Đặc điểm nội dung

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 38)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Đặc điểm nội dung

1.2.2.1. Đổi mới trong cảm hứng sáng tác

Trước hiện thực ác liệt của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 đã xây dựng nên bản anh hùng ca giàu sức sống về những tấm gương quyết tâm bảo vệ non sông đất nước. Với nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ công cuộc kháng chiến, các nhà văn đã không ngần ngại sẵn sàng làm anh “tuyên truyền viên nhãi nhép”, sống cùng cuộc sống của người dân, hòa mình vào cuộc chiến đấu của dân tộc, ngợi ca những chiến công vang dội của non sông. Chính bởi vậy, cảm hứng chủ đạo, chi phối hầu hết các sáng tác trong giai đoạn văn học 1945 - 1975 là cảm hứng lãng mạn. Đó là những trang viết khẳng định lí tưởng của cuộc sống mới, vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Và chính những trang viết thấm nhuần tinh thần lạc quan cách mạng ấy đã cổ vũ tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đó còn là nguồn động viên nâng đỡ con người Việt Nam vượt qua gian lao thử thách trong máu lửa chiến tranh, tạo nên những chiến công hiển hách, đi đến những chiến thắng lẫy lừng.

Sau 1975, đặc biệt là sau thời kì đổi mới, cảm hứng sử thi, lãng mạn giảm dần, được thay thế bằng cảm hứng đời tư, đạo đức, thế sự. Nếu hiện thực của cuộc kháng chiến đã thai nghén và sinh nở ra những tác phẩm đẹp, tràn đầy cảm hứng sử thi, cảm hứng ngợi ca với những vần thơ như Tây Tiến, Việt Bắc, Cuộc chia li màu đỏ,… những truyện ngắn như Làng, Chiếc lược ngà, Rừng xà nu…, những tiểu thuyết, bút ký như Dấu chân người lính, Hòn Đất, Người mẹ cầm súng,… thì văn học sau 1975 lại rẽ bước sang một con đường mới, khai thác hiện thực ở một cái nhìn mới, chân thực hơn, sinh động hơn. Các nhà văn không còn bàn về những vấn đề to lớn của tập thể, mang đậm chất sử thi, anh hùng ca mà bàn về những số phận nhỏ bé giữa đời thường và không ngần ngại phô bày tất cả cái sần sùi thô ráp của cuộc sống thế tục với nhiều nghịch lí phức tạp, đa đoan. Ở đó, đời sống cá nhân và cá tính trở thành đối tượng nhận thức, thể hiện. Con người phải đối diện với thực tại cuộc sống muôn màu, được đặt trong nhiều mối quan hệ khác nhau, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người công dân, con người xã hội và con người tự nhiên để soi ngắm, suy ngẫm, trăn trở, tìm kiếm bản thân. Ngoài ra, một vấn đề khác mà văn học của thời kháng chiến đã lãng quên nay lại được nhiều tác giả hứng thú, đi sâu khám phá là con người tự nhiên với chiều sâu tâm linh, những vùng mờ của tiềm thức, vô thức.

Trong công cuộc đổi mới văn học mà sự đổi mới bắt đầu với sự chuyển đổi cảm hứng sáng tác sang các vấn đề đời tư, đạo đức thế sự, Nguyễn Minh Châu được đánh giá là người “mở đường tinh anh và tài năng”, người lặng lẽ làm một cuộc đối chứng với quá khứ để đưa tới một thứ văn chương đích thực. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu như

Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bức tranh, Chiếc thuyền ngoài xa… Ngoài ra, những sáng tác của Nguyễn Khải như Gặp gỡ cuối năm,

vườn…, Dương Thu Hương với Chuyện tình kể trước lúc rạng đông…, thơ của Ý Nhi, Thanh Thảo, kịch của Lưu Quang Vũ,… đã mở ra cho văn học hướng tiếp cận mới về các vấn đề đạo đức thế sự.

