Điều kiện phát triển

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 35)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.1.Điều kiện phát triển

1.2.1.1. Điều kiện kinh tế - chính trị

Sự kiện ngày 30-4-1975 đã đánh dấu một chặng đường phát triển mới của lịch sử Việt Nam. Bắt đầu từ đây, cả hai miền Bắc Nam thống nhất, cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội với ước mơ lãng mạn đã được vẽ ra từ những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, từ sau năm 1975, đất nước ta lại gặp phải những khó khăn, thách thức mới của thời kì hậu chiến, nhất là khó khăn về kinh tế. Cụ thể như: sự phá huỷ tàn khốc của chiến tranh kéo dài trong suốt 30 năm khiến cơ sở hạn tầng của nền kinh tế vốn nghèo nàn lạc hậu càng trở nên trầm trọng hơn; đường lối của Đảng vẫn còn nhiều chỗ khiếm khuyết, một số chính sách kinh tế, xã hội còn mang tính chủ quan, nóng vội,

duy ý chí… Thêm vào đó, chẳng bao lâu sau niềm vui của ngày chiến thắng, nước ta phải tiếp tục đương đầu với âm mưu chống phá của bọn Pôn Pốt và nước láng giềng Trung Quốc. Ngoài ra, sự tan rã của hệ thống Xã hội chủ nghĩa và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết cũng khiến Việt Nam rơi vào tình trạng mất chỗ dựa, giữa khi bị các thế lực thù địch ra sức cô lập, bao vây, cấm vận. Khó khăn chồng chất khó khăn đã đẩy đất nước đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trong nửa đầu thập kỷ 80. Và như một hệ quả tất yếu, bối cảnh trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn học nước nhà.

Trước tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức các Hội nghị, đưa ra các chính sách nhằm khắc phục, tiến tới bình ổn tình hình kinh tế, chính trị trong nước. Đặc biệt, Đại hội VI (năm 1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển đi lên. Tại Đại hội này, Đảng ta đã chỉ rõ đổi mới là “nhu cầu bức thiết”, là “vấn đề có ý nghĩa sống còn” của toàn dân tộc. Quyết sách này với đường lối của nền kinh tế mở cửa, vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới đã mang lại những khởi sắc đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao; công cuộc giao lưu, hội nhập quốc tế trên các bình diện kinh tế, chính trị, văn hoá ngày càng được mở rộng, tăng cường; thông qua dịch thuật, báo chí và các phương tiện truyền thông, văn học trong nước có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với văn học của nhiều nước trên thế giới... Như vậy, đổi mới văn học là một nhu cầu tất yếu và cần thiết, nằm trong qũy đạo chung của sự đổi mới toàn diện đất nước.

1.2.1.2. Điều kiện văn hóa, tư tưởng

Những thay đổi về hoàn cảnh xã hội nhất định kéo theo sự thay đổi về mặt văn hóa, tư tưởng. Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 mang tính chất “minh họa” rõ rệt. Lúc này, mọi vấn đề riêng tư của cuộc sống con người cá nhân phải thu hẹp,

nhường chỗ cho cuộc sống chung của tập thể, của cả cộng đồng, dân tộc. Quan điểm nghệ thuật chính thống lúc này là “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh). Từ đó xuất hiện kiểu nhà văn - chiến sĩ sẵn sàng đem ngòi bút phục vụ các yêu cầu của cách mạng. Nhà văn tự nguyện làm nghĩa vụ công dân trước hết, mọi tình cảm riêng tư phải gác lại, tập trung cho chủ đề lớn đánh giặc cứu nước. Đúng như cách nói của Chế Lan Viên: “những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt, nụ cười tiễn con, nghìn bà mẹ như nhau”. Quả thật, trước hoàn cảnh khác thường, con người cũng không thể sống cuộc sống bình thường. Và “Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” [27, 18].

Sau 1975, cuộc sống của con người trở về với muôn mặt đời thường, vận hành đúng quĩ đạo tự nhiên của nó. Đó là cuộc mưu sinh với bộn bề lo toan, là khó khăn, vất vả, thậm chí có cả những toan tính, nhỏ nhen. Tốt - xấu, trắng - đen lẫn lộn, bi - hài đi đôi. Chính sự thức tỉnh của con người cá nhân lúc này đòi hỏi nhà văn phải thay đổi tư duy nghệ thuật, thay đổi cách nhìn. Ngày 06/7/1987, trong buổi nói chuyện với các văn nghệ sĩ tiêu biểu, đồng chí Nguyễn Văn Linh - tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã khuyến khích anh chị em cần thay đổi tư duy nghệ thuật, nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống, nói thẳng, nói thật mọi vấn đề của cuộc sống, tất nhiên phải đứng trên lập trường, lợi ích của Đảng và toàn dân. Quan điểm trên của Đảng đã giúp cho tầng lớp văn nghệ sĩ có điều kiện để khắc phục những hạn chế trước đây. Nhà văn được tự do thể hiện tài năng, sức sáng tạo của mình, đề cao tính dân chủ trong cách viết, quan tâm đến con người cá nhân với những gì trần trụi nhất của cuộc sống, không tô hồng, không lí tưởng hóa hiện thực.

Ngoài ra, công cuộc đổi mới, giao lưu hội nhập quốc tế cũng tạo điều kiện thuận lợi để văn học phát triển. Nếu như trước đây, do điều kiện đất nước có chiến tranh, việc giao lưu văn hóa văn học chỉ giới hạn trong phạm vi giữa các nước trong khối xã hội chủ nghĩa với nhau thì nay, khi hòa bình lập lại, việc giao lưu đã được mở rộng ra quy mô toàn cầu. Bạn đọc không chỉ biết đến Puskin, Lev Tolstoi, Tsekhov, Gorki,… mà còn biết đến nhiều tác giả nổi tiếng khác như Kafka, Marquez, Kundera,… được thưởng thức hàng loạt tác phẩm đoạt giải Nobel văn học… Đây chính là cơ hội đưa văn học Việt Nam hội nhập với nền văn học thế giới, cũng là cơ hội để nền văn học trong nước tự nhìn nhận, đánh giá lại mình, từ đó mạnh dạn có những đổi mới phù hợp.

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 35)