Như đã trình bày, những khái niệm về các thang đo trong nghiên cứu này đã được kiểm định ở nhiều nghiên cứu tương tự của nước ngoài. Vì thế nghiên cứu sơ bộ đóng vai trò hữu dụng trong việc kiểm định nội dung, ý nghĩa của các từ ngữ, thuật ngữ và có thể điều chỉnh các thang đo cho phù hợp với môi trường nghiên cứu hiện tại của đề tài. Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện vào giữa tháng 9/2013 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu sơ bộ thực hiện thông qua phương pháp định tính sử dụng kỹ thuật phỏng vấn chuyên gia. Bốn chuyên gia có liên quan trong lĩnh vực mạng xã hội được phỏng vấn lấy ý kiến điều chỉnh các thang đo cho phù hợp. Ngoài ra, nghiên cứu sơ bộ còn phỏng vấn sâu 6 đối tượng ngẫu nhiên thuộc nhóm khảo sát về các câu hỏi cũng như công cụ khảo sát trên web. Nhằm mục đích kiểm định nội dung và ý nghĩa của các từ và thuật ngữ trong thang đo có phù hợp và dễ hiểu không, có khó để trả lời không, công cụ khảo sát có thân thiện không, dễ dàng thực hiện khảo sát không...
Khảo sát sơ bộ sẽ giúp cải tiến thang đo, loại bỏ những hạn chế và các lỗi không cần thiết, từ đó bảng câu hỏi chính thức sẽ được hoàn thiện và sử dụng trong nghiên cứu định lượng chính thức. (Phụ lục 1)
Ngoài sự thống nhất quan điểm với các thang đo, các chuyên gia có một số góp ý hiệu chỉnh thang đo, cụ thể là thang đo ban đầu của cảm nhận khả năng và cảm nhận niềm tin từ những khuyến nghị là thang đo 5 năm mức độ, nhưng đã được đề nghị đổi thành thang đo 7 mức độ cho phù hợp với các biến khác.
Những người tham gia phỏng vấn sâu về các câu hỏi và công cụ khảo sát đều hiểu tất cả nội dung và ý nghĩa của từng câu trong các thang đo, đồng thời công cụ khảo sát dựa trên web được cho là dễ dàng và thuận lợi trong việc khảo sát phù hợp với đề tài nghiên cứu. Bảng câu hỏi chính thức sau khi khảo sát sơ bộ được hoàn chỉnh trong phụ lục bảng hỏi khảo sát – Phụ lục 2.