Cảm hứng đời tư, đạo đức thế sự còn đặt ra vấn đề nhận thức lại hiện thực, phán xét lại các giá trị cũ. Ngòi bút của các tác giả đã không ngần ngại tỏ rõ thái độ của mình đối với cuộc sống hiện nay khi đi vào phê phán kịch liệt những trường hợp sụp đổ về đạo đức nhằm hướng đến xây dựng một xã hội hoàn thiện hơn. Chính bởi vậy, những mảng tối trước đây vốn bị khuất lấp nay được đưa lên trang sách với tất cả sự nhức nhối, xót xa. Thời xa vắng của Lê Lựu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường,… đều được viết nên bởi cảm hứng đạo đức, thế sự với khuynh hướng nhận thức lại hiện thực, phê phán mạnh mẽ trên tinh thần nhân bản.

Như vậy sau 1975, khi cuộc sống trở lại bình thường, văn chương được trở lại với chính mình tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong cảm hứng sáng tác. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của hiện thực, của đối tượng phản ánh. Đây sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ những sự tìm kiếm, thể nghiệm, cách tiếp cận hiện tại, cũng là cơ hội để phát huy cá tính, phong cách cá nhân của nhà văn.

1.2.2.2. Sự mở rộng về đề tài, chủ đề

Văn học giai đoạn này đã có sự mở rộng đề tài, chủ đề theo hướng tiếp cận gần gũi hơn với hiện thực đời sống sinh hoạt. Các tác phẩm không còn bó hẹp trong việc khai thác các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ chính trị của đất nước mà được mở rộng từ đề tài gia đình, thân phận tình yêu, số phận con người đến các đề tài về chiến tranh, xây dựng, sản xuất… Có thể thấy, sáng tác sau 1975 tập trung vào hai mảng đề tài chính: viết về chiến tranh và viết về những câu chuyện đời thường, những con người bình thường.

Viết về chiến tranh - đây là một đề tài không mới. Bởi lẽ, trong lịch sử hơn ba nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với biết bao cuộc chiến. Vậy nên hiện thực đấu tranh chống ngoại xâm trở thành đối tượng khám phá, phản ánh của văn học là một tất yếu. Tuy nhiên, do yêu cầu cổ vũ chiến đấu với khát vọng “không có gì qúy hơn độc lập tự do” nên văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 coi trọng việc phản ánh kịp thời những sự kiện nóng bỏng ở mặt trận, nói nhiều đến chiến thắng, niềm vui, những chiến công hào hùng của quân và dân ta. Ở đó, hình ảnh người lính là những anh hùng đại diện cho tinh hoa, khí phách, phẩm chất và ý chí của toàn dân tộc; là chị Út Tịch - biểu tượng của Người mẹ cầm súng

trong sáng tác của Nguyễn Thi, chị Trần Thị Lý - hình ảnh của Người con gái Việt Nam trong thơ Tố Hữu, là Tnú - con người kiên cường, bất khuất của Rừng xà nu

Khi chiến tranh đi qua, văn học dần trở về với bản chất đích thực của nó, nhà văn có nhu cầu thể hiện những trải nghiệm riêng và ý thức cá tính của mình. Xoay quanh đề tài cũ nhưng quan niệm về chiến tranh đã có những điểm khác biệt so với quan niệm truyền thống. Theo nhà văn Chu Lai “Viết về chiến tranh tôi cho rằng quan trọng nhất là phải chân thực… quan trọng nhất là nêu lên được nỗi đau của nhân vật trong chiến tranh, vì chiến tranh là nước mắt” [19]. Tác giả Văn Lê thì phát biểu “Chiến tranh không bao giờ chỉ toàn một màu vinh quang, để chiến thắng có bao nhiêu máu và nước mắt… Chính vì thế, các sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng hiện nay cũng dần đi theo khuynh hướng phản ánh hiện thực chân thật nhất của chiến tranh” [20].

Như vậy sau 1975, những tác phẩm viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam đã nhấn mạnh hơn vào yêu cầu chân thực, không chỉ có niềm vui chiến thắng mà còn có những mất mát hi sinh, những nỗi đau khổ vô bờ.

