Cách đối sánh trong phần Dẫn nhập của giờ học

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 84)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Cách đối sánh trong phần Dẫn nhập của giờ học

Dẫn nhập (hay còn gọi là lời mở đầu, hoặc lời giới thiệu bài mới) là phương thức dẫn dắt HS một cách có ý thức, có mục đích đi vào tri thức mới. Đây là khâu mở đường, bắt đầu cho một tiết dạy trên lớp.

Từ trước đến nay, người ta vẫn thường coi Dẫn nhập là việc làm “tùy cơ ứng biến”, không theo quy ước thống nhất, không rạch ròi về sự phân bổ thời gian, không bắt buộc. Vì vậy, đối với nhiều GV đây là thao tác không quan trọng, không cần đến sự đầu tư, thậm chí có thể bỏ qua. Tuy nhiên, thực tế dạy học cho thấy rằng dù chỉ chiếm vài ba phút nhưng Dẫn nhập lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, ấn tượng của một giờ dạy cần phải được thiết lập ngay từ ban đầu. Đặc biệt đối với bộ môn Ngữ văn - bộ môn mang tính nghệ thuật - thì không thể không gây ấn tượng. Mặt khác nếu phần Dẫn nhập được thực hiện tốt sẽ mang lại những tác dụng như: mở đường cho tiến trình dạy học hoặc lời dẫn nhập có thể là lời khái quát nội dung bài dạy, thậm chí nêu định hướng tiếp cận văn bản cho HS… Xét về lâu dài, Dẫn nhập tốt sẽ có vai trò kích thích lòng ham muốn đi tìm chân lí, bồi dưỡng tinh thần tự giác học tập cho HS. Như vậy, công việc khởi động này sẽ tạo tâm thế, tạo đà, tạo tình huống, gây sự chú ý cho HS trong quá trình chiếm lĩnh tác phẩm văn chương. Nó giống như khúc dạo đầu của một bản nhạc với vai trò chỉ huy, nắm giữ toàn cục đối với các bước giảng dạy ở phần sau.

Do tầm quan trọng của khâu Dẫn nhập trong quá trình dạy học, khi sử dụng hình thức đối sánh ở phần này, GV phải định hướng, hình thành ở HS ý thức đối sánh thường trực khi các em cùng GV đi qua các bước lên lớp tiếp theo.

Tùy vào khâu tổ chức, chuẩn bị của GV mà việc đối sánh ở phần Dẫn nhập có thể được tiến hành linh hoạt với nhiều cách thức khác nhau. Có thể:

* Sử dụng phương pháp vấn đáp có lồng ghép nội dung cần đối sánh vào phần Dẫn nhập

Vấn đáp là phương pháp trong đó GV nêu câu hỏi để HS trả lời hoặc có thể tranh luận với nhau và với cả GV. Qua đó, HS lĩnh hội được vấn đề theo yêu cầu GV đặt ra. Như vậy, với phương pháp vấn đáp, nội dung cần được truyền thụ không phải được thể hiện qua lời giảng của GV mà được thực hiện bởi hệ thống câu trả lời của người học, dưới sự gợi mở bởi các câu hỏi do GV đề xuất.

Các vấn đề đem ra đối sánh trong phần Dẫn nhập mà GV yêu cầu HS thực hiện là rất phong phú. Nó có thể là các câu hỏi liên quan đến tác giả, tác phẩm mà bài học hướng đến như:

- Kể tên một số tác phẩm của tác giả mà HS đã được học trong chương trình trước đây hoặc đã đọc?

- Qua những tác phẩm đã học, hãy nhớ lại và trình bày những hiểu biết của em về tác giả?

- Tác phẩm đã học trước đây được sáng tác vào thời điểm nào, thời điểm đó có gì khác so với thời điểm tác giả sáng tác tác phẩm này?

- Khái quát lại nội dung của tác phẩm đã học? - Ấn tượng của em sau khi học xong tác phẩm đó?

- So sánh đề tài giữa tác phẩm đã học và tác phẩm sắp học (từ khâu đọc tác phẩm và chuẩn bị bài ở nhà)?

Ví dụ; Dạy bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy, GV có thể nêu một trong số các câu hỏi vận dụng cho phần Dẫn nhập như sau:

- Kể tên một vài tác phẩm của tác giả Nguyễn Duy mà em đã được học hoặc có dịp được đọc? Hãy cho biết những tác phẩm đó được sáng tác vào những thời điểm nào?

- Trong chương trình Ngữ văn THCS, các em đã được học bài thơ nào của tác giả Nguyễn Duy? Hãy trình bày một số hiểu biết của em về tác giả này?

- Nếu nói đến mốc thời gian trước 1975, em biết đến sáng tác nào của nhà thơ Nguyễn Duy? Nhận định chung của em về thơ Nguyễn Duy ở giai đoạn này?

Sử dụng những dạng câu hỏi như trên dù không trực tiếp đề cập đến yêu cầu đối sánh nhưng GV đã khéo léo gài lồng đối sánh và bắt buộc HS phải có ý thức đối sánh trước - sau. Với những vấn đề mà HS không biết hoặc chưa rõ, GV có thể gợi mở, lưu ý đến mốc thời gian 1975. Thông qua vấn đáp, GV chốt ý bằng một vài lời dẫn có định hướng đối sánh để bắt vào nội dung bài dạy.

