Từ đó có thể thấy các thuật ngữ “vai”, “tính cách” không bao quát được hết những biểu hiện khác nhau của các loại nhân vật trong sáng tác văn học.. Một cách hiểu đúng, chính xác về khá
Trang 1Tác giả khóa luận xin bày tỏ lòng biết ơn và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới
các thầy, cô giáo Đặc biệt là TS.GVC Nguyễn Thị Kiều Anh – người trực
tiếp hướng dẫn, đã chỉ bảo tận tình, giúp tác giả khóa luận hoàn thành khóa luận tốt nghiệp này
Tác giả khóa luận xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2011
Tác giả khóa luận
NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT
“ĂN MÀY DĨ VÃNG” CỦA CHU LAI
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Người hướng dẫn khoa học TS.GVC NGUYỄN THỊ KIỀU ANH
Trang 2LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan những nội dung được trình bày trong khóa luận tốt
nghiệp này là kết quả nghiên cứu của riêng cá nhân tôi dưới sự hướng dẫn của
TS.GVC Nguyễn Thị Kiều Anh
Tôi xin chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu này
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2011
Tác giả khóa luận
Vũ Ngọc Chinh
Trang 3MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài .07
2 Lịch sử vấn đề .08
3 Mục đích nghiên cứu 04
4.Đối tượng và phạm vi đề tài nghiên cứu 04
5 Phương pháp nghiên cứu .04
6 Bố cục của khóa luận 04
NỘI DUNG CHƯƠNG 1: Một số vấn đề lí luận về nhân vật và hành trình sáng tác của nhà văn Chu Lai 1.1 Nhân vật văn học .05
1.1.1 Khái niệm nhân vật 05
1.1.2 Vai trò của nhân vật trong tác phẩm văn học .08
1.1.3 Các loại nhân vật trong tác phẩm văn học 10
1.2 Vài nét về nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới 12 1.3 Hành trình sáng tác của nhà văn Chu Lai 15
CHƯƠNG 2: Các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai 2.1 Nhân vật đa diện 18
2.2 Nhân vật tâm linh .24
2.3 Nhân vật bi kịch 26
2.4 Nhân vật bản năng .36
2.5 Nhân vật cơ hội .39
Trang 4CHƯƠNG 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết “Ăn mày
dĩ vãng” của Chu Lai
3.1 Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật .43
3.2 Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật .54
3.2.1 Miêu tả tâm trạng qua hình ảnh thiên nhiên cảnh vật .54
3.2.2 Miêu tả tinh tế diễn biến tâm lí nhân vật 57
3.3 Ngôn ngữ nhân vật .64
3.3.1 Ngôn ngữ đối thoại .65
3.3.2 Ngôn ngữ độc thoại .72
KẾT LUẬN 81
TÀI LIỆU THAM KHẢO……… 83
Trang 5MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
1.1 Chu Lai có tên khai sinh là Chu Ân Lai Sinh ngày 05/02/1946 tại
xã Hưng Đạo, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên Hiện đang sống ở Hà Nội, ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên hội nhà văn Việt Nam (từ năm 1980)
1.2 Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Chu Lai vốn là anh lính đặc công, ngót nghét chục năm cầm súng trực tiếp ở vùng ven Sài Gòn Ông chỉ thực sự cầm bút khi chiến tranh đã kết thúc Cái thời gian cầm súng thực sự quý giá cho những ngày cầm bút sau này của Chu Lai Sau chiến tranh ông cầm bút như một lời tri ân với những ngày cầm súng đã qua Tác
phẩm để lại tiếng vang đầu tiên trong sáng tác của ông là tác phẩm “Nắng đồng bằng” (1987) và sau đó là một loạt các tác phẩm khác để lại dấu ấn đậm
nét trên văn đàn và trong lòng dân chúng độc giả
1.3 Hình tượng người lính sau chiến tranh như là một sự tiếp nối tự nhiên đề tài chiến tranh và người lính cách mạng, tạo nên một mạch chảy nổi bật xuyên suốt hành trình văn học Việt Nam kể từ sau cách mạng tháng 8 Chiến tranh đã đi qua, nhưng vẫn còn đó biết bao điều trăn trở, day dứt Hàn gắn vết thương về da thịt, vật thể đã là một điều khó khăn, lâu dài nhưng để hàn gắn vết thương lòng thì điều đó lại càng khó khăn hơn Tiểu thuyết sau chiến tranh như một người thư kí trung thành ghi lại những ngày tháng oanh liệt một thời đã qua mà trước đó các nhà văn chưa thể làm hết Đồng thời nó phản ánh cuộc sống, số phận của những con người từng đi qua chiến tranh nay sống giữa đời thường Tự hào về quá khứ có, sự day dứt về quá khứ có…
và có cả những cuộc đấu tranh tuy không tiếng súng nhưng không kém phần khó khăn Đấy là cuộc đấu tranh ngay trong lòng người lính hôm nay
Trang 61.4 Tiểu thuyết là thể loại mà Chu Lai thu lượm được nhiều thành công nhất Những tác phẩm của ông được đánh giá cao Chu Lai có 3 tiểu thuyết
đạt giải cao: Ăn mày dĩ vãng (Giải A về đề tài lực lượng vũ trang, Hội nhà văn, 1992, Giải B (Bộ quốc phòng, 1994), Ba lần và một lần (Giải B, Bộ quốc phòng, 1996 - 2000), Phố (Giải B, NXB Hà Nội, 1993) Với hơn chục cuốn
tiểu thuyết, Chu Lai đã khắc họa một cách đậm nét số phận người lính từ thời chiến vắt qua thời bình Từ đó ông đặt ra nhiều vấn đề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc Theo chúng tôi tuy Chu Lai là nhà văn đương đại nhưng nhà văn đã
có phong cách tương đối ổn định Nghiên cứu về Chu Lai cho đến nay chưa thật nhiều nếu đem so sánh với các tác giả thời chiến Nghiên cứu về ông
đang còn là vấn đề “mở” đang rất cần có những công trình khoa học đánh giá
một cách đầy đủ và toàn diện về đóng góp của Chu Lai cho văn học Việt Nam đương đại Cũng như từng mặt tỉ mỉ về các phương diện nội dung và hình thức trong tác phẩm của ông
Thực hiện đề tài này chúng tôi mong muốn góp một tiếng nói trong tiếng nói chung khẳng định tài năng và vị trí văn học sử của Chu Lai trong nền văn học cách mạng đặc biệt là thời kì sau 1975 đến nay
1.5 Việc nghiên cứu đề tài này có ý nghĩa rất lớn trong việc học tập, nghiên cứu khoa học về văn chương của sinh viên Ngữ văn Đây là điều kiện ứng dụng những kiến thức văn chương đặc biệt là lí luận văn học vào những tác phẩm cụ thể, tạo tiền đề cho việc tiếp tục học tập và nghiên cứu sau này
2 Lịch sử vấn đề
Cho đến nay các bài nghiên cứu phê bình về Chu Lai chưa thật sự phong phú Vẫn còn đó những phương diện khác nhau về tác giả cũng như tác phẩm của ông Các bài nghiên cứu tập trung ở các vấn đề: sự gắn bó máu thịt của Chu Lai với đề tài chiến tranh và sự trở về dòng đời bề bộn trăn trở, lo
Trang 7toan của những người lính từ rừng xanh Trường Sơn, từ khói bom chiến trận
Có thể chia các hướng nghiên cứu về Chu Lai như sau:
Nhóm 1: bao gồm các bài viết, bài phê bình mang tính chất tương đối quy mô được đăng tải trên các báo, tạp chí như: Báo văn nghệ, tạp chí văn nghệ Quân đội, các bài công bố trong các cuộc hội thảo lớn…
Nhóm 2: bao gồm các bài nói chuyện, trò chuyện, trả lời phỏng vấn của nhà văn Chu Lai xuất hiện rất nhiều trên các loại thông tin đại chúng như báo viết, báo hình, báo điện tử… Theo chúng tôi, khi các phóng viên, bạn đọc trên mạng Internet đặt ra những câu hỏi xung quanh nghề nghiệp, tác phẩm của Chu Lai nghĩa là họ cũng đang nhận xét bình phẩm đánh giá Ý kiến của
họ cũng phải được xem là một cách hiểu, một cách cảm thụ bổ sung cho việc phê bình nghiên cứu tiểu thuyết Chu Lai Và như vậy đây cũng là một dạng nghiên cứu phê bình
Nhóm 1 tập trung những bài viết, những ý kiến đánh giá sát thực, bộc lộ những cảm nhận sâu sắc của các nhà nghiên cứu đối với sáng tác của Chu Lai Những bài viết có chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp, làm sáng rõ được một số vấn đề trong tác phẩm của nhà văn như đề tài, kết cấu, ĐTNT…
chẳng hạn Hội thảo về tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng”… Tuy nhiên, vẫn còn
những vùng còn bỏ ngỏ, rất cần các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu cụ thể hơn
Nhóm 2 tập trung ý kiến của giới trẻ, những người quan tâm đến Chu Lai và văn của ông nhưng không mang tính chất chuyên nghiệp Những vấn
đề đặt ra ở nhóm này tương đối phong phú và đa dạng Người phát ngôn cơ bản vẫn là Chu Lai Tuy nhiên, màu sắc phê bình văn học khi đậm, khi nhạt, không phải là không có
Trang 8Đến nay vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” chưa có
công trình nào đề cập đến một cách toàn diện Vì vậy nghiên cứu về nhân vật vẫn là một khoảng trống cần nhiều người khám phá
3 Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu thế giới nhân vật cũng như nghệ thuật xây dựng nhân vật
trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai để khẳng định thành công
trong sáng tác cũng như vị trí của Chu Lai trong nền văn học Việt Nam sau
1975
4 Đối tượng và phạm vi đề tài nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: nhân vật trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng”
của Chu Lai
- Phạm vi nghiên cứu: Tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai
5 Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp hệ thống
- Phương pháp phân tích tổng hợp
- Phương pháp thống kê
6 Bố cục của khóa luận
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận phần nội dung bao gồm 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề lý luận về nhân vật và hành trình sáng tác của nhà văn Chu Lai