Những người lính một thời xông pha trận mạc cũng được khám phá ở cái nhìn đa diện, nhiều chiều. Họ không chỉ là tấm gương tiêu biểu, những anh hùng xông pha trận mạc mà còn là những con người có góc riêng tư của mình với những trăn trở trước cuộc sống hàng ngày, trước tình yêu. Nói chung, người ta thấy ở họ không chỉ hào quang chiến thắng mà còn thấy cả những mất mát, éo le, bi kịch… Có thể kể đến những bản trường ca giàu khám phá về số phận đất nước, nhân dân như Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Đỗ bóng xuống mặt trời

của Trần Anh Thái… Đó là những khúc ca ngoài niềm vui chiến thắng còn có cả nỗi xót xa, những kí ức về đồng đội kháng chiến - kẻ còn người mất. Và ở đó, chiến tranh không chỉ được nhìn từ mặt trước mà còn được nhìn từ phía sau với nỗi đau trĩu nặng, bao vết thương nhức nhối khó lành. Trong văn xuôi, sự đổi mới quan niệm về đề tài chiến tranh được thể hiện qua thực tiễn sáng tác của nhiều tác giả, tiêu biểu như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai,

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Chuyện làng cuội của Lê Lựu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp… Điểm gặp gỡ của những tác phẩm này là viết về chiến tranh dù trực tiếp hay gián tiếp cũng nhằm hướng đến tái hiện lại một thời kì lịch sử đầy sóng gió của dân tộc trong cái nhìn mới. Từ điểm nhìn mới này, hiện thực cuộc chiến được soi chiếu toàn cảnh với các cặp phạm trù đối lập: cái anh hùng bên cạnh sự phản bội, cái cao cả bên cạnh cái thấp hèn, sự chiến thắng vinh quang bên cạnh sự hủy diệt tàn phá khốc liệt.

Khai thác cảm hứng đời tư, đạo đức thế sự văn học sau 1975 còn tập trung khai thác mảng đề tài viết về những con người bình thường, những câu chuyện đời thường. Với ý thức cổ động kháng chiến, trong văn học giai đoạn 1945 - 1975 “con người chủ yếu được khám phá ở bổn phận, trách nhiệm,

nghĩa vụ công dân, ý thức chính trị, ở lẽ sống lớn, tình cảm lớn. Cái riêng tư, đời thường nếu được nói đến thì chủ yếu cũng là để nhấn mạnh thêm trách nhiệm và tình cảm của cá nhân đối với cộng đồng”[27, 12].

Sau 1975, khi văn chương trút bỏ vai trò chính trị của mình để trở lại với bản chất nghệ thuật đích thực, các tác giả có điều kiện để tiếp cận đời sống ở cự ly gần. Khi ấy những con người bình thường và những câu chuyện đời thường bước vào trang sách với những phức tạp và bí ẩn của nó, vừa có “rồng phượng lẫn rắn rít, thiên thần và ác quỉ”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong Tản mạn thời tôi sống đã thổ lộ những băn khoăn trăn trở của con người trước những lo âu của đời sống thường nhật “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi”. Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ là những nhà thơ nữ với những vần thơ da diết về khát vọng hạnh phúc đời thường. Hoàng Cầm, Lê Đạt, Dương Tường... nổi bật với xu hướng thơ đi sâu vào những vùng mờ của tâm linh. Trong văn xuôi nổi bật lên với tên tuổi của các nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Khải, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư… Trong sác tác của mình, các tác giả đã đề cập đến những chi tiết sinh hoạt đời thường có khi nhỏ nhặt để khai thác triệt để cái hàng ngày như chính những lát cắt của cuộc sống.

Tóm lại, trước sự chi phối của qui luật đời thường cùng với sự vận động tự thân của văn học, văn học Việt Nam sau 1975 đã có những đặc điểm khác biệt so với giai đoạn 1945 - 1975. Cảm hứng thế sự tăng mạnh, trong khi cảm hứng sử thi, lãng mạn giảm dần; cái nhìn về chiến tranh đã sâu hơn, gắn nhiều hơn với những suy tư cá nhân; con người được nhìn nhận ở phương diện đời tư, trong quan hệ đời thường, trong đời sống ý thức, tâm linh... Những chuyển biến mới này đã đem đến nguồn cảm hứng mới cho người cầm bút, mở ra hướng đi mới cho văn học.

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(141 trang)
w