Các hình thức tích hợp

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 30)

7. Cấu trúc của luận văn

1.1.3. Các hình thức tích hợp

1.1.3.1. Gợi dẫn, nhắc lại kiến thức cũ

Hình thức tích hợp gợi dẫn, nhắc lại kiến thức cũ thường được sử dụng khi tìm hiểu về tác giả, thể loại hay phân tích một sự kiện, chi tiết trong tác phẩm.

Một trong những điểm mới của SGK Ngữ văn hiện nay là sắp xếp các tác phẩm theo cụm thể loại. Vì vậy có thể cùng là sáng tác của một tác giả nhưng lại được học ở những thời điểm khác nhau theo phân phối chương trình. Ví dụ: Học kì I lớp 10, theo phân phối của Bộ, tiết 37, HS học bài thơ

Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi. Sang học kì II, với các tiết 59,60,61,62 HS tiếp tục học về Tác gia Nguyễn Trãi và tác phẩm Bình Ngô đại cáo. Hoặc, các tác phẩm của cùng một tác giả ở từng giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sáng tác, tương ứng với từng giai đoạn chuyển mình của văn học cũng được học ở những thời điểm khác nhau. Ví dụ: Lớp 11, học kì I, tiết theo phân phối chương trình: 39, 40, 41 HS học truyện ngắn Chữ người tử tù - một sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng 8 - 1945. Lên lớp 12, HS được tiếp cận với giai đoạn văn học từ sau 1945 đến hết thế kỉ XX, khi đó, các em sẽ gặp lại tác giả Nguyễn Tuân với trang tuỳ bút Người lái đò sông Đà - tiết 45, 46 SGK Ngữ văn 12 tập 1. Ngoài ra cũng không ngoại trừ trường hợp có những tác giả đã được học ở cấp THCS lại được tiếp tục mở rộng với

những tác phẩm khác ở cấp THPT như tác giả Nguyễn Minh Châu với tác phẩm Bến quê trong chương trình Ngữ văn lớp 9 và Chiếc thuyền ngoài xa

trong chương trình Ngữ văn 12….

Trong những trường hợp này, dạy học theo tinh thần đổi mới với hình thức tích hợp đòi hỏi GV phải đặt ra những câu hỏi gợi dẫn yêu cầu HS lấy ra từ vốn tri thức của mình những kiến thức có liên quan. Những câu hỏi mà GV có thể sử dùng đến như: Kể tên một số tác phẩm của tác giả mà em đã học hoặc đã đọc ? Trình bày những hiểu biết của em về tác giả… ?

Đối với những tác phẩm cùng thể loại sáng tác, việc yêu cầu HS nhắc lại kiến thức cũ cũng là một hình thức tích hợp cần thiết. Trên cơ sở đó giúp cho HS có định hướng phân tích tác phẩm sâu hơn theo đặc trưng thể loại.

Trong quá trình đọc hiểu, có thể có những chi tiết, sự kiện trong tác phẩm này gợi nhắc đến một chi tiết, sự kiện ở tác phẩm khác có liên quan. Lúc này, hình thức tích hợp gợi dẫn, nhắc lại kiến thức cũ có tác dụng giúp HS xâu chuỗi các kiến thức trong nội bộ bản thân của phân môn. Qua đó, HS có cái nhìn sâu sắc giữa các tác phẩm văn học để nhận ra nét riêng trong sáng tác của mỗi tác giả hoặc nhận diện đặc điểm riêng của từng giai đoạn văn học. Ví dụ: Dạy bài Vợ nhặt - SGK Ngữ văn 12, tập 2, khi phân tích hình thức kết thúc mở trong tác phẩm: “…Ngoài đình, tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập… Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới….”, GV có thể gợi dẫn, yêu cầu, tác động đến trí nhớ của HS để các em liên hệ đến hình thức kết thúc mở trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao hay

Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố - đều là những tác phẩm viết về đề tài người nông dân. Tuy nhiên, có điểm khác về mặt nội dung, ý nghĩa trong cùng một hình thức kết thúc mở này là: hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới trong óc Tràng làm người đọc liên tưởng đến cuộc sống tươi sáng hơn của nhân vật ở tương lai. Còn với chị Dậu và Chí Phèo, cuộc sống của người nông dân trước cách

mạng tháng 8 vẫn còn những bế tắc, u tối, là vòng luẩn quẩn…. Âu đó cũng là sự chi phối của những đặc điểm khác nhau ở hai giai đoạn văn học trước và sau 1945. Hoặc cùng là tác giả của phong trào Thơ mới với sự thể hiện cái tôi, nhưng cái tôi “ thiết tha, băn khoăn, rạo rực” của Xuân Diệu, khác với cái tôi “sầu não” của Huy Cận, khác với cái tôi luôn “quằn quại, đau đớn” của Hàn Mặc Tử… Đó là những gam màu màu riêng của mỗi tác giả, tạo nên sự phong phú của thi đàn Thơ mới. Và nếu không có sự tích hợp với hình thức gợi dẫn, nhắc lại kiến thức cũ thì quá trình dạy học Văn sẽ mãi là những mảnh ghép đơn lẻ, khó để HS nhận ra diện mạo của bức tranh văn học nước nhà.

1.1.3.2. Hình thức báo trước

Chương trình Giáo dục nói chung, chương trình Ngữ văn nói riêng qua mỗi bậc học, mỗi cấp, mỗi lớp luôn được nâng cao, mở rộng. Theo đó, giữa các đơn vị kiến thức, các bài học luôn tồn tại những mối quan hệ với nhau.

Đối với bộ môn Ngữ văn, mối quan hệ này không chỉ tồn tại trong bản thân của từng phân môn mà còn tồn tại giữa các phân môn với nhau. Đó là những trường hợp HS được học nhiều tác phẩm của cùng một tác giả hoặc mối quan hệ giữa kiến thức Văn học sử với Đọc văn, giữa Làm văn với Đọc văn…. Vì vậy, khi sử dụng biện pháp dạy học tích hợp, GV có thể sử dụng hình thức báo thước cho HS khi đơn vị kiến thức này có mối liên hệ với đơn vị kiến thức sẽ học ở tiết sau, lớp sau, thậm chí cấp học sau. Ví dụ: kết thúc bài học Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 11, tập 1, GV báo trước cho HS sẽ gặp lại tác giả Nguyễn Tuân với tác phẩm Người lái đò sông Đà trong chương trình Ngữ văn 12. Dạy tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, SGK Ngữ văn 12, tập 1, GV vừa nhắc lại, vừa báo trước cho HS và cũng để minh chứng cho nhận định “Hồ Chí Minh - tác giả đa phong cách” bằng bài thơ Chiều tối đã học và áng văn chính luận mẫu mực Tuyên ngôn độc lập sẽ học ở những tiết tiếp theo….

Tác dụng của hình thức tích hợp báo trước này là lưu ý cho HS về mối liên hệ giữa các đơn vị kiến thức. Như thế sẽ khắc sâu hơn nội dung bài học, đồng thời khơi dậy ý thức tự tìm hiểu kiến thức mới ở HS.

1.1.3.3. Giới thiệu, dẫn dắt, tổng kết

Để tạo tâm thế tiếp nhận, gây sự chú ý, tập trung của HS, mỗi tiết học thường bắt đầu bằng hoạt động giới thiệu bài mới của GV. Tuỳ vào nội dung bài học mà hoạt động này có thể diễn ra với nhiều cách khác nhau, là lời giới thiệu của GV, là câu hỏi dành cho HS về một phương diện nào đó liên quan đến nội dung bài học, hay trò chơi giải ô chữ, cùng xem một trích đoạn phim, clip ca nhạc… Tất nhiên, hoạt động này đều có chủ ý của GV, hướng đến mối quan hệ giữa kiến thức cũ, kiến thức ở các lĩnh vực khác có liên quan với kiến thức bài mới. Ví dụ: Dạy bài Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa - SGK

Ngữ văn 10, tập 1, GV trình chiếu cho HS xem một làn điệu Hát giao duyên

nhắm giúp HS có thêm hiểu biết về nét văn hoá truyền thống của Đồng bằng Bắc Bộ, vừa gây hứng thú cho HS trước khi đi vào tìm hiểu nội dung cụ thể của một số bài ca dao.

Tưong tự như thế, hoạt động dẫn dắt của GV khi hướng HS đi vào tìm hiểu một vấn đề cụ thể cũng có thể đụng chạm đến những miền kí ức, những liên tưởng làm cho vốn kiến thức trong các em được củng cố, mở rộng. Ví dụ: Tìm hiểu về cái tôi “ngông” của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời - SGK Ngữ văn 11, tập 1, GV dẫn dắt, tích hợp để HS đối chiếu, có định hướng nắm bắt vấn đề như: Ta đã từng quen với kiểu xưng danh của Hồ Xuân Hương (“Này của Xuân Hương mới quệt rồi” - Mời trầu), của Nguyễn Du (“Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” - Độc Tiểu Thanh kí), của Nguyễn Công Trứ (“Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng” - Bài ca ngất ngưởng), đến với Hầu Trời của Tản Đà cũng là xưng danh nhưng thử xem kiểu xưng danh này có điều gì khác biệt?