Chương 2: Các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của
Chu Lai
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai
Trang 9NỘI DUNG
CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ NHÂN VẬT VÀ HÀNH TRÌNH
SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN CHU LAI
1.1 Nhân vật văn học
1.1.1 Khái niệm nhân vật
Khái niệm đầy đủ nhất về “nhân vật” mới có trong văn học hiện đại do các nhà nghiên cứu đưa ra Tuy nhiên, thuật ngữ “nhân vật” thì xuất hiện từ
rất sớm Theo tiếng latinh từ nhân vật (persona) lúc đầu có nghĩa là cái mặt nạ (diễn viên thường đeo lên mặt khi biểu diễn) Trải qua hàng nghìn năm phát triển của lịch sử việc sử dụng thuật ngữ này ngày càng nhiều với hàm ý chỉ con người trong tác phẩm văn học - tức nhân vật văn học
Thuật ngữ “nhân vật” có nội hàm phong phú có sức khái quát những
hiện tượng phổ biến của tác phẩm văn học ở mọi bình diện và cấp độ chứ
không hẹp như thuật ngữ "vai" (actor) và "tính cách" (charater) Thuật ngữ
“vai” chủ yếu nhấn mạnh đến tính chất, hành động của cá nhân thích hợp với loại “nhân vật hành động” Còn thuật ngữ “tính cách” lại chỉ thiên về những
nhân vật có tính cách trong thực tế sáng tác, không phải nhân vật nào cũng có
hành động, đặc biệt là những nhân vật thiên về “suy tư” và cũng không phải nhân vật nào cũng có tính cách rõ rệt Từ đó có thể thấy các thuật ngữ “vai”,
“tính cách” không bao quát được hết những biểu hiện khác nhau của các loại
nhân vật trong sáng tác văn học
Có thể nói nhân vật là yếu tố trung tâm thuộc cấu trúc của tác phẩm văn học Một cách hiểu đúng, chính xác về khái niệm này là cần thiết không chỉ đối với những người làm công tác nghiên cứu mà cả với người tiếp nhận văn học để hiểu đúng và thấy được giá trị đích thực của tác phẩm văn học Có
Trang 10nhiều cách định nghĩa khác nhau của nhiều nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước về vấn đề này Dưới đây xin trích dẫn những định nghĩa, quan niệm mà lâu nay vẫn thường được dùng ở các nhà trường ở Việt Nam
Định nghĩa về nhân vật trong giáo trình “Lí luận văn học”: Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học Đó là những nhân vật có tên như: Cám, Tấm, Thạch Sanh… Đó là những nhân vật không tên như: thằng bán tơ, một mụ nào đó trong “Truyện Kiều” Đó là những con vật trong truyện cổ tích, đồng thoại, thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ những con vật mang nội dung ý nghĩa con người (….) Khái niệm nhân vật có khi chỉ được sử dụng một cách ẩn dụ không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm Nhưng chủ yếu là hình tượng con người trong tác phẩm Nhân vật văn học là một hiện tượng ước lệ, có những dấu hiệu để
ta nhận ra [7,277]
Trong cuốn “Lí luận văn học” có định nghĩa: nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chép đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những chi tiết điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách Và cần chú ý thêm một điều: thực ra khái niệm nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi rộng lớn hơn nhiều, đó không chỉ là con người, những con người có tên hoặc không có tên được khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm mà còn có thể là sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách con người Cũng có khi đó không phải là những con người, sự vật cụ thể mà chỉ là một hiện tượng về con người hoặc có liên quan đến con người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm [5,102]
Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” định nghĩa: nhân vật văn học
là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học Nhân vật văn học
Trang 11có thể có tên riêng (Tấm, Cám, chị Dậu, anh Pha), cũng có thể không có tên riêng như: thằng bán tơ, một mụ nào trong “Truyện Kiều” Trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, đồng thoại, thần được đưa ra để nói chuyện con người Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm Chẳng hạn có thể nói: nhân dân là nhân vật chính trong “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, đồng tiền là nhân vật chính trong “Ơ-giê-ni Gơ-răng- đê” của Ban-dăc [6,235]
Dù định nghĩa như thế này hay như thế kia thì các nhà lí luận văn học đều thống nhất ở những nội hàm không thể thiếu của khái niệm này: thứ nhất
đó là đối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện bằng những phương tiện văn học Thứ hai đó là những con người hoặc những con vật, đồ vật, sự việc hiện tượng mang linh hồn con người, là hình ảnh ẩn dụ của con người Thứ ba đó
là đối tượng mang tính ước lệ và có cách điệu so với đời sống hiện thực bởi
nó đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ
Chúng ta cần chú ý rằng nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống Và trên thực tế nhân vật là khái niệm không chỉ được dùng trong văn chương mà
còn ở nhiều lĩnh vực khác Theo “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên)
thì nhân vật là khái niệm bao hàm hai nghĩa:
Thứ nhất “đó là đối tượng (thường là con người) được miêu tả thể hiện trong tác phẩm văn học nghệ thuật”
Thứ hai đó là “người có vai trò nhất định trong xã hội”
Qua đây cho thấy, thuật ngữ nhân vật được dùng phổ biến ở nhiều lĩnh vực của đời sống như: nghệ thuật, xã hội – chính trị và trong sinh hoạt hàng ngày Ở khóa luận này chỉ đề cập đến khái niệm nhân vật theo nghĩa thứ
Trang 12nhất mà cuốn “Từ điển tiếng Việt” đã định nghĩa – tức là xem xét nhân vật
trong tác phẩm văn chương
1.1.2 Vai trò của nhân vật trong tác phẩm văn học
Nhân vật là yếu tố vừa thuộc về nội dung vừa thuộc về hình thức, nhân vật văn học là đối tượng để nhà văn thể hiện chủ đề, tư tưởng của mình trong tác phẩm Nói như Anh Đức thì sức sống của nhà văn chính là ở việc xây dựng nhân vật đặc sắc
Nhân vật văn học có nhiều chức năng tương ứng với nhiều vai trò khác nhau trong tác phẩm Trước hết, nhân vật văn học là đơn vị cơ bản, là phương tiện tất yếu và quan trọng nhất, giúp nhà văn phản ánh một cách chân thực cuộc sống bằng sự suy ngẫm, chiêm nghiệm bằng những tìm tòi khám phá, nhà văn xây dựng nên nhân vật và hệ thống nhân vật để từ đó khái quát các tính cách xã hội và đời sống gắn liền với nó
Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách của con người Do tính cách là một hiện tượng xã hội, lịch sử, nên chức năng khái quát tính cách của nhân vật văn học cũng mang tính lịch sử Trong thời cổ đại
xa xưa, nhân vật văn học của thần thoại, truyền thuyết thường khái quát năng lực và sức mạnh của con người (Nữ Oa đội đá vá trời, Lạc Long Quân và Âu
Cơ đẻ ra trăm trứng, Các ông tát bể) Ứng với xã hội phân chia giai cấp, nhân vật của truyện cổ tích lại khái quát các chuẩn mực giá trị đối kháng trong quan hệ giữa người và người như thiện với ác, trung với nịnh, thông minh và ngu đần… Vì tính cách là kết tinh của môi trường, nên nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào các môi trường khác nhau của đời sống Tính cách của nhân vật mang vai trò hết sức quan trọng đối với cả nội dung và hình thức của tác phẩm văn học Về nội dung: nhân vật với tính cách của nó là phương tiện để thể hiện tư tưởng của tác phẩm - tức thông qua sự hoạt động và mối liên hệ giữa tính cách người đọc sẽ đi đến một khái quát hóa về mặt nhận thức
Trang 13tư tưởng Về hình thức: nhân vật với tính cách của nó quyết định phần lớn các yếu tố hình thức như kết cấu, những quy luật loại thể, ngôn ngữ, các biện
pháp nghệ thuật thể hiện… về luận điểm này Hêghen đã từng nói: “tính cách
là điểm trọng tâm của mối quan hệ giữa nội dung và hình thức” Ta cũng cần
chú ý rằng tính cách nhân vật mang tính lịch sử nghĩa là với mỗi thời đại lịch
sử các tính cách được tôn vinh hay coi nhẹ là khác nhau, có thể ở thời kì này, tính cách này được tôn sùng nhưng sang thời kì khác thì không
Nhưng ý nghĩa của nhân vật không chỉ là sự thể hiện tính cách Vì mỗi tính cách là kết tinh của một môi trường cho nên nhân vật còn là người dẫn
dắt ta vào một thế giới đời sống Phêđin nói rằng: "nhân vật là một công cụ nhận thức" Nó là phương tiện để nhà văn mở ra những cánh cửa vào hiện
thực rộng lớn, tiếp cận các đề tài, chủ đề mới mẻ Qua nhân vật ta hiểu được bản chất của chế độ xã hội mà nó đang sống
Nhân vật chính là phương tiện để khái quát tư tưởng của tác phẩm Tư tưởng của tác phẩm không phải là lời phát biểu trực tiếp của tác giả mà nó được chuyển hóa vào hệ thống hình tượng nhân vật Chính vì vậy mà nhà
nghiên cứu Timopheev đã nhận xét: “tư tưởng đạt được tính xác định và cụ thể khi nhà văn chuyển nó sang ngôn ngữ của tính cách, tức là thể hiện những con người mà tình cảm, hành động đẩy độc giả đến những kết luận nhất định
