Cách đối sánh trong phần phân tích các giá trị của tác phẩm

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 88)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Cách đối sánh trong phần phân tích các giá trị của tác phẩm

Phân tích tác phẩm là chia nhỏ tác phẩm ra thành các phương diện, các nhân tố để có thể xem xét, thấu hiểu, đối thoại, nhận chân… tác phẩm một cách cặn kẽ, kĩ càng. Tuy nhiên, khó có đường đi chung nào cho việc khám phá tất cả các tác phẩm. Tùy vào từng thể loại, từng văn bản cụ thể mà trong quá trình dạy học, GV có thể lựa chọn hướng triển khai, phân tích phù hợp. Trong quá trình phân tích, sự đối sánh cũng không phải được diễn ra một cách tùy tiện mà cần căn cứ vào tiêu chí đổi mới, căn cứ vào điểm khác nhau giữa văn học sau 1975 với văn học giai đoạn 1945 - 1975. Mặt khác, việc áp dụng sự đối sánh đó như thế nào để vừa tăng tính hấp dẫn vừa đảm bảo mục tiêu bài học lại là tài nghệ thuộc về mỗi GV. Một vài phương diện có thể đối sánh trong phần phân tích các giá trị của tác phẩm như sau:

* Đối sánh khi phân tích nhan đề của tác phẩm

Nhan đề là nội dung cô đọng, hàm súc, phản ánh trung thành nội dung văn bản. Có khi, nhan đề phản ánh đối tượng trình bày,có khi phản ánh quan

niệm, cách nhìn của tác giả đối với đối tượng, có khi lại là sự kết hợp của rất nhiều nhân tố. Nhưng dù trong bất kì trường hợp nào, tất cả các nhan đề đều phải được rút ra, được khái quát từ chính nội dung văn bản.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu, trong các sáng tác của mình, hay sử dụng những nhan đề vừa cụ thể lại vừa có ý nghĩa biểu tượng. Nếu như Mảnh trăng cuối rừng vừa là một hình ảnh thực được miêu tả trong truyện với sự trở đi trở lại nhiều lần, thành hình ảnh nổi bật, bao trùm toàn bộ khung cảnh của câu chuyện vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho nữ nhân vật chính là Nguyệt thì

Chiếc thuyền ngoài xa cũng có phần giống như thế. Tuy nhiên, nếu người đọc tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra chất thi vị, cảm hứng lãng mạn được thể hiện trong nhan đề của Mảnh trăng cuối rừng. Còn với Chiếc thuyền ngoài xa, ngay từ nhan đề, tác giả truyện ngắn này đã gợi lên trong lòng bạn đọc một câu hỏi lớn, mở sự liên tưởng đến một cái tên đối ứng: Chiếc thuyền gần bờ. Vậy, mối liên hệ, sự tương quan giữa gần và xa, giữa vẻ bề ngoài và cái bên trong là gì? Tính chất luận đề trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975 chính là ở điểm này. Như thế, dù cùng một ý đồ trong việc lựa chọn nhan đề tác phẩm nhưng cảm hứng sáng tác khác nhau ở các thời kì khác nhau đã đưa đến sự phân biệt giữa các tác phẩm ngay ở tín hiệu đầu tiên.

* Đối sánh khi phân tích nhân vật

Nếu như Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng là nhân vật được nhà văn “tắm rửa sạch sẽ” và “bao bọc trong bầu không khí vô trùng” thì các nhân vật trong Chiếc thuyền ngoài xa lại được Nguyễn Minh Châu xây dựng theo một nguyên tắc khác. Nguyên tắc nghịch lí, đối lập với sự lẫn lộn tốt - xấu đan cài vào nhau. Người đàn bà hàng chài ít học với vẻ ngoài xấu xí, thô kệch, cam chịu, nhẫn nhục lại là người thấu hiểu lẽ đời, giàu đức hi sinh. Còn người đàn ông vũ phu kia cũng không hẳn là người hoàn toàn xấu. Đó vẫn là một người lao động lương thiện, kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt để nuôi mười mấy

miệng ăn. Những trận đòn roi mà lão trút xuống vợ chỉ vì những bức bối trong cuộc sống. Có lẽ vì vậy mà khi đánh vợ dường như lão cũng nhức nhối tâm can, “cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rền rỉ đau đớn”. Còn thằng Phác, dù hành động cầm dao đâm bố để cứu mẹ là sự biểu hiện tình thương của nó giành cho mẹ nhưng bên trong nó cũng ẩn chứa một tính côn đồ nguy hiểm với ý thức dùng bạo lực để ngăn cản bạo lực. Rõ ràng, khác với cách xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Minh Châu giai đoạn trước 1975, khi nhà văn giành tất cả sự ngợi ca cho nhân vật của mình và ở đó, cái đẹp dường như được thoát khỏi gánh nặng của cái xấu, bay vượt lên khỏi cái thường nhật thì nhân vật trong Chiếc thuyền ngoài xa lại được xây dựng với tất cả sự phức tạp của nó: không hẳn tốt song cũng không hẳn xấu. Xét đến cùng, người chồng vừa là thủ phạm gây ra cảnh đau đớn cho người vợ, cho con đẻ, đồng thời cũng là nạn nhân của cuộc sống tăm tối, khốn khổ. Người vợ vừa là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình vừa là thủ phạm mà theo như lời mụ ta nói do “cái lỗi… là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”. Thằng Phác cũng như thế, vừa là nạn nhân của thói côn đồ vừa là thủ phạm kích động thói côn đồ và chính nó cũng sớm có tính côn đồ. Phải chăng, một điểm mới nữa trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975 là chuyển từ hứng thú xây dựng nhân vật tính cách sang mối quan tâm xây dựng nhân vật luận đề?

