Các hệ thống truyền thông đại chúng (như báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình...) do những tổ chức chuyên nghiệp đảm trách, đưa thông tin ra công chúng một cách rộng rãi mà không phân biệt ai với ai, và nội dung thông điệp chủ yếu mang tính chất tường thuật chứ không phải là ra lệnh. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng có thể làm thay đổi ứng xử của công chúng và có liên quan chặt chẽ với những thay đổi khác về ứng xử trong hệ thống xã hội. Nói khác đi, hệ thống truyền thông đại chúng đã trở thành một trong những động lực của sự phát triển của xã hội. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, thực chất là một sự khẳng định và tiếp nối những vấn đề đã được đặt ra từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng điều còn băn khoăn là ở thời kỳ hội nhập, bản sắc văn hóa, di sản văn hóa phải được hiểu như thế nào cho đầy đủ và đúng. Nhất là trước những định đề về việc phải xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.
Làm báo là phải giải mã được hai chữ „Văn hoá” và phải trả lời được hàng loạt các thông số liên quan đến văn hoá Việt Nam. Báo in cũng như các loại hình báo chí khác và vấn đề di sản văn hoá có mối quan hệ tương tác, biện chứng. Báo in lựa chọn vấn đề di sản văn hoá làm nội dung để thông tin, tuyên truyền thể hiện thông qua các thể loại báo chí khác nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà hoạch định văn hoá lựa chọn báo in làm kênh thông tin để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá.
Theo các nhà nghiên cứu, khi con người biết đọc biết viết, tức là khi thoát ra khỏi tình trạng mù chữ, thì bắt đầu có được một khả năng còn quan trọng hơn cả việc biết đọc biết viết. Đó là khả năng bước vào "thế giới của những kinh nghiệm gián tiếp", tức là bước vào một thế giới mà trong đó các kinh nghiệm của người
khác đã được tường thuật và ghi chép lại trên chữ viết qua sách vở, báo chí... Mặt khác, cũng chính nhờ đó mà người ta tăng cường được khả năng thấu cảm (empathy), tức là khả năng tự đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được người khác. Và chính nhờ có khả năng này mà con người mới có thể sống được với nhau một cách hài hòa trong xã hội. Khả năng biết đọc biết viết còn giúp cho con người hình thành được khả năng linh hoạt về trí tuệ (psychic mobihty) vốn là một thuộc tính đặc trưng của con người trong xã hội hiện đại. Báo in truyền tải thông tin qua văn bản bằng chữ viết và đó là nhân tố góp phần mạnh nhất vào việc rèn luyện khả năng thấu cảm cũng như khả năng linh hoạt trí tuệ, khi chúng giúp cho con người tiếp xúc được với nhiều tư tưởng khác nhau và biết được những vấn đề công cộng của xã hội trong đó có các vấn đề về di sản văn hoá.
Truyền thông đại chúng không phải là một lãnh địa dành riêng cho những người có quyền lực, những nhà truyền thông hay các chuyên gia, mà là một nơi có mục tiêu thực hiện cùng một lúc hai chức năng: vừa là nơi trình bày các kiến thức về xã hội con người, vừa là nơi diễn ra các mối quan hệ tiếp xúc, liên lạc giữa các tầng lớp, các khu vực, hay các nhóm xã hội. Báo in cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Báo in trở thành diễn đàn, một không gian chung để các chuyên gia về vấn đề di sản văn hoá đưa ra những kiến thức chuyên môn về di sản văn hoá, các nhà quản lý, hoạt động truyền thông và cả công chúng phản ánh các vấn đề về di sản văn hoá.
Phát triển văn hoá và một chức năng quan trọng trong hoạt động báo chí. Trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hoá. Báo in với đặc thù của loại hình đã sử dụng nhiều thể loại báo chí phong phú để thực hiện việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá. Từ trước tới nay, khi nghiên cứu về báo chí học, các nhà nghiên cứu bao giờ cũng đánh giá chức năng phát triển văn hoá và giải trí là một trong những chức năng quan trọng của báo chí. Trong cuốn “Cơ sở lý luận báo chí truyền thông”, các tác giả nhấn mạnh: “Phát triển văn hoá là một trong những chức năng khách quan của báo chí, bên cạnh chức năng giáo dục tư tưởng và quản lý, giám sát xã hội. Báo chí là kênh truyền bá, phổ biến một cách sinh động, hấp dẫn
các loại hình và tác phẩm văn hoá - nghệ thuật để nâng cao trình độ hiểu biết và đáp ứng nhu cầu văn hoá - giải trí của nhân dân. Thực hiện chức năng này, báo chí quan tâm hàng đầu đến những giá trị văn hoá – nhân văn. Đó là phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc, điêu khắc, hội hoạ, kiến trúc, điện ảnh…đây là điều kiện quan trọng để đại chúng hoá các giá trị văn hoá, tinh thần tốt đẹp của dân tộc và nhân loại, giúp cho mỗi thành viên của xã hội không ngừng bổ sung vốn tri thức, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình. Đây cũng là điều kiện để phát triển con người một cách toàn diện”.
Như đã phân tích ở phần trên, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá cũng như chính sách phát triển của tất cả các quốc gia, bởi vậy báo chí mặc nhiên đóng vai trò vô cùng to lớn trong hoạt động này. Đó là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, đem đến cho mỗi người đọc kho trí thức rộng lớn về giá trị của những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của nhân loại nói chung cũng như từng vùng miền nói riêng đồng thời nó giúp công chúng định hướng hành động của mình, phải làm gì để gìn giữ kho tàng văn hoá quý giá đó. Báo chí giống như một người hướng dẫn, một dụng cụ chỉ đường mà mọi đối tượng công chúng đều có thể tìm ở đó sự tiếp nhận phù hợp với mình.
Báo chí vừa là động lực tích cực, hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hoá, vừa là địa chỉ hội tụ và kiểm nghiệm những giá trị văn hoá, đồng thời cũng là địa chỉ sáng tạo các giá trị văn hoá. Sức mạnh và ưu thế của báo chí trong việc truyền bá, phổ biến các sản phẩm văn hoá - giải trí là thông qua hoạt động này để cùng lúc đạt hai mục đích: giáo dục chính trị - tư tưởng và giáo dục đạo đức thẩm mỹ cho công chúng, hướng công chúng tới chân - thiện - mỹ, làm phong phú và giàu có đời sống tinh thần của họ. Vì vậy có thể nói báo chí là thước đo tầm cao của văn hóa, là công cụ để truyền bá, hướng dẫn và lưu giữ các nội dung và giải trí văn hoá và bản thân báo chí cũng là văn hoá.