mà đầy ám ảnh về những đổ vỡ, nghịch lí. Có thể nói, với Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã phô bày lên trang sách tất cả cái hiện thực bề bộn của cuộc sống mà chính nhân vật trong truyện dường như cũng “sốc” với nhiều phen “kinh ngạc” để rồi “bừng ngộ” ra nhiều điều. Phùng đã phải “đứng há mồm ra mà nhìn” khi chiếc thuyền đang tiến lại gần bờ, khi tự mắt mình chứng kiến “vẻ đẹp toàn bích” tự nó vén lên bức màn lộ rõ sự đen tối ẩn sau. Còn chánh án Đẩu, khi nghe xong câu chuyện của người đàn bà hàng chài, “một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”. Rõ ràng, Chiếc thuyền ngoài xa đã thoát khỏi tình
trạng “minh họa” của một thời như khi Nguyễn Minh Châu sáng tác Mảnh trăng cuối rừng. Chiếc thuyền ngoài xa là sự biểu thị cho quan niệm của nhà văn về tính chân thực trong văn học. Tuy nhiên, nếu không có sự đối sánh các tác phẩm ở các thời kì khác nhau của tác giả thì người đọc cũng không dễ dàng gì để nhận ra, để vinh danh tên tuổi Nguyễn Minh Châu - “người mở đường tinh anh và tài năng” của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
Dạy học Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, phân tích nhân vật bà Hiền - “một hạt bụi vàng” phải có cái nhìn soi chiếu với nhân vật Đào trong tác phẩm Mùa lạc. Mùa lạc được Nguyễn Khải sáng tác năm 1960, gắn liền với thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Và nơi Đào đến, mảnh đất Tây Bắc vốn hào hùng, ác liệt xưa kia nay là một nông trường rộn rã niềm vui. Dù rằng Đào là người phụ nữ thô tháp, sồ sề, dù trong quá khứ riêng tư, Đào là một kẻ hẩm hiu, bất hạnh và dù ước nguyện của Đào khi đến nơi đây chỉ là “muốn quên đi những ngày đã qua” nhưng chính tình người, tình yêu thương của cộng đồng là mảnh đất tốt để Đào lại tìm thấy niềm vui sống. Vậy nên, Mùa lạc còn là mùa vui, mùa hồi sinh sự sống, mùa của những cuộc đổi đời. Khác với cách xây dựng nhân vật Đào - con người chủ yếu được soi chiếu trong cuộc sống tập thể nhằm làm nổi bật vấn đề đang đặt ra trong đời sống xã hội, nhân vật bà Hiền trong Một người Hà Nội lại được nhìn nhận ở một góc độ khác - góc độ cuộc sống của những con người cá nhân. Ở đó, con người được đặt trong thời gian, trong lịch sử, trong quan hệ gia đình, trong sự khác biệt giữa những người hôm qua và những người hôm nay. Ca ngợi bà Hiền - người có bản lĩnh trung thực và giàu lòng tự trọng -, ca ngợi bà Hiền - người lịch lãm, ung dung và sâu sắc -, thực chất Nguyễn Khải muốn đi đến ca ngợi những phẩm chất của một “người Hà Nội” mà bà Hiền chính là người lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống cho mảnh đất kinh kì. Như vậy, thước đo để đánh giá con người trong sáng tác của Nguyễn Khải giờ đây đã
khác trước. Đó là những con người không chỉ biết hi sinh mà còn biết giữ gìn văn hóa.
Tùy thuộc vào sự sáng tạo, cách tổ chức, bố trí bài dạy của GV mà có thể có những cách thức, phương pháp cũng như sử dụng những thao tác khác nhau trong việc tích hợp đối sánh các thời kì sáng tác khác nhau của