Nếu như hoạt động giới thiệu bài mới nhằm tạo tâm thế tiếp nhận cho HS thì hoạt động tổng kết nhằm khái quát lại nội dung mỗi mục, mỗi tiết học, mỗi bài học. Từ đó, mở ra những nhận thức mới về các lĩnh vực như văn hóa, đạo đức…; có sự liên kết, xâu chuỗi giữa các đơn vị kiến thức. Vì vậy, tích hợp cũng được sử dụng trong hoạt động này. Ví dụ: Dạy bài Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu, SGK Ngữ văn 12, tập 2, kết thúc phần tìm hiểu về câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện, GV tổng kết lại bằng lời bình giảng có chứa nội dung tích hợp như: Thông qua câu chuyện này Nguyễn Minh Châu muốn nói đến một cuộc chiến mới không kém phần khó khăn, gian khổ so với hai cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược đã qua. Ở phương diện này, tác giả của Chiếc thuyền ngoài xa đã kế thừa sâu sắc tư tưởng nhân văn, nhân đạo của nhà văn Nam Cao.

Hình thức tích hợp này vừa đọng lại kiến thức trong HS, vừa có tác dụng kết nối giữa các đơn vị kiến thức có liên quan, gần gũi về nội dung, tư tưởng.

1.1.3.4. Gài lồng trong định hướng phân tích

Phân tích là chia nhỏ vấn đề và đây là một trong những phương pháp chủ đạo trong dạy học Ngữ văn. Nếu trong quá trình phân tích GV kết hợp tích hợp các kiến thức, kĩ năng cho HS sẽ giúp HS nắm bắt kiến thức vừa tổng quát vừa cụ thể, sâu sắc. Bởi lẽ, mỗi đơn vị kiến thức là một mắt xích trong vòng quay vô tận. Mặt khác, một tác phẩm văn học ra đời là kết tinh của những trải nghiệm, vốn sống, vốn hiểu biết, lịch sử, văn hóa thời đại…. Do đó, trong định hướng phân tích không thể không dùng đến biện pháp tích hợp.

Ví dụ: Dạy bài Phú sông Bạch Đằng - Trương Hán Siêu, SGK Ngữ văn 10, tập 2, GV yêu cầu HS: Hãy cho biết dòng sông Bạch Đằng từng soi bóng như thế nào trong lịch sử và thơ ca của dân tộc? Dạy bài: Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường, SGK Ngữ văn 12, tập 2, GV yêu cầu HS: Hãy cắt nghĩa bài thơ bằng những lí do lịch sử, văn hóa ? Định hướng

phân tích này không những giúp HS cảm nhận được mạch nguồn cảm xúc, tư tưởng của tác phẩm mà còn hướng HS đến những trang sử vàng của dân tộc in dấu trong thơ ca, hiểu thêm về vị trí địa lí của các địa danh, truyền thống văn hóa của cha ông… Qua đó, liên hệ đến những địa chỉ du lịch mà thực tế ta có thể ghé thăm.

Trong quá trình phân tích, thao tác làm việc của các nhân hay của tập thể nhóm cũng là một hình thức tích hợp: tích hợp những tìm tòi khác nhau của những chủ thể khác nhau để liên kết lại, tích hợp kĩ năng sử dụng, phân tích ngôn ngữ, tích hợp kĩ năng nghe, kĩ năng diễn đạt…

Qua những mô tả trên có thể thấy rằng, các hình thức tích hợp trong quá trình dạy học là cực kì đa dạng. Tuy nhiên, không có một khuôn mẫu chung nào cho tất cả, tùy từng bài, từng đối tượng HS, tùy từng GV sẽ có những hình thức tích hợp khác nhau. Điều cốt yếu là cả GV và HS phải thức được đây là một việc làm thường xuyên và nó được diễn ra một cách tự nhiên, không gượng ép.

Một phần của tài liệu Dạy học văn học việt nam sau 1975 trong sự đối sánh với văn học việt nam 1945 1975 theo chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 12 THPT (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(141 trang)
w