Facebook là một trang mạng xã hội được thành lập vào năm 2004 bởi một sinh viên trường Harvard, tên Mark Zuckerberg (Nielsen, 2009). Kể từ lúc hoạt động, Facebook đã đạt được danh tiếng khổng lồ, đặc biệt là trong các trường đại học (Lampe và cộng sự, 2006). Lúc bắt đầu, Facebook được tạo ra nhằm thúc đẩy tương tác xã hội giữa các sinh viên Harvard. Năm 2006, Facebook mở đăng ký cho tất cả các sinh viên đại học, sau đó cho các sinh viên phổ thông, và hiện nay bất kỳ ai trên 13 tuổi đều có thể tạo cho mình một tài khoản Facebook (Weaver & Morrison, 2008). Sự mở rộng này đã tạo ra sự tăng trưởng chóng mặt ở số lượng thành viên Facebook trên toàn thế giới.
Facebook thu hút hàng triệu người dùng mỗi năm (Lee & Fung, 2007). Nó được mô tả bởi một số nghiên cứu như là trang mạng xã hội phổ biến nhất trên internet (Hampton và cộng sự, 2011; Nielsen, 2009; Sinclaire & Vogus, 2011). Dựa trên lưu lượng truy cập, Facebook là trang web đứng thứ 2 chỉ sau công cụ tìm kiếm Google. Một vài yếu tố dẫn đến sự phát triển danh tiếng của Facebook và làm cho nó trở thành trang mạng xã hội được biết đến nhiều nhất. Các yếu tố này bao gồm: sự đơn giản trong thiết kế giao diện và sự tập trung vào kết nối con người với nhau (Nielsen, 2009).
Số lượng người sử dụng Facebook ngày càng tăng đáng kể. Trên phạm vi toàn cầu, số lượng người dùng Facebook tăng từ 1 triệu vào tháng 11/2004 đến 500 triệu vào tháng 7/2010 (Pepitone, 2010). Hơn nữa, lượng thời gian mà con người dành cho Facebook đã tăng nhanh chóng từ 3.1 tỷ phút vào tháng 11/2007 lên 20.5 tỷ phút vào tháng 12/2008 (566%) (Nielsen, 2009). Cuối tháng 6 năm 2013, thống kê của Facebook báo cáo rằng số lượng người dùng đạt xấp xỉ 1,15 tỷ người dùng,
trong đó người dùng tích cực hàng tháng đạt 669 triệu người (Hình 2.2). Bảng 2.1 cho thấy Facebook là trang MXH phổ biến nhất ở một số quốc gia.
Bảng 2.1: Ba trang mạng xã hội hàng đầu ở một số nước
(từ Vincenzo Cosenza: http://www.vincos.it/world-map-of-social-networks/)
Hình 2.2 Lượng người dùng tích cực hàng tháng của Facebook (Quý 2, 2013) (http://cdn.tinhte.vn/attachments/nguoi_dung_tich_cuc-png.1231536/)
Cũng như các trang mạng xã hội khác, Facebook thúc đẩy liên lạc giữa các thành viên, còn được gọi là “bạn” (Lampe và cộng sự, 2006). Người dùng có thể tương tác với nhau trên Facebook bằng việc sử dụng các chức năng như bài viết tường, tin nhắn riêng và chức năng chat. Các thành viên Facebook có các trang hồ sơ cá nhân, nơi họ có thể kết nối với các thành viên/nhóm khác, và trao đổi tin nhắn, đăng tin nhắn lên trang của người khác, đăng sự kiện, mời các bạn bè Facebook và tải lên các dạng thông tin như hình ảnh hoặc video clip (Lee & Fung, 2007). Họ cũng có thể tạo ra các câu hỏi thông qua công cụ tạo câu hỏi và yêu cầu bạn bè mình trả lời. Thêm nữa, Facebook giới thiệu một tính năng mới, một nền mở cho phép các nhà phát triển phần mềm thứ 3 tạo ra các ứng dụng có thể được sử dụng trên Facebook (Weaver & Morrision, 2008).
Người dùng Facebook có thể đại diện cho chính bản thân họ bằng cách chia sẻ thông tin cá nhân với mọi người, ví dụ như tên tuổi, quê quán, ngày sinh, sở thích và nhiều thứ khác (Tong, Van Der Heide, Langwell, & Walther, 2008). Facebook tạo điều kiện cho việc xây dựng các mối quan hệ giữa các thành viên bằng cách cho phép họ theo dấu lẫn nhau trên cộng đồng (Lampe và cộng sự, 2006). Họ cũng có thể tìm kiếm bạn bè bằng cách tìm trên danh sách thành viên Facebook hoặc mời những người chưa có tài khoản Facebook bằng cách “request” (Valenzuela và cộng sự, 2008). Để trở thành bạn bè, một người dùng gửi một lời đề nghị kết bạn thông qua hệ thống của Facebook. Khi người nhận đồng ý đề nghị này, cả hai sẽ trở thành bạn bè và Facebook sẽ hiện ra những thông tin cá nhân của hai thành viên này cho nhau, bao gồm các liên kết và danh sách các bạn bè khác (Tong và cộng sự, 2008).
Các phần chính của Facebook
Mỗi một người dùng Facebook có một trang web gọi là trang hồ sơ cá nhân, là nơi họ có thể tải lên các thông tin cá nhân (Walther, Van Der Heide, Kim, Westerman, & Tong, 2008). Hình 2.3 cho thấy một trang hồ sơ đơn giản:
Hình 2.3: Trang hồ sơ của một tài khoản trên Facebook
Một trang hồ sơ tài khoản của Facebook chứa những thông tin sau đây về chủ nhân của nó:
- Thông tin cơ bản: là nơi mỗi người cung cấp các thông tin chung chung về bản thân, ví dụ như: nơi ở hiện tại, quê quán, giới tính, ngày sinh, quan tâm đến những người nam/nữ, ngôn ngữ sử dụng, về bản thân (một miêu tả ngắn gọn về bản thân), hình đại diện (một tấm hình đại diện cho bản thân).
- Bạn bè và gia đình: tình trạng hiện tại (độc thân, đã kết hôn, đã đính hôn,…), các thành viên trong gia đình (danh sách những thành viên Facebook là người trong gia đình), số lượng bạn bè trên Facebook.
- Học vấn và công việc: tên trường đại học/cao đẳng, tên trường phổ thông, lịch sử làm việc.
- Triết lý sống: tôn giáo, quan điểm chính trị, những thần tượng, những danh ngôn yêu thích.
- Nghệ thuật và giải trí: loại nhạc yêu thích, các sách yêu thích, các phim yêu thích, chương trình tivi yêu thích, các trò chơi yêu thích.
- Thể thao: như các môn thể thao, các đội tuyển và vận động viên yêu thích.
- Thông tin liên lạc: như địa chỉ email, tên để nhắn tin, địa chỉ, trang web riêng và số điện thoại nhà riêng/di động/cơ quan.
- Timeline
Chức năng Timeline (Hình 2.4) cho thấy những hoạt động gần đây nhất trên Facebook mà bạn bè có tham gia, ví dụ như gửi hoặc nhận xét trên tường, tải lên một nội dung mới lên tường và thay đổi thông tin cá nhân. Chức năng này có thể được mô tả như là một công cụ thụ động để hiển thị và chia sẻ thông tin, nơi mọi người có thể thông báo hoặc lan truyền các hoạt động của họ trên Facebook đến bạn bè mình, hơn là tương tác với bạn bè một cách trực tiếp bằng các tính năng như chat hay nhắn tin riêng.