* Đối sánh khi phân tích đường đi của cốt truyện

Các cốt truyện được Nguyễn Minh Châu sáng tác trong giai đoạn văn học cách mạng thường được tổ chức theo mạch: nhân vật từ chỗ hiểu nhầm ban đầu đến hiểu đúng và những lo âu, trăn trở được giải tỏa để rồi kết cục là tin yêu. Ngược lại, trong những sáng tác sau này, nhân vật đi từ hiểu nhầm này đến hiểu nhầm khác, vấn đề này chưa kịp giải quyết thì vấn đề khác đã nảy sinh nhưng rồi ở cuối câu chuyện vẫn không có được một kết thúc trọn

vẹn. Cùng với đó, nếu trước kia khi người kể chuyện luôn là người đứng ở vị thế quan sát, tán thưởng và cũng là người thấy trước đường đi nước bước của nhân vật mình thì nay người kể chuyện lại là người phải đón nhận cảm giác ngạc nhiên, bất ngờ trong chính câu chuyện mình kể. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng như “chết lặng” không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt khi chiếc thuyền tiến lại gần bờ. Nhưng nghịch lí đó, sự hiểu nhầm giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong đó mới chỉ là bước khởi đầu câu chuyện. Cách thằng Phác đánh trả bố nó để bảo vệ mẹ, cuộc gặp gỡ giữa chánh án Đẩu và người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện vẫn luôn là những điều “không thể nào hiểu được đối với Phùng”. Hình ảnh “anh khoác chiếc máy ảnh đi lang thang cho đến tận khuya” cho thấy tâm hồn anh giờ đây đang để ngỏ bao điều.

* Đối sánh khi phân tích cách tiếp cận hiện thực

Hiện thực luôn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác. Khi hiện thực thay đổi tất yếu cách tiếp cận hiện thực của các tác giả cũng có những đổi thay. Dạy văn học Việt Nam sau 1975, khi phân tích vấn đề này, GV cũng cần dẫn đến sự đối sánh để HS thấy rõ thêm một sự đổi thay của văn học thời kì đổi mới. Yêu cầu đối sánh cách tiếp cận hiện thực có thể đặt ra cho sáng tác của cùng một tác giả ở hai thời kì khác nhau, nhưng cũng có thể đối sánh giữa các tác phẩm của các tác giả khác nhau ở hai giai đoạn văn học.

Một người Hà Nội của Nguyễn Khải đã không còn cách tiếp cận hiện thực với các vấn đề thời sự, chính trị của đất nước mà là cách nhìn hiện thực, soi xét các đối tượng dưới góc độ văn hóa, lịch sử. Viết về bà Hiền - một người Hà Nội -, sự ngợi ca đó cũng không phải là sự ngợi ca được áp đặt theo chân lí một chiều và nhân vật bà Hiền cũng không thuộc mẫu người mà văn học cách mạng một thời ưa xây dựng trong cảm hứng ngợi ca. So với Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành hay Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, cách tiếp cận hiện thực của Nguyễn Minh Châu trong Chiếc thuyền ngoài xa

cũng là một cái nhìn mới. Đó là sự khác biệt giữa một bên là hiện thực của thời chiến, viết về những người con anh hùng, những gia đình giàu truyền thống cách mạng, là những trang viết truyền lửa chiến đấu cho dân tộc và một bên là hiện thực của thời hậu chiến với biết bao những ngổn ngang, phức tạp cùng những khó khăn, tồn đọng cần giải quyết cho cuộc sống hôm nay.

Còn nhiều những vấn đề có thể đem ra đối sánh khi đi vào phân tích các giá trị của tác phẩm. Điều này không mang tính áp đặt và cũng không bắt buộc đối với quá trình dạy học. Tuy nhiên, dạy học một tác phẩm văn chương, sự linh hoạt của GV khi tổ chức cho HS đối sánh các giá trị của các tác phẩm ở hai giai đoạn văn học khác nhau sẽ là một việc làm hữu ích. Nó không chỉ giúp HS nắm bắt vấn đề một cách sâu sắc mà còn có tác dụng giúp các em nhận ra được tác phẩm đó ở giai đoạn văn học nào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hình thành ý thức về giai đoạn văn học cho HS.

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(141 trang)
w