SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIAO TIẾP TRONG DẠY HỌC TIẾNG VIỆT Ở TRƯỜNG THCS A ĐẶT VẤN ĐỀ: I. LỜI MỞ ĐẦU Mục tiêu của việc dạy học Tiếng Việt là cần đạt được những kết quả sau: Về tri thức: Học sinh nắm được các đơn vị ngôn ngữ của Tiếng Việt (từ, câu, các biện pháp tu từ từ vựng, cú pháp, các kiểu văn bản…); nắm được khái niệm giao tiếp là ngữ cảnh, nhân vật giao tiếp, mục đích giao tiếp… Về kĩ năng: Thực hành đầy đủ cả bốn kĩ năng : nghe, nói, đọc, viết trên cơ sở vận dụng các tri thức lí thuyết một cách chủ động vào các lĩnh vực giao tiếp khác nhau trong đời sống và trong học tập. Phương pháp dạy học được hiểu là hình thức kết hợp giữa giáo viên và học sinh nhằm hướng tới một mục đích nào đó. Phương pháp dạy học Tiếng Việt là môn học chuyên nghành chuyên ngiên cứu quá trình dạy học Tiếng Việt. Bao gồm nghiên cứu đối tượng, nhiệm vụ, mục tiêu, các cơ sở khoa học, các nguyên tắc xây dựng chương trình và những cách thiết kế tổ chức dạy học các đơn vị tiếng Việt. Các phương pháp dạy học Tiếng Việt thường được sử dụng: phương pháp thông báo giải thích, phương pháp phân tích ngôn ngữ, phương pháp rèn luyện theo mẫu, phương pháp giao tiếp. Trong đó, phương pháp giao tiếp là một trong những phương pháp quan trọng trong dạy học Tiếng Việt. Phương pháp giao tiếp là phương pháp giáo viên hướng dẫn học sinh vận dụng những kiến thức đã học để tiến hành thực hiện các nhiệm vụ giao tiếp khác nhau. Từ chức năng của ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp trọng yếu nhất của xã hội loài người và từ mục đích của dạy học Tiếng Việt là hình thành và nâng cao khả năng giao tiếp cho học sinh có thể thấy giao tiếp vừa là mục đích, lại cũng vừa là phương thức để dạy học Tiếng Việt. Điều này chứng tỏ phương thức giao tiếp là phương pháp quan trọng trong việc tổ chức dạy học Tiếng Việt.