Đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố đà nẵng
LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi, được thực hiện độc lập và dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Hồ Sỹ Sơn – Học viện khoa học xã hội. Các kết quả nêu trong luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực. Vậy tôi viết lời cam đoan này kính đề nghị Học viện xem xét để tôi có thế bảo vệ luận văn. Đà Nẵng, ngày 01 tháng 10 năm 2013 TÁC GIẢ LUẬN VĂN DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT BLHS - Bộ luật hình sự UBND - Ủy ban nhân dân MỤC LỤC 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc đạt được trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Bên cạnh những mặt đạt được cũng đặt ra những vấn đề thách thức cho nền kinh tế thị trường, các vấn đề về an ninh trật tự an toàn xã hội, một trong những vấn nạn mà nước ta đang gặp phải trong đó có tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông đường bộ nói riêng. Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, tình hình trật tự an toàn giao thông ở nước ta có những diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông ngày càng gia tăng về cả số lượng và mức độ nghiêm trọng, cụ thể năm 2008 cả nước xảy ra 11.522 vụ tai nạn giao thông làm chết 10.397 người bị thương 7.413 người, năm 2012 xảy ra 36.376 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.838 người bị thương 38.060 người. Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế tai nạn giao thông nhưng tình hình vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn chưa thuyên giảm mà còn có những diễn biết phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm bị thương và chết rất nhiều người, thiệt hại về kinh tế hàng trăm triệu đồng. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2012 và triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2013 Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định: “Tình hình trật tự an toàn giao thông nhìn chung vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và tài sản vẫn còn ở mức cao, điều đó cho thấy tính bền vững trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian tới vẫn là một thách thức lớn. Tình trạng vi phạm giao thông vẫn còn diễn ra phổ biến như: đi sai phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán vẫn xảy ra,… Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều ở một số tuyến, nút giao trọng điểm trong giờ cao điểm. Do vậy, cần có sự nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn 2 nữa của các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông…”. An toàn giao thông vẫn là vấn đề nống bổng trong tình hình hiện nay, cuộc vận động lập lại trật tự an toàn giao thông đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và của các cấp các ngành. Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 Ban Bí thư Trung ương nhấn mạnh: “Tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế…”. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, . Ở Đà Nẵng, tình hình tai nạn giao thông trong những năm qua vẫn có những diễn biến phức tạp, theo số liệu của Công an thành phố Đà Nẵng tính đến ngày 31/12/2012 toàn thành phố có 664.036 phương tiện giao thông, trong đó ô tô 39.324 xe; mô tô 624.712 xe. Từ năm 2008 đến năm 2012, toàn thành phố xảy ra 4.168 vụ tai nạn giao thông, làm chết 659 người, bị thương 4.161 người, thiệt hại về kinh tế hơn 3,6 tỷ đồng. Các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn chủ yếu là hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; các lỗi chủ yếu là do chạy quá tốc độ, trong tình trạng say rượu, bia hay dùng các chất kích thích khác, đi không đúng làn đường, vượt trái phép…vv. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” mang tính cấp thiết, không những về mặt lý luận mà còn là một đòi hỏi thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội này ở thành phố Đà Nẵng, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục, hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông đường bộ trên địa thành phố. 3 2. Tình hình nghiên cứu Trong thời gian qua, đã có một số tác giả nghiên cứu và làm đề tài luận văn thạc sỹ liên quan đến tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như: tác giả Nguyễn Văn Hạnh có luận văn thạc sỹ luật học với đề tài “Tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải và đấu tranh phòng, chóng tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải trong quân đội”; tác giả Phan Huy Thái có luận văn thạc sỹ luật học với đề tài: “Điều tra các vụ án vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải đường bộ trên địa bàn Hà Hội – Thực trạng và các giải pháp hoàn thiện”; tác giả Ngô Huy Ngọc đã có luận văn thạc sỹ luật học với đề tài: “Những biện pháp phòng ngừa tội phạm xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ tại thành phố Hà Nội”.; tác giả Lê Thị Thu Dung có luận văn thạc sỹ luật học với đề tài: “Đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng” luận văn đi sâu phân tích thực trạng, diễn biến và đề ra các giải pháp đấu tranh phòng, chống loại tội này trên địa bàn thành phố Hải Phòng… Tuy nhiên, các tác giả nói trên chỉ đề cập đến một số khía cạnh của công tác đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và ở từng địa phương nhất định. Trong luận văn này, tôi đi sâu phân tích thực trạng, diễn biến, nguyên nhân và điều kiện tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đề ra các giải pháp đấu tranh phòng, chống loại tội này nhưng ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nên nó không trùng lắp với đề tài của các tác giả khác. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở thực trạng tình hình, nguyên nhân và điều kiện của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ở thành phố Đà Nẵng, từ đó đề xuất hệ thống các giải pháp hữu hiệu cho công tác đấu tranh phòng, chống đối với loại tội này trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới. 4 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích trên, luận văn đề ra các nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết sau đây: - Phân tích khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo luật hình sự Việt Nam; - Phân tích những vấn đề lý luận về đấu tranh phòng chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; - Phân tích tình hình, nguyên nhân và điều kiện của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ từ năm 2008 đến 2012 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; - Dự báo tình hình tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những năm tới; - Đề xuất các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những năm tới. 4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tình hình, nguyên nhân và điều kiện cũng như các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Từ đó liên hệ thực trạng tình hình tội phạm cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong 05 năm từ năm 2008 đến năm 2012. Để nghiên cứu những vấn đề đó, luận văn lấy các quan điểm khoa học, các quy định pháp luật hình sự, các thông số phản ánh tình hình tội phạm và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại thành phố Đà Nẵng làm đối tượng nghiên cứu. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn nghiên cứu tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông 5 đường bộ chủ yếu dưới gốc độ tội phạm học và điều tra tội phạm. Các số liệu thống kê về tình hình tội phạm và về kết quả đấu tranh phòng, chống loại tội đang nghiên cứu được thu thập tại địa bàn thành phố Đà Nẵng trong 05 năm (từ năm 2008 đến 2012). 5. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận của luận văn là hệ thống các quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về xây dựng Nhà nước và pháp luật; những thành tựu của các khoa học triết học, tội phạm học, luật hình sự, tâm lý xã hội, xã hội học và điều tra tội phạm… Cơ sở thực tiễn của luận văn là dựa trên các kết quả phân tích các chính sách của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, các tài liệu tổng kết về công tác đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, các thống kê về vụ việc, các biện pháp xử lý tội phạm này trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận văn sữ dụng tổng thể các phương pháp lịch sử, lôgic, phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh, khoa học dự báo … để hoàn thành luận văn. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn Luận văn là công trình nghiên cứu vừa có ý nghĩa về mặt lý luận, vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Những kết luận về tình hình, nguyên nhân, điều kiện của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và những đề xuật, kiến nghị của tác giả trong luận văn về các giải pháp đồng bộ trong đấu tranh phòng, chống loại tội này, từ đó phục vụ thiết thực có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, phòng ngừa và hạn chế thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có kết cấu thành 03 chương, cụ thể là: 6 Chương 1: Những vấn đề lý luận về đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Chương 2: Tình hình, nguyên nhân, điều kiện của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và thực tiễn đấu tranh phòng, chống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Chương 3: Các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới. 7