Hiện nay, các ngân hàng nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn bao gồm những ảnh hưởng từ biến động của nền kinh tế Việt Nam và thế giới cũng như áp lực cạnh tranh trong ngành ngân hàng. Để đứng vững và ngày càng phát triển, gia tăng thị phần huy động vốn đòi hỏi các ngân hàng phải:
- Cần nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp để đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Chất lượng dịch vụ được nâng cao và thời gian xử lý giao dịch ngắn sẽ là một lợi thế trong cạnh tranh giữa các ngân hàng, muốn làm được điều đó thì việc phát triển đội ngũ bán hàng phải là yếu tố được chú trọng hàng đầu. Đồng thời luôn tìm hiểu và tiên đoán trước về các nhu cầu thị trường để phát triển sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các ngân hàng cũng cần học cách thích nghi và thay đổi linh hoạt với mọi sự biến động của thị trường.
- Xây dựng một chiến lược Maketing phù hợp nhằm gây dựng hình ảnh và thương hiệu trên thị trường. Chiến lược này có thể thực hiện định kỳ hoặc theo từng sản phẩm, giúp khách hàng hiểu biết nhiền hơn về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng từ đó tiến tới sử dụng và trung thành với dịch vụ cung cấp.
- Không ngừng tìm kiếm và khai thác thị trường tiềm năng. Tùy theo năng lực tài chính của ngân hàng và điều kiện thực tế, ngân hàng cần mở rộng thị phần hoạt động thông qua việc khai thác các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước.
- Phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng bán lẻ vì các dịch vụ này bên cạnh việc góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung còn góp phần gia tăng số lượng khách hàng, gia tăng số lượng tài khoản và từ đó góp phần gia tăng nguồn vốn huy động.
- Cung ứng các dịch vụ theo từng đối tượng khách hàng: Các ngân hàng cần nghiên cứu nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, nhóm khách hàng nhằm đưa ra các gói sản phẩm đa dạng, khép kín và đáp ứng nhu cầu đa dạng về sản phẩm dịch vụ của khách hàng. Chính việc thiết kế các dịch vụ phù hợp với nhu cầu từng đối tượng khách hàng sẽ giúp các NHTM Việt Nam mở rộng được quy mô thị trường, tăng cường sự trung thành, gắn kết của các khách hàng đối với ngân hàng, từ đó gia tăng chất lượng các dịch vụ và tăng thu tài chính.
- Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm ngân hàng mang tính công nghệ cao, điển hình như các sản phẩm ngân hàng di động. Tuy nhiên để phát triển thành công các loại hình sản phẩm này, cần phải có các điều kiện chủ quan từ phía ngân hàng và các điều kiện khách quan từ nền kinh tế, từ sự hỗ trợ từ hệ thống công nghệ thông tin của quốc gia, các chính sách và điều kiện pháp lý từ phía chính phủ và ngân hàng trung ương.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 giúp chúng ta có cái nhìn khái quát về huy động vốn trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Trong đó luận văn đã đưa ra khái niệm về nguồn vốn huy động, các hình thức huy động vốn của NHTM.
Ngoài ra, chương 1 của luận văn cũng tìm hiểu về chi phí và rủi ro trong công tác huy động vốn, các yếu tố ảnh hưởng đến huy động tiền gửi, trình bày về kinh nghiệm hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng của một số nước trên thế giới. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho NHTM Việt Nam.
Trên nền tảng những cơ sở lý luận của chương 1, sang chương 2 chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu tình hình huy động vốn của BIDV trong những năm qua từ đó đưa ra những nhận định cũng như tìm ra những nguyên nhân, hạn chế làm cơ sở đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm giúp cho nguồn vốn huy động của BIDV ngày càng gia tăng về số lượng cũng như chất lượng.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM