Bảo dưỡng và sửa chữa là hoạt động cần thiết cho mọi doanh nghiệp vừa mới xây dựng và đang hoạt động. Mọi yếu tố cấu thành doanh nghiệp bao gồm mặt bằng, nhà xưởng, vật kiến trúc, máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển, hệ thống xử lý chất thải,... đều cần được bảo dưỡng và sửa chữa.
Hoạt động bảo dưỡng và sửa chữa nhằm đảm bảo cho từng bộ phận cũng như toàn doanh nghiệp luôn ở trạng thái hoạt động tốt. Sự phát triển của kỹ thuật công nghệ làm tăng khối lượng công việc, tính phức tạp và càng làm cho công tác này trở thành quan trọng. Bảo dưỡng và sửa chữa là cơ sở để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng, nâng cao hệ số sử dụng tài sản, thiết bị, giảm chi phí kinh doanh không tải, giảm giá thành và tiết kiệm đầu tư.
+ Chế độ bảo dưỡng và sửa chữa dự phòng theo kế hoạch là tổng hợp các biện pháp tổ chức, kỹ thuật về bảo dưỡng, kiểm tra và sửa chữa tiến hành theo nguyên lý dự phòng nhằm hạn chế hao mòn, ngăn ngừa những hư hỏng bất thường, bảo đảm tài sản, thiết bị luôn ở trạng thái hoạt động bình thường.
Chế độ bảo dưỡng và sửa chữa dự phòng bao gồm: thiết kế và lắp đặt thiết bị đúng yêu cầu kĩ thuật; định kỳ kiểm tra các đối tượng bảo dưỡng và sửa chữa để ngăn ngừa hỏng hóc; chăm sóc, bảo dưỡng và sửa chữa theo kế hoạch.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là xây dựng kế hoạch bảo dưỡng và sửa chữa dự phòng. Kế hoạch bảo dưỡng và sửa chữa được xây dựng trên cơ sở phân tích các nhân tố: dự báo tình trạng hao mòn đối với từng tài sản, thiết bị; kế hoạch sản xuất; kế hoạch huy động và sử dụng tài sản, thiết bị.
Từ kế hoạch bảo dưỡng và sửa chữa phải lập kế hoạch tiến độ bảo dưỡng và sửa chữa cụ thể để làm cơ sở tổ chức hoạt động bảo dưỡng và sửa chữa.
+ Chế độ sửa chữa theo lệnh
Khác với sửa chữa dự phòng, trong chế độ sửa chữa theo lệnh công việc sửa chữa chỉ được tiến hành khi phát hiện đối tượng sửa chữa bị hỏng và phát lệnh sửa chữa. Theo chế độ sửa chữa này, các bộ phận sản xuất và sửa chữa đều bị động trước việc ngừng sản xuất và tiến hành công việc sửa chữa. Để khắc phục hạn chế này cần nâng cao năng lực chẩn đoán và dự báo hỏng hóc bằng các công cụ, phương tiện thích hợp.
Để nâng cao chất lượng hoạt động sửa chữa phải thực hiện sự phối hợp tốt giữa bộ phận sản xuất và sửa chữa; đơn giản hoá các thủ tục sửa chữa; tăng cường công tác chuẩn bị sửa chữa; nâng cao chất lượng các hệ thống dự báo sửa chữa,... Có thể lắp đặt các hệ thống chẩn đoán tình trạng của thiết bị khi nó đang hoạt động.