về cuộc sống tạo ra chúng” Thông qua nhân vật người đọc hiểu được tư
tưởng tình cảm của nhà văn
Có thể khẳng định nhân vật là yếu tố không thể thiếu của tác phẩm văn chương Nó là phương tiện để nhà văn khái quát hiện thực cuộc sống, thể hiện quan niệm, tư tưởng của bản thân
1.1.3 Các loại nhân vật trong tác phẩm văn học
Nhân vật văn học là hiện tượng hết sức đa dạng Các nhân vật thành công thường là những sáng tạo độc đáo, không lặp lại Tuy nhiên, xét về mặt
Trang 14nội dung, cấu trúc, chức năng có thể thấy nhiều hiện tượng lặp lại, tạo thành các loại nhân vật Các phương diện loại hình của nhân vật cũng rất đa dạng Các nhân vật của truyện dân gian, thơ ca dân gian khác với nhân vật văn học viết Nhân vật thần thoại cũng khác với nhân vật truyền thuyết và nhân vật cổ tích Về mặt thể loại, nhân vật tự sự, nhân vật kịch, nhân vật trữ tình đều có những đặc trưng khác biệt… Dưới đây, chúng tôi chỉ giới hạn phân biệt các
nhân vật vào ba khía cạnh: kết cấu, ý thức hệ và cấu trúc
Thứ nhất, xét trên phương diện kết cấu có nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm Nhân vật chính là nhân vật đóng vai trò chủ chốt, xuất hiện nhiều, giữ vị trí then chốt của cốt truyện hoặc tuyến cốt truyện Đó
là những con người liên quan đến các sự kiện chủ yếu của tác phẩm, là cơ sở
để tác giả triển khai đề tài cơ bản của mình Đây là những nhân vật được tác giả tập trung xây dựng, khắc họa, được thể hiện rõ nét, gây ấn tượng sâu đậm
trong lòng độc giả như Chí Phèo, Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo” của
Nam Cao Trong các nhân vật chính của tác phẩm lại có thể nhận thấy nổi lên những nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm từ đầu đến cuối về mặt ý nghĩa Đó là nơi quy tụ các mối mâu thuẫn của tác phẩm, là nơi thể hiện vấn
đề trung tâm của tác phẩm Chẳng hạn Thúy Kiều trong “Truyện Kiều”, Hamlet trong kịch "Hamlet" Nhận ra nhân vật trung tâm là điều rất quan trọng như cùng là nhân vật chính trong tác phẩm “Chí Phèo” nhưng Bá Kiến
không phải là nhân vật trung tâm mà nhân vật trung tâm là Chí Phèo Ngoài nhân vật chính là nhân vật phụ Có nhân vật phụ ở bình diện hai, có tính
cách, tình tiết như Thúy Vân, Vương Quan trong “Truyện Kiều”, lại có nhân
vật phụ hàng thứ ba, chỉ thấp thoáng trong các tình tiết, sự kiện, tư tưởng có tính chất phụ trợ, bổ sung Nhân vật phụ tuy không được tác giả tập trung khắc họa nhưng nó có vị trí không thể thiếu trong tác phẩm, nó có vai trò như
Trang 15các “đô thị vệ tinh” để bổ trợ, khắc họa, đối chiếu… để từ đó làm nổi bật nhân
vật chính Nó tạo nên một thế giới đa màu và sinh động trong tác phẩm
Thứ hai, xét về phương diện ý thức hệ có nhân vật chính diện và nhân vật phản diện Sự phân biệt nhân vật chính diện và phản diện gắn liền với những mâu thuẫn đối kháng trong đời sống xã hội, hình thành trên cơ sở đối lập về quan điểm, tư tưởng và lí tưởng sống Nhân vật chính diện mang lí tưởng, quan điểm đạo đức tốt đẹp của tác giả, của thời đại được nhà văn khẳng định, đề cao Còn nhân vật phản diện ngược lại mang những phẩm chất xấu, trái với đạo đức và lí tưởng đáng lên án và phủ định
Thứ ba, xét về phương diện cấu trúc ta có nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng Nhân vật chức năng có các đặc điểm phẩm chất cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối, không có đời sống nội tâm, sự tồn tại và hoạt động của nó chỉ nhằm thực hiện một số chức năng trong truyện và trong việc phản ánh đời sống Nhân vật đồng nhất với vai trò mà nó đóng trong tác phẩm Nhân vật loại hình là nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc các phẩm chất, tính cách, đạo đức của một loại người nhất định của một thời đại Chẳng hạn, các nhân vật của Mô-li-e như Ác-pa-gông thể hiện tập trung thói keo kiệt Nhân vật tính cách là một kiểu nhân vật phức tạp được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật Còn nhân vật tư tưởng là loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội
Như đã nói, việc phân chia nhân vật chỉ giới hạn trên ba khía cạnh: kết cấu, ý thức hệ và cấu trúc Việc phân chia trên ba khía cạnh đó cũng chỉ mang
tính chất tương đối Việc phân chia nhân vật không phải lúc nào cũng có những ranh giới rạch ròi Đặc biệt càng về sau, nhất là văn học hiện đại khi thể hiện con người đa dạng, đa chiều và sinh động hơn ranh giới đó càng bị
Trang 16thu hẹp và có lúc không thể xác định được Dù thế nào thì nhân vật luôn có khả năng phản ánh và tác động đến cuộc sống, khả năng lôi cuốn, hấp dẫn người đọc và đây chính là điều quan trọng nhất
1.2 Vài nét về nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới
Sang thế kỉ XX, khi các tiểu thuyết gia hiện đại phương Tây, đặc biệt là
ở Pháp không chú trọng đến nhân vật, họ cho rằng tiểu thuyết của các nhân vật đã thuộc về quá khứ khi hoàn cảnh xã hội đã đổi khác, trong bối cảnh hỗn độn của cuộc sống, cá nhân không còn giữ được sức mạnh tuyệt đỉnh, vì thế tiểu thuyết không dung nạp loại nhân vật Trong tác phẩm của họ, thay vì
nhân vật là “đồ vật” hoặc chỉ còn là duy nhất dòng chảy của ngôn từ “nhân vật chỉ còn là những đại từ mơ hồ” Nhân vật đã không còn là nhân vật theo
đúng nghĩa của nó Nó chỉ là những mảnh vỡ manh mún, hay chỉ là một suy nghĩ thoảng qua, một dòng ý thức, một sự ám ảnh… các nhà văn không quan tâm đến cái gọi là nhân vật điển hình tính cách Trung tâm hứng thú của họ là việc vạch ra và tái hiện một cách sinh động những chất liệu tâm lí mới mẻ, là khám phá những gì đang diễn ra trong miền nội tâm khuất tối, những bí mật sâu thẳm nhất của con người Các nhà văn đương đại đã bứt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống để đi tìm những yếu tố, chất liệu mới mẻ tiềm tàng, khả năng trong việc phản ánh đời sống ở bề sâu bí ẩn
Còn ở Việt Nam thế kỉ XX, chứng kiến những bước phát triển, thay đổi sâu sắc và tất cả để phù hợp với hoàn cảnh xã hội đã sản sinh ra nó Trong dòng chảy sống động hôm nay, thật khó tìm thấy sự tĩnh lặng của cuộc sống
và tâm hồn trong mỗi âm thanh tích tắc của chiếc đồng hồ thời đại Văn học Việt Nam sau 1975 đã có những bước nhảy đáng kể, trong đó có sự khám phá
quá trình “nổ tung bên trong của ý nghĩ” con người Trước đổi mới, cảm hứng chủ đạo là ngợi ca những con người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,mà lòng
Trang 17phơi phới dậy tương lai” Những anh lính giải phóng quân, những cô thanh
niên xung phong… được tập trung khắc họa, ngợi ca, họ là những con người trung tâm với những phẩm chất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Có những
con người “đẹp không tì vết” họ trở thành những con người lí tưởng của cả
một thời đại Nhưng sau đổi mới, các nhà văn với chủ trương đưa văn học về
gần với cuộc sống và coi đó là “mảnh đất vĩnh hằng khám phá những quy luật của các giá trị nhân bản” Các nhà văn nhận ra rằng: hình như cuộc chiến tranh ảnh hưởng sôi nổi hôm nay được văn xuôi, thơ ca tráng lên một lớp men “trữ tình” hơi dày cho nên ngắm nó ta thấy mong manh bé bỏng và óng chuốt quá khiến người ta ngờ vực Với nhận thức đó, văn học Việt Nam sau
1986 đã có sự chuyển biến từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự đời tư, thay vì những câu chuyện
về chiến tranh là những câu chuyện về tình đời, tình người Và có chăng chiến tranh cũng chỉ là những cái vỏ, cái cớ để bộc lộ nỗi lòng về nhân tình thế thái
ngày hôm nay Các nhà văn chân chính “tự thay máu” cho chính mình Và thể
loại tiểu thuyết đã phát huy được khả năng tiếp cận và phản ánh hiện thực, con người trong giai đoạn mới một cách nhanh nhạy và sắc bén Sau chiến tranh văn học sẽ trở về với những gì mà trong chiến tranh nó không hoặc ít được nói tới đó chính là số phận của con người Các nhà văn đã hướng ngòi bút của mình miêu tả số phận những con người bình thường với những bi kịch của cuộc đời họ Đó là bi kịch giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm, giữa cái nhân bản và phi nhân bản Không chỉ vậy các nhà văn đã nhìn nhận con người như một cá thể bình thường Nhân vật
trong tiểu thuyết là những con người với trăm ngàn mảnh đời khác nhau “đầy những vết dập xóa trên thân thể, trong tâm hồn” Có thể nói, trong tiểu thuyết
Việt Nam những năm đổi mới không chỉ đi sâu vào thân phận con người mà còn đề cập đến những khát vọng con người tự nhiên trước nhu cầu của hạnh
Trang 18phúc đời thường của cuộc sống riêng tư Khi con người trở về với cuộc sống đời thường mối quan hệ giữa sự nghiệp chung và hạnh phúc riêng, giữa con người cá nhân và con người xã hội phải được giải quyết hài hòa, gắn bó Tiểu thuyết thời kì đổi mới đã không ngần ngại miêu tả chất sắc dục, tình yêu nhục thể là lĩnh vực rất riêng của mỗi cá nhân Miêu tả những con người tự nhiên, khai thác yếu tố tích cực của con người tự nhiên cũng là một khía cạnh nhân bản của văn học Các nhà văn đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá chiều sâu tâm linh nhằm nhận diện hình ảnh con người đích thực Ngòi bút nhà văn khơi sâu vào cõi tâm linh, vô thức của con người, khai thác
