Cách đối sánh trong phần Tổng kết, liên hệ thực tiễn đời sống

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 92)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.3.Cách đối sánh trong phần Tổng kết, liên hệ thực tiễn đời sống

* Cách đối sánh trong phần Tổng kết

Tổng kết là công việc kết thúc một giờ dạy học tác phẩm văn chương với nhiệm vụ tổng hợp lại vấn đề. Ở bước này, thông thường GV đưa ra những câu hỏi yêu cầu HS khái quát lại giá trị nội dung tưởng và nghệ thuật của tác phẩm, từ đó rút ra những kết luận ghi nhớ cần thiết, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu bài học. Theo mạch của bài dạy, sự đối sánh giữa hai giai đoạn văn học trước và sau 1975 đã được diễn ra từ khâu Dẫn nhập đến khâu Phân tích các giá trị của tác phẩm, vì vậy trong phần Tổng kết cần thâu tóm những ý đã phân tích bằng việc đưa ra những nhận định khái quát, khẳng định những thành công mà tác giả đã gặt hái được trên hành trình đổi mới văn học.

Ví dụ: Đò Lèn là tiếng nói tự vấn của nhà thơ khi “ngộ” ra bản chất đích thực của cuộc đời. Sự thay đổi tư duy này thực sự đã đánh dấu một bước chuyển mình trong sáng tác của Nguyễn Duy.

Một người Hà Nội là tác phẩm tiêu biểu cho sự đổi mới cách viết, cách nhìn về cuộc đời, về con người của ngòi bút Nguyễn Khải từ sau 1975. Với những đóng góp đó, Nguyễn Khải xứng đáng là một trong số những nhà văn tiên phong cho văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

Đàn ghita của Lorca là bài thơ thể hiện những tìm tòi mới với sự kết hợp liên tưởng nhiều chiều. Đây là điểm khác biệt của thơ Thanh Thảo so với văn học trước 1975.

Những nhận định được rút ở phần Tổng kết dù không trực tiếp đề cập đến vấn đề đối sánh nhưng đã hàm chứa đối sánh. Bởi lẽ, Tổng kết là kết quả của quá trình nhận thức bài học mà trong quá trình này, dưới sự hướng dẫn, tổ chức của GV, HS đã có cái nhìn đối chiếu trước - sau cũng như nhận thức được những phương diện đổi mới được thể hiện trong tác phẩm.

* Cách đối sánh trong phần Liên hệ thực tiễn đời sống

Bên cạnh việc tổng hợp lại vấn đề, hoạt động kết thúc giờ dạy tác phẩm văn chương còn phải tạo ra được “dư âm”, “dư vị”… đối với HS. Giờ học có thể đã kết thúc nhưng những vấn đề từ hình tượng văn học vẫn lung linh phát triển trong tâm hồn các em. Để đạt được điều đó đòi hỏi một thao tác không thể bỏ qua trong khâu Tổng kết bài học là GV tạo cho HS có thói quen liên hệ, gắn nội dung bài học với thực tiễn đời sống để tự rút ta những bài học bổ ích cho bản thân.

Ví dụ: Bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy đã giúp chúng ta nhận ra rằng: Cuộc sống không đơn giản như ta nghĩ mà mỗi con người cần trải qua một quá trình vất vã để hiểu được đâu là bản chất của cuộc đời. Và chỉ với cái nhìn tự vấn, tự đối thoại chúng ta mới có thể tự tin bước tiếp.

Chiếc thuyền ngoài xa đã mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận về cuộc sống và con người: Không thể nhìn một cách đơn giản, cần phải nhìn cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều.

Câu chuyện về Một người Hà Nội cho thấy sự tồn tại của một bản lĩnh sống vững vàng. Quả thật, một con người đáng trọng là một con người giữ gìn được những phẩm giá của mình trước những đổi thay của cuộc sống.

Tuy nhiên, việc liên hệ thực tiễn đời sống với những bài học được rút ra từ nội dung của tác phẩm như trên cần đi đến một kết luận cuối cùng rằng: Những nhận thức mới mà tác giả bồi đắp cho ta là những điều mà văn học trước 1975 chưa làm được. Chỉ khi văn học trở về với hiện thực đời sống, trở về với bản chất đích thực của nó như văn học thời kì đổi mới này, khi đó khoảng cách giữa độc giả và tác phẩm mới được xích lại gần hơn.

Là chương trọng tâm của đề tài, ở chương này chúng tôi đi vào nghiên cứu việc tổ chức dạy học văn học Việt Nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 bằng cách đưa ra những định hướng cụ thể, cần thiết. Để áp dụng phương pháp đối sánh một cách có hiệu quả, trước hết cần xác định mục tiêu của phương pháp dạy học này là nhằm làm rõ đặc trưng thẩm mĩ cũng như những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học Việt Nam sau 1975, đồng thời xây dựng ý thức lịch sử, phương pháp lịch sử cho HS trong việc tiếp cận các giá trị, hiện tượng văn học. Ở chương này, chúng tôi cũng đưa ra ba phạm vi đối sánh cơ bản: giữa giai đoạn văn học với giai đoạn văn học, đối sánh các thời kì sáng tác khác nhau của tác giả và đối sánh sự khác biệt về thi pháp thể loại. Điều này vừa hoàn toàn phù hợp với cách bố trí các đơn vị bài học trong SGK vừa đáp ứng với mục tiêu mà luận văn đề ra. Đi vào các phương pháp đối sánh, chúng tôi khẳng định sự đối sánh cần được áp dụng trong cả ba khâu cơ bản của tiến trình dạy học, từ Dẫn nhập đến quá trình phân tích tác phẩm và khâu cuối là Tổng kết, liên hệ thực tiễn đời sống. Tất nhiên,với những vấn đề được triển khai chúng tôi đều đưa ra cơ sở lí luận và được minh chứng bằng những ví dụ cụ thể từ thực tế dạy học các tác phẩm văn học sau 1975 trong chương trình và SGK Ngữ văn 12 THPT.

Chương 3

THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM

Để kiểm chứng tính thực tiễn của đề tài, chúng tôi đã sử dụng phương pháp thực nghiệm sư phạm. Phương pháp này đòi hỏi sự dầu tư toàn diện trên cả phương diện lí luận chỉ đạo tiến hành thực nghiệm. Sau khi chọn nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm một cách cân đối và hợp lí, chúng tôi đã tiến hành cho giảng dạy trên hai đối tượng đối chứng và thực nghiệm để từ đó đánh giá và rút ra những kết luận khoa học cần thiết.

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 92)