Đối với Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, GV có thể yêu cầu HS khi chuẩn bị bài ở nhà ngoài việc đọc tác phẩm và trả lời hệ thống câu hỏi ở SGK cần tìm đọc và tóm tắt được tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng. Tiến trình lên lớp, phần Dẫn nhập GV có thể đặt câu hỏi:

- Qua quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp, hãy cho biết truyện ngắn

Mảnh trăng cuối rừng Chiếc thuyền ngoài xa được Nguyễn Minh Châu sáng tác vào những thời kì nào?

- So sánh đề tài giữa truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng và truyện ngắn

Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu?

* Nội dung đối sánh được thể hiện trong lời giới thiệu bài mới của GV.

Khác với cách Dẫn nhập bằng hệ thống câu hỏi, khi GV là người điều khiển HS phát huy trí nhớ, huy động vốn kiến thức để tạo đà cho bài học mới, việc Dẫn nhập bằng lời giới thiệu của GV lại là hoạt động có chuẩn bị trước với quyền chủ động hoàn toàn thuộc về GV.

Trong lời giới thiệu bài mới của mình, GV có thể lồng ghép đối sánh kiến thức ở hai giai đoạn văn học trước và sau 1975 về một trong các vấn đề như:

- Nhắc đến một khía cạnh đổi mới nào đó trong đặc điểm chung của văn học Việt Nam sau 1975, tiếp theo bắt vào tác phẩm sắp học như một minh chứng cho sự đổi mới đó.

- Cùng viết về một đề tài nhưng tác phẩm trước và sau 1975 có cách nhìn, cách khám phá, cách thể hiện khác nhau.

- Bản thân GV sẽ là người nhắc lại một vài kiến thức cơ bản về tác giả mà HS đã được học trong chương trình Ngữ văn THCS. Từ đó, giới thiệu nhan đề bài mới và gợi dẫn: Các tác phẩm được sáng tác ở những thời điểm khác nhau sẽ có những điểm khác nhau như thế nào? Đi vào nội dung bài học hôm nay chúng ta sẽ có lời giải mã cho sự thắc mắc đó.

Ví dụ: Lời giới thiệu của GV khi dạy bài Ai đã đặt tên cho dòng sông?

của Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể là: Hình ảnh các dòng sông uốn lượn mình trên dãi đất hình chữ S thân thương luôn là đề tài hấp dẫn cho thi ca và nhạc họa. Chúng ta đã từng biết đến con sông Đà hung bạo - trữ tình qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân. Đến với dòng Hương thơ mộng của xứ Huế, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết nên thiên tuyệt bút với nhan đề Ai đã đặt tên cho dòng sông? Vậy Hoàng Phủ Ngọc Tường có gì khác với Nguyễn Tuân khi cùng hướng đến đối tượng khám phá là các dòng sông Việt Nam? Tiết học hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu bài mới này để có cái nhìn so sánh, đối chiếu về vẻ đẹp của sông Đà, sông Hương cũng như nét riêng trong cách cảm, cách thể hiện của mỗi tác giả.

Áp dụng cho phần Dẫn nhập bài Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, GV có thể giới thiệu: Một trong những điểm mới của văn học Việt Nam sau 1975 là văn học có tính chất hướng nội, quan tâm nhiều hơn đến số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường. Đến với truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - một sáng tác của Nguyễn Minh Châu trong thời kì đổi mới này, chúng ta sẽ phần nào thấy rõ điều đó.

Dạy Đò Lèn của Nguyễn Duy, GV có thể Dẫn nhập như sau: Trong chương trình Ngữ văn THCS, các em đã được học bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy và chắc chắn các em cũng đã từng được đọc Tre Việt Nam của

tác giả này. Vậy, sự khác nhau cơ bản trong những sáng tác của Nguyễn Duy trước và sau 1975 là như thế nào? Đến với bài thơ Đò Lèn - một minh chứng tiêu biểu cho sự đổi mới tư duy thơ Nguyễn Duy -, chúng ta sẽ cùng nhau trả lời câu hỏi đó.

Cũng cần lưu ý rằng những nội dung được đưa ra đối sánh ở phần Dẫn nhập chỉ là một vài thông tin gắn liền với phần Tiểu dẫn, có liên quan đến việc giới thiệu về tác giả, tác phẩm chứ không đi sâu vào bản chất của vấn đề. Bởi lẽ, thời lượng cho hoạt động này là có hạn, mang tính chất khơi gợi, định hướng, kích thích hứng thú học tập cho các bước tiếp theo. Mặt khác, nếu xâm lấn quá sâu sẽ tạo ra sự trùng lặp, gây “rối”, gây khó hiểu cho HS. Khi ấy, việc làm của GV sẽ gây phản tác dụng, không mang lại cho quá trình dạy học hiệu quả mong muốn.

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(141 trang)
w