“con người ở bên trong con người”
Còn ở mảng tiểu thuyết nói về chiến tranh cũng có những thay đổi Trong việc tiếp cận và tái hiện hiện thực chiến tranh các nhà văn cũng đã kết hợp hài hòa giữa khai thác con người bên trong và con người bên ngoài Bên
cạnh ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến tranh, các nhà văn đã “gia tăng sự chú ý” đến việc trình bày “con người trong diễn biến lịch sử” Nghĩa là nhà văn chú
ý miêu tả các biến cố, sự kiện trong toàn bộ đời sống, đặc biệt là đời sống tinh thần, đời tư, tâm hồn con người Cái mà họ quan tâm không chỉ là chiến tranh
đã xảy ra như thế nào mà trong chiến tranh và sau chiến tranh người ta sống
như thế nào Như “Nỗi buồn chiến tranh’’ của Bảo Ninh dựng lại cuộc chiến
tranh đã lùi vào quá khứ qua nỗi ám ảnh khôn nguôi của nhân vật Kiên Như
“Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai đưa người đọc về những năm tháng khốc liệt
của cuộc kháng chiến chống Mỹ và số phận của người lính sau chiến tranh
qua cuộc đời Hai Hùng “Góc tăm tối cuối cùng” của Khuất Quang Thụy dựng lại chiến tranh bằng nước mắt, bằng đau thương, bằng “sự thật về con người’’ vừa đi ra khỏi cuộc chiến qua số phận ông Dần… Vì thế chiến tranh
hiện lên toàn diện hơn, khách quan hơn Ở đó có cái oanh liệt, hào hùng, có
vẻ đẹp lãng mạn của những con người luôn mang trong mình trái tim ĐanKô
Trang 19sẵn sàng thắp lên ngọn lửa để lịch sử dân tộc mãi mãi sáng ngời Ở đó còn có
bộ mặt khủng khiếp của chiến tranh, luôn ẩn hiện sau những tấm huân chương
và hiển hiện trong đời sống của con người Nhờ vậy tiểu thuyết viết về chiến tranh thời kì này đã đem lại cho người đọc những cảm xúc mới mẻ
Như vậy nếu như nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam trước đổi mới (đặc biệt là giai đoạn 1945-1975) được khai thác trong tư cách công dân đơn phiến, được nhìn nhận đánh giá theo quan điểm chính trị, thì nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại được khai thác toàn diện hơn, phức tạp hơn
và sâu sắc hơn Con người xuất hiện trong hàng loạt các tiểu thuyết là con
người trần thế với tất cả chất người tự nhiên của nó: con người có sự hòa hợp giữa con người tự nhiên - con người xã hội - con người tâm linh, con người với sự thống nhất giữa ánh sáng và bóng tối, cao cả và thấp hèn, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát
Tóm lại, trên lĩnh vực tiểu thuyết nhà văn đã khắc họa chân dung những con người vừa đời thường vừa trần thế, vừa đẹp đẽ, thánh thiện luôn khao khát cái đẹp và hướng tới cái thiện Đó chính là nét nổi bật mang đậm ý
nghĩa nhân văn khi nhìn nhận con người tạo nên tiếng nói đa thanh đầy “hòa âm” và “nghịch âm” trong tiểu thuyết
1.3 Hành trình sáng tác của nhà văn Chu Lai
Hơn ba mươi năm cầm bút, Chu Lai đã để lại một số lượng tác phẩm tương đối lớn, bao gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kí sự, kịch
bản sân khấu, truyện thiếu nhi… Tiểu thuyết gồm: Nắng đồng bằng (1977); Gió không thổi từ biển (1985); Sông xa (1986); Vòng tròn bội bạc (1990); Bãi
bờ hoang lạnh (1990); Ăn mày dĩ vãng (1992); Phố (1993); Ba lần và một lần (1999); Cuộc đời dài lắm (2001); Khúc bi tráng cuối cùng (2004); Người im lặng (2005) Các truyện ngắn mà nhà văn đã sáng tác từ trước tới nay được
Trang 20tập hợp lại và in trong cuốn “Truyện ngắn Chu Lai” (2003) Về kí sự có “ Nhà lao cây dừa”,“Út Teng” là tập truyện viết cho thiếu nhi Bao trùm lên các
sáng tác của Chu Lai là sự trăn trở day dứt của tác giả về số phận con người
mà tiêu biểu là số phận người lính trong và sau chiến tranh
Với mười một tiểu thuyết xoáy sâu vào một đề tài chủ lực là người lính thời bình, mối quan hệ đa chiều của họ trong các lĩnh vực phức tạp của cuộc sống hiện nay, Chu Lai là một trong những người ở vị trí hàng đầu của dòng chảy văn học đương đại ở đề tài người lính thời hậu chiến Các tiểu thuyết của Chu Lai tuy tập trung ở một đề tài, song thông qua đó rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống được khai thác và phản ánh khá sâu sắc mà hình tượng người lính luôn là tâm điểm
Tiểu thuyết viết về người lính thời hậu chiến đã có được những thành tựu đáng ghi nhận Người lính giữa dòng đời thường với bao bộn bề trăn trở chính là mối quan tâm của các nhà văn Những day dứt âm thầm về quá khứ
như là một “căn bệnh” cố hữu của người lính hôm nay Trong tâm tưởng
những người đã từng đi qua cuộc chiến mãi mãi còn những ám ảnh khôn nguôi về một thời máu lửa Hậu quả nặng nề của chiến tranh, mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho người lính thời hậu chiến không có được cuộc sống bình yên Các nhà tiểu thuyết nghiêm túc nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua và đồng cảm sâu sắc với tâm tư của người lính hôm nay
Trong một loạt các tiểu thuyết của Chu Lai thì tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc hành trình sáng tác của ông
Đây là tác phẩm được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, tác phẩm đạt được nhiều giải của Bộ quốc phòng, Hội nhà văn Tác phẩm thể hiện số phận người lính cả trong và sau cuộc chiến, đặc biệt người lính trở về với đời thường hôm nay nhưng không nguôi nghĩ về quá khứ Nhưng cũng chính bởi sự mải mê tìm về quá khứ mà Hai Hùng đã bị đánh bật ra khỏi lề đường của cuộc sống
Trang 21hiện đại Quá khứ với người lính là sự thiêng liêng không gì thay thế được
Họ tìm về quá khứ trân trọng quá khứ Sự trân trọng đó như sự trân trọng đồng đội, tôn trọng chính mình Họ tìm về quá khứ để đi tìm sự bình yên trong tâm hồn mình
Tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” đã đạt được nhiều thành công về nghệ
thuật Đặc biệt là nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, xây dựng đa dạng kiểu nhân vật Tất cả tạo nên sự đa dạng trong tác phẩm Có thể khẳng định Chu Lai là nhà văn đương đại tài năng đã và tiếp tục khẳng định vị trí của mình trên văn đàn và để lại những thành tựu nổi bật, đọng lại những dấu
ấn đậm nét trong lòng độc giả
Trang 22CHƯƠNG 2 CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT
“ĂN MÀY DĨ VÃNG” CỦA CHU LAI
Như đã nói, việc phân chia nhân vật trên ba khía cạnh: kết cấu, ý thức
hệ và cấu trúc chỉ mang tính tương đối Lịch sử phát triển văn học là một tiến
trình phát triển không ngừng từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp Do vậy, những tiêu chí phân loại nhân vật có thể đúng ở thời kì này song đến thời
kì khác những tiêu chí đó tỏ ra không phù hợp nữa mà cần sự phân loại thích
hợp hơn với thực tế diễn ra của văn học Trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng”
Chu Lai có khuynh hướng tiếp cận con người từ nhiều góc độ Con người trong tiểu thuyết của nhà văn mang tính đa trị lưỡng cực là những con người không toàn vẹn Chính vì vậy, những tiêu chí phân loại nhân vật theo truyền thống đã không còn đủ sức bao quát hết những biểu hiện của nhân vật trong
tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” Chúng tôi đã thống kê trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” có 48 nhân vật Các nhân vật này có nhiều cách phân loại Hoặc
theo cấp bậc (những anh binh nhất, binh nhì, sĩ quan, cán bộ) hoặc có thể phân chia theo lí tưỏng (ta - địch) hoặc có thể phân loại theo giới tính nghề nghiệp… Cách phân chia nào cũng có lí và là một phương diện loại biệt để nhận diện Tuy nhiên, những cách phân chia đó bộc lộ những điểm chưa hợp
lí, đòi hỏi sự tổng hợp để có một cách phân loại hợp lí và khoa học hơn Phân
tích các nhân vật trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng”, chúng tôi đề xuất các
kiểu nhân vật theo các cách gọi tên sau, sự phân loại đó chủ yếu dựa trên đặc điểm nổi bật của các nhân vật
2.1 Nhân vật đa diện
Trước hết, ta cần hiểu thế nào là “đa diện”? Đa diện tức là có tính chất
nhiều mặt, nhiều khía cạnh Con người đa diện có nghĩa là tồn tại nhiều mặt
Trang 23tính cách khác nhau, thậm chí đối lập nhau ngay trong một con người [16,364]
Văn học sau 1986 không còn cái nhìn một chiều hoặc rất tốt hoặc rất xấu như quan niệm nghệ thuật về con người trong thời kì kháng chiến
nữa.Trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” tiêu biểu là nhân vật Hai Hùng Hai
Hùng hiện lên trong tác phẩm với tất cả sự tự nhiên như nó vốn có, như con
người ngoài đời: “trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” [3,133] Có thể nói, anh là một
chiến sĩ kiên trung mang trong mình lí tưởng và khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, có tình đồng chí, bạn bè, tình yêu đẹp, là con người được mọi người mến mộ, tin yêu song trong con người anh phần xấu, phần rắn rết, phần ác quỷ cũng có lúc hiện diện và chiến thắng
Để lại ấn tượng đầu tiên trong lòng người đọc đó là một Hai Hùng kiên trung, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp cách mạng, luôn được bạn bè tin yêu
“đồng đội tin cậy nơi anh như đoàn thủy thủ hết lòng tin cậy vào người thuyền trưởng tài ba giữa muôn trùng sóng cả” Đồng đội tin tưởng anh bởi
trong chiến đấu anh là người chỉ huy tài ba, trong trận mạc người ta không
thấy ở anh một động tác thừa Trong cuộc sống, anh là người khéo léo “trong cuộc sống, đồng đội không hề thấy anh nói dư một câu bao giờ” Trong anh
hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một thủ lĩnh ở cái nơi mà ngày nào cũng
có người ngã xuống Phẩm chất thủ lĩnh của Hai Hùng được thể hiện qua từng trận đánh
Trong cái đêm đột ấp định mệnh mà nhờ đó Hai Hùng gặp được Ba Sương - người con gái của đời anh Trong đêm đột ấp đó, mọi người tưởng chừng như sẽ nguyên vẹn trở về không vấp phải bất cứ sự tấn công nào của
kẻ thù Nhưng cũng chính vào lúc không ngờ nhất, khi trên lưng người nào cũng đầy những gạo, thịt hộp, bánh tráng, thuốc lá… thì có những tiếng nổ
Trang 24Ngay sau tiếng nổ đầu tiên, đội hình hỗn hợp đã bị xé nát, tan rã, mạnh ai nấy chạy Trong đó có cả cán bộ như Ba Tiến - phó bí thư quận ủy Trong cái lúc
mà ranh giới giữa sự sống và cái chết bị xóa nhòa, theo bản năng con người thường chạy đi để tìm sự sống và nhiều người trong lực lượng hỗn hợp của Hai Hùng đã làm như vậy Nhưng Hai Hùng thì khác, ngay giữa chiến trận tan rã anh đã chửi thẳng những kẻ bỏ bạn bè, bỏ đồng đội chạy lấy thân Hai Hùng đã kiên cường lao nhanh về hướng có tiếng nổ đầu tiên Và anh thoáng thấy lính đặc nhịêm của anh kẻ nằm người ngồi trong tư thế sẵn sàng đánh trả Trong những lúc nguy nan Hùng càng tỏa sáng, càng khẳng định lòng dũng
cảm, quyết tâm chiến đấu không lùi bước trước kẻ thù Nhưng “cuộc chiến tranh cài răng lược” nó như đùa giỡn người lính, địch thì mặc sức cắn ngoạm nhưng quân ta lại không biết nó ở đâu mà quất trả Trong đợt đột ấp “coi như
là lãi” ấy Viên đã ngã xuống để đổi những bồng gạo, thuốc men… cho đồng
đội Trong nỗi đau mất bạn, Hai Hùng vẫn giữ được bản lĩnh không nản chí vẫn quyết tâm chiến đấu
Sự kiên trung, mưu trí của Hai Hùng như càng được khẳng định khi cuộc chiến ngày càng ác liệt Sau hiệp định hòa bình (1973) tình hình ở vùng giáp ranh lại diễn ra thê thảm hơn cả hồi Mậu Thân Ba xã trọng điềm của phong trào cách mạng bị đám gián điệp chỉ điểm nên lực lượng cách mạng bị tổn hại không ít Cấp trên giao nhiệm vụ phải tiêu diệt nhóm gián điệp đó Với sự phối hợp của lực lượng du kích và đội đặc nhiệm của Hai Hùng đã bắt gọn nhóm gián điệp gồm bảy tên khi chúng đang bàn tính chỉ điểm đánh ta
một đòn chí mạng nữa vào ngay căn cứ tỉnh ủy Chiến công này của đội “diệt ác” đã góp phần rất lớn cho sự an toàn, bảo toàn lực lượng và phát triển
phong trào cách mạng ở vùng giáp ranh vô cùng quan trọng này
Những tưởng sau cuộc chiến khiến mỗi người lính “bại hoại sức chiến đấu” họ chỉ còn có thể ôm nhau ngồi thở, sẽ được “xả hơi” trong vài tuần, chí
Trang 25ít là vài ngày nhưng chiến tranh đâu phải là hòa bình mà có cái quy luật đó Chiến tranh kéo căng khiến con người ta mệt mỏi, dường như không thể vượt qua nhưng con người vẫn phải gượng dậy để tiếp tục chiến đấu Sau đợt càn khiến một phần ba quân số nằm xuống đó, đơn vị Hai Hùng phải tiếp tục nhận nhiệm vụ tiêu diệt chi khu Phú Thuận - nơi xuất phát mọi cuộc hành quân của đối phương Tuy không tán thành lắm với phương án của ông phó tham mưu phân khu nhưng anh vẫn phải chấp hành Ngay đêm đầu tiên, những chiến sĩ thiện chiến nhất đi nghiên cứu đối phương nhưng kết quả thu được chỉ là mất mát Đêm hôm sau, không nản lòng chính Hai Hùng đã dẫn một đội đi tập kích nhưng do sức lực đã bị vắt kiệt nên cũng không thể thành công Qua đây,
ta thấy một Hai Hùng can trường, không lùi bước trước khó khăn, luôn tỉnh táo trước mọi phán đoán và quyết định của mình
Cuộc chiến với quân thù diễn ra vô cùng ác liệt song cuộc chiến với chính mình trong chiến tranh có lẽ càng khó khăn và khốc liệt hơn nhiều Sau những quyết định của mình, Hai Hùng bị cấp trên gọi lên kỉ luật Nếu anh ngoan ngoãn chấp nhận kỉ luật và có lời xin lỗi, hứa sẽ sửa chữa thì có lẽ phiên họp sẽ diễn ra nhanh chóng và anh cũng sẽ không gặp khó dễ gì nhưng
“song tôi không thể hèn nhát như thế Danh dự lính chiến và nhân phẩm buộc tôi không thể phản bội lại chủ thuyết lí tưởng trong sạch, phản bội lại bạn bè thân yêu đã thay nhau ngã xuống mà giờ đây quay đi quay lại đã dường như chẳng còn thấy một ai” Chính bởi sự cương trực của mình mà Hai Hùng bị nhiều người phê phán đòi kỉ luật nhưng dù thế nào thì “tôi không thể thực hiện một hành vi giả trá khác mình cốt để yên thân” Hai Hùng khi không còn
nghĩ đến chuyện kiềm chế nữa thì anh đứng dậy và nói bằng tất cả tấm lòng
chân thật của mình “( ) Chúng tôi, những người con trai con gái từ hậu phương lam lũ và đau thương tình nguyện từ trái tim chân thật vào đây để thực hiện lí tưởng giải phóng quê hương chứ không phải là quân viễn chinh
Trang 26Bắc Việt mở cuộc hành trình đi tiếm quyền, tiếm đất ( ) Không thể có sự vô lí nào hơn một khi hàng triệu thanh niên ưu tú ngã xuống để cho bờ cõi nối liền nhưng lòng người lại chia hai” Trong cuộc họp kỉ luật anh đã bày tỏ hết suy
nghĩ từ trong trái tim chân thật nhất của mình Hai Hùng quyết không bao giờ
vì lợi ích của riêng mình mà phản bội lại đồng đội Không những thế, anh còn
nhìn thấy cái nguy cơ “chủ nghĩa địa phương hẹp hòi” nó không chỉ là mối
nguy hại của ngày hôm nay mà còn là nguy cơ của ngày mai khi đất nước đã thống nhất Cái điều mà anh nói trong cuộc họp ngày hôm nay đã thành hiện thực khi một loạt bạn bè của anh như Ba Thành, Tuấn bị loại ra khỏi bộ máy chính quyền cách mạng chỉ vì họ là người miền Bắc, cái sự thật đau xót khi đất nước đã hòa bình, đã liền một dải thì lòng người lại chia hai
Trong chiến tranh, Hai Hùng là một chiến sĩ kiên trung thì trong đời thường ngày hôm nay anh vẫn luôn giữ được phẩm chất của mình Hòa bình lập lại, anh cũng đã từng được ngồi trên văn phòng gió lộng ở hồ Tây nhưng với cái tính cách của người lính không chịu đi bằng đầu gối nên anh đã bị đánh bật ra khỏi cái văn phòng gió lộng kia Nhưng anh chưa bao giờ hối hận
về những hành động của mình Trong hành trình trở lại với chiến trường xưa, Hai Hùng tình cờ phát hiện Ba Sương vẫn còn sống, anh quyết tâm đi tìm bằng được sự thật về cô Trong cuộc hành trình đi tìm câu trả lời cho mình, anh vô tình biết Ba Sương đang bị tên Địch đưa vào những vụ việc làm ăn phi pháp, Hai Hùng đã cố gắng cùng bạn bè mong sao thức tỉnh Ba Sương Khi
Ba Sương không còn nữa, Hai Hùng đã quyết tâm ở lại cùng mọi người đồng sức trừng trị tên gian ác Địch, để bảo vệ chân lí, bảo vệ những giá trị mà anh
và đồng đội đã phải đổi bằng xương bằng máu mới có được Dù trong chiến tranh hay trong hòa bình, Hai Hùng luôn là chiến sĩ kiên trung, chấp nhận những điều thiệt thòi về mình, không ngừng đấu tranh cho chân lí, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng
Trang 27Nếu chỉ dừng lại ở đây, Hai Hùng hiện ra là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, luôn đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng, có một tình yêu đẹp và lãng mạn thì nhân vật này đi vào lịch sử như một hình tượng lí tưởng Nhưng bên
cạnh một Hai Hùng “rồng phượng” thì anh là một con người bình thường
thậm chí tầm thường của con người đời thường Hai Hùng giận dữ trước hành động giơ tay chịu đạn của Tuấn để tiện đứt đi hai cánh tay và như thế là Tuấn
có thể được cáng ra Bắc và trở về nhà Nhưng mấy ai biết rằng Hai Hùng cũng có lúc yếu lòng, cũng có lúc hành động mà chính anh đã phỉ báng những
hành động như vậy: “Anh tưởng anh can tràng dũng cảm lắm à? Thế trận càn tháng trước, thằng con mẹ nào chúi đầu xuống hầm, một chân cứ giơ lên hứng đạn? Thằng nào? Thằng giơ chân tưởng oai hơn thằng giơ tay à?” Mấy
ai nghĩ một Hùng khiến kẻ thù phải khiếp sợ lại có hành động như vậy Cũng
có lúc Hai Hùng lại muốn đi tìm sự què cụt khác khi ở giữa những vòng rào
thép gai đầy mìm trái, trong anh đã nảy sinh ra cái ý định là đánh động “ho một tiếng, khịt mũi một tiếng, chạm rào, sôi bụng, thậm chí cả trung tiện một cái ngay trước mũi thằng giặc” Nhưng cái ý định đó vẫn không thành Trên
chiến trường đối mặt với kẻ thù anh đã có lúc yếu mềm, trong cuộc sống với đồng đội anh cũng có lúc đớn hèn Chính anh đã ra quyết định khai trừ ra khỏi Đảng một chiến sĩ gan dạ nhưng đã tự tiện ăn hết phần gạo dự trữ quy định
bởi “gạo lúc đó là máu, là danh dự, là sống còn, xà xẻo vào gạo là xúc phạm đến tất cả” nhưng “sữa còn quý hơn gạo” vậy mà chính Hai Hùng đã lợi dụng
bóng tối lúc nửa đêm bò sang lán thương binh móc bồng ăn cắp một hộp sữa Đây chính là một sự thật về con người Việt cộng sừng sỏ mà thiên hạ nể trọng
Bên cạnh con người khát khao lí tưởng với bao điều tốt đẹp thì trong Hai Hùng vẫn có những tật mà mỗi con người bình thường vẫn hay mắc phải
Có lẽ những lúc cái chết hiện hữu rõ hơn là sự sống thì bản năng sống của con
Trang 28người trỗi dậy có phần lấn át đi phần người lí tưởng Trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” nhà văn Chu Lai đã không lí tưởng hóa mà để nhân vật hiện lên
với tất cả hình hài vốn có, đó là hình ảnh chân thực, là thực tế sinh động đã diễn ra Hai Hùng hiện lên với nhiều vẻ, nhiều mặt có cả tốt - xấu, cao thượng – thấp hèn… Tuy nhiên điều quan trọng những phút yếu mềm chỉ thoảng qua
và nó phải nhường chỗ cho con người lí tưởng “anh hùng không biết sợ chết, không biết chao đảo, không biết đôi lúc ngã lòng rồi cắn răng gượng lại thì không phải là anh hùng”
Có thể khẳng định Hai Hùng hiện lên trong tác phẩm là con người đa diện với nhiều mặt tính cách, số phận Con người của rừng xanh một thời mang trong mình đầy đủ những phẩm chất và thói xấu của con người Chính
vì thế mà nhân vật hiện lên đa dạng, sinh động và chân thật hơn
2.2 Nhân vật tâm linh
Theo "Từ điển tiếng Việt": Tâm linh là khả năng đoán trước những điều
sắp xảy ra theo quan niệm duy tâm [16,1152]
Trong tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng" Chu Lai đã xây dựng nhân vật Viên
với khả năng có thể đoán trước được tương lai, dự cảm về những điều sắp xảy
ra Đúng như lời nhận xét của Hai Hùng "cậu ta có một thứ linh cảm hay trực giác trận chiến gì đó rất kì quái" Trong lần đột ấp lần đó Hai Hùng thấy Viên
bỏ cơm, tìm ra mép sông ngồi, mắt nhìn hút xuống dòng nước buồn rười rượi Hai Hùng hiểu lần đột ấp với một lực lượng hỗn hợp lần này sẽ có điều chẳng lành Xem ra mọi dự đoán về tương lai chỉ là những điều mơ hồ, vô căn cứ vì
nó không thể giải thích bằng khoa học Nó chỉ là thứ trực giác huyền bí của con người mà không phải ai cũng có, lúc nào cũng đúng Lần này có thể linh cảm của Viên đã sai khi đội quân hỗn hợp đã đột ấp thành công, mỗi người trên lưng đầy gạo, thịt hộp, thuốc y tế… Nhưng chính những lúc không ai ngờ nhất thì Hai Hùng mới thấy điều linh cảm bí hiểm của Viên mới ứng nghiệm
Trang 29Ngay sau có tiếng nổ, đội hình đã rối loạn, tan rã, mạnh ai người đó chạy Nhưng đây là một cuộc chiến tranh cài răng lược chó chết khi ta không thể biết chúng ở đâu còn địch ra sức cắn ngoạm Trong những tiếng nổ quái ác đó
đã lấy đi mạng sống của Viên, lần này chính Viên chứ không phải ai khác đã ngã xuống tuy rằng trước đó nó đã có linh cảm thấy điều bất ổn Có thể ta cho rằng đây chỉ là sự trùng hợp tình cờ, nhưng tình cờ có chăng chỉ trùng hợp một đến hai lần là cùng nhưng với Viên điều ứng nghiệm không chỉ là hai mà trước mỗi lần vào trận chiến Viên đều có thứ linh cảm bí hiểm đó
Nếu như những linh cảm của Viên trước mỗi trận chiến là thứ linh cảm của người lính về số phận mình và đồng đội trước ranh giới của sự sống và cái chết, nó có thể hiểu và giải thích được một phần bởi dẫu sao nó cũng là thứ linh cảm về chính số phận của bản thân mình Nhưng để có thể tiên đoán được số phận của người khác hay về sự kiện lịch sử của dân tộc thì đây là thứ linh cảm khó có, khó gặp trong cuộc sống Bởi chính vì khả năng đặc biệt đó
mà người ta thường gọi họ là con người tâm linh Trong tiểu thuyết "Ăn mày
dĩ vãng" Chu Lai đã xây dựng nên nhân vật Viên có khả năng tiên đoán được
cả những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Viên đã nói đúng về cái năm
sẽ thống nhất non sông "mà còn lâu lắm mới hòa bình, chí ít cũng phải dăm bảy năm nữa…" Cái năm mà Viên nói là năm 1968 theo những lời nói của
các nhân vật và dựa vào các sự kiện lịch sử Như vậy tính từ năm 1968 cộng với bảy năm nữa sẽ là năm 1975 Và thực tế lịch sử dân tộc cũng đúng như vậy ngày 30 tháng 4 năm 1975 chúng ta đã giải phóng miền Nam Việc tiên đoán của Viên là không có căn cứ khoa học cụ thể nhưng chúng ta phải hiểu một điều rằng những gì khoa học đã lí giải được một cách rõ ràng thì lúc đó
nó không được gọi là "tâm linh" nữa Tâm linh luôn mang trong mình điều bí
ẩn không thể giải thích được
Trang 30Trong tất cả những lời tiên đoán của Viên có lẽ Hai Hùng nhớ nhất và
nó cũng gắn liền với số phận của Hai Hùng và Ba Sương là lời tiên đoán "rồi đây số phận anh và chị Sương sẽ ràng buộc với nhau nhiều lắm đấy Hai người đều gặp vô số hoạn nạn nhưng vẫn không xa rời nhau, vẫn bù đắp được cho nhau Chị ấy sẽ chết trước anh" Quả thật lời tiên đoán của Viên là
đúng, sau lần đột ấp đó số phận đã đưa Hai Hùng và Ba Sương đến với nhau Tình yêu thực sự là sức mạnh để có thể vượt qua những điều tưởng chừng không thể vượt qua Có lúc cái chết cận kề nhưng bằng tình yêu họ đã vượt qua Kể cả sau này khi đất nước thống nhất lúc đó Ba Sương đã là bà giám đốc Tư Lan và Hai Hùng vẫn luôn gắn bó với nhau, vẫn yêu thương nhau, do hoàn cảnh riêng mà bà Tư Lan không dám nhận lại cố nhân nhưng khi lương tâm thức tỉnh đồng thời cũng là tình yêu với Hai Hùng, bà Tư Lan đã dũng
cảm trở về là Ba Sương ngày xưa "Cố nhân tình cũ" gặp lại nhưng tình cảm
dành cho nhau giữa hai người vẫn nguyên vẹn đong đầy như xưa Nhưng số phận nghiệt ngã đã cướp đi Ba Sương một lần nữa khỏi tay Hai Hùng Vậy là cái lời tiên đoán năm xưa của Viên đã thành sự thật
Sự xuất hiện của nhân vật tâm linh trong tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng"
có ý nghĩa rất lớn Chu Lai muốn tạo nên một thế giới đa cực, đa chiều ở đó không chỉ là hiện thực rõ mồn một mà ở đó còn có cả một thế giới huyền bí chứa đựng những bí mật cần khám phá Qua những lời tiên đoán của Viên giúp người đọc dễ hiểu, hiểu rõ hơn về câu chuyện, về diễn biến số phận của hai con người là Hai Hùng và Ba Sương Nó như một lời giới thiệu của tác giả với người đọc
2.3 Nhân vật bi kịch
"Từ điển tiếng Việt" có lí giải: Bi kịch có nội dung phản ánh cuộc xung
đột gay gắt giữa nhân vật chính diện với hiện thực, có kết cục bi thảm[16,82] Arixtốt cũng đưa ra so sánh và cho rằng: Bi kịch khác với hài kịch và nó có
Trang 31một kết thúc không vui Nhân vật bi kịch là con người ở trên mức bình thường về địa vị và tính cách, phải chịu một sự thay đổi vận mệnh Họ là những con người dám đấu tranh chống lại vận mệnh, định mệnh và họ chấp nhận nó Họ tìm thấy ý nghĩa trong sự khốn khổ của mình Khi bi kịch được nâng lên trên mức điển hình nó trở thành nghệ thuật Nhân vật văn học mang
bi kịch là sự đại diện cho một tư tưởng của nhà văn trước xã hội, nó phải tiêu biểu đặc trưng cho một lớp người Lúc này, nhân vật bi kịch mới có một chỗ
đứng vị trí trong lòng độc giả
Cũng có thể hiểu về khái niệm nhân vật bi kịch như sau Nhân vật rơi vào bi kịch thông thường do họ bị xô đẩy vào hoàn cảnh khách quan và chủ quan Nhân vật đứng trước sự lựa chọn hoặc sống thì phải chà đạp lên nguyên
lí đạo đức hoặc giữ mình trong sạch thì phải chọn cái chết Theo Brecht "Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không đơn giản là bản dập của những con người sống mà là những hiện tượng khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả" Hay nói như Nguyễn Minh Châu "bởi lẽ cuộc sống trên trái đất này thời nào và ở đâu cũng đầy oan khiên, oan khuất Cái thiện cả tin và ngây thơ Cái ác sừng sững và lẫm liệt"
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới với xu hướng tiệm cận hơn với con người cá nhân, với số phận con người Do vậy các nhà tiểu thuyết không chỉ vẽ nên bức tranh chiến trận hoành tráng, những chiến công vĩ đại, những con người lí tưởng mà các nhà văn đã đi sâu vào bi kịch số phận của họ trong cuộc chiến và ngay cả giữa đời thường Nếu coi chiến tranh là bi kịch của cả dân tộc thì mỗi cá nhân trong đó đều có số phận bi kịch nhưng dựa vào đặc điểm nổi bật về tính cách và số phận hơn nữa dựa vào sự soi sáng của lí thuyết, chúng tôi xếp Ba Sương và Hai Hợi vào kiểu nhân vật bi kịch
Trước hết, chúng ta đi tìm hiểu về nhân vật Ba Sương Không chỉ là người có vẻ đẹp ngoại hình lí tưởng mà Ba Sương luôn bộc lộ là con người
Trang 32gương mẫu, mưu trí trong chiến đấu, luôn gan dạ đi đầu trong mọi hiểm nguy
Là y tá rồi đội trưởng đội du kích cô đã cùng kết hợp với nhiều lực lượng của vùng ven Sài Gòn tiêu diệt nhiều lần những cuộc càn quét của địch Con người như vậy đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc nhưng số phận đã không cho Ba Sương được hạnh phúc trọn vẹn Là bông hoa thơm ngát giữa núi rừng được nhiều người yêu mến nhưng người đời lại cho rằng cô có số sát chồng Bằng chứng là những ai đã từng thích cô, yêu cô khi ra trận đều không thấy trở về, họ mãi gửi lại thân mình nơi rừng sâu Họ nằm lại do cô hay do sự ác liệt của chiến tranh khi sau mỗi lần càn của địch quân số thường mất một phần ba Sự trùng hợp ngẫu nhiên đó khiến cô bị mang cái tiếng là sát chồng Cũng chính bởi cái tiếng đó mà tình yêu giữa Ba Sương và Hai Hùng không ít lần gặp trắc trở Mối tình giữa hai nhân vật Hai Hùng và Ba Sương là mối tình của hai nhân vật anh hùng trong thời buổi chiến tranh loan lạc của hai người lính trận, hai tâm hồn hòa hợp nhau giữa cái sống và cái chết khôn lường Hai Hùng người chỉ huy tài giỏi đội đặc nhiệm, Ba Sương người chỉ huy thông
minh đội du kích Họ như “bộ đôi quyền lực” tâm đầu ý hợp khiến kẻ thù phải
khiếp sợ, đồng đội nể trọng, thương yêu Tình yêu của họ nảy sinh từ trong đau khổ từ những đồng cảm mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu Trước nấm mồ của Viên cả Hai Hùng và Ba Sương đều xúc động khôn xiết,
cả hai người hùng chiến trận đều yếu lòng, rồi những giọt nước mắt như muốn làm vơi đi nỗi buồn nhỏ xuống Ngay lần đầu nói chuyện, dường như nhịp đập con tim hai người đã hòa là một, nguồn cội của sự đồng cảm ấy có lẽ chính là sự yêu thương đồng đội, yêu thương con người của cả hai Họ đều hết lòng vì tình yêu, sẵn sàng chịu thiệt thòi về mình, nỗi đau của người yêu cũng là nỗi đau của chính mình Trong trận càn của quân giặc Hùng bị trúng đạn Trong lúc nguy nan Ba Sương đã không quản nguy hiểm của bom đạn cùng Tuấn đến bới đất đá để cứu Hai Hùng Cô vui mừng khi anh tỉnh lại
Trang 33"Trời ơi! Thế là anh sống rồi! Sống thiệt rồi, Tuấn ơi, may quá!" Trong
niềm xúc động khôn tả cô đã bật khóc, tiếng khóc của niềm vui, sự hạnh phúc khi biết rằng Hai Hùng không chết Có lẽ ở cái nơi một mét vuông đất có hàng trăm tấn bom đạn dội xuống hàng ngày con người ta quý trọng nhau hơn, trong trường hợp của Hai Hùng với Ba Sương có thể giải thích bằng tình đồng đội vì có là Hai Hùng hay ai khác cô đều hành động như vậy Nhưng thái độ và niềm xúc động khi đã cứu được Hai Hùng thì chỉ tình yêu nồng cháy mới có thể giải thích được Phải chăng đó là sự kết hợp của tình đồng đội và tình yêu hòa quyện đến mức ta không thể nhận ra, hay sự kết hợp đó
tạo nên một sức mạnh lớn hơn bất kì một thứ “tình” nào? Với Ba Sương giờ đây không có gì bằng anh, anh mới là tất cả “còn Sương, cô khe khẽ thở ra… Đột kích ư? Hủy diệt ư? Cả cái tên chiến đoàn 52 trúc trắc ấy nữa ư? Cô không cần biết Không thích biết Giờ đây đối với cô, chỉ có anh đang hiện diện, đang thở, đang nói, đang nhìn cô, thế là đủ” Chiến tranh là sự hủy diệt
nó không chỉ hủy diệt những thứ nhìn được, sờ được mà nó còn hủy diệt những cái tưởng chừng như không thể hủy diệt được đó là tình yêu Chuyện
tình giữa Hùng và Sương không phải lúc nào cũng một màu “sắt son lãng mạn” mà nó có cả những giây phút dậy sóng Khi đơn vị của Hùng và Sương
hoạt động ở những vùng xa nhau, đã có những hiểu nhầm, những hiểu nhầm
đó đã tạo nên những mâu thuẫn gay gắt giữa hai người Chỉ đến khi biết Hai Hùng sẽ phải chuyển công tác thì Ba Sương mới giãi bày thật lòng mình khi
Hai Hùng hỏi Ba Sương “tại sao em lại làm như thế trong cuộc họp vừa rồi?” Trái tim chân thật nơi Sương lâu nay bị bóp nghẹt vì nhiều nhẽ mới
thổn thức nói thật khi cô biết hai người sắp phải xa nhau, xa lâu thậm chí xa
mãi “vì em thương anh! Khi nào cũng chỉ có thương một mình anh” Những
tin đồn này nọ là chính do cô tung ra để mong Hai Hùng giận rồi từ bỏ Ba Sương Nhưng tại sao lại phải tung tin ra như vậy? Vì một lẽ, nó xuất phát từ
Trang 34tình yêu sẵn sàng hi sinh cho nhau “em sợ… sợ anh cứ dính đến em hoài, anh sẽ… sẽ chết mất như miệng thế gian rủa độc” Hóa ra tất cả những tin đồn
không tốt về Ba Sương là chính do cô tung ra, làm như vậy Ba Sương đâu có sung sướng gì Mỗi lần tung những tin ra như vậy lòng Ba Sương lại nhói đau nhưng chỉ cần Hai Hùng còn sống, được sống cô sẵn sàng chịu hi sinh vì mình Trong tình yêu còn gì đau khổ hơn khi chính mình phải nói, phải làm những điều để người mình yêu hiểu nhầm để từ bỏ mình Để đi đến quyết định này Ba Sương cũng đau khổ, nỗi đau còn hơn bất kì nỗi đau nào trong tình yêu Đây chẳng phải là bi kịch trong tình yêu hay sao? Bi kịch nhưng đầy cao thượng, nguồn gốc của sự hi sinh là tình yêu chân thành của cả hai người lính thời chiến Chính chiến tranh đã đẩy họ vào những bi kịch
Sau chiến tranh Ba Sương được ngợi ca là tấm gương về một nữ sĩ kiên cường, một đảng viên trung kiên đã nêu một tấm gương hi sinh ngời sáng cho
lí tưởng cộng sản Người đời ghi cô và sử sách, rao giảng ở các nhà máy, trường học… thậm chí người ta còn định tạc tượng, lập phòng bảo tàng về cô
Đứng trước ánh hào quang đó Ba Sương đã gục ngã cô quyết định “thay đổi hình dạng” Ba Sương giạt hẳn về quê cũ, cái nơi mà không một ai biết cô là
ai Được người bác ruột vốn là bí thư khu ủy giờ nghỉ mất sức giới thiệu với
tổ chức địa phương Ở thời buổi trăm sự đang rối mù, cái xấu cái tốt, cái giả cái thật dựa dẫm vào nhau cùng tồn tại, lại thiếu nhân cốt cách mạng nên Ba Sương dễ dàng được tổ chức địa phương đồng ý Là người có năng lực luôn hoàn thành tốt công việc của mình nên cô nhanh chóng được tin cậy, được cử
đi nước ngoài đào tạo, được cất nhắc đảm trách những cương vị nhất đinh Rồi giờ đã trở thành bà giám đốc Tư Lan và có thể sẽ trở thành phó hay chủ tịch tỉnh thậm chí là bộ trưởng Nếu cuộc đời cứ bằng phẳng để bà Tư Lan tiến dần như vậy thì có lẽ Ba Sương cũng không mấy dằn vặt về mình về hiện tại và quá khứ Bởi như vậy cô sẽ làm được nhiều điều tốt, cô đã gây dựng
Trang 35được một hình tượng Ba Sương trong chiến trận và giờ cô lại tiếp tục xây dựng một hình tượng mới của thời bình hình tượng về bà Tư Lan Sẽ không
có lí do gì khiến bà Tư Lan nhận mình là Ba Sương Nhưng định mệnh khắc nghiệt, Địch đột nhiên xuất hiện Địch - một con người đã quá hiểu về lí lịch thật của Ba Sương đến đòi cô bảo lãnh cưu mang, Ba Sương đã chấp nhận, đổi lại Địch sẽ cùng Ba sương giữ kín bí mật lâu nay về thân phận mình Đây
là lần thứ hai Ba Sương gục ngã sau lần một khi quyết định đầu thai làm một người khác Sự kết hợp giữa hai con người có lí lịch giả, giữa một con người
bị gục ngã dưới ánh hào quang được lịch sử ghi danh với một con người luôn biết tìm mọi cơ hội để tiến thân dù ở bất kì hoàn cảnh nào, bằng bất kì thủ đoạn nào Tất yếu nó sẽ dẫn đến những gục ngã, lỗi lầm tiếp theo Được đà Địch tiếp tục luồn sâu vào bộ máy Nhà nước hắn muốn giữ những trọng trách trong công việc buôn bán kinh doanh, muốn được ở dưới quyền Tư Lan Hơn thế hắn muốn là tình nhân của bà Tư Lan quyền quý Dần dà mọi chuyện đã theo ý đồ của Địch, tên Địch lộng hành rồi đưa đẩy Tư Lan vào những vụ làm
ăn phi pháp nhân danh Nhà nước mà cô không thể cưỡng lại Như những kẻ ngồi trên đoàn tàu tốc hành không thể dừng lại không thể quay lại mà chỉ còn một lựa chọn duy nhất mà làm sao giữ được mình không bị rơi rớt xuống khi đoàn tàu càng ngày càng tiến nhanh Tội lỗi chồng lên tội lỗi, như những kẻ say mồi họ tiếp tục thực hiện hành vi phạm pháp của mình Nhưng từ khi Hai Hùng xuất hiện, Tư Lan không nguôi nghĩ về quá khứ về những kỉ niệm tốt đẹp về sự hi sinh của đồng đội… Hai Hùng xuất hiện như cơn gió trong lành đánh thức lương tri con người Ba Sương Bà giám đốc Tư Lan bị dằn vặt giữa quá khứ và hiện tại, giữa lương tâm và sự giả dối Giờ đây Tư Lan phải chọn giữa hai nhẽ: can đảm đứng ra giũ tuột vinh quang nhận mọi lỗi lầm thì cô sẽ được bạn bè, được sự yên tĩnh trong con người mình hoặc tiếp tục im đi để có tất cả, cả cuộc sống vật chất và niềm vinh quang của người chết nếu chọn nhẽ
Trang 36thứ nhất cô phải chịu kỉ luật của cấp trên và thậm chí có nguy cơ chịu trách nhiệm hình sự vì những lỗi lầm mà cô gây ra Còn chọn nhẽ thứ hai cô sẽ không sao cả vẫn là bà giám đốc Tư Lan quyền quý với một tương lai rộng
mở Ba Sương đã có lúc sa ngã nhưng không có nghĩa cô sẽ mãi sa ngã Hai Hùng xuất hiện đồng nghĩa với quá khứ tốt đẹp ùa về, đồng nghĩa với con
người cao thượng, con người cộng sản kiên trung trong cô sống lại “nhìn con người anh hôm nay lại chạnh nhớ đến hình ảnh tuyệt vời đẹp đẽ của anh ngày hôm qua, tôi đã khóc và thấy mình không thể sống như cũ được nữa” Ba
Sương đã dũng cảm nhận mình là Ba Sương chứ không phải là Tư Lan Ba Sương đã lựa chọn con đường để trở về là chính mình Sự lựa chọn này không
hề dễ dàng đó chính là bi kịch lớn nhất của đời cô Tuy nhiên chấp nhận nó cô
có được tình yêu, tình đồng đội… mà chính nó đã tạo nên một Ba Sương đẹp
đẽ ghi vào sử xanh Thông qua nhân vật Ba Sương tác giả như muốn phát đi một thông điệp hãy biết trân trọng những giá trị truyền thống, trân trọng với
quá khứ đau thương mà hào hùng Nếu “bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn đại bác vào chúng ta” ta sẽ phải trả một giá rất đắt cho sự phản bội
đó
Trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” nhân vật Hai Hợi cũng hiện lên với
số phận gặp nhiều đau thương, có thể nói cuộc đời Hai Hợi là những ngày tháng bi kịch, những tháng ngày hạnh phúc thật ít ỏi và thoảng qua rất nhanh Hai Hợi vốn là một cô gái đa tình nhí nhảnh, cuộc sống chợ búa của dân bán thịt đã đào tạo cô thành một cô hàng thịt đanh đá và dữ dằn Cô yêu sớm và khi yêu cũng luôn hết mình Năm 15 tuổi cô đã có tình nhân nhưng cuộc đời đen bạc ngay lần đầu bước vào vườn tình cô đã phải ăn trái đắng Tình nhân thay lòng từ đó cô yêu đương bạt mạng, được bao nhiêu tiền cũng đem bao trai hết Cuộc đời cô đã không biết trải qua bao nhiêu mối tình, với bao nhiêu
kẻ úy có, tá có, quận trưởng, tỉnh trưởng… Cô khiến họ khổ sở, những kẻ đến
Trang 37với cô ít ai dám phản bội mà cô bỏ rơi thiên hạ thì nhiều Những tưởng cuộc đời của cô còn trải qua nhiều, thật nhiều mối tình nhưng bỗng cô phải lòng một gã thượng sĩ bảo an quèn Trước kia cô hành hạ, làm khổ đàn ông bao
nhiêu thì giờ viên thượng sĩ lại làm cô khổ sở bấy nhiêu “cô yêu anh ta như bị bùa, bị ngải, đam mê, cuống quýt, sợ hãi, mịt mờ” Những tưởng cô sẽ say
đắm mãi bên cuộc tình mà cô lao theo một cách đam mê Bỗng một đêm Hai Hợi phát hiện ra anh ta đã có vợ Là con người có cá tính mạnh mẽ cô không khóc một tiếng, tạt tai cho anh chồng hờ một cái rồi từ đó vào rừng làm Việt cộng Đây là một thất bại cay đắng của con người yêu hết mình, một nỗi bất hạnh của con người khao khát được yêu Từ khi vào rừng, cô có sự thay đổi
ngay từ ngoại hình bên ngoài “cô quyết định cắt tóc ngắn, thay quần dài bằng quần cụt, lông mày lông mi không thèm tỉa, da dẻ chân tay để mặc cho nắng rọi, gai cào… Cô muốn tự biến cải và cuộc sống khắc nghiệt trong rừng cũng từng ngày biến cải cô thành một dạng nam tính hóa” Vốn là người có cá tính
mạnh mẽ lại được chợ búa đào tạo thành đanh đá và dữ dằn, với bản chất đó xem ra Hai Hợi lại rất thích hợp với vùng đất ven sông Sài Gòn này, cái mảnh đất mỗi ngày có hàng trăm tấn bom đạn đổ xuống, ngày nào cũng có pháo kích, có càn quét Hai Hợi nhanh chóng trở thành người chỉ huy can tràng, tàn bạo và ngổ ngáo, đụng với quân thù, cô vác B40 xông lên trước, tiếp cận hàng rào gai, cô lột phăng quần áo chui ào ào Kẻ địch ngán cô, du kích sợ cô và ngay cả lực lượng xuống phối hợp cũng ngại ngần vì nể Chiến tranh đã cải biến cô trở thành một con người khác, mạnh mẽ và nam tính hóa Đó là cái vẻ
bề ngoài mà ai cũng biết về cô nhưng mấy ai biết được điều thầm kín về Hai Hợi Cô thường xuất hiện lặng lẽ trong những ca mổ bụng của anh em thương binh bị trúng đạn, trúng mảnh vào ruột, khi thì cô cáng lên, khi thì cô tìm cớ lên thăm người ốm Với cái nhìn của người mẹ, người em và cả người vợ, vừa buồn, vừa thương, vừa… có một cái gì đó không thể gọi tên Dường như có
Trang 38sự đối lập gay gắt giữa cái ngoại hình thô rám và cái bên trong đầy lòng trắc
ẩn Đúng như lời nhận xét của Hai Hùng “Hợi rất giống cô em Tất cả những chi tiết trên mặt đều ngược nhau, một đằng vâm vam, một đằng mềm mại, một đằng bung ra, một đằng khép kín nhưng nhìn tổng thể lại phảng phất giống nhau” Nỗi khát khao được yêu không bao giờ nguội lạnh trong Hai Hợi có
điều nó biểu hiện ở từng lúc, từng nơi, từng thời kì khác nhau mà thôi Trong lần phối hợp giữa ba thứ quân để chuẩn bị giáng cho quân thù những đòn chí
mạng có lực lượng của Tám Tính Tám Tính với những cú “vồ gái” năm ăn
năm thua táo bạo như bắt được tần số của Hai Hợi Trong cái đêm đầu tiên
Tám Tính đã không quên đi “vồ” như một kĩ năng đã thành thạo, đối tượng
lần này không ai khác chính là Hai Hợi Cuộc tình nhanh chóng, ngẫu nhiên
và nhuốm màu phi lí, không tuân theo một trình tự lôgíc nào cả Hai con người, hai trái tim khao khát hào quyện vào nhau như một điều tất yếu Nhưng chẳng ngờ họ lại gắn bó bền chặt với nhau đến vậy, họ sống, chiến đấu
và yêu, tình yêu như một động lực để họ vượt qua mọi gian khổ, ác liệt Chính
Tám Tính là động lực để Hai Hợi thay đổi “bắt đầu chị chỉ chấp nhận ảnh để giúp ảnh ra khỏi căn bệnh ghê người Miết rồi con người thô bạo, bị mọi người sợ hãi xa lánh đó đã làm chị sống lại mọi ước mơ, hi vọng, làm chị dần dần tìm lại được cái tâm tính đàn bà" Phần nữ tính dần trở về trong con
người Hai Hợi đây chính là những ngày tháng hạnh phúc của đời Hai Hợi khi được sống trong tình yêu, được chiến đấu trong tình đồng đội thân thiết Nhưng chiến tranh là một thảm kịch nó gây nên bao cảnh ngang trái Người đàn ông đã làm Hai Hợi đổi thay giờ đã bị chiến tranh mang đi Đây là nỗi đau không gì bù đắp nổi, một khoảng trống không thể ai thay thế Thay đổi
môi trường là điều cần thiết lúc này với Hai Hợi và “chị chả còn lí do gì để ở lại rừng nữa” Hai Hợi bỏ rừng vào nội thành sống một cuộc sống khác Đến
rồi ra đi mãi mãi đó có lẽ là quy luật của cuộc đời Hai Hợi khi thượng đế ban
Trang 39cho cô ngững người đàn ông rồi bằng lí do này lí do khác thượng đế lại giật của cô đi tất cả Như mãi một kẻ trắng tay Ra nội thành Hai Hợi mở quán bar
và có vẻ làm ăn phát đạt, không biết nghe tin đồn ở đâu Hai Hợi biết Tám Tính vẫn còn sống cô lặn lội đến tìm Tám Tính trong rừng nơi Tám Tính đang dưỡng bệnh Nhưng một lần nữa hạnh phúc lại quay lưng với cô khi Tám Tính đã đem lòng thương yêu một nữ y sĩ Không muốn người khác đau khổ
vì phản bội Hai Hợi tự nguyện ra đi trong sự im lặng đau khổ Trở về quán bar Hai Hợi bị tên Địch bắt ép khi đưa ra những tấm hình ghi lại toàn bộ
chuyến đi của Hai Hợi vào thăm Tám Tính Hắn ra điều kiện với cô “một là
em sẽ bị bắt ngay bây giờ giao cho bọn an ninh quân đội (…) Hai, em sẽ là của tôi, mãi mãi và cũng ngay bây giờ Chọn đi!” Hai Hợi tuy là người đã
trải qua nhiều mối tình song không phải ai, kẻ nào cũng xứng đáng là tình nhân của cô cả Nếu chọn nhẽ thứ hai tức là chịu theo Địch mãi mãi thì cô đã bán mình cho cái ác, không còn là Hai Hợi cá tính giàu lòng trắc ẩn, yêu là yêu hết mình, song không yêu thì không bao giờ khuất phục Cô biết chống đối lại tên trung úy kia tức là chọn con đường chết nhưng không vì ham sống
mà cô theo hắn Hai Hợi sẵn sàng chờ đợi điều đó một cách thản nhiên Hai
Hợi có một kết cục bi thảm “dưới ánh đèn pin, tôi nhìn thấy Hợi đang nằm chết trên giường, không quần áo, da thịt lõa lồ, mớ tóc đen chảy dài xuống đất và… của mình vấy máu!” Sinh ra chịu nhiều thiệt thòi khi ba má mất
sớm, lớn lên sớm phải lao vào cuộc sống mưu sinh rồi tình yêu bao lần lỡ làng, cuộc đời đen bạc nơi thị thành rồi vào rừng chiến đấu Hạnh phúc đến với cô rồi nhanh chóng đi mãi không trở về Kết cục là một cái chết thê thảm không người thân thích Có thể nói cuộc đời Hai Hợi là chuỗi ngày của những
sự kiện đau buồn, không phải cô không ý thức vươn lên nhưng số phận không cho cô được yên vui Suy cho cùng cô cũng là một nạn nhân của cuộc chiến tranh ghê tởm Bi kịch của cô là bi kịch của những con người khao khát được
Trang 40yêu, sống được tự do, sống là chính mình, sống trước hết phải là con người với cả phần con và phần người Nhưng hoàn cảnh không cho những con người đó tồn tại, họ đấu tranh được là mình đồng nghĩa với cái chết, với những khổ đau
Qua hai nhân vật Ba Sương và Hai Hợi ta hiểu được số phận của con người trong cuộc chiến nhất là số phận của người phụ nữ trong cuộc chiến nhiều đau thương Tác phẩm như một tiếng nói cảm thông, một lời đồng cảm với số phận chìm nổi trong chiến tranh và những con người đã từng bước qua cuộc chiến
2.4 Nhân vật bản năng
Theo "Từ điển tiếng Việt": Bản năng tức là phản ứng mà một động vật
(trong đó có con người) có một cách bẩm sinh, không có ý thức đối với thế giới khách quan [16,41].
Nhân vật bản năng là nhân vật sống thiên về bản năng hoặc bị những ham muốn bản năng chi phối đến mức dần đánh mất mình
Đời sống bản năng tự nhiên của con người bao gồm những hoạt động như: ăn, ngủ, đi, nhu cầu vật chất, những ham muốn… và đặc biệt là nhu cầu tình dục Phản ánh con người trong đời sống bản năng tự nhiên là một yêu cầu đối với văn chương Bởi đó cũng là một biểu hiện nhân bản của văn học Tuy nhiên phản ánh như thế nào để vừa tránh được sự dung tục, thô thiển vừa thể hiện được sự hồn nhiên và nét đẹp trong đời sống bản năng tự nhiên của con người lại phụ thuộc vào tài năng và bản lĩnh của người nghệ sĩ Phản ánh con người tự nhiên, khai thác các yếu tố tích cực của con người tự nhiên giúp cho hình ảnh về nó trở nên chân thực hơn, người hơn Chu Lai là nhà văn có sự nhạy cảm đặc biệt đối với những vấn đề thuộc về đời sống bản năng tự nhiên của con người Trong tác phẩm của mình tác giả chú ý thể hiện con người
trong đầy đủ chất tự nhiên vốn có Vấn đề “bản năng” trong